Bảo vệ quyền của cá nhân đối với hình ảnh theo quy định của pháp luật

15:20 04/08/2021

Quyền riêng tư bao gồm bí mật cá nhân, đời sống riêng tư… là một trong những quyền cơ bản của công dân được pháp luật bảo vệ. Theo đó, khi nghi ngờ hoặc phát hiện người khác có hành vi xâm phạm quyền cá nhân, riêng tư của mình, chúng ta cần tố cáo ngay với cơ quan Công an có thẩm quyền để kịp thời có biện pháp xử lý, đồng thời, thực hiện các công việc trong khả năng để ngăn chặn thông tin tiếp tục bị lộ như thông báo khóa tài khoản, đăng nhập tài khoản… Khi đó, người xâm phạm quyền cá nhân, riêng tư của người khác tùy theo mức độ của hành vi vi phạm và hậu quả gây ra có thể bị xử lý vi phạm hành chính, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự và bồi thường thiệt hại (nếu có).

Có được tự ý chụp ảnh, quay lén người khác?

Căn cứ Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 theo đó, người có hành vi tự ý chụp ảnh, quay và sử dụng hình ảnh mà không có sự đồng ý của người khác nếu xâm phạm đến nhân phẩm, danh dự của người đó thì được coi là hành vi vi phạm pháp luật.

Bộ luật Dân sự 2015 quy định uy tín, danh dự, nhân phẩm của công dân được pháp luật bảo vệ. Nếu cá nhân bị lộ hình ảnh, thông tin ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, hoặc thiệt hại khác thì có thể yêu cầu người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai, yêu cầu bồi thường hoặc khởi kiện lên Tòa án theo quy định pháp luật để yêu cầu bồi thường.

Cụ thể, người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015 và một khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu.

Còn trường hợp sử dụng hình ảnh sai sự thật nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác trên mạng xã hội sẽ vi phạm điểm e, khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, theo đó có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng về hành vi “Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật”.

Có được ghi âm cuộc trò chuyện?

Theo quy định của pháp luật dân sự, ghi âm là quyền của cá nhân trong việc sử dụng, khai thác chức năng, công dụng của người có tài sản có chức năng thu, phát âm thanh. Tuy nhiên, quyền này được thực hiện trong khuôn khổ không làm ảnh hưởng hay gây ra bất cứ tổn hại hoặc không nhằm mục đích xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.

Do đó, đối với việc tự ý ghi âm cuộc gọi, hiện nay pháp luật chưa có quy định cấm không được thực hiện việc ghi âm này. Việc ghi âm có thể được tiến hành để nhằm cung cấp nội dung chứa đựng chứng cứ chứng minh các tình tiết có ý nghĩa trong việc giải quyết các tranh chấp hoặc làm rõ các sự kiện pháp lý trong quá trình tố tụng. Nhưng nếu người có hành vi ghi âm sử dụng nội dung ghi âm được vào những mục đích khác như đe dọa nhằm mục đích riêng hoặc nhằm gây tổn hại tới danh dự, nhân phẩm, hạ thấp uy tín của người khác, xúc phạm người khác, tiết lộ bí mật cá nhân hoặc bí mật kinh doanh của doanh nghiệp… của người khác, thì việc tiến hành ghi âm để thực hiện các mục đích nêu trên là hành vi trái pháp luật.

