Về trách nhiệm nuôi con của nam giới sau ly hôn – thực trạng và giải pháp
16:09 15/07/2024
1. Đặt vấn đề
Trong quá trình chuyển dịch lối sống từ truyền thống sang hiện đại của gia đình Việt Nam từ truyền thống sang hiện đại, tính cố kết trong quan hệ giữa các thành viên cũng như trong quan hệ hôn nhân dường như thiếu chặt chẽ hơn. Sự thay đổi của xã hội trong nhìn nhận về vị thế của người phụ nữ, sự đa dạng hóa mô hình hôn nhân đã tác động trực tiếp tới mô hình và cấu trúc gia đình, làm cho tính chất của vấn đề ly hôn xa dần các quan niệm trước đây. Trước hiện tượng trên, tác giả nghiên cứu về chia sẻ trách nhiệm nuôi con của nam giới sau ly hôn – thực trạng và giải pháp1, qua đó, nhằm góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao vị thế của phụ nữ trong gia đình và trong xã hội.
2. Thực trạng ly hôn ở Việt Nam thời gian qua
Thực tế, tỷ lệ ly hôn ở Việt Nam giai đoạn 2000 – 2020 đã tăng dần từ 0,66% – 1,64%; năm 2021 giảm còn 1,25% và tỷ lệ ly hôn chung ở Việt Nam giai đoạn 2000 – 2016 cũng tăng dần từ 0,97% lên 2,69% (Trần Thị Minh Thi, 2020). Số liệu từ Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, cả nước có 18.308 vụ ly hôn đã xét xử năm 2013; tăng thành 19.960 vụ năm 2014; 24.101 vụ năm 2015 và 24.308 vụ năm 2016 (Tổng cục Thống kê, 2014, 2016). Thống kê của Tòa án nhân dân tối cao cho biết, năm 2018, các vụ hôn nhân và gia đình mà tòa án thụ lý là 262.906 vụ (trong đó ly hôn do mâu thuẫn gia đình chiếm tới 73,6%). Năm 2019, tòa án thụ lý 256.793 vụ (trong đó ly hôn do mâu thuẫn gia đình chiếm 84,2%)2, điều này nói lên hiện tượng đáng báo động gia đình trẻ Việt ngày càng thiếu sự gắn bó và bền vững.
Một nghiên cứu khác cho thấy, tỷ lệ ly hôn trên tổng số kết hôn ở Việt Nam năm 2010 là 11,4%. Tỷ lệ này tiếp tục tăng dần đến 25,1% vào năm 2020 và giảm nhẹ còn 24,3% vào năm 2021 (Trần Thị Minh Thi, 2023). Các nghiên cứu ở Việt Nam khi đề cập tới vấn đề ly hôn thường tập trung tìm hiểu thái độ, nguyên nhân và hậu quả của ly hôn (Nguyễn Thanh Tâm, 2022; Vũ Mạnh Lợi, Trần Nguyệt Minh Thu, 2021; Trần Thị Cẩm Nhung, 2014; Trần Thị Minh Thi, 2014, 2020). Trong các cuộc ly hôn, một vấn đề quan trọng đặt ra là quyền lợi của trẻ em cần phải được bảo đảm tốt nhất. Khi bàn về hệ quả/hậu quả của ly hôn, nhiều nghiên cứu đề cập tới những hậu quả đối với trẻ em là con của các cuộc ly hôn đó cũng như những hậu quả mà người phụ nữ phải chịu đựng. Một trong những hậu quả của trẻ em và phụ nữ trong các cuộc ly hôn được đề cập là sự thiếu trách nhiệm của nam giới – người cha trong việc bảo đảm quyền lợi được nuôi dạy của người con.
(1) Xu hướng trẻ em sống với mẹ sau ly hôn.
Qua nhiều nghiên cứu, có thể thấy, phụ nữ thiệt thòi hơn trong cuộc sống hôn nhân và cả khi kết thúc cuộc hôn nhân. Trách nhiệm nuôi con phần lớn đều do người mẹ đảm nhiệm, xuất phát từ việc không yên tâm với việc chăm sóc của người cha, tình yêu thương con, thói quen được chăm sóc con mỗi ngày (Vũ Mạnh Lợi, Trần Nguyệt Minh Thu, 2021). Điều này có thể giải thích xu hướng vai trò giới truyền thống trong chăm sóc con cái vẫn khá mạnh mẽ ở Việt Nam. Xu hướng trẻ em sống với cha sau khi ly hôn thấp hơn nhiều so với các bà mẹ. Đa số phụ nữ mong muốn chăm sóc con cái sau ly hôn và nhiều khi hy sinh hạnh phúc riêng vì con, coi con là nguồn an ủi động viên quan trọng sau chia tay (Trần Thị Minh Thi, 2014, 2020).
