Trợ giúp pháp lý trong các Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và các nước
17:15 11/07/2022
I. NGUYÊN TẮC THỰC HIỆN TRỢ GIÚP PHÁP LÝ
Hiện nay, việc hợp tác của các quốc gia trên thế giới đã trở thành xu thế tất yếu, tuy nhiên trong quá trình hợp tác việc quan trọng nhất cần phải đảm bảo đó chính là nền tảng quốc tế “bình đẳng, các bên cùng có lợi”, do vậy việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại cũng góp phần khẳng định nền tảng trên. Chế độ có đi có lại được hiểu là một quốc gia sẽ dành những ưu đãi hoặc các chế độ pháp lý nhất định cho những cá nhân hoặc pháp nhân nước ngoài, đối lại cá nhân và pháp nhân của họ ở nước ngoài cũng sẽ được hưởng những chế độ ưu đãi tương tự.
Bên cạnh đó, Điều 6 của Luật Điều ước quốc tế năm 2016 (Điều ước quốc tế và quy định của pháp luật trong nước) quy định:
“1.Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó, trừ Hiến pháp.
2. Căn cứ vào yêu cầu, nội dung, tính chất của điều ước quốc tế, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ khi quyết định chấp nhận sự ràng buộc của điều ước quốc tế đồng thời quyết định áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế đó đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong trường hợp quy định của điều ước quốc tế đã đủ rõ, đủ chi tiết để thực hiện; quyết định hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế đó.”
Trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý cũng không nằm ngoài nguyên tắc đó, áp dụng nguyên tắc có đi có lại đối với các công dân của các quốc gia đã tham gia ký kết các Hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam có nội dung trợ giúp pháp lý. Ví dụ: khi một công dân Trung Quốc sang Việt Nam nếu họ thuộc diện người được trợ giúp pháp lý quy định của pháp luật Việt Nam thì họ được trợ giúp pháp lý như công dân Việt Nam.
II. NỘI DUNG TRỢ GIÚP PHÁP LÝ TRONG CÁC HIỆP ĐỊNH TƯƠNG TRỢ TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP
1. Hiệp định TTTP về các vấn đề dân sự và hình sự giữa CHXHCN Việt Nam và CHND Trung Hoa (ký kết ngày 19/10/1998)
Khoản 1 Điều 3 Hiệp định quy định: “Công dân của Bên ký kết này được miễn, giảm án phí và được trợ giúp pháp lý trên lãnh thổ của Bên ký kết kia theo cùng những điều kiện và mức độ như công dân của Bên ký kết kia”.
2. Hiệp định TTTP về các vấn đề dân sự giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước Cộng hoà Pháp (ký kết ngày 24/2/1999)
Điều 7 quy định: “1. Công dân của Nước ký kết này trên lãnh thổ của Nước ký kết kia được trợ giúp pháp lý như công dân của Nước ký kết kia, phù hợp với pháp luật của Nước ký kết được yêu cầu trợ giúp pháp lý.
2. Trợ giúp pháp lý nói trong Hiệp định này bao gồm cả miễn hoặc giảm án phí, cũng như miễn hoặc giảm thù lao bổ trợ tư pháp”.
Điều 8 quy định về việc tiếp tục hưởng trợ giúp pháp lý: “Khi một người đã được trợ giúp pháp lý trên lãnh thổ của Nước ký kết này trong quá trình tố tụng để Toà án ra quyết định, thì người đó cũng được trợ giúp pháp lý trên lãnh thổ của Nước ký kết kia mà không cần phải xem xét lại khi yêu cầu công nhận và cho thi hành quyết định đó”.
3. Hiệp định TTTP và pháp lý về các vấn đề dân sự và hình sự giữa nước CHXHCN Việt Nam và Ucraina (ký kết ngày 06/4/2000)
Điều 15 Hiệp định quy định: “Căn cứ quy định pháp luật của các Bên ký kết, công dân Bên ký kết này được hưởng sự trợ giúp pháp lý không mất tiền và được miễn án phí tại Toà án và lệ phí tại các cơ quan khác của Bên ký kết kia theo những điều kiện và mức độ như công dân Bên ký kết kia”.
