Bảo đảm trách nhiệm giải trình gắn liền với quyền tiếp cận thông tin tại Việt Nam
16:19 07/08/2021
Trách nhiệm giải trình và mối quan hệ với quyền tiếp cận thông tin
Trách nhiệm giải trình được hiểu là cung cấp, lý giải thông tin một cách đầy đủ, rõ ràng về hoạt động của chủ thể giải trình và phải chịu trách nhiệm về hoạt động đó. Trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước bao gồm hai nội dung cơ bản là việc cung cấp và lý giải thông tin do mình cung cấp, gắn với trách nhiệm pháp lý của tổ chức, cá nhân giải trình.
Việc bảo đảm trách nhiệm giải trình đi liền với các cơ chế, quy định pháp luật về tính công khai, minh bạch dân chủ trong hoạt động của cơ quan công quyền. Đây là một trong những yêu cầu của việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của cơ quan hành chính nhà nước trong nền hành chính công hiện đại và thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Như vậy, trong nội hàm khái niệm trách nhiệm giải trình đã bao gồm cả nghĩa vụ cung cấp và lý giải thông tin, hay nói cách khác đó là nghĩa vụ thực hiện quyền tiếp cận thông tin của người dân. Quyền tiếp cận thông tin là một trong những quyền cơ bản của con người, được ghi nhận chính thức tại Điều 25, Hiến pháp năm 2013 và được thể chế hoá tại Luật Tiếp cận thông tin năm 2016. Tinh thần của quyền tiếp cận thông tin chính là sự công khai hóa các hoạt động, các thông tin do Nhà nước nắm giữ đối với công chúng.
Với vai trò là một quyền cá nhân, người dân được quyền yeu cầu các cơ quan công quyền phải bảo đảm quyền tìm kiếm, tiếp nhận và chia sẻ thông tin của mình theo quy định của pháp luật. Đồng thời, người dân thực hiện quyền yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm giải trình về những thông tin đã cung cấp. Như vậy, vấn đề bảo đảm quyền tiếp cận thông tin và trách nhiệm giải trình có quan hệ chặt chẽ với nhau, quyền tiếp cận thông tin thúc đấy trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước và ngược lại. Việc cung cấp thông tin dù dưới hình thức chủ động hay bị động nhưng không đủ để đối tượng tiếp cận thông tin một cách thực chất và minh bạch thì chưa đủ bảo đảm trách nhiệm giải trình.
Bên cạnh đó, trách nhiệm giải trình còn được coi là một phương thức bảo đảm cho kiểm soát, giám sát, thực thi quyền lực nhà nước. Khi các chủ thể giám sát nắm được nhiều thông tin vè hoạt động của cơ quan hành chính sẽ yêu cầu cơ quan hành chính trả lời hay công khai các hoạt động của mình một cách sát hợp, đồng thời, đây cũng là tìn đề cho việc đưa ra các ý kiến phản biện chính sách xác đáng, từ đó góp phần nâng cao chất lượng việc ban hành chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan quản lý nhà nước.
Việc bảo đảm trách nhiệm giải trình găn với quyền tiếp cận thông tin ở Việt Nam
Luật pháp Việt Nam quy định rõ về trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước, điển hình là tại Hiến pháp năm 2013, Luật Tiếp công dân năm 2013, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 … Các luật này quy định về trách nhiệm báo cáo của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trước những cơ quan cấp trên và với người dân. Những quy định được cụ thể hóa dưới luật như: Nghị định 90/2013/NĐ-CP quy định trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; Nghị định 59/2019/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng, chống tham nhũng. Nghị định 04/2015/NĐ-CP về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập …
Đơn cử, tại Nghị định số 90/2013/NĐ-CP cũng chỉ rõ trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong việ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Theo đó, các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ quan hành chính nhà nước và người có thẩm quyền có trách nhiệm giải trình đối với những nội dung liên quan đến việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác khi các tổ hức, cá nhân đó yêu cầu, ngoại trừ các nội dung thông tin liên quan đến bí mật nhà nước, liên quan đến việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong nội bộ cơ quan nhà nước, thông tin thuộc bí mật đời tư, bí mật kinh doanh và các nội dung đã được giải trình … Người giải trình là người đứng đầu cơ quan nhà nước hoặc được người đứng đầu ủy quyền có trách nhiệm cung cấp, giải thích, làm rõ các thông tin về nhiệm vụ được giao và trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ đó. Đối với những yêu cầu giải trình trực tiếp có nội dung đơn giản, người giải trình có thể thực hiện giải trình trực tiếp và người yêu cầu giải trình ký hoặc điểm chỉ xác nhận vào biên bản thực hiện việc giải trình. Đối với những yêu cầu giải trình khác, sau khi tiến hành nghiên cứu nội dung yêu cầu, làm việc trực tiếp với người yêu cầu để làm rõ những nội dung liên quan khi cần thiết, người giải trình phải ban hành và gửi văn bản giải trình đến người yêu cầu.