Mặc dù phụ nữ thường là người giành quyền nuôi con và việc tranh chấp trong giành quyền nuôi con là một trong những vấn đề đặt ra cho mỗi cuộc ly hôn nhưng quyền thăm nuôi hay cấp dưỡng cho con nhận được sự quan tâm khá ít của các cặp vợ chồng trong quá trình ly hôn. Điều đáng chú ý là, có một tỷ lệ khá cao nhiều cá nhân không quan tâm đến các nội dung pháp lý, quyền lợi khi ly hôn. Bên cạnh đó, nhiều phụ nữ khi ly hôn thường quan tâm nhiều hơn đến việc giành được quyền nuôi con, thậm chí họ sẵn sàng không cần đến sự trợ giúp từ phía người cha của đứa trẻ.
(2) Sự chia sẻ trách nhiệm nuôi dạy con sau ly hôn của người cha.
Các nghiên cứu trường hợp cho thấy, trẻ em sống với mẹ thường không nhận được trợ cấp tài chính thường xuyên từ người cha. Nhiều trường hợp cho biết con cái họ hầu như không nhận được sự hỗ trợ nào từ phía người chồng (cũ) của mình hoặc nếu có chu cấp thì rất ít và không đáng kể. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, sau ly hôn, đa số con cái phụ thuộc vào người mẹ. Nếu một mình nuôi con, người phụ nữ sẽ rất vất vả.
Đàn ông ít gắn kết với đứa con hơn so với phụ nữ, họ cũng dễ dàng tái hôn hơn và có gia đình mới với những người con mới nên họ ít để tâm tới người con của cuộc hôn nhân trước. Có trường hợp người chồng cũ không hề cấp dưỡng cho con sau ly hôn (Vũ Mạnh Lợi, Trần Nguyệt Minh Thu, năm 2021).
Bằng chứng từ các nghiên cứu trường hợp cho thấy, ngay cả khi người vợ là người chăm sóc con cái và chồng phải trợ cấp cho con sau khi ly hôn, điều này không phải lúc nào cũng được thực hiện do sự giám sát thực thi pháp luật còn hạn chế. Đặc biệt là ở khu vực nông thôn, người chồng hầu như không đóng góp nuôi dưỡng con cái họ.
Thực tế chứng minh, mối quan hệ giữa mẹ và con cái sau ly hôn thường vẫn gắn bó, kể cả trong trường hợp trẻ sống với người cha. Hầu hết các thông tin được phản ánh trên báo chí liên quan đến việc nuôi con sau ly hôn cũng thường tập trung vào sự không hoàn thành trách nhiệm của người cha.
3. Quy định của pháp luật Việt Nam về nuôi con sau ly hôn
Quan điểm truyền thống thường cho rằng, người mẹ trực tiếp là người chăm sóc con thì sẽ tốt hơn cho đứa trẻ. Trong đa số các trường hợp ly hôn mà con vẫn còn nhỏ, tòa án cũng cho rằng ngay cả khi cả hai cha mẹ đều có khả năng chăm sóc trẻ sơ sinh, người mẹ nên được quyền nuôi trẻ nhỏ. Lý do rõ ràng là do thực tế đặc điểm trẻ sơ sinh phụ thuộc vào thể chất và tình cảm của mẹ hơn bất kỳ ai khác. Duy trì tình trạng đó về cơ bản nhằm bảo đảm tính liên tục trong chăm sóc trẻ.
Hiện nay, Việt Nam duy trì cách tiếp cận truyền thống trong trao quyền nuôi con và hỗ trợ; tức là cấp trách nhiệm nuôi dạy trẻ cho một người và chỉ cấp quyền thăm hỏi cho người kia khi con dưới 18 tuổi. Trong đó, tòa án khuyến khích các phụ huynh không sống cùng được tham gia vào việc nuôi dạy con cái. Trong quyết định ly hôn, tòa án luôn nêu rõ mức đóng góp và phụ cấp của người cha với con dưới 18 tuổi và một số trường hợp là với vợ nhưng thực tế đóng góp nuôi con hằng tháng là thấp, không đều đặn. Tuy nhiên, quy định và hình thức giám sát việc thực hiện quyết định của tòa án về trợ cấp nuôi con và trợ cấp cho vợ/chồng sau ly hôn còn bị bỏ ngỏ mặc dù trong quyết định ly hôn, tòa án luôn nêu rõ mức đóng góp của người cha với con dưới 18 tuổi.
