Truyền thông chính sách – Góc nhìn từ các cơ quan báo chí
15:33 02/10/2023
Chủ trì diễn đàn có đồng chí Lê Quốc Minh – Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; đồng chí Trần Thanh Lâm – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Nguyễn Thanh Lâm – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; đồng chí Trương Quốc Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam; đồng chí Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh.
Diễn đàn Tổng Biên tập với chủ đề “Truyền thông chính sách- Góc nhìn từ các cơ quan báo chí” với mong muốn là nơi để lãnh đạo các cơ quan quản lý báo chí, lãnh đạo cơ quan báo chí có cơ hội gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ về những vấn đề cũng như những áp lực, thách thức mà các toà soạn đang và sẽ phải đối mặt trong dòng chảy biến động không ngừng của đời sống báo chí, truyền thông, từ đó cùng nhau kiến nghị, đề xuất những giải pháp tháo gỡ.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, đồng chí Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng: Khi truyền thông chính sách ngày càng được coi trọng thì vai trò của báo chí trong công tác chính sách cũng ngày càng được phát huy, đề cao. Tuy nhiên, làm thế nào để báo chí phát huy sức mạnh, thực sự là kênh chủ lực của truyền thông chính sách thì còn nhiều việc phải làm. Vai trò của báo chí trong quá trình xây dựng, hoàn thiện, thực thi cũng như đánh giá chính sách đã là điều không thể phủ nhận. Nói một cách khác, truyền thông chính sách được gắn chặt với báo chí.
Đồng chí Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: Trong mục tiêu xây dựng Chính phủ liêm chính, kỷ luật, kỷ cương, hành động quyết liệt, hiệu lực hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, đảm bảo người dân được thụ hưởng tiến bộ và công bằng xã hội mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhấn mạnh, những năm gần đây, công tác truyền thông chính sách đã ngày càng được chú trọng, trở thành một phần không thể thiếu trong hoạt động truyền thông Nhà nước nói chung và truyền thông Chính phủ nói riêng. Từ chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ ban, ngành, các địa phương đã ngày càng đặt truyền thông chính sách ở vị trí trung tâm trong công tác chỉ đạo điều hành.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận một thực tế là cho tới nay, công tác truyền thông chính sách vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều địa phương, bộ, ban ngành vẫn còn xem nhẹ công tác truyền thông chính sách; thiếu kế hoạch, thiếu chủ động, thiếu chuyên nghiệp trong cung cấp thông tin. Hệ quả là thời gian qua đã để xảy ra không ít sự cố, khủng hoảng truyền thông trên một số lĩnh vực, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Báo chí chính thống dù được xem là lực lượng chủ công, là cánh tay nối dài trong việc hỗ trợ truyền thông chủ trương chính sách, đưa thông tin từ Đảng, Nhà nước và những cơ quan bộ ngành, các địa phương đến với người dân, lắng nghe tiếng nói của người dân, từ đó tác động ngược trở lại với những người làm chính sách, nhưng vẫn đang đứng trước nhiều thách thức, khó khăn lớn về cơ chế, nguồn lực để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của mình.
Đồng chí Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí nhấn mạnh: Một chính sách ban hành phải xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, xa rời thực tiễn thì chính sách sẽ không có đất sống. Để có chính sách phù hợp với thực tiễn và khả thi thì quá trình xây dựng chính sách từ ý tưởng, hình thành chính sách, lấy ý kiến, ban hành chính sách và đánh giá hiệu quả chính sách, rất cần sự vào cuộc của báo chí. Ý kiến của các tầng lớp nhân dân, của các chuyên gia, các nhà khoa học, thông qua diễn đàn báo chí là tiếng nói xây dựng, phản biện, giám sát, có vai trò quan trọng.
Trong nhiều trường hợp, tiếng nói của báo chí có vai trò quyết định, khi mà dự thảo chính sách không có sự đồng thuận của đông đảo các tầng lớp nhân dân và xã hội; hoặc khi mà báo chí truyền tải mạnh mẽ sự đồng thuận cao của người dân và xã hội ủng hộ cho chính sách. Qua tiếng nói của báo chí, các cơ quan xây dựng chính sách có được nhiều chiều thông tin hữu ích, cả trong khâu xây dựng, thực thi và hoàn thiện chính sách.