4. Hiệp định TTTP về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự giữa CHXHCN Việt Nam và Mông Cổ (ký kết ngày 17/4/2000)
Khoản 1 Điều 18 Hiệp định quy định: “Công dân của Bên ký kết này được miễn trả án phí trên lãnh thổ của Bên ký kết kia, cũng như được hưởng sự giúp đỡ pháp lý miễn phí theo những điều kiện và mức độ như đối với công dân của Bên ký kết kia”.
5. Hiệp định TTTP về dân sự và thương mại giữa CHXHCN Việt Nam và và Cộng hoà dân chủ nhân dân An-giê-ri (ký kết ngày 14/4/2010)
Điều 4 Hiệp định quy định: “1. Công dân của mỗi Bên được hưởng sự trợ giúp pháp lý trên lãnh thổ của Bên kia tương tự như công dân của Bên đó, với điều kiện họ tuân thủ pháp luật của Bên được yêu cầu trợ giúp pháp lý. 2. Giấy chứng nhận về tình trạng thu nhập thấp sẽ do cơ quan có thẩm quyền của nước mà người đó mang quốc tịch cấp, nếu người yêu cầu thường trú hoặc tạm trú trên lãnh thổ của một trong các Bên: Trong trường hợp người yêu cầu không thường trú hoặc không tạm trú trên lãnh thổ của một trong các Bên thì Giấy chứng nhận đó sẽ do cơ quan đại diện ngoại giao hoặc cơ quan lãnh sự có thẩm quyền của nước mà người đó mang quốc tịch cấp.”
6. Hiệp định Tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa Việt Nam và Vương quốc Cam-pu-chia (ký kết ngày 21/01/2013)
Điều 3 Hiệp định quy định: “1. Công dân của mỗi Bên có quyền được miễn, giảm án phí và được trợ giúp pháp lý miễn phí trên lãnh thổ của Bên kia theo cùng những điều kiện và mức độ như công dân của Bên kia.
2. Nếu việc miễn, giảm án phí hoặc trợ giúp pháp lý miễn phí được quyết định căn cứ vào mức thu nhập hoặc/và tình trạng tài sản của người làm đơn, thì giấy xác nhận mức thu nhập hoặc/và tình trạng tài sản của người làm đơn sẽ do cơ quan có thẩm quyền của Bên nơi người làm đơn thường trú hoặc tạm trú cấp.
3. Công dân của một Bên có thể xin miễn, giảm án phí hoặc trợ giúp pháp lý miễn phí theo quy định tại khoản 1 Điều này tới cơ quan có thẩm quyền của Bên nơi người làm đơn thường trú hoặc tạm trú. Cơ quan có thẩm quyền đó sẽ chuyển đơn kèm giấy xác nhận mức thu nhập hoặc/và tình trạng tài sản theo quy định tại khoản 2 của Điều này tới cơ quan có thẩm quyền của Bên kia thông qua các Cơ quan Trung ương.
4. Cơ quan có thẩm quyền quyết định việc miễn, giảm án phí và trợ giúp pháp lý miễn phí có thể yêu cầu người nộp đơn bổ sung thêm thông tin.”
7. Hiệp định TTTP về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CH Ba Lan (ký kết ngày 22/3/1993)
“Điều 17. Phạm vi miễn án phí.
1. Công dân nước ký kết này được miễn án phí trên lãnh thổ nước ký kết kia và được hưởng sự giúp đỡ tư pháp không mất tiền theo cùng những điều kiện và mức độ như đối với công dân nước ký kết kia.
Điều 18. Giấy chứng nhận
1. Giấy chứng nhận về tình trạng nhân thân, gia đình, về thu nhập và tài sản của người xin được giúp đỡ tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước ký kết nơi người đó thường trú hoặc tạm trú cấp.
2. Trong trường hợp đương sự không thường trú hoặc tạm trú ở nước ký kết nào thì cơ quan đại diện ngoại giao hoặc cơ quan lãnh sự của nước ký kết mà đương sự là công dân có thể cấp giấy những nhận về việc đó.
