Vai trò của báo chí trong việc thúc đẩy thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình ở Việt Nam
09:15 20/09/2021
Mối quan hệ giữa hoạt động báo chí và hoạt động công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình
Hoạt động giám sát, phản biện báo chí là hoạt động điều tra, thu thập thông tin, dữ liệu, cũng như phân tích, đánh giá chúng một cách khách quan, trung thực và khoa học về nền hành chính công vụ, qua đó kịp thời cổ vũ, động viên những việc làm hay, những điển hình tiên tiến. Bên cạnh đó, báo chí cũng phản ánh, kiến nghị kịp thời những biểu hiện suy thoái, lạm quyền của bộ máy Nhà nước đến cấp có thẩm quyền. Thông qua hoạt động này, báo chí góp phần định hướng dư luận xã hội, là cầu nối giữa ý Đảng với lòng dân, là kênh thông tin quan trọng, hữu hiệu để người dân thực hiện quyền tiếp cận thông tin, thực hiện quyền được biết, được bàn, được làm và quyền kiểm tra, giám sát. Hoạt động báo chí với hoạt động công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của cơ quan Nhà nước là mối quan hệ hai chiều, tác động qua lại lẫn nhau, hỗ trợ nhau trong quá trình truyền thông Nhà nước, góp phần xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ngày một thiết thực, bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả.
Như vậy, đối với công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước, báo chí có vai trò: (1) Là phương tiện để các tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội thực hiện công khai, minh bạch và giải trình; (2) Là công cụ để người dân thảo luận, bày tỏ chính kiến của mình trước vận mệnh của đất nước, dân tộc; (3) Báo chí có vai trò thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội về tổ chức, hoạt động của cơ quan Nhà nước nói chung và thực hiện công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình nói riêng; (4) Là kênh tuyền thông Nhà nước hữu hiệu, định hướng dư luận xã hội, kết nối thông tin, đoàn kết xã hội.
Pháp luật và thực hiện pháp luật về báo chí trong việc thúc đẩy công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình
Thứ nhất, đối với hoạt động công khai, minh bạch
Thông qua các kênh thông tin đại chúng, tổ chức họp báo, thông cáo báo chí, hoạt động của người phát ngôn trong cơ quan Nhà nước là các hình thức chủ động thực hiện công bố, cung cấp thông tin về tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước[1]. Tùy theo điều kiện cụ thể của mỗi địa phương, người dân sẽ được cơ quan Nhà nước bảo đảm các hình thức tiếp cận thông tin một cách đầy đủ, chính xác, kịp thời theo quy định của pháp luật. Mặt khác, cơ quan báo chí, nhà báo có trách nhiệm, nghĩa vụ thu thập thông tin theo quy định của pháp luật và đăng, phát kịp thời, chính xác, đầy đủ, khách quan rộng rãi đến xã hội và Nhân dân. Thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động báo chí phải bảo đảm không xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, cũng như không ảnh hưởng tiêu cực đến trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc gia.
Ngoài việc chủ động thực hiện công khai, minh bạch, các cơ quan nhà nước có trách nhiệm thực hiện cung cấp cho cơ quan báo chí, nhà báo những thông tin, dữ liệu theo quy định của pháp luật[2]. Bằng hình thức họp báo, phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, cơ quan hành chính các cấp đang thực hiện tốt việc công khai, minh bạch. Thông qua điều tra báo chí đã thúc đẩy công khai, minh bạch, đồng thời cũng đóng góp không nhỏ trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, kiểm soát quyền lực Nhà nước trong thời gian qua. Ngoài ra, Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007 cũng quy định cụ thể về đối tượng, nội dung, hình thức thực hiện công khai, minh bạch để nhân dân được biết thông qua hình thức hệ thống truyền thanh. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng trong thực hiện giám sát cộng đồng, giám sát của Nhân dân đối với thu chi ngân sách địa phương, thực hiện các chính sách xã hội tại cộng đồng.
Như vậy, các cơ quan nhà nước về cơ bản đã thực hiện tốt việc công khai, minh, bạch các chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, đáp ứng được mong mỏi của người dân, qua đó, góp phần nâng cao vai trò giám sát và phản biện xã hội của báo chí, để báo chí thực sự trở thành cầu nối giữa ý Đảng với lòng dân, đảm bảo cho phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được thực hiện trên thực tế.
Thứ hai, đối với hoạt động trách nhiệm giải trình
Theo quy định tại khoản 2, Điều 15 Luật phòng, chống tham nhũng 2018, trường hợp báo chí đăng tải thông tin về vi phạm pháp luật và yêu cầu trả lời các vấn đề có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao, các cơ quan Nhà nước có quyền phải giải trình và công khai nội dung giải trình trên báo chí. Ngoài ra, Điều 39, Điều 40, Điều 41 Luật Báo chí 2016 quy định các cơ quan Nhà nước thực hiện trách nhiệm giải trình qua hình thức trả lời trên báo chí, trả lời phỏng vấn trên báo chó và tổ chức họp báo. Tuy nhiên, không phải yêu cầu nào của cơ quan báo chí cũng được các cơ quan Nhà nước giải trình. Việc quy định những nội dung không thuộc phạm vi giải trình sẽ giúp cho việc giải thích, cung cấp thông tin của các cơ quan nhà nước được chính xác, không gây phương hại đến an ninh quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức kinh doanh và các cá nhân khác.