Sức mạnh, vai trò của báo chí trong truyền thông chính sách đã được khẳng định tuy nhiên, cho đến nay, vai trò ấy vẫn chưa thực sự được phát huy và cho dù đã có rất nhiều chính sách về công tác truyền thông chính sách được đưa ra, trong đó mới nhất là Chỉ thị số 07/CT-TTg về tăng cường công tác truyền thông chính sách.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những thách thức đặt ra cho báo chí trong công tác truyền thông chính sách còn khá lớn như việc nhiều cơ quan nhà nước xem báo chí là phương tiện để tuyên truyền, phổ biến chính sách hơn là cơ quan “cầu nối” với công chúng ngay từ khi bắt đầu xây dựng chính sách; Nhiều cơ quan, bộ, ngành, địa phương còn thiếu chủ động trong cung cấp thông tin nguồn cho báo chí; chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc chủ động cung cấp thông tin cho báo chí; Báo chí khi tham gia vào quá trình truyền thông chính sách rất cần sự đầu tư về nguồn lực, nhất là các giải pháp về kinh tế và công nghệ, song cơ chế đặt hàng, định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá hiện hành thấp đang tạo rất nhiều áp lực cho các cơ quan báo chí trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Đồng chí Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông thông tin cho rằng: Chỉ thị số 07/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đổi mới phương thức và hình thức cung cấp thông tin cho báo chí. Sự đổi mới này là hết sức cần thiết. Chúng ta phải chú trọng đội ngũ làm công tác truyền thông chính sách chuyên trách tại các bộ, ngành, địa phương.
Về truyền thông chính sách, một số cơ quan báo chí còn thiếu sáng tạo, tính đặc thù của mỗi cơ quan báo chí chưa được phát huy một cách triệt để; thiếu tính phản biện, đánh giá, dự báo. Nhiều tòa soạn chưa chủ động xây dựng kế hoạch truyền thông chính sách bài bản.
Truyền thông chính sách là quá trình chuyển tải thông điệp, cơ chế, chính sách của Chính phủ, cơ quan hành chính các cấp đến người dân. Truyền thông chính sách hiệu quả sẽ giúp người dân hiểu rõ, tham gia, hợp tác, đồng thuận trong quá trình thực thi chính sách.
Phát biểu kết luận tại diễn đàn, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, chúng ta cần hiểu thế nào cho đúng về truyền thông chính sách, sự khác nhau giữa tuyên truyền chính sách và truyền thông chính sách là gì.
Thực tế việc thực hiện truyền thông chính sách thời gian qua, đâu là những bước tiến, đâu là những mặt còn hạn chế, qua đó đề ra những giải pháp cụ thể để nâng cao hơn nữa hiệu quả của truyền thông chính sách.
Chúng ta cần hiểu rõ về vai trò, tầm quan trọng cũng như cách thức của báo chí trong việc phổ biến, lan tỏa, đưa những chính sách đã được ban hành đến với các tầng lớp nhân dân, giúp chính sách đi vào thực tế cuộc sống.
Cần có sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan chức năng và các cơ quan báo chí trong thực hiện truyền thông chính sách; có các giải pháp về kinh tế và công nghệ trong việc nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách tại các cơ quan báo chí.
Diễn đàn Tổng Biên tập “Truyền thông chính sách- Góc nhìn từ các cơ quan báo chí” có 2 phiên, phiên 1: Báo chí- Cánh tay nối dài của truyền thông chính sách, phiên 2: Cơ chế, nguồn lực để báo chí thực hiện truyền thông chính sách sẽ đưa ra được nhiều giải pháp nhằm tăng cường hơn nữa sự kết nối giữa các cơ quan chức năng và báo chí, để báo chí thực sự là cánh tay nối dài của công tác truyền thông chính sách./.