Tại Khoản 1, Điều 15 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định về trách nhiệm giải trình: Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm giải trình về quyết định, hành vi của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tác động trực tiếp bởi quyết định, hành vi đó. Người thực hiện trách nhiệm giải trình là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc người được phân công, người được ủy quyền hợp pháp để thực hiện trách nhiệm giải trình. Theo đó, nội dung về trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước và quyền được yêu cầu giải trình của người dân được quy định chi tiết tại Nghị định số 59/2019/NĐ-CP, ngày 01/7/2019, của Chính phủ “về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng”.
Theo kết quả khảo sát của Viện Khoa học Môi trường và Xã hội được thực hiện tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đắk Lắk cho thấy, có 74.2% số người dân yêu cầu chính quyền địa phương tại nơi mình sinh sống thực hiện trách nhiệm giải trình và các cơ quan hành chính nhà nước cũng thực hiện trách nhiệm giải trình một cách khá đẩy đủ về cơ sở pháp lý (95.6%), thẩm quyền (95.6%), trình tự thủ tục (96.3%) và nội dung (96.1%) của việc ban hành quyết định, thực hiện hành vi hành chính. Tuy nhiên, đây chỉ là hình thức giải trình theo yêu cầu. Các cơ quan nhà nước vẫn chưa hình thành được ý thức chủ động công khai thông in cho người dân, chỉ có 19.5% các công chức được hỏi trả lời rằng họ chủ động cung cấp thông tin cho người dân.
Với đặc điểm về văn hóa và xã hội ở nước ta hiện nay thì hình thức giải trình trả lời trực tiếp với người dân là phương pháp phổ biến nhất. Lý do là khi gặp những thắc mắc người dân thường có xu hướng lên trực tiếp trụ sở cơ quan có thẩm quyền để hỏi, thay vì tìm hiểu trước qua các phương tiện như internet, các phương tiện truyền thông khác, từ đó dẫn đến tình trạng các cơ quan có trách nhiệm giải trình không thể thường xuyên thực hiện việc gửi văn bản trả lời được tất cả những cá nhân, tổ chức có yều cầu giải trình hay đăng thông tin lên phương tiện thông tin đại chúng vì phải tập trung giải quyết những vướng mắc của người dân làm việc trực tiếp tại trụ sở. Do vậy, có 66.5% (Hình 1) số người dân được hỏi nhận báo cáo giải trình của các cơ quan nhà nước thông qua hình thức trả lời trực tiếp; việc trả lời các yêu cầu giải trình thông qua các trang điện tử 17.6%, qua phương tiện thông tin đại chúng 29.7%.
