Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước vì dân trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
07:46 07/12/2021
Nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước vì dân
Trên nền tảng của chủ nghĩa Mác-Lênin, kinh nghiệm của các nước tiên tiến trong tổ chức mô hình nhà nước và dựa vào điều kiện cụ thể, đặc thù của Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thiết kế và trực tiếp chỉ đạo xây dựng mô hình Nhà nước kiểu mới ở Việt Nam, với tiêu chí hàng đầu là Nhà nước thực sự vì dân, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của Nhân dân.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, "Dân" được hiểu biên độ rộng lớn và bao quát nhất, chứa đựng trong đó mọi tầng lớp nhân dân với sự đa dạng, đầy đủ. Theo đó, Nhà nước: “Không phải là thuộc riêng của giai cấp nào mà là của chung của toàn thể dân tộc, chỉ trừ có bọn tay sai của đế quốc Pháp - Nhật và những bọn phản quốc, bọn thù”(1). Với ý nghĩa đó, Nhân dân thực sự là nền tảng cơ sở xã hội - giai cấp của Nhà nước kiểu mới ở Việt Nam; và Nhà nước vì dân phải hướng tới mục tiêu đoàn kết toàn thể dân tộc Việt Nam, là cơ sở cho sự thống nhất tư tưởng, xây dựng niềm tin, phát huy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Định hướng xuyên suốt việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước vì dân là phải luôn đặt lợi ích Nhân dân lên hàng đầu; Nhân dân thụ hưởng cuộc sống đầy đủ về vật chất và tinh thần là mục tiêu cao nhất của Nhà nước "... hết thảy những việc có thể nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân phải được ta đặc biệt chú ý”(6). Từ luận điểm xuất phát: “Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”(4), Người yêu cầu: “Chúng ta phải làm sao thực hiện ngay: Làm cho dân có ăn. Làm cho dân có mặc. Làm cho dân có chỗ ở. Làm cho dân được học hành. Cái mục đích chúng ta đi đến là ở đó, đi đến để dân ta xứng đáng với tự do, độc lập và giúp tự do độc lập”(5). Đó là những triết lý, nguyên tắc chỉ đạo trong suốt quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước của dân, do dân, vì dân ở Việt Nam.
Không chỉ tập trung cho những việc liên quan đến đời sống vật chất, như chống nạn đói, nạn dốt và xóa các tệ nạn xã hội; giảm thuế...; Chủ tịch Hồ Chí Minh còn rất quan tâm chăm lo đời sống tinh thần của Nhân dân với các chính sách nổi bật như thực hiện tự do tín ngưỡng, lương giáo đoàn kết; xây dựng lối sinh hoạt mới, nếp sống mới, lối sống văn hóa mới mà sợi chỉ đỏ xuyên suốt là các cuộc vận động, các phong trào thi đua ái quốc... nhằm ổn định và cải thiện đời sống nhân dân. Nhà nước vì dân còn thể hiện ở chỗ Nhà nước dám chịu và biết chịu trách nhiệm trước Nhân dân. Đó là trách nhiệm bảo đảm cuộc sống, đảm bảo quyền làm người, sự phát triển toàn diện của Nhân dân cũng như sự phát triển chung của đất nước. Người nhấn mạnh: “Chính sách của Ðảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”(10). Cán bộ, công chức dù ở cấp bậc, vị trí công tác nào đều phải hết sức quan tâm đến đời sống của Nhân dân, phải đặt quyền lợi của Nhân dân lên trên hết: “Chính phủ ta đã hứa với dân, sẽ gắng sức làm cho ai nấy đều có phần hạnh phúc”(11).