3. Tòa án có thẩm quyền xét đơn xin giúp đỡ tư pháp có thể yêu cầu cơ quan đã cấp giấy chứng nhận cung cấp thêm những giấy tờ cần thiết khác theo cách thức quy định ở Điều 3 Hiệp định này.
Điều 19. Cách thức gửi đơn xin miễn án phí
Công dân của nước ký kết này có thể yêu cầu tòa án có thẩm quyền nơi cư trú, hoặc tạm trú của mình ghi nhận đề nghị tòa án của nước ký kết kia cho miễn án phí hoặc cho hưởng sự giúp đỡ tư pháp không mất tiền. Tòa án đã ghi nhận điều đó chuyển biên bản cho Tòa án có thẩm quyền và của nước ký kết kia kèm theo giấy chứng nhận nói ở Điều 18 Hiệp định này và các giấy tờ khác mà đương sự đã nộp theo cách thức quy định ở Điều 3 Hiệp định này”.
8. Hiệp định TTTP về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND Bungari (ký kết ngày 03/10/1986)
“Điều 42. Miễn lệ phí và các phí tổn khác, giúp đỡ pháp luật không mất tiền
Công dân của nước ký kết này được miễn các khoản lệ phí và các phí tổn khác trên lãnh thổ nước ký kết kia, được hưởng những ưu đãi và sự giúp đỡ pháp lý không mất tiền theo cùng những điều kiện và mức độ như công dân của nước ký kết kia.
Điều 43. Những giấy tờ cần thiết để xin miễn các khoản lệ phí và các phí tổn khác
1. Cơ quan có thẩm quyền của các nước ký kết nơi người xin được hưởng những ưu đãi theo Điều 42 thường trú hoặc tạm trú sẽ cấp những giấy tờ cần thiết về tình trạng nhân thân, gia đình, lao động và tài sản của họ.
2. Nếu người xin hưởng những ưu đãi theo Điều 42 lại không thường trú hoặc tạm trú trên lãnh thổ của các nước ký kết, thì những giấy tờ này có thể do cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự của nước họ cấp.
3. Cơ quan tư pháp ra quyết định về việc cho hưởng các khoản ưu đãi theo Điều 42 có thể yêu cầu cơ quan đã cấp giấy tờ cung cấp thêm những tài liệu bổ sung.
Điều 44. Trình tự trao giấy tờ
1. Nếu công dân của nước ký kết này muốn xin cơ quan của nước ký kết kia cho hưởng những ưu đãi theo Điều 42 thì họ có thể đề nghị việc này với cơ quan có thẩm quyền của nước ký kết kia, nơi họ thường trú hoặc tạm trú. Cơ quan này sẽ chuyển đơn và những giấy tờ đã được cấp theo Điều 43 cho cơ quan có thẩm quyền của nước ký kết kia.
2. Cùng với đơn xin hưởng ưu đãi theo Điều 42 có thể gửi cả đơn đề nghị khởi tố hoặc tố tụng khác.
3. Đơn nói ở các khoản trên gửi theo hình thức được pháp luật của nước ký kết, nơi người đưa đơn thường trú hoặc tạm trú quy định.”
9. Hiệp định TTTP về dân sự giữa CHXHCN Việt Nam và Cộng hoà Ca-dắc-xtan (ký kết ngày 31/10/2011)
“Điều 3: Miễn, giảm án phí và trợ giúp pháp lý miễn phí
1. Công dân của một Bên được miễn, giảm án phí và được trợ giúp pháp lý miễn phí trên lãnh thổ của Bên kia theo cùng những điều kiện áp dụng đối với công dân của Bên kia.
2. Trong trường hợp việc miễn, giảm án phí hoặc trợ giúp pháp lý miễn phí được quyết định căn cứ vào mức thu nhập của người nộp đơn thì giấy xác nhận mức thu nhập của người nộp đơn sẽ do cơ quan có thẩm quyền của Bên nơi người nộp đơn thường trú hoặc tạm trú cấp.
