Ứng phó với tin giả trong quản lý xã hội
01:16 24/07/2021
Những thách thức của tin giả đối với các nhà quản lý xã hội
Tin giả được hiểu là những tin tức, những câu chuyện không có thật, sai lệch, xuyên tạc, bóp méo và những thông tin đã bị biến đổi theo ý đồ chủ quan của người chuyển tải. Các hình thức của tin giả bao gồm: thông tin xuyên tạc, thông tin bị bóp méo, tin bịa đặt, hình ảnh và đoạn phim cắt ghép, quảng cáo sai sự thật...
Thách thức đầu tiên đối với các nhà quản lý xã hội là tin giả ngày càng phổ biến trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang đạt được những thành tựu to lớn và diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, internet đã trở nên phổ biến trong mọi hoạt động và được gọi là thời đại internet vạn vật (Internet of Things). Theo các nghiên cứu và dự báo, tới năm 2025, thế giới sẽ có khoảng 75,4 tỷ thiết bị kết nối internet, điều này tạo ra sự kết nối sâu hơn trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và liên kết toàn cầu. Tuy nhiên, sự kết nối vạn vật của internet đang tạo ra nhiều rủi ro và các mối nguy hại, trong đó có vấn đề an ninh mạng. Nguy cơ bị tấn công mạng có thể xảy ra cho tất cả các công ty và các chủ thể liên quan đến dữ liệu di chuyển giữa các thiết bị và các mạng. Điển hình như thời gian đầu năm 2020, công ty công nghệ Zoom, một nền tảng họp trực tuyến với lượng người dùng lên tới 200 triệu đã vi phạm quyền riêng tư khi chuyển các dữ liệu người dùng cho bên thứ ba.
Cùng với sự phát triển của internet, truyền thông số đang ngày càng chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống xã hội. Sự phát triển của truyền thông số đã và đang tạo ra nhiều thuận lợi đối với sự phát triển xã hội, kết nối con người theo nhiều cách khác nhau và cho phép người sử dụng duy trì các mối quan hệ bất kể thời gian và khoảng cách, hình thành các nhóm lợi ích mới và giúp những người bị cô lập về xã hội hoặc thể chất kết nối với các cá nhân có quan điểm tương đồng. Ngoài vai trò cung cấp thông tin, truyền thông số còn đem đến cơ hội để các cá nhân có tiếng nói và tham gia vào quá trình thảo luận, ra quyết định dân sự.
Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đặt ra nhiều thách thức cho quản lý xã hội, nhất là khi các tổ chức, cá nhân lợi dụng những tiện ích trên nền tảng công nghệ để hoạt động chống phá chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đi ngược lại lợi ích của nhân dân. Truyền thông số một mặt mang lại những tiện ích to lớn, mặt khác bị các thế lực thù địch lợi dụng như là công cụ hữu hiệu để tuyên truyền, vận động, ủng hộ cho những mưu đồ cực đoan, gây nguy hiểm cho xã hội. Sự dễ dàng trong hoạt động chia sẻ thông tin đồng thời cũng tạo ra nguy cơ lan rộng những thông tin xấu, độc, ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định và gây rủi ro cho xã hội.
Những năm gần đây, mạng xã hội phát triển mạnh trên toàn cầu, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển internet và mạng xã hội nhanh nhất thế giới. Theo Báo cáo “Digital 2020”, đến năm 2020, số người dùng internet trên toàn thế giới là 4,54 tỷ người (chiếm 59% dân số thế giới), người dùng mạng xã hội là 3,8 tỷ (chiếm 49% dân số thế giới). Sáu mạng xã hội có trên 1 tỷ người dùng gồm Facebook (2.449.000.000 người), YouTube (2.000.000.000 người), WhatsApp (1.600.000.000 người), Facebook Messenger (1.300.000.000 người), Wechat (1.151.000.000 người); Instagram (1.000.000.000 người). Tại Việt Nam, tính đến tháng 1-2020 số người dùng internet là 68,17 triệu (chiếm 70% dân số), số tài khoản tham gia mạng xã hội là 65 triệu (chiếm 67% dân số). Trung bình một ngày thời gian sử dụng internet trên tất cả các thiết bị của người Việt Nam là 6 giờ 30 phút, thời gian truy cập mạng xã hội trung bình tính trên tất cả các thiết bị là 2 giờ 22 phút, thời gian xem ti vi hoặc video là 2 giờ 09 phút, thời gian trung bình để nghe nhạc là 1 giờ 1 phút, chơi game là 1 giờ. Hai mạng xã hội có tỷ lệ người sử dụng nhiều thời gian nhất trong ngày là YouTube (11 phút, 44 giây), Facebook (17 phút, 48 giây).
