Hội thảo khoa học "Đổi mới chính sách tiền lương ở Việt Nam trong thời kỳ hội nhập hướng tới mức lương bảo đảm cuộc sống"

02:20 26/07/2021

Sáng ngày 18/6/2020, tại Hà Nội, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học "Đổi mới chính sách tiền lương ở Việt Nam trong thời kỳ hội nhập hướng tới mức lương bảo đảm cuộc sống". PGS.TS Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ tham dự Hội thảo.

TS Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nguyên Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia; PGS.TS Nguyễn Bá Chiến, Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội; PGS.TS Nguyễn Quốc Sửu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội đồng chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong nước; đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ.

PGS.TS Nguyễn Bá Chiến, Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Bá Chiến, Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội cho biết, năm 2005, các tổ chức công đoàn và các nhà hoạt động xã hội vì quyền Công đoàn ở châu Á đã cùng nhau thống nhất quan điểm và chiến lược cải thiện mức sống của công nhân, lao động ngành may. Họ đề xuất một khái niệm mới (mà ngày nay đã trở nên phổ biến), đó là mức lương đủ sống (Theo ngôn ngữ Tiếng Anh là LivingWager). Có 2 phương pháp tiếp cận mức lương đủ sống: Phương pháp tiếp cận theo Sàn lương châu Á (AFW) và phương pháp tính theo cách của liên minh lương đủ sống toàn cầu GLWC.

Đây là 2 phương pháp để tính toán mức lương đủ sống theo các chuyên gia về lương ở Việt Nam. Hầu hết các nhà chuyên môn trong lĩnh vực Lao động - tiền lương, đều coi mức lương đủ sống là hướng đi đúng chuẩn mực của các thị trường lao động Việt Nam, trong điều kiện phát triển và hội nhập. Đó không chỉ là mức lương cho người lao động trong ngành may như ý nghĩa nguyên thuỷ lúc đầu. Nó có thể sẽ là chuẩn mực lương chung, trả cho nhiều loại lao động làm công ăn lương của thị trường lao động Việt Nam. Đã từ lâu, Việt Nam chúng ta quen với hai khái niệm: Mức lương cơ sở và mức lương tối thiểu. Mức lương cơ sở được vận dụng cho khối cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc ở khu vực công.

Mức lương tối thiểu vùng được vận dụng cho lao động làm việc trong các doanh nghiệp, các khu công nghiệp, gọi chung là khu vực tư, để phân biệt với khái niệm mức lương cơ sở ở trên. Bộ luật Lao động năm 2019 của Việt Nam, đã có cố gắng định nghĩa và phân biệt khái niệm này. “Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường, nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu cho người lao động và gia đình họ phù hợp với các điều kiện phát triển của xã hội”.

Quang cảnh Hội thảo

PGS.TS Nguyễn Bá Chiến, Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội cho biết, Hội thảo lần này sẽ làm rõ một số vấn đề lớn sau:

Một là, cơ sở lý luận về chính sách trả lương cho công chức, viên chức, người lao động.

Hai là, kinh nghiệm trả lương của một số quốc gia trên thế giới và bài học cho Việt Nam.

Ba là, thực trạng và giải pháp tiền lương của công chức, viên chức, người lao động khu vực công hướng tới mức lương bảo đảm cuộc sống.

Bốn là, thực trạng và giải pháp tiền lương của người lao động khu vực doanh nghiệp hướng tới mức lương bảo đảm cuộc sống.

TS Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nguyên Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, TS Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nguyên Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia cho biết, trong lịch sử nước ta đã trải qua 4 lần cải cách chính sách tiền lương vào các năm 1960, 1985, 1993 và 2004 thành công cũng có, không thành công, thậm chí là thất bại cũng có. Mỗi lần cải cách đều có mục tiêu và yêu cầu phù hợp với từng thời kỳ, nhưng nhìn chung đều hướng đến tăng tiền lương cho người hưởng lương và bảo đảm các cân đối vĩ mô của quốc gia hay khả năng của doanh nghiệp, gắn tiền lương với năng suất và hiệu quả làm việc, tiền lương phải trở thành nguồn thu nhập chính của người làm công ăn lương. Tuy nhiên về tổng thể thì có thể nhận định có những khu vực chưa đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra nhất là các điều kiện để thực hiện cải cách như chuẩn bị nguồn lực, kế hoạch tinh giản biên chế, sắp xếp bộ máy, cải cách hành chính, đổi mới cơ chế quản lý tài chính. Tiền lương chưa là nguồn thu nhập chính để người hưởng lương sống chủ yếu bằng tiền lương, chưa trở thành động lực để nâng cao năng suất lao động, hiệu quả làm việc, tính bình quân còn cao chưa thực hiện được công bằng xã hội.

Hiện nay, nhà nước đang chuẩn bị thực hiện cải cách chính sách tiền lương lần thứ 5 (giai đoạn 2021 - 2030) theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp với mục tiêu chung là xây dựng hệ thống chính sách tiền lương quốc gia một cách khoa học, minh bạch, phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và chủ động hội nhập quốc tế, xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ; tạo động lực giải phóng sức sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực; góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; bảo đảm đời sống của người hưởng lương và gia đình người hưởng lương, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. 