3. Công dân của một Bên có thể làm đơn xin miễn, giảm án phí hoặc trợ giúp pháp lý miễn phí theo quy định tại khoản 1 Điều này tới cho cơ quan có thẩm quyền của Bên nơi người này thường trú hoặc tạm trú. Cơ quan có thẩm quyền này sẽ chuyển đơn kèm theo giấy xác nhận mức thu nhập được quy định tại khoản 2 Điều này tới cơ quan có thẩm quyền của Bên kia thông qua các Cơ quan Trung ương.
4. Cơ quan có thẩm quyền quyết định về việc miễn, giảm án phí và trợ giúp pháp lý miễn phí có thể yêu cầu người nộp đơn bổ sung thêm thông tin.
5. Thuật ngữ “án phí” theo quy định của Hiệp định này được hiểu là lệ phí tòa án và các chi phí khác trả cho nhà nước phù hợp với pháp luật của nước nơi Tòa án có thẩm quyền xét xử.”
10. Hiệp định TTTP về các vấn đề dân sự, gia đình, lao động và hình sự giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CH Cuba (ký kết ngày 30/11/1984).
“Điều 42.
Công dân của mỗi nước ký kết sẽ được miễn các khoản lệ phí và chi phí về tố tụng trên lãnh thổ nước ký kết kia, được hưởng các ưu đãi và sự tương trợ pháp lý không phải trả tiền theo cùng những điều kiện và mức độ như công dân của nước ký kết kia.
Điều 43.
1. Người nào muốn hưởng các ưu đãi quy định ở Điều 42 phải có giấy chứng nhận tình trạng nhân thân, gia đình, lao động và tài sản do các cơ quan có thẩm quyền của nước ký kết, nơi người đó thường trú hoặc tạm trú cấp.
2. Nếu người muốn được hưởng các ưu đãi quy định ở Điều 42 lại không có thường trú hoặc tạm trú trên lãnh thổ của mỗi nước ký kết thì giấy chứng nhận đó phải do đại diện ngoại giao hoặc cơ quan lãnh sự nước ký kêt mà người đó là công dân cấp.
3. Cơ quan có thẩm quyền quyết định việc cho hưaởng các ưu đãi theo Điều 42 có thể yêu cầu cơ quan đã cấp những văn bản gửi giấy tờ, bổ sung.
Điều 44.
1. Nếu công dân của mỗi nước ký kết muốn được hưởng ưu đãi nói ở Điều 42 trước các cơ quan có thẩm quyền của nước ký kết kia, thì có thể gửi đơn yêu cầu cho các cơ quan có thẩm quyền, nơi mình thường trú hay tạm trú, các cơ quan này chuyển đơn yêu cầu đó và bản chứng nhận cùng với các văn bản đã cấp theo quy định của Điều 43 cho cơ quan có thẩm quyền của nước ký kết kia,
2. Cùng với yêu cầu xin được hưởng các ưu đãi nói ở Điều 42 đồng thời có thể yêu cầu tiến hành thủ tục khởi tố hoặc các thủ tục tố tụng khác.
3. Những yêu cầu nói trong khoản 1 và 2 được thực hiện dưới hình thức do pháp luật nước ký kết, nơi người yêu cầu thường trú hoặc tạm trú quy định.”
11. Hiệp định TTTP về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND Hunggari (ký kết ngày 18/01/1985)
“Điều 24. Miễn án phí
1. Công dân nước ký kết này được hưởng trên lãnh thổ nước ký kết kia việc miễn lệ phí công chứng và quyền được thay mặt không mất tiền theo những quy định của pháp luật nước ký kết kia trong cùng những điều kiện và mức độ như công dân của nước ký kết kia.
2. Việc miễn án phí, miễn lệ phí bao gồm tất cả mọi hành vi tố tụng, kể cả tố tụng thi hành án.
3. Nếu theo pháp luật của nước ký kết này một bên đương sự được hưởng việc miễn án phí, miễn lệ phí công chứng, thì người đó cùng được hưởng việc án phí, miễn lệ phí công chứng đối với mọi hành vi tố tụng thực hiện trước Tòa án của nước ký kết kia về cùng vụ án.