Nhận diện những vấn đề khó khăn, thách thức của hoạt động báo chí trong việc thúc đẩy công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình
Luật Tiếp cận thông tin 2016 là luật gốc quy định những vấn đề cung cấp thông tin của các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, Điều 4 Luật Tiếp cận thông tin 2016 về chủ thể thực hiện tiếp cận thông tin chỉ quy định chung chung là công dân có quyền thực hiện quyền tiếp cận thông tin, không nói rõ và cụ thể các cơ quan báo chí, có được tiếp cận thông tin hay không. Điều này gây khó khăn cho cơ quan báo chí tiếp cận thông tin từ các cơ quan nhà nước.
Quy định về báo điện tử và tạp chí điện tử trong pháp luật báo chí chưa có sự phân biệt rõ ràng. Bên cạnh đó, Luật Báo chí 2016 cũng chưa đưa ra quy định về định nghĩa tạp chí in và báo in. Việc thiếu quy định, không rõ ràng như vậy gây lúng túng cho các cơ quan báo chí khi thực hiện hoạt động báo chí và các cơ quan Nhà nước trong công tác quản lý báo chí. Luật Báo chí 2016 hiện nay vẫn chưa có quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của cộng tác viên báo chí, trong khi đó số lượng cộng tác viên hiện nay rất nhiều. Việc không quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của cộng tác viên báo chí gây khó khăn cho các cơ quan báo chí trong việc quản lý cộng tác viên. Trên thực tế, nhiều cộng tác viên đã gây ra sai phạm, vi phạm đạo đức nghề nghiệp báo chí.
Mặt khác, quy định các nội dung thông tin về bí mật Nhà nước chưa được cụ thể và rõ ràng, do đó dẫn đến tình trạng các cơ quan Nhà nước lợi dụng việc đóng dấu mật để không cung cấp thông tin, cản trở hoạt động nghiệp vụ báo chí của cơ quan báo chí. Về chế tài xử lý, Nghị định 159/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí vẫn còn hiệu lực nhưng vẫn căn cứ vào Luật Báo chí 1989 sửa đổi, bổ sung 1999 đã hết hiệu lực, như vậy là không đúng, nhiều quy định không còn phù hợp so với Luật Báo chí 2016.
Hiện nay, đầu mối cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí, nhà báo chưa cụ thể khiến các cơ quan báo chí, các nhà báo khó khăn trong việc thực hiện quyền yêu cầu cung cấp thông tin. Rất ít cơ quan công khai đầy đủ các thông tin về điện thoại, email, họ tên đầy đủ của cán bộ, công chức làm đầu mối. Bên cạnh đó các cơ quan Nhà nước hiện nay vẫn chưa xây dựng được đầy đủ cơ sở dữ liệu về thông tin theo chuyên đề, theo ngành, lĩnh vực quản lý Nhà nước. Điều này gây khó khăn cho việc tiếp cận thông tin của các cơ quan báo chí.
Nhiều cơ quan Nhà nước dựa vào quy định về người phát ngôn để trì hoãn việc công khai, minh bạch và giải trình cho cơ quan báo chí bởi phải xin ý kiến, chủ trương trước khi cung cấp thông tin, nên thông tin thường xuyên bị cung cấp trễ hoặc không được cung cấp. Quy định về người phát ngôn vốn nhằm thúc đẩy trách nghiệm giải trình và công khai, minh bạch lại vô hình chung biến thành rào cản để từ chối cung cấp thông tin. Hiện nay, có rất nhiều cơ quan báo chí, nhà báo phản ánh thực trạng một số cơ quan, đơn vị tìm cách né tránh, không cung cấp thông tin cho báo chí.
Ngoài ra, trong thời gian qua, vẫn còn nhiều cơ quan báo chí đăng tải những thông tin không đúng sự thật về liên quan đến các hoạt động quản lý của Nhà nước và gây ra những hậu quả nghiệm trọng. Đó là do trình độ chuyên môn nghiệp vụ báo chí còn hạn chế, không kiểm duyệt và xác minh rõ sự thật, nguồn gốc của thông tin, mặc khác, còn do nhận thức, đạo đức nghề nghiệp của một số người làm báo không tốt nên dẫn đến tình trạng thông tin sai sự thật.
Một số giải pháp, kiến nghịnhằm nâng cao hoạt động báo chí trong việc thúc đẩy công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình
Về giải pháp chung:
Thứ nhất, cần tạo ra sự thống nhất về quan điểm, tư tưởng trong cả một hệ thống chính trị, đặc biệt là có Nghị quyết riêng về hoạt động công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, trong đó có quy định về vị trí, vai trò, nhiệm vụ của cơ quan báo chí trong việc thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động này.