Số liệu thống kê cho thấy, phương thức chia sẻ, cập nhật thông tin mới và tốc độ lan tỏa của tin giả nhiều nhất là trên các trang mạng xã hội. Tốc độ chia sẻ của tin giả đã vượt xa so với việc chia sẻ tin thật. Cùng với sự phát triển của mạng xã hội thì việc truy cập tin tức gần như không gặp rào cản, vai trò giám sát và quản lý của các cơ quan chuyên môn và những người làm việc trong lĩnh vực báo chí, tin tức bị suy giảm. Mạng xã hội mở ra "cánh cửa" thông tin không giới hạn, không chỉ với việc tiếp nhận thông tin mà cả với việc chia sẻ và sử dụng thông tin. Điều này tạo ra thách thức lớn cho nhà quản lý.
Mặt khác, sự phát triển của truyền thông xã hội, mà phổ biến là mạng xã hội đang tạo ra sự thay đổi trong thói quen sử dụng, tiếp cận và chia sẻ thông tin của công chúng. Mạng xã hội với những đặc trưng thông tin đa dạng, cập nhật liên tục, đa chiều… đang tạo ra một số thói quen mới của công chúng: Một là, để khai thác thông tin, công chúng ngày nay có xu hướng sử dụng mạng xã hội nhiều hơn là sử dụng những kênh truyền thông truyền thống; hai là, công chúng tiếp cận thông tin trên mạng xã hội và chia sẻ mà ít kiểm chứng, chạy theo những thông tin có tính “mới”, “giật gân”; ba là, sự chia sẻ thông tin của công chúng thường chỉ thông qua mạng xã hội dựa chủ yếu vào “người đáng tin tưởng”, đó là những người trong danh sách bạn bè (Friendlist) trên tài khoản mạng xã hội.
Một số giải pháp ứng phó với tin giả trong quản lý xã hội
Tin giả là hiện tượng ngày càng phổ biến trên truyền thông mạng, thậm chí cả trên các phương tiện thông tin truyền thống. Do đó, kỳ vọng quản lý xã hội không bị ảnh hưởng bởi tin giả là điều không thể. Vấn đề cần giải quyết là phải nhận diện và có biện pháp phù hợp ứng phó với tin giả.
Thứ nhất, cần nhận diện được tin giả: Điều đầu tiên cần phải nhận diện các đặc điểm, dạng thức, nguồn gốc... thông tin giả. Thông tin giả thường có nguồn phát không rõ ràng; đuôi tên miền ít phổ biến; thông tin có nội dung mang tính giật gân gây sự chú ý, tò mò; khó đối chứng thông tin; ảnh, video bị cắt ghép... Việc nhận diện tin giả cần có những kỹ năng và kinh nghiệm nhất định. Các cơ quan chuyên môn cần phối hợp với các đơn vị công nghệ gia tăng việc sử dụng các phần mềm nhận diện tin giả.
Thứ hai, phải kết hợp chuyên gia các chuyên ngành chuyên sâu và giới chuyên môn trong lĩnh vực thông tin, báo chí. Phát huy vai trò của các nhà chuyên môn trong việc sàng lọc, nhận diện, phân tích thông tin trên các phương tiện truyền thông là một cách hiệu quả để ứng phó với tin giả. Tuy nhiên, tin giả trên các trang mạng xã hội có nhiều nội dung khác nhau, liên quan tới nhiều lĩnh vực chuyên sâu. Do đó, sự kết hợp giữa các nhà chuyên môn và các chuyên gia trong các lĩnh vực chuyên ngành, hoặc các cơ quan quản lý lĩnh vực chuyên ngành sẽ đem lại hiệu quả cao hơn trong ứng phó tin giả.