Cụ thể, tại Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau:
Một là, sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan.
Hai là, vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 7 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
Tại Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn thì yêu cầu:
Thứ nhất, cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
Thứ hai, cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
Như vậy, theo Luật Hôn nhân và gia đình quy định: người nào không trực tiếp nuôi con thì có nghĩa vụ cấp dưỡng. Và, mức cấp dưỡng cho con do người cha và người mẹ tự thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Đồng thời, cho đến khi người con thành niên và có khả năng lao động, nghĩa vụ cấp dưỡng của người không trực tiếp nuôi con mới chấm dứt. Mặc dù vậy, nếu vào lứa tuổi thanh niên, con còn đi học và chưa có tài chính ổn định, cha mẹ có thể thỏa thuận để thời gian thực hiện cấp dưỡng dài hơn. Việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hằng tháng, hằng quý, nửa năm, hằng năm hoặc một lần.
Tiền cấp dưỡng nuôi con bao gồm những chi phí tối thiểu cho việc nuôi dưỡng và học hành của con và do các bên thoả thuận. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được thì tùy từng trường hợp cụ thể, vào khả năng của mỗi bên mà quyết định mức cấp dưỡng nuôi con hợp lý.
Thứ ba, mức cấp dưỡng cho con sau ly hôn được xác định cụ thể tại Điều 110 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con. Theo đó, người cha không trực tiếp nuôi dưỡng thì có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản tự nuôi mình.
Về mức cấp dưỡng do hai bên tự thỏa thuận với nhau, nếu không thỏa thuận được có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết. Tòa án sẽ đưa trên các chi phí sinh hoạt, học tập thiết yếu của con và khả năng tài chính của người phải cấp dưỡng để quyết định một mức cấp dưỡng hợp lý, phương thức cấp dưỡng hợp lý bảo đảm quyền lợi cho tất cả các bên. Tuy nhiên, pháp luật cũng không quy định mức cấp dưỡng cụ thể của cha, mẹ đối với con, để tùy nghi trong việc thực hiện trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái mà chỉ quy định:
(1) Mức cấp dưỡng người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
(2) Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Tiền cấp dưỡng nuôi con bao gồm những chi phí tối thiểu cho việc nuôi dưỡng và học hành của con và do các bên thỏa thuận. Mức cấp dưỡng có thể do hai vợ chồng thỏa thuận, nếu không tự thỏa thuận được thì Tòa án sẽ dựa vào những điều kiện trên để quyết định mức cấp dưỡng hợp lý.
4. Một số giải pháp nhằm bảo đảm sự chia sẻ trách nhiệm của nam giới trong việc nuôi dạy con sau ly hôn
Để cải thiện tình trạng thiếu trách nhiệm của người cha đối với việc nuôi con sau ly hôn, cần có một số giải pháp phù hợp với thực tế để giúp nam giới nhận thức rõ hơn nghĩa vụ, trách nhiệm đối với con sau ly hôn và thực hiện trách nhiệm này tốt hơn, cụ thể là:
Thứ nhất, các biện pháp để khắc phục sự bất bình đẳng trong ly hôn cần được đề ra và mang tính cưỡng chế hơn để buộc người bố phải đóng góp nhiều hơn cho việc chăm sóc con cái của họ. Tuy nhiên, cũng cần tránh sự ép buộc quá mức khiến nam giới cảm thấy họ chỉ còn là những người chu cấp kinh tế, thậm chí là bị bóc lột. Do đó, bên cạnh những biện pháp cưỡng chế liên quan đến việc cấp dưỡng thì cũng cần có những biện pháp bảo đảm quyền thăm nom, chăm sóc con cái của nam giới. Tránh trường hợp bị người vợ cũ ngăn cản gặp gỡ, tiếp xúc với con sau ly hôn.
Thứ hai, các cuộc đàm phán về giải quyết tài sản và hỗ trợ vợ chồng nên được tiến hành theo các quy tắc mới mang lại cho phụ nữ một phần lớn hơn trong tài sản hôn nhân để bảo đảm sự ổn định về kinh tế trong quá trình nuôi con sau ly hôn, tránh trường hợp bị “phụ nữ hóa nghèo đói” sau ly hôn.