Hậu quả pháp lý đối với người thực hiện lúc này sẽ dựa trên quy định pháp luật hiện hành và các thiệt hại thực tế xảy ra, cơ quan nhà nước xem xét tính chất và hậu quả hành vi để áp dụng biện pháp xử lý cũng như hình phạt thỏa đáng theo quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, hành vi “ghi âm” cuộc gọi điện thoại là trái pháp luật tại thời điểm người thực hiện thực hiện hành vi này mà không được sự đồng ý của người tham gia đàm thoại sẽ được coi là hành vi vi phạm. Hành vi ghi âm trái pháp luật sẽ bị xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng căn cứ Điều 102, khoản 3, điểm q, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP.  Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi 2017 cũng quy định về việc xử lý hình sự đối với hành vi “Nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật”  tại điểm c, khoản 1, Điều 159 quy định người nào thực hiện hành vi “Nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật” mà trước đó đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20 triệu đến 50 triệu đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Trong trường hợp phạm tội quy định tại khoản 2 Điều 159 Bộ luật Hình sự: Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Phạm tội 02 lần trở lên; Tiết lộ các thông tin đã chiếm đoạt, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; Làm nạn nhân tự sát, thì người phạm tội có thể bị phạt tù cao nhất đến 03 năm.

Có được dùng hình ảnh người khác để minh họa, quảng cáo?

Căn cứ Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về "Quyền của cá nhân đối với hình ảnh", theo đó, việc một cá nhân hay tổ chức bất kỳ sử dụng hình ảnh của người khác cho mục đích nào đó (không phân biệt thương mại hay phi thương mại) mà chưa được phép của người có quyền cá nhân đối với hình ảnh đó thì được xem là hành vi vi phạm pháp luật.

Mặt khác, theo quy định tại khoản 8 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012, theo đó, một trong những hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo là quảng cáo sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của các nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép. Căn cứ khoản 2 Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 thì trường hợp được pháp luật cho phép bao gồm:

– Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng.

– Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng như hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

Như vậy, căn cứ khoản 3 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP, theo đó doanh nghiệp thực hiện quảng cáo bị cấm này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, mức tiền phạt từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng và buộc phải tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo. Người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.

Làm thế nào khi bị ghép ảnh bôi nhọ?

Nếu cá nhân bị ghép ảnh bôi nhọ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, hoặc thiệt hại khác, khi có tài liệu, bằng chứng cụ thể thì có thể yêu cầu người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai, yêu cầu bồi thường hoặc khởi kiện lên Tòa án theo quy định pháp luật để yêu cầu bồi thường căn cứ theo Bộ luật Dân sự 2015.

Có được đọc trộm tin nhắn của người yêu/ vợ chồng/ người khác?

Không được đọc trộm tin nhắn của người khác.

Hành vi đọc trộm tin nhắn của người khác vi phạm vào khoản 1 Điều 159 Bộ luật Hình sự 2015 về tội "Xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác". Do đó, hành vi đọc trộm tin nhắn là trái với quy định pháp luật, có thể bị xử lý tội "Xâm phạm tính bảo mật của thư từ, điện thoại, điện tín hoặc các hình thức trao đổi thông tin cá nhân khác".

Có được thuê thám tử theo dõi chồng và nhân tình?

Có nhưng không khuôn khổ pháp luật cho phép.

Cụ thể, trong quy định tại Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật đầu tư thì hoạt động thám tử không bị coi là một ngành nghề cấm. Theo Quyết định 27/2018/QD-TTg ban hành hệ thống ngành nghề kinh tế Việt Nam thì cũng quy định dịch vụ điều tra là một ngành nghề hợp pháp được kinh doanh. Do đó, hoạt động thám tử vẫn được coi là một hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

Tuy nhiên, căn cứ theo Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 thông tin về đời tư, các thông tin thuộc về bí mật cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, sử dụng, tiết lộ thông tin liên quan đến cuộc sống và bí mật cá nhân phải được sự đồng ý của người đó.

Chính vì vậy, mọi hành vi xâm phạm quyền riêng tư đều là hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam. Cả hai bên cung cấp thông tin cá nhân của người khác và dịch vụ thám tử sử dụng thông tin đó để điều tra, theo dõi có thể bị xử lý theo các quy định hiện hành.

Ai có quyền kiểm tra điện thoại và các tài khoản cá nhân khác?