Như vậy có thể thấy mức lương đủ sống luôn là mục tiêu của cải cách chính sách tiền lương ở Việt Nam nhưng để đạt được cần cả một quá trình với quyết tâm chính trị cao và bằng nhiều biện pháp quyết liệt, đồng bộ và thời điểm đạt được mục tiêu này khó có sự thống nhất tùy theo tính chất, điều kiện của từng khu vực.


PGS.TS Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ nêu ra một số quan điểm chỉ đạo trọng tâm trong Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương ngày 21/5/2018: một là, chính sách tiền lương là một chính sách đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế - xã hội. Tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống người lao động và gia đình người hưởng lương; trả lương đúng là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội; thúc đẩy, nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững; hai là, cải cách chính sách tiền lương phải bảo đảm tính tổng thể, hệ thống, đồng bộ, kế thừa và phát huy những ưu điểm, khắc phục có hiệu quả những hạn chế, bất cập của chính sách tiền lương hiện hành; tuân thủ nguyên tắc phân phối theo lao động và quy luật khách quan của kinh tế thị trường, lấy tăng năng suất lao động là cơ sở để tăng lương; đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; có lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và nguồn lực của đất nước; ba là, cải cách chính sách tiền lương là yêu cầu khách quan, là nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi quyết tâm chính trị cao trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thúc đẩy cải cách hành chính; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế; đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập...

PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng: tiền lương phải được trả dựa trên tính chất, hiệu quả công việc được giao.
TS Phạm Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, TS Phạm Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, cách tính lương tối thiểu của Việt Nam mới là mức tối thiểu để thoát nghèo, chưa phải là lương tối thiểu đảm bảo một cuộc sống tối thiểu tử tế trong điều kiện kinh tế phát triển. Mức tối thiểu để thoát nghèo thường được áp dụng trong điều kiện đất nước ưu tiên phát triển kinh tế, nhưng trong giai đoạn hiện nay, lương tối thiểu phải là lương đủ sống để thực hiện phát triển toàn diện và bao trùm, không ai bị bỏ lại phía sau. Vì vậy, trong điều kiện Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình, lương tối thiểu Việt Nam cần hướng tới phải là mức lương tối thiểu đủ sống. Điều này có nghĩa là công thức tính lương tối thiểu của Việt Nam đã áp dụng từ năm 2010 đến nay cần phải thay đổi để loại bỏ những bất cập trong cách tính lương tối thiểu nhằm phản ánh mức lương tối thiểu theo đúng nghĩa là lương tối thiểu đủ sống, đáp ứng mức sống tối thiểu, cơ bản nhưng tử tế cho người lao động. 

PGS.TS Mai Quốc Chánh, Trường Đại học Kinh tế quốc dân phát biểu tại Hội thảo.

Góp ý tại Hội thảo, PGS.TS Mai Quốc Chánh, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng giải bài toán tiền lương của công chức hành chính là rất cấp bách, song bên cạnh việc tăng nguồn chi lương; ưu tiên chú trọng vào việc tinh giản bộ máy hành chính và biên chế đội ngũ công chức theo hướng giảm số lượng, tăng cường chất lượng để đảm bảo tiền lương đủ sống cho công chức hành chính.

Chuyên gia Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại Hội thảo.

Cũng tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã thảo luận, trao đổi, chia sẻ các nội dung như: định hướng về chính sách tiền lương và thu nhập của công chức, viên chức, người lao động; đề xuất phương hướng để đạt được mức bảo đảm cuộc sống; kinh nghiệm trả lương của một số quốc gia trên thế giới và bài học cho Việt Nam...

PGS.TS Nguyễn Quốc Sửu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội phát biểu bế mạc Hội thảo.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Quốc Sửu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội trân trọng cảm ơn các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã đóng góp nhiều tham luận, ý kiến có ý nghĩa cả về mặt lý luận và thực tiễn liên quan đến việc đổi mới chính sách tiền lương ở Việt Nam. Những ý kiến phát biểu tại Hội thảo chính là cơ sở, luận cứ khoa học quan trọng để Trường Đại học Nội vụ Hà Nội tham mưu, đề xuất với Bộ Nội vụ và các cơ quan có thẩm quyền trong việc hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách về đổi mới chính sách tiền lương ở Việt Nam trong thời kỳ hội nhập hướng tới mức lương bảo đảm cuộc sống./.

Mạnh Quân

Nguồn: https://tcnn.vn/news/detail/47744/Hoi-thao-khoa-hoc-Doi-moi-chinh-sach-tien-luong-o-Viet-Nam-trong-thoi-ky-hoi-nhap-huong-toi-muc-luong-bao-dam-cuoc-song.html

Thong ke

Tiến sĩ Nguyễn Trung Thành

Phạm Trọng Đạt

Tiến sĩ Bùi Hải Thiêm

Tỉ giá hối đoái