Thứ ba, trong trường hợp những người cha từ chối thăm con thường xuyên nên chấm dứt quyền thăm con của họ để tránh cho trẻ em không bị xáo động trong cuộc sống về mặt cảm xúc. Mặc dù có nhiều lý do khiến người lớn muốn chấm dứt mọi liên lạc với vợ/chồng cũ (đặc biệt là trong bối cảnh hôn nhân không hạnh phúc) nhưng khi có liên quan đến trẻ em thì rất khó để làm như vậy. Chính sách và quy định pháp luật cần giúp người dân từ bỏ quan niệm “phá vỡ tất cả” mà thay vào đó, thúc đẩy mối quan hệ mới và khác biệt sau ly hôn giữa vợ hoặc chồng cũ vì lợi ích của con cái họ. Nỗ lực thúc đẩy một mối quan hệ khác sau ly hôn có thể bao gồm, cung cấp khả năng tiếp cận hòa giải không chỉ trong các cuộc đàm phán ly hôn mà còn cả sau này khi việc làm rõ hoặc sửa đổi trong các thỏa thuận ly hôn cần thiết do hoàn cảnh gia đình thay đổi. Cũng có thể bao gồm việc đàm phán về các kế hoạch nuôi dạy con cái mà vợ hoặc chồng cũ đưa ra các thỏa thuận rõ ràng liên quan đến cam kết lâu dài sau ly hôn của mỗi bậc cha mẹ sau ly hôn vì hạnh phúc của đứa trẻ.
5. Kết luận
Để huy động tốt hơn những người cha trong việc thúc đẩy trách nhiệm của mình góp phần bảo đảm phúc lợi của con cái, ngoài việc tuyên truyền, vận động rất cần thiết thực hiện nghiêm túc, thậm chí bổ sung các chế tài bắt buộc người cha thực hiện trách nhiệm với con cái sau khi ly hôn. Đồng thời, việc người cha, người chồng thực hiện đầy đủ trách nhiệm nuôi con sau ly hôn còn góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao vị thế của phụ nữ trong gia đình, trong xã hội, đặc biệt bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con cái sau ly hôn.
Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
1. Bài viết là sản phẩm của Đề tài cấp cơ sở “Chia sẻ trách nhiệm của người cha trong nuôi dạy con sau ly hôn – Nghiên cứu trường hợp tại Hà Nội” do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới chủ trì thực hiện năm 2024.
2. Từ Thắng (2022). Gia đình Việt ngày càng thiếu sự gắn bó và bền vững. https://thanhnien.vn/gia-dinh-tre-viet-ngay-cang-thieu-su-gan-bo-va-ben-vung-1851503856.
Tài liệu tham khảo:
1. Vũ Mạnh Lợi, Trần Nguyệt Minh Thu (2021). Vấn đề ly hôn trong xã hội Việt Nam hiện đại (sách chuyên khảo). H. NXB Khoa học xã hội.
2. Quốc hội (2014). Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
3. Nguyễn Thanh Tâm (2002). Ly hôn: Nghiên cứu trường hợp Hà Nội. H. NXB Khoa học xã hội.
4. Trần Thị Minh Thi (2015). Thực trạng phân chia con cái và nhà ở sau ly hôn
hiện nay (nghiên cứu trường hợp Đồng bằng sông Hồng). Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới, Số 6/2015 (quyển 25), tr. 12 – 24.
5. Trần Thị Minh Thi (2014). Model of Divorce in Contemporary Vietnam: A Socio-economic and Structural Analysis of Divorce in the Red River Delta in 2000s. Socal Sciences Publishing House.
6. Trần Thị Minh Thi (2020). Vấn đề ly hôn của các cộng đồng tộc người ở Tây Nam Bộ hiện nay: Thực trạng, nguyên nhân và hệ quả xã hội. Báo cáo nghiên cứu Nafosted. 2023. Ly hôn ở Việt Nam hiện nay: Tính cá nhân, giá trị gia đình và bản sắc văn hóa (Nghiên cứu trường hợp Tây Nam Bộ). H. NXB Khoa học xã hội.
7. Nguyễn Thị Thu Vân (2016). Vị thế của người mẹ đơn thân trong xã hội hiện nay: Nghiên cứu so sánh Hàn Quốc và Việt Nam (sách chuyên khảo). H. NXB Khoa học xã hội.
8. Lê Vân (2022). Nỗi niềm cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn. https://thanhnien.vn/noi-niem-cap-duong-nuoi-con-sau-ly-hon-1851451695.htm.
9. Vũ Thị Minh Huyền (2023). Những phụ nữ thua cuộc chiến đòi tiền nuôi con hậu ly hôn. https://vnexpress.net/nhung-phu-nu-thua-cuoc-chien-doi-tien-nuoi-con-hau-ly-hon-4682550.html.