Căn cứ theo khoản 1, khoản 2 Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về “Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình” như sau:

“1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý…”

Điện thoại và các loại tài khoản đều thuộc về bí mật đời tư của chủ sở hữu và được pháp luật tôn trọng, bảo vệ. Vì vậy, không phải ai cũng có quyền được kiểm tra điện thoại và các tài khoản cá nhân của người khác mà chỉ các trường hợp được pháp luật cho phép hoặc được sự đồng ý của chủ sở hữu.

Trong một số trường hợp, cơ quan có thẩm quyền có thể xem xét, tịch thu, kiểm tra điện thoại của một người, cụ thể:

Khi xử lý vi phạm hành chính: Theo Điều 119, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định khám đồ vật trong đó có điện thoại di động là một trong những biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính trong trường hợp cần ngăn chặn kịp thời vi phạm hành chính hoặc để bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính. Do đó, trường hợp điện thoại có căn cứ cho rằng trong đó có cất giấu tang vật vi phạm hành chính thì cơ quan công an có thẩm quyền khám điện thoại của cá nhân, gồm các chủ thể quy định tại khoản 3, Điều 128 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012: Trưởng Công an phường; Trưởng Công an cấp huyện; Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát trật tự, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ…; Chiến sĩ Cảnh sát nhân dân đang thi hành công vụ được khám điện thoại nếu có căn cứ cho rằng nếu không khám ngay thì tang vật vi phạm hành chính sẽ bị tẩu tán, tiêu hủy và phải báo cáo ngay cho Thủ trưởng trực tiếp của mình, chịu trách nhiệm về việc khám. Tuy nhiên, các chủ thể trên cũng chỉ được khám xét, thu giữ các dữ liệu có liên quan trực tiếp đến vụ việc vi phạm hành chính, còn các dữ liệu khác phải đảm bảo được tôn trọng, bảo vệ bí mật tuyệt đối.

Khi giải quyết vụ án hình sự: Theo khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định việc khám xét chỉ xảy ra trong các trường hợp:

– Khi có căn cứ để nhận định trong phương tiện đó có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, dữ liệu điện tử, tài liệu khác có liên quan đến vụ án.

– Khi cần phát hiện người đang bị truy nã, truy tìm và giải cứu nạn nhân.

Theo đó, cơ quan Công an có thẩm quyền ra lệnh khám xét gồm các chủ thể sau: Thủ trường, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp; Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp trong trường hợp khẩn cấp.

Như vậy, chỉ các trường hợp pháp luật quy định trên thì cá nhân, tổ chức có thẩm quyền mới quyền kiểm tra điện thoại của cá nhân khác. Còn đối với các tài khoản cá nhân thì cũng phải có căn cứ để phục vụ quá trình điều tra, thanh tra thì cơ quan, tổ chức mới có quyền truy cập, đồng thời tất cả phải được thể hiện bằng văn bản hoặc phải được sự đồng ý của chủ các tài khoản này.

Làm thế nào khi bị xâm phạm quyền cá nhân, riêng tư?

Quyền riêng tư bao gồm bí mật cá nhân, đời sống riêng tư… là một trong những quyền cơ bản của công dân được pháp luật bảo vệ. Theo đó, khi nghi ngờ hoặc phát hiện người khác có hành vi xâm phạm quyền cá nhân, riêng tư của mình, chúng ta cần tố cáo ngay với cơ quan Công an có thẩm quyền để kịp thời có biện pháp xử lý, đồng thời, thực hiện các công việc trong khả năng để ngăn chặn thông tin tiếp tục bị lộ như thông báo khóa tài khoản, đăng nhập tài khoản…

Khi đó, người xâm phạm quyền cá nhân, riêng tư của người khác tùy theo mức độ của hành vi vi phạm và hậu quả gây ra có thể bị xử lý vi phạm hành chính, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự và bồi thường thiệt hại (nếu có).

Luật sư NGUYỄN ĐỨC HÙNG
Phó Giám đốc Hãng Luật TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội
Thong ke

Tiến sĩ Nguyễn Trung Thành

Phạm Trọng Đạt

Tiến sĩ Bùi Hải Thiêm

Tỉ giá hối đoái