Khi khẳng định vai trò chủ thể của Nhân dân đối với Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn trăn trở: “Làm sao cho nhân dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm”(14). Người chỉ rõ, Nhà nước phải lập ra các thiết chế đảm bảo quyền làm chủ của người dân trên thực tế; đồng thời, Nhân dân có quyền và nghĩa vụ phê bình, xây dựng, giúp đỡ Nhà nước; lực lượng thực hiện, biến mục tiêu tốt đẹp thành hiện thực chỉ có thể là Nhân dân. Nhà nước thực hiện vai trò người cầm lái, người tổ chức để Nhân dân bằng trí tuệ và sức mạnh vốn có giải quyết các vấn đề và phục vụ lợi ích của chính mình. Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức phải biết tôn trọng, lắng nghe và học hỏi dân, gần dân, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng, ý chí của dân, tìm cách khơi nguồn, bồi dưỡng và nâng cao sức dân; phải kiên trì giáo dục, giác ngộ để dân tin, dân theo và cán bộ phải nêu gương, làm trước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra mối quan hệ biện chứng, gắn bó chặt chẽ giữa các thành tố của một nhà nước dân chủ mới “của dân - do dân - vì dân”. Phải là một nhà nước thực sự của dân, do dân thì mới có thể là nhà nước vì dân và ngược lại nhà nước luôn luôn phụng sự lợi ích, đặt quyền lợi Nhân dân lên trên hết, trước hết thì Nhân dân sẽ hăng hái thực hiện quyền và nghĩa vụ làm chủ của mình, để tích cực xây dựng nhà nước dân chủ, tiến bộ, vững mạnh, giữ vững nền độc lập và sự phát triển phồn vinh của đất nước.
Sự kế thừa và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước vì dân trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng
Tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Đại hội ĐBTQ lần thứ XII của Đảng, trên cơ sở nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và thực tiễn 35 năm đổi mới, Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII của Đảng rút ra 5 bài học lớn, trong đó bài học về Dân thể hiện rõ nét sự kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh khi bổ sung thêm hai vấn đề lớn “dân giám sát, dân thụ hưởng” trở thành một phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Về xây dựng Nhà nước, Đảng nêu lên định hướng: “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước”(17). Để xây dựng Nhà nước thực sự vì Nhân dân, vấn đề nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước; kiểm soát quyền lực nhà nước, chống các hiện tượng lạm quyền, lộng quyền, vi phạm quyền công dân, chống tham nhũng, tiêu cực trong bộ máy nhà nước đang được đặt ra rất cấp thiết.
Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm gắn với giải trình, kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ cương trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức”(18); đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu; xác định rõ hơn vai trò, chức năng, vị trí, quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền và nhiệm vụ được phân công. Đây là sự kế thừa và phát triển tư duy tiến bộ về xây dựng Nhà nước pháp quyền của Đảng ta, trong đó quyền lực nhà nước phải được pháp luật quy định rõ ràng; làm căn cứ để thực thi và bảo vệ quyền của người dân (dân quyền) trên thực tế và xác định quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân “làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo”(19) tổ chức và các hoạt động của Nhà nước.
Nghị quyết Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII của Đảng cũng yêu cầu phải tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, phát huy dân chủ pháp quyền, tăng tính chuyên trách trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội; tôn trọng và bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp, cơ chế giám sát lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Nghị quyết còn đặt ra yêu cầu phải “thiết lập đồng bộ” và “gắn kết” cơ chế giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức - chính trị xã hội và Nhân dân nhằm phát huy cao nhất quyền dân chủ của Nhân dân.
Đối với Chính phủ, Nghị quyết Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII nêu định hướng: xây dựng bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, với các giải pháp: “Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm Chính phủ với các bộ, ngành; giữa Chính phủ, các bộ, ngành với các chính quyền địa phương, khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn”(21) và “Nâng cao chất lượng dịch vụ công; tiếp tục sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, bảo đảm chất lượng, hoạt động hiệu quả”(22).
Đối với các cơ quan tư pháp, Nghị quyết Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII nêu rõ: “Xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”(23). Hoạt động tư pháp có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người. Do vậy, cần tiếp tục đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp, xứng đáng là cơ quan giữ vai trò “trọng yếu” trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.
Đối với chính quyền địa phương, tiếp tục hoàn thiện tổ chức phù hợp với từng địa bàn nông thôn, đô thị, hải đảo. Chính quyền địa phương là cấp gần dân, trực tiếp giải quyết công việc hàng ngày, liên quan đến lợi ích thiết thực của Nhân dân, vì vậy Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định quan điểm đẩy mạnh phân cấp, nâng cao tính chủ động, tự chủ của địa phương, để các địa phương kịp thời giải quyết các vấn đề cụ thể phát sinh trong thực tiễn của địa phương.
Nghị quyết Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII của Đảng còn nêu rõ vấn đề trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với Nhân dân và khẳng định đó là nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Có thể nói, tất cả yêu cầu, nhiệm vụ nêu trên đều thể hiện tinh thần xây dựng Nhà nước dân chủ thực sự gắn bó với dân, phục vụ lợi ích của Nhân dân nhằm “không ngừng cải thiện toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”(24) theo phương châm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”(25).