Vai trò của Trợ giúp viên pháp lý trong việc đề nghị giám định và giám định lại trong một số vụ việc điển hình
09:54 04/04/2022
1. Có đủ điều kiện để trưng cầu giám định nhưng cơ quan tiến hành tố tụng không chấp nhận tiến hành giám định
Khoảng 20 giờ 30 phút ngày 25/9/2019 tại quán của anh Đ.Q.H, ở huyện X, tỉnh T. Sau khi Đ.Q.T gọi nước mía ra uống, anh H đưa cho T 01 cốc nước mía bằng thuỷ tinh, có quai cầm, trên bề mặt cốc có in dòng chữ HUDA cho T. Lúc này, anh V đến quán. Hai bên đều quen biết nhau. Do có chút hiểu lầm, hai bên to tiếng với nhau. Không kiềm chế được bản thân, T cầm cốc thuỷ tinh ném trúng vào gò má bên phải của V làm anh V bị rách gò má, cốc thuỷ tinh rơi xuống đường bị vỡ. Bị T đánh như vậy nên anh V nhảy vào dùng tay đấm trúng miệng T nhưng không gây thương tích. Thấy hai bên xô xát như vậy, anh H can ngăn, kéo T ra. Sau đó anh H định đưa V đi kiểm tra vết thương thì T và V lại lao vào đánh nhau. T dùng tay trái đấm trúng một phát vào mặt anh V làm anh mất thăng bằng ngã đập đầu xuống nền đường bê tông. Một số người dân xung quanh cùng anh H và T đưa V đến trạm xá xã để khâu vết thương. Nhưng đến đêm, anh V thấy buồn nôn, gia đình phải đưa anh đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh T, sau đó chuyển ra Bệnh viện Đ ở tuyến Trung ương. Kết luận giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích của anh V là 50%.
Đ.Q.T bị Viện KSND huyện X truy tố về tội “Cố ý gây thương tích” và đề nghị mức án từ 24 đến 30 tháng tù giam. Vì gia đình Đ.Q.T có hoàn cảnh khó khăn, thuộc hộ nghèo nên Trung tâm TGPL tỉnh T đã cử Trợ giúp viên pháp lý H làm người bào chữa cho T.
TAND huyện X áp dụng điểm a, khoản 2 Điều 134, điểm b, s khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự kết án về tội “Cố ý gây thương tích” xử phạt Đ.Q.T 24 tháng tù giam. Không đồng ý với phán quyết của Toà án, Trợ giúp viên pháp lý hướng dẫn Đ.Q.T thủ tục kháng cáo.
Trong quá trình tiếp xúc với đương sự, Trợ giúp viên nhận thấy anh T rất ít nói, tâm trạng, thái độ luôn bất an, hầu như không trả lời được các câu hỏi của Trợ giúp viên. Vì vậy, Trợ giúp viên tiến hành xác minh, tìm hiểu về tiền sử bệnh tật của anh T, kết quả là anh T từng có hồ sơ bệnh án điều trị tại Bệnh viện tâm thần tỉnh T nhưng trong quá trình điều tra, các cơ quan tiến hành tố tụng không trưng cầu giám định tâm thần đối với Đ.Q.T.
Tại phiên toà phúc thẩm, chứng cứ quan trọng này là cơ sở để TAND tỉnh T quyết định huỷ bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.
Quá trình điều tra lại, cơ quan điều tra Công an huyện X đã trưng cầu Viện pháp y tâm thần Trung ương giám định pháp y tâm thần đối với Đ.Q.T. Bản Kết luận giám định pháp y tâm thần kết luận: Trước, trong khi thực hiện hành vi phạm tội và tại thời điểm giám định Đ.Q.T bị bệnh chậm phát triển tâm thần nhẹ. Theo phân loại bệnh Quốc tế lần thứ 10 năm 1992 bệnh có mã số F70. Tại các thời điểm trên Đ.Q.T hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.