Thực trạng phản ánh người dân còn ít tiếp xúc với các trang thông tin điện tử của chính quyền địa phương, đồng thời chính quyền cũng chưa có những biện pháp hiệu quả để tuyên truyền, giới thiệu cho người dân về việc tiếp cận với thông tin đã được công bố và giải tình. Mặt khác, các trang thông tin điện tử của các cơ quan tại địa phương chưa được đầu tư phát triển tương xứng – đây có thể coi là một trở ngại với việc thực hiện chính phủ điện tử ở nước ta hiện nay.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, các địa phương đang ngày càng tiếp cận tiếp cận được gần với người dân, tạo được lòng tin của người dân bằng hoạt động giải trình, đưa ra những thông tin hợp lý, chính xác, giải đáp được khúc mắc của người dân. Tỷ lệ người dân được hỏi cảm thấy hài lòng về kết quả giải trình của chính quyền địa phương chiếm 77.6% (Bảng 1); tuy nhiền, vẫn còn tới 22,4% người dân cảm thấy không hài lòng về kết quả của hoạt động giải trình.
Chúng ta đang phấn đấu xây dựng “chính phủ liêm khiết”, “chính phủ phục vụ”, trong việc thực hiện trách nhiệm giải trình là một nguyên tắc mang tính bắt buộc. Khi nào người dân còn chưa thể thực hiện quyền tiếp cận thông tin một cách đầy đủ thì không thể có một nền hành chính phục vụ. Thời gian gần đây, nhiều vụ việc khiếu nại, khiếu kiện kéo dài và có chiều hướng phức tạp xảy ra ở nhiều nơi. Nếu nhìn nhận vấn đề dưới góc độ “trách nhiệm giải trình” thì có thể thấy, hầu hết các vụ việc kéo dài đều có nguyên nhân “chưa thực hiện đúng hoặc chưa thực hiện tốt trách nhiệm giải trình” đối với người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Bởi, khi thực hiện trách nhiệm giải trình có hiệu quả thì sẽ mở ra một kênh đối thoại trực tiếp với người dân và các cơ quan nhà nước, giúp người dân được tiếp cận thông tin đầy đủ hơn, được giải đáp các thắc mắc, cũng như nhận được sự tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng. Khi đó, sự đồng thuận và niềm tin vào Đảng, Nhà nước, vào sự công minh của hệ thống pháp luật chắc chắn sẽ gia tăng.
Như vậy, việc thực hiện trách nhiệm giải trình là một nghĩa vụ đương nhiên của các cơ quan hành chính nhà nước. Tuy nhiên, việc giải trình cũng không thể tùy tiện, mà phải thự hiện theo đúng trình tự, thủ tụ, quy định của pháp luật.
Giải pháp bảo đảm trách nhiệm giải trình gắn với quyền tiếp cận thông tin của người dân.
Thứ nhất, bảo đảm việc các cơ quan nhà nước phải công bố thông tin và tạo cơ chế thuận lợi thúc đẩy trách nhiệm giải trình.
Về chính sách pháp luật, cần phải tiếp tục hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, đặc biệt là tiến hành kiểm tra việc thực hiện Luật Tiếp cận thông tin, Nghị định số 59/2019/NĐ-CP và Nghị định 13/2018/NĐ-CP … của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và ủy ban nhân dân các cấp. Minh định rõ hơ các tiêu chí, ddieuf kiện thế nào là "thông tin gây nguy hại hoặc ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quốc phòng, an ninh quốc gia, quan hệ quốc tế, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; tính mạng, cuộc sống hoặc tài sản của người khác" hoặc thông tin nào là "cần thiết vì lợi ích công cộng, sức khỏe của cộng đồng", từ đó thuận lợi hơn cho quá trình thực hiện trách nhiệm giải trình, góp phần giảm bớt tâm lý e ngại của cán bộ, công chức khi cung cấp thông tin cho người dân, khuyến khích các cơ quan nhà nước chủ động cung cấp, giải trình thông tin, thay vì bị động, phần lớn được yêu cầu mới thự hiện như hiện nay.
Về năng lực cán bộ công chức, tiếp tục tổ chức tập huấn Luật Tiếp cận thông tin cho các cơ quan nhà nước và các đầu mối cung cấp thông tin, trong đó đặc biệt nhấn mạnh trách nhiệm và các nội dung công việc các cơ quan nhà nước cần làm, được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Đồng thời, phải xây dựng rõ ràng tiêu chuẩn về năng lực, trình độ cũng như chỉ định nhiệm vụ cụ thể của cán bộ được giao làm đầu mối cung cấp thông tin của các cấp cơ quan.