Điều 25.
1. Giấy chứng nhận về tình hình nhân thân, gia đình và tài sản của người xin miễn án phí, lệ phí do cơ quan có thẩm quyền của nước ký kết nơi người đó thường trú hoặc tạm trú cấp. Cũng áp dụng quy định này đối với việc chứng nhận về thu nhập của người xin.
2. Nếu đương sự không thường trú hoặc tạm trú trên lãnh thổ của cả hai nước ký kết, thì cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự của nước mà người đó là công dân có thể cấp giấy chứng nhận.
3. Tòa án có thẩm quyền xét đơn xin miễn án phí, lệ phí, nếu thấy cần thiết, có thể yêu cầu cơ quan cấp giấy chứng nhận bổ sung thêm tài liệu theo cách thức nói ở Điều 3.
Điều 26.
1. Công dân của một nước ký kết muốn được hưởng miễn án phí, miễn lệ phí công chứng hoặc quyền được thay mặt không mất tiền trước Tòa án của nước ký kết kia có thể ghi yêu cầu của mình vào biên bản do Tòa án có thẩm quyền nơi người đó thường trú hoặc tạm trú lập. Tòa án này sẽ gửi biên bản kèm theo giấy chứng nhận nói ở Điều 25 và tất cả các giấy tờ mà đương sự xuất trình cho Tòa án có thẩm quyền của nước ký kết kia, theo cách thức quy định ở Điều 3.
2. Tòa án lập biên bản bằng tiếng nước mình.”
12. Hiệp định TTTP và pháp lý về các vấn đề dân sự và hình sự giữa CHXHCN Việt Nam và Liên bang Nga (ký kết ngày 25/8/1998)
“Điều 46
Miễn án phí
1. Công dân của Bên ký kết này trên lãnh thổ của Bên ký kết kia được miễn nộp các khoản án phí, cũng như được hưởng quyền có đại diện tố tụng miễn phí, theo cùng những điều kiện và mức độ như công dân của Bên ký kết kia.
2. Các ưu đãi về án phí quy định tại khoản 1 Điều này được áp dụng đối với tất cả các hành vi tố tụng, kể cả việc thi hành án.
3. Người được toà án của Bên ký kết này cho miễn nộp án phí đối với một vụ án nhất định thì cũng được miễn nộp tiền án phí đối với các chi phí phát sinh trong việc tiến hành các hành vi tố tụng liên quan đến vụ án này trên lãnh thổ của Bên ký kết kia.
Điều 47
1. Người xin miễn nộp tiền án phí hoặc xin được hưởng quyền có đại diện tố tụng miễn phí phải nộp cho Toà án giấy chứng nhận về tình trạng nhân thân, gia đình và tài sản. Giấy chứng nhận này phải do cơ quan có thẩm quyền của Bên ký kết nơi người làm đơn thường trú hoặc tạm trú cấp.
2. Nếu người làm đơn không có nơi thường trú hoặc tạm trú trên lãnh thổ của các Bên ký kết, thì giấy chứng nhận có thể do cơ quan đại diện ngoại giao hoặc cơ quan lãnh sự của Bên ký kết mà người đó là công dân cấp.
3. Để ra quyết định về miễn nộp tiền án phí, Toà án có thể yêu cầu cơ quan đã cấp giấy chứng nhận nói trên giải thích hoặc cung cấp thêm thông tin cần thiết.
4. Nếu pháp luật của Bên ký kết không quy định bắt buộc phải nộp giấy chứng nhận nói tại khoản 1 Điều này, thì người làm đơn phải ghi rõ trong đơn tình trạng gia đình và tài sản của mình.
Điều 48
1. Công dân của Bên ký kết này muốn xin miễn nộp tiền án phí hoặc được hưởng quyền có đại diện tố tụng miễn phí tại toà án của Bên ký kết kia, có thể đề đạt việc này bằng lời hoặc bằng văn bản với Toà án có thẩm quyền nơi người đó thường trú hoặc tạm trú để đưa vào biên bản. Toà án này sẽ chuyển đơn cùng với giấy chứng nhận quy định tại Điều 47 của Hiệp định này cho Toà án có thẩm quyền của Bên ký kết kia.