Trong giai đoạn xét xử lại, TAND huyện X căn cứ điểm a khoản 2 Điều 134, điểm b, q, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 54 Bộ luật hình sự quyết định Đ.Q.T phạm tội “Cố ý gây thương tích” xử phạt 15 tháng tù giam.
Vì cho rằng 15 tháng tù giam là hình phạt quá nặng đối với T, căn cứ vào các tình tiết giảm nhẹ cùng với bản kết luận giám định, Trợ giúp viên kiên trì tiếp tục hướng dẫn gia đình T kháng cáo để được hưởng mức thấp nhất của khung hình phạt. Đúng như mong đợi của Trợ giúp viên và gia đình bị cáo, TAND tỉnh T xử phạt Đ.Q.T 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
2. Đề nghị giám định lại khi có đủ căn cứ cho rằng kết luận giám định không phản ánh đúng tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây ra
Giám định lại là hoạt động giám định được tiến hành theo quyết định trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự. Việc giám định lại được thực hiện khi có nghi ngờ kết luận giám định lần đầu không chính xác; phải do người giám định khác thực hiện. Cơ quan trưng cầu giám định tự mình hoặc theo đề nghị của người tham gia tố tụng quyết định việc trưng cầu giám định lại. Trường hợp người trưng cầu giám định không chấp nhận yêu cầu giám định lại thì phải thông báo cho người đề nghị giám định bằng văn bản và nêu rõ lý do. Trường hợp có sự khác nhau giữa kết luận giám định lần đầu và kết luận giám định lại về cùng một nội dung giám định thì việc giám định lại lần thứ hai do người trưng cầu giám định quyết định. Việc giám định lại lần thứ hai phải do Hội đồng giám định thực hiện theo quy định của Luật giám định tư pháp…”. Vụ việc sau đây là một ví dụ:
Anh N.T.H và anh M trú tại tỉnh B.G có quan hệ họ hàng. Anh M gọi anh N.T.H là bác họ. Khoảng hơn 7h ngày 24/8/2016 anh N.T.H điều khiển xe mô tô đi vào rừng phát cây, khi đi mang theo chiếc dao quắn và 01 chiếc cuốc. Trên đường đi anh N.T.H rẽ vào nhà mẹ đẻ ở cùng thôn chơi thì gặp anh M đến và tranh cãi về việc 03 chiếc cống có ở nhà bố mẹ anh N.T.H, anh M cho rằng đó là cống của thôn, anh N.T.H nhận là cống của mình dẫn đến hai bên xảy ra tranh cãi. Anh M gọi trưởng thôn là bà N đến. Lời qua tiếng lại tranh cãi, anh M xông vào đẩy N.T.H từ phía trước làm N.T.H phải lùi lại, anh M giơ nắm đấm trước mặt anh N.T.H. Anh N.T.H đến chỗ xe mô tô của mình, khi đó nhìn thấy hai cán gỗ nên anh vơ 1 cán vung lên cao theo chiều từ trên xuống dưới vào anh M, anh H giơ tay trái đỡ theo phản xạ thì bị chém trúng vào khủy tay trái dẫn đến bị thương chảy máu. Mọi người can ngăn, đưa anh M đi cấp cứu, cùng ngày anh N.T.H đến UBND xã đầu thú.
Tại Bản kết luận giám định pháp y về thương tích của Trung tâm pháp y tỉnh ngày 6/10/2016, thương tích của anh M là 32%. Bị hại yêu cầu bồi thường: 118 triệu đồng. VKSND huyện đã truy tố bị cáo N.T.H về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 3 Điều 104 BLHS 1999, điểm b, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46; Điều 47 và Điều 33 BLHS; đề nghị xử phạt bị cáo N.T.H từ 03 năm 6 tháng đến 4 năm tù; về trách nhiệm dân sự: áp dụng điều 42 Bộ luật hình sự, Điều 609 Bộ luật dan sự 2005: buộc bị cáo bồi thường cho người bị hại từ 40 - 45 triệu đồng.