Thứ hai, Nhà nước cần phải tiến hành rà soát, nghiên cứu các văn bản pháp luật nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, nhất là những quy định về hoạt động của báo chí trong việc thúc đẩy công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Về giải pháp cụ thể:
Một là, tiến hành sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Coi Luật Tiếp cận thông 2016 là luật gốc quy định về việc cung cấp, công khai, minh bạch thông tin, ở đó nhấn mạnh vai trò của cơ quan báo chí trong việc thúc đẩy hoạt động cung cấp thông tin. Cần phải sửa đổi, bổ sung quy định về giải thích từ ngữ giữa báo điện tử với tạp chí điện tử, giữa báo in với tạp chí in theo hướng chỉ rõ sự khác nhau giữa các loại hình báo chí này tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí thực hiện nghiệp vụ báo chí và các công việc có liên quan đến quy hoạch báo chí.
Bổ sung quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của cộng tác viên báo chí nhằm quản lý, kiểm soát chặt chẽ hoạt động nghiệp vụ báo chí, tằng cường trách nhiệm của đối tượng này, tránh xảy ra những hành vi vi phạm, gây ra hậu quả nghiêm trọng. Quy định rõ ràng và cụ thể về những thông tin bí mật Nhà nước tránh việc các cơ quan Nhà nước lợi dũng kẽ hở để đóng dấu mật, không thực hiện cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí. Mặt khác, tiến hành nghiên cứu nhằm xem xét, sửa đổi, bổ sung về chế tài xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí không còn phù hợp với Luật Báo chí 2016. Đồng thời, quy định rõ về hoạt động thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực báo chí nhằm thúc đẩy hoạt động công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Hai là, hoàn thiện tổ chức bộ máy cung cấp thông tin, nhất là xác định đầu mối cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí một cách rõ ràng và cụ thể, thực hiện công khai những thông tin về cán bộ, công chức đầu mối (số điện thoại, email, họ tên,…) và phương thức liên hệ với đầu mối để thực hiện quyền yêu cầu cung cấp thông tin của cơ quan báo chí. Tổ chức tập huấn, đào tạo cho đội ngũ người phát ngôn ở các cơ quan đơn vị, nhằm trang bị kiến th ức về nghề báo, kỹ năng tiếp xúc và trả lời báo chí cho người phát ngôn để họ dễ nắm bắt, chia sẻ thông tin cho nhà báo. Đồng thời, thiết lập đường dây nóng để trong trường hợp khẩn cấp, báo chí có thể liên lạc trực tiếp với người phát ngôn để thu thập thông tin được kịp thời, chính xác.
Ba là, xây dựng và hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin theo chuyên đề, theo ngành, lĩnh vực quản lý. Các cơ quan nhà nước cần phải ban hành những cơ chế, chính sách về xã hội hóa cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin và có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước đối với các khoản chi phí sử dụng dịch vụ hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia./.
Tài liệu tham khảo:
1. Hiến pháp 2013;
2. Luật Báo chí 2016;
3. Luật Tiếp cận thông tin 2016;
4. Luật Phòng, chống tham nhũng 2018;
5. Nghị định 59/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng, chống tham nhũng;
6. Nghị định 09/2017/NĐ-CP quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính Nhà nước;
7. Viện Ngôn ngữ học, Từ điển tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng, Hà Nội – Đà Nẵng, 2003;
8. TS. Đỗ Chí Nghĩa (Chủ biên), Báo chí và mạng xã hội, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội, 2014.
9. Khoa Báo chí Trường Tuyên huấn Trung ương: Giáo trình nghiệp vụ báo chí (lưu hành nội bộ), 2 tập, Hà Nội, 1977 và 1978;
10. C.Mác và Ph.Ăngghen, Những cuộc tranh luận về tự do báo chí và việc công bố các biên bản của Hội nghị các tầng cấp (Những cuộc tranh luận của Hội nghị dân biểu khóa 6 của tỉnh Ranh (Bài thứ nhất)), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1995;
11. V.I.Lênin, Dự thảo và thuyết minh Cương lĩnh của Đảng dân chủ - xã hội, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005;
12. John Stuart Mill, Bàn về tự do, Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2016;
13. Đề tài cấp Quốc gia “Công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” mã số KX 01.41/16-20, Viện Khoa học Môi trường và Xã hội, Hà Nội, 2019.
[1] Điểm c, khoản 1, Điều 11 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018; Điểm b, khoản 1, Điều 18, Điều 20 Luật Tiếp cận thông tin 2016; Điều 38, Điều 41 Luật Báo chí 2016;
[2] Điểm c, khoản 2, Điều 25 Luật Báo chí 2016; Điều 14 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018;
Nguồn: http://essi.org.vn/vai-tro-cua-bao-chi-trong-viec-thuc-day-thuc-hien-cong-khai-minh-bach-va-trach-nhiem-giai-trinh-o-viet-nam-nd115573.html