Thứ ba, thực hiện tuyên truyền hiệu quả. Công tác tuyên truyền trong đấu tranh với tin giả cần được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, bảo đảm các yếu tố sau: (1) Tuyên truyền phải kịp thời và có tính lan tỏa: Hoạt động tuyên truyền phải bảo đảm tính kịp thời và có tính lan tỏa tới phạm vi rộng các nhóm công chúng. Thực tế cho thấy, cần phải sử dụng các cá nhân có hiểu biết sâu về các lĩnh vực cần tuyên truyền, đồng thời các thông điệp tuyên truyền phải tạo ra “tính kết dính”, hay còn gọi là “thông điệp kết dính”... (2) Tăng cường nội dung tuyên truyền liên quan tới thực hiện các quy định của pháp luật về an ninh mạng để nâng cao nhận thức của người dùng internet nói chung và mạng xã hội nói riêng về phòng, chống tin giả. Trong đó, cơ quan thực hiện công tác tuyên truyền thường xuyên phân tích, làm rõ, cung cấp thông tin liên quan tới 14 hành vi vi phạm Luật An ninh mạng. Đây là điều quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của người dùng về phòng, chống tin giả.
Thứ tư, phát huy vai trò của các cơ quan chuyên môn. Việc nâng cao nhận thức của công chúng trong tiếp cận, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội, cảnh giác với tin giả đòi hỏi sự phát huy vai trò của các cơ quan chuyên môn, đặc biệt các cơ quan thông tấn, báo chí và trách nhiệm của các nhà quản lý. Theo đó: 1- Phát huy vai trò của các cơ quan báo chí. Các cơ quan báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc ứng phó với tin giả; chủ động, tiên phong, dẫn dắt, định hướng trong thông tin tích cực; khẳng định hơn nữa vai trò, vị thế của mình trong thời đại kỹ thuật số. Đây là yêu cầu quan trọng trong việc sàng lọc thông tin, thẩm định và phản bác lại tin giả trên truyền thông xã hội; 2- Vai trò của các nhà chuyên môn, các nhà quản lý. Trên thực tế, với sự phát triển của mạng xã hội và truyền thông trực tuyến, mỗi cá nhân/người dùng đều có thể trở thành “nhà báo”. Cá nhân/người dùng có thể thực hiện chức năng truyền tải thông tin lên mạng xã hội giống như các nhà báo, nhưng chất lượng của các thông tin được đưa lên không phải lúc nào cũng đáp ứng nhu cầu của công chúng, mà đôi khi chỉ là sự thỏa mãn nhu cầu cá nhân người đăng tải. Trong thời đại phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội và công nghệ số, việc chuyển tải thông tin trên mạng xã hội không còn là “độc quyền” của các nhà chuyên môn, nhà quản lý. Tuy nhiên, vai trò của các nhà chuyên môn, quản lý rất quan trọng trong việc định hướng thông tin, nhận diện tin giả và chỉ có đội ngũ các nhà chuyên môn được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm trong lĩnh vực xử lý thông tin mới có thể xử lý tốt và định hướng thông tin cho công chúng; 3- Sử dụng ngôn ngữ và kênh truyền tải trong đối phó với tin giả ngoài phạm vi quốc gia. Trong một số trường hợp, các tin giả trên các phương tiện truyền thông quốc tế gây phương hại tới việc quản lý xã hội trong nước, để ứng phó với các trường hợp này cần có đội ngũ chuyên môn sử dụng tốt ngoại ngữ, có kỹ năng kỹ thuật cần thiết khác./.
------------------
(1) https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/truyen-thong-xa-hoi-doi-voi-on-dinh-chinh-tri-xa-hoi-o-viet-nam-541998.html
(2) https://www.youtube.com/watch?v=BtulL3oArQw
Nguồn: https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/nghien-cu/-/2018/823115/ung-pho-voi-tin-gia-trong-quan-ly-xa-hoi.aspx