Trợ giúp viên pháp lý đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa để xem xét tiếp tục thực hiện việc trưng cầu giám định lại theo quy định của Điều 158, Điều 159, 194 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 vì tại phiên tòa 15/6/2017, HĐXX đã quyết định hoãn phiên tòa để giám định lại, tức là yêu cầu giám định lại được chấp nhận. Tuy nhiên đến phiên tòa ngày 18/9/2017, việc giám định lại lại không được thực hiện, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của bị cáo N.T.H. Căn cứ vào bản kết luận giám định thấy sự không phù hợp giữa thương tích của anh M theo bệnh án; mâu thuẫn giữa kết luận giám định với Thông tư 20/2014/TT-BYT ngày 12/6/2014 của Bộ Y tế quy định tỷ lệ tổn thương cơ thế sử dụng trong giám định pháp y, giám định pháp lý tâm thần. Chính vì vậy, Trợ giúp viên pháp lý đề nghị giám định lại tại cơ quan có thẩm quyền giám định cao hơn.
Không chấp nhận đề nghị của Trợ giúp viên pháp lý, TAND huyện tuyên bị cáo N.T.H phạm tội “Cố ý gây thương tích” áp dụng khoản 3 Điều 104; điểm b, điểm p khoản 1 và khoản 2 Điều 46; Điều 47; Điều 33 BLHS: xử phạt bị cáo N.T.H 04 năm tù; về trách nhiệm dân sự: buộc bị cáo bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho anh H số tiền 43.618.611 đồng.
Ngày 2/10/2017, Bị cáo N.T.H có đơn kháng cáo lên TAND tỉnh. Ngày 4/12/2017, bị cáo có đơn đề nghị trưng cầu giám định lại thương tích. Hội đồng xét xử phúc thẩm đã Quyết định trưng cầu giám định lại thương tích của anh M. Tại Bản kết luận giám định pháp y về thương tích của Viện pháp y Quốc Gia, Bộ Y tế, kết luận tỷ lệ tổn thương cơ thể của anh H là 29%.
Tại phiên tòa phúc thẩm, do kết quả giám định lại thương tích của bị hại bị tổn thương 29% và bị cáo có tình tiết mới nên VKSND tỉnh đề nghị HĐXX chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo, xét xử bị cáo theo khoản 2 Điều 104 của BLHS và giảm hình phạt tù cho bị cáo; không chấp nhận kháng cáo xin hưởng án treo của bị cáo.
Trợ giúp viên pháp lý đã phát hiện sai sót giữa tổn thương thực tế của bị hại với bản giám định pháp y; phát hiện sai sót khi áp dụng văn bản pháp luật của bản giám định pháp y. Từ đó, có căn cứ để Trợ giúp viên đề nghị giảm số tiền bồi thường thiệt hại so với yêu cầu của bị hại.
Hội đồng xét xử phúc thẩm quyết định chuyển khung hình phạt cho bị cáo, từ khung hình phạt tại khoản 3 Điều 104 BLHS xuống khung hình phạt tại khoản 2 Điều 104 BLHS; giảm được mức án phạt từ 04 năm tù xuống còn 02 năm tù (mức thấp nhất của khung hình phạt tại khoản 2 Điều 104 BLHS).
Như vậy, kết luận giám định là văn bản do cá nhân, tổ chức thực hiện giám định tư pháp xác lập, là kết quả của quá trình thực hiện giám định..
Tuy nhiên, có thể thấy, vì nhiều lý do khác nhau, kết quả giám định không phải lúc nào cũng chính xác, khách quan, mà vẫn có thể sai sót. Việc phân tích, đánh giá, sử dụng kết luận giám định tư pháp là một trong những hoạt động chứng minh có hay không có hành vi phạm tội, mức độ phạm tội, là căn cứ để áp dụng khung hình phạt và có ý nghĩa trong việc giải quyết đúng đắn vụ án hình sự. Phát hiện ra vi phạm, sai sót trong kết luận giám định để đề nghị trưng cầu giám định hoặc giám định lại cũng góp phần giảm thiểu oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm trong tố tụng hình sự.