2. Đơn xin miễn nộp tiền án phí quy định tại khoản 1 Điều này có thể được nộp cùng một lúc với đơn khởi kiện.”
13. Hiệp định TTTP và pháp lý về dân sự và hình sự giữa CHXHCN Việt Nam và CHXHCN Tiệp Khắc (Séc và Xlovakia kế thừa) (ký kết ngày 12/10/1982)
“Điều 43.
Công dân nước ký kết này được hưởng ở nước ký kết kia việc miễn án phí, miễn lệ phí công chứng và quyền được thay mặt không mất tiền theo cùng những điều kiện đối với công dân nước ký kết kia.
Điều 44.
1. Đơn xin miễn các khoản nói ở Điều 43 Hiệp định này cũng có thể gửi đến cơ quan tư pháp nước ký kết mà người xin là công dân. Cùng với đơn xin miễn phí, có thể gửi đơn khởi kiện về vụ án trong đó xin miễn phí.
2. Đơn xin miễn phí theo khoản 1 điều này và đơn khởi kiện nếu có, sẽ được chuyển cho cơ quan tư pháp của nước ký kết kia theo cách thức nói ở Điều 3 Hiệp định này.
Điều 45.
1. Đơn xin miễn phí nói ở Điều 43 Hiệp định này phải kèm theo giấy chứng nhận về tình hình nhân thân, gia đình và tài sản của người xin giấy chứng nhận này do cơ quan có thẩm quyền của nước ký kết nơi người xin thường trú cấp.
2. Trong trường hợp người xin không thường trú ở nước ký kết nào, giấy chứng nhận có thể do cơ quan ngoại giao hoặc cơ quan lãnh sự của nước ký kết mà người xin là công dân cấp.
3. Cơ quan tư pháp giải quyết việc xin miễn phí có thể yêu cầu cơ quan cấp giấy chứng nhận cho biết thêm tình hình hoặc giải thích các điểm cần thiết.”
14. Hiệp định TTTP và pháp lý về các vấn đề dân sự và hình sự giữa CHXHCN Việt Nam và CHDCND Triều Tiên (ký kết ngày 04/5/2002)
“Điều 2. Tương trợ tư pháp.
1. Công dân và pháp nhân của Bên ký kết này được hưởng trên lãnh thổ của Bên ký kết kia sự trợ giúp pháp lý theo cùng những điều kiện áp dụng cho công dân và pháp nhân của Bên ký kết kia.
2. Các Bên ký kết tiến hành tương trợ tư pháp đối với các lĩnh vực liên quan thông qua các cơ quan có thẩm quyền về các vấn đề dân sự và hình sự, bao gồm các toà án và cơ quan kiểm sát.”
15. Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự, gia đình, lao động và hình sự giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Belarut (ký kết ngày 14/9/2000)
“Điều 51. Miễn cược án phí
Công dân của một Bên ký kết cư trú trên lãnh thổ của bất kỳ Bên ký kết nào khởi kiện vụ án trước các cơ quan có thẩm quyền về dân sự, gia đình, lao động của Bên ký kết kia không bắt buộc phải nộp tiền cược án phí áp dụng đối với người nước ngoài chỉ vì lý do họ là người nước ngoài hoặc không có nơi thường trú hoặc tạm trú trên lãnh thổ của Bên ký kết đó.
Điều 52. Miễn án phí và phí luật sư bào chữa
1. Công dân của Bên ký kết này trên lãnh thổ của Bên ký kết kia được miễn nộp các khoản án phí và phí luật sư bào chữa theo cùng những điều kiện và mức độ như công dân của Bên ký kết kia.
2. Các ưu đãi về án phí quy định tại khoản 1 Điều này được áp dụng đối với tất cả các hành vi tố tụng, kể cả việc thi hành án.