Để giảm thiểu tâm lý e ngại của người dân khi yêu cầu tiếp cận thông tin, cần đặt ra những quy chuẩn về ứng xử của cán bộ, công chức, đồng thời xây dựng cơ chế khiếu nại, tố cáo của người dân đối với những cán bộ có thái độ sách nhiễu, thiếu hợp tác, có những chế tài xử phạt thích đáng đối với những hành vi đó. Những thông tin, văn bản được công khai, minh bạch cung cấp cho người dân cần phải ghi rõ, nêu rõ cơ quan, cá nhân sẽ tiếp nhận yêu cầu giải trình nếu có bất kỳ thắc mắc nào của người dân.
Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra quá trình xây dựng chính sách và thực hiện trách nhiệm của các cơ quan nhà nước và đáp ứng quyền tiếp cận thông tin của người dân. Các hoạt động này cần được tiến hành thường xuyên, định kỳ để có thể phát hiện những thiếu sót của các quy trình trong hoạt động của nội bộ của các cơ quan nhà nước hoặc những sai phạm trong hoạt động cung cấp thông tin cho người dân và thực hiện giải trình với những thông tin đó. Kiểm tra, thanh tra định kỳ còn có thể dự đoán được các rủi ro sẽ xảy ra, từ đó tìm các biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa.
Thứ hai, hiện đại hóa và gia tăng các kênh tương tác giữa chính quyền và người dân. Đẻ thực hiện đầy đủ việ công bố thông tin theo yêu cầu của người dân, các cơ quan nhà nước cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin về các nội dung thuộc nhiệm vụ mình quản lý. Hệ thống dữ liệu này nên có sự liên thông giữa các cơ quan có liên quan và bộ phận “một cửa”, trung tâm hành chính công của các cấp chính quyền. Đồng thời, trên cổng thông tin điện tử trên cổng thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị cần xây dựng chuyên mục về tiếp cận thông tin, hướng dẫn người dân khai thác, tìm kiếm, sử dụng thông tin với các bước thực hiện cụ thể. Nếu công dân không tìm được thông tin trên danh mục thông tin công khai thì có thể liên hệ trực tiếp với các đầu mối cung cấp thông tin để nhận hỗ trợ với các mẫu phiếu yêu cầu cung cấp thông tin được đính kèm. Bố trí cán bộ có trình độ và kiến thức chịu trách nhiệm trả lời, giải thích cho những câu hỏi, khúc mắc mà người dân yêu cầu.
Đồng thời, cần đa dạng hóa các kênh giao tiếp, tăng cường tương tác trực tuyến giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền các cấp. Đẩy mạnh việc xây dựng chính phủ điện tử. Mọi quan hệ giữa chính phủ và ông dân phải dựa trên nguyên tắc vè tính minh bạch, công khai và thuận tiện; bảo đảm sự kiểm soát và giám sát lẫn nhau giữa công dân với chính phủ, hướng đến một chính phủ của nhân dân, vì nhân dân, phục vụ nhân dân theo đúng nghĩa.
---------------------------------------
* Bài viết là sản phẩm của đề tài cấp Quốc gia“Công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” mã số KX 01.41/16-20, thuộc Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Quốc gia KX.01/16-20.
Tài liệu tham khảo.
1. Báo cáo kết quả chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công (PAPI) năm 2019.
2. Tóm tắt Báo cáo đánh giá ban đầu việ thực thi Luật Tiếp cận thông tin năm 2020 của Tổ chức CARE Việt Nam.
3. Tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và quyền tiếp cận thông tin (Transparency, Accountability and Access to Information); https://www.stabroeknews.com/2016/12/30/features/transparency-institute/transparency-accountability-access-information/
4. Hà Ngọc Anh, Trách nhiệm giải trình của chính quyền địa phương; http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=210421
5. Tiếp cận thông tin và trách nhiệm giải trình (Access to information and Accountability); https://www.icrc.org/en/document/access-information-and-accountability
Nguồn: Tạp chí Cộng sản, số 950 (9-2020), trang 39-43