3. Người được Tòa án của Bên ký kết này cho miễn nộp án phí đối với một vụ án nhất định thì cũng được miễn nộp tiền án phí đối với các chi phí phát sinh trong việc tiến hành các hành vi tố tụng liên quan đến vụ án này trên lãnh thổ của Bên ký kết kia.
Điều 53. Thủ tục để được miễn án phí
1. Người xin miễn nộp tiền án phí được quy định trong Điều 52 Hiệp định này phải nộp giấy chứng nhận về tình trạng nhân thân, gia đình và tài sản. Giấy chứng nhận này phải do cơ quan có thẩm quyền của Bên ký kết nơi người làm đơn thường trú hoặc tạm trú cấp.
2. Nếu người làm đơn không có nơi thường trú hoặc tạm trú trên lãnh thổ của các Bên ký kết, thì giấy chứng nhận có thể do cơ quan đại diện ngoại giao hoặc cơ quan lãnh sự của Bên ký kết mà người đó là công dân cấp.
3. Để ra quyết định về miễn nộp tiền án phí quy định trong Điều 52 Hiệp định này, Tòa án có thể yêu cầu cơ quan đã cấp giấy chứng nhận nói trên giải thích hoặc cung cấp thêm thông tin cần thiết.
4. Nếu pháp luật của Bên ký kết có Tòa án ra quyết định về việc miễn án phí không quy định bắt buộc phải nộp giấy chứng nhận về tình trạng nhân thân, gia đình và tài thì chỉ cần đơn là đủ.
Điều 54. Thủ tục nộp đơn xin miễn án phí
1. Công dân của Bên ký kết này muốn xin miễn nộp tiền án phí quy định trong Điều 52 Hiệp định này tại Tòa án của Bên ký kết kia, có thể đề đạt việc này bằng văn bản với Tòa án có thẩm quyền nơi người đó thường trú hoặc tạm trú để đưa vào biên bản. Tòa án này sẽ chuyển các giấy tờ quy định tại Điều 53 của Hiệp định này cho Tòa án có thẩm quyền của Bên ký kết kia.
2. Đơn xin miễn nộp tiền án phí quy định tại khoản 1 Điều này có thể được nộp cùng một lúc với đơn khởi kiện.”
16. Thỏa thuận giữa Văn phòng kinh tế và văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc và Văn phòng kinh tế và văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam về tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự (ký kết ngày 12/4/2010)
“Điều 3. Giảm hoặc miễn án phí và trợ giúp pháp lý
1. Cá nhân của một Bên được giảm hoặc miễn thanh toán án phí và được cung cấp trợ giúp pháp lý miễn phí trên lãnh thổ của Bên kia theo cùng các điều kiện và mức độ như đối với cá nhân của Bên kia.
2. Nếu đơn đề nghị giảm hoặc miễn án phí hoặc đề nghị trợ giúp pháp lý miễn phí được quyết định căn cứ vào tình trạng tài chính của người đề nghị, thì giấy xác nhận tình trạng tài chính phải do các cơ quan có thẩm quyền của Bên nơi người đề nghị thường trú hoặc cư trú cấp. Nếu người đề nghị không có nơi thường trú hoặc cư trú ở cả hai Bên thì giấy xác nhận tình trạng tài chính có thể do cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài được chỉ định của Bên đó cấp.
3. Cá nhân của một Bên đề nghị giảm hoặc miễn án phí hoặc đề nghị trợ giúp pháp lý miễn phí theo quy định tại khoản 1 Điều này, có thể nộp đơn đề nghị cho cơ quan có thẩm quyền của Bên nơi người này thường trú hoặc cư trú. Cơ quan có thẩm quyền này phải chuyển đơn đề nghị kèm theo giấy xác nhận được cấp theo qui định tại khoản 2 Điều này đến cơ quan có thẩm quyền của Bên kia. Người đề nghị cũng có thể nộp đơn trực tiếp cho cơ quan có thẩm quyền của Bên kia.”
Nguyễn Thị Thu Hiền - Phòng Chính sách & quản lý nghiệp vụ TGPL, Cục Trợ giúp pháp lý