Trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị mua bán
09:18 21/04/2023
I. Một số nội dung về nạn nhân bị mua bán
Theo số liệu của Bộ Công an từ năm 2010 đến tháng 6/2021, Việt Nam phát hiện gần 3.500 vụ, với 5.000 đối tượng, lừa bán gần 7.500 nạn nhân. Tội phạm mua bán người đã xảy ra trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố, nạn nhân đa số là phụ nữ, trẻ em, người dân tộc thiểu số.... Họ bị lừa bán ra nước ngoài, bị cưỡng ép kết hôn làm vợ người dân bản địa và bị bóc lột tình dục (chiếm gần 80%), bị cưỡng bức lao động[1]. Các nạn nhân bị mua bán có thể bị bóc lột tình dục, là nạn nhân của tình trạng “kết hôn bất hợp pháp”, bị bóc lột lao động hoặc nạn nhân của tình trạng nuôi con nuôi bất hợp pháp... Việc xác định, tìm kiếm nạn nhân bị mua bán lại càng khó khăn trong bối cảnh đại dịch Covid. Khả năng che giấu hoạt động của tội phạm có tổ chức ngày càng cao và càng khó bị phát hiện khi áp dụng biện pháp giãn cách xã hội khiến nạn nhân ngày càng trở nên “vô hình”. Giãn cách xã hội và hạn chế của các quốc gia để phòng, chống đại dịch còn tác động tiêu cực đến khả năng phối hợp, thông tin và hợp tác quốc tế của các cơ quan có liên quan. Nhiều tuyến biên giới bị đóng cửa, các kênh liên lạc thường xuyên bị gián đoạn do hạn chế về đi lại.
Mua bán người là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, xâm phạm trực tiếp các quyền cơ bản của con người như quyền tự do, quyền con người. Tuy vậy, trên thực tế mua bán người thường là hành vi “trá hình”, thủ đoạn mua bán người ngày càng tinh vi, phức tạp. Các đối tượng thực hiện hành vi mua bán người được che giấu bởi nhiều hình thức khác nhau như: tham quan, du lịch, ký kết làm ăn kinh tế, lao động xuất khẩu, tổ chức kết hôn thông qua môi giới, nhận con nuôi, bắt cóc, chiếm đoạt phụ nữ, trẻ em…
Chủ thể thực hiện mua bán người cũng rất đa dạng, có thể là bất kỳ ai không phân biệt quốc tịch, dân tộc, giới tính, tuổi tác, trình độ, nơi sinh sống, nghề nghiệp. Các đối tượng phạm tội thường lừa phụ nữ, trẻ em dưới dạng đưa đi làm việc ở nước ngoài, nuôi con nuôi, kết hôn người nước ngoài rồi đưa ra nước ngoài bán....
Nạn nhân là đối tượng của hành vi mua bán người và có thể là bất kỳ ai, đàn ông hoặc phụ nữ, người lớn hoặc trẻ em, người dân tộc thiểu số hoặc người Kinh, người có quốc tịch Việt Nam, người có quốc tịch nước ngoài và người không có quốc tịch... Nạn nhân có điều kiện kinh tế, địa vị xã hội, trình độ học vấn khác nhau. Một số trường hợp, thanh thiếu niên bỏ trốn khỏi gia đình, vô gia cư có thể trở thành nạn nhân của các đối tượng mua bán người. Ngoài ra, những cá nhân đã từng có quá khứ bị bạo hành về thể xác hoặc tình dục cũng có xu hướng trở thành nạn nhân bởi những ảnh hưởng tâm lý để lại trong họ sẽ bị những kẻ buôn người lợi dụng. Việc xác định sớm nạn nhân bị mua bán là điều kiện tiên quyết để họ có thể được hỗ trợ và TGPL theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc xác định nạn nhân bị mua bán là một trong những thách thức đối với các cơ quan hữu quan, bởi lẽ, không phải nạn nhân nào cũng có đủ tự tin để trình báo, chia sẻ câu chuyện của mình và có đủ giấy tờ chứng mình.
Hiện nay, các luật có nội dung bảo vệ nạn nhân bị mua bán có thể kể đến như sau:
Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011: quy định việc phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi mua bán người và các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người; cơ chế tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân; hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người; trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong phòng, chống mua bán người.
Cơ chế bảo vệ nạn nhân cũng được quy định cụ thể, bao gồm: bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người thân thích của nạn nhân, bảo vệ bí mật thông tin của nạn nhân. Các biện pháp bảo vệ an toàn cho nạn nhân và người thân thích của họ được quy định tại Điều 30 và Điều 31 như:
Bố trí nơi tạm lánh khi nạn nhân, người thân thích của họ có nguy cơ bị xâm hại đến tính mạng, sức khỏe;
Giữ bí mật về nơi cư trú, nơi làm việc, học tập của nạn nhân và người thân thích của họ;
Các biện pháp ngăn chặn hành vi xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản của nạn nhân, người thân thích của họ theo quy định của pháp luật;
Các biện pháp bảo vệ khác theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm giữ bí mật các thông tin về nạn nhân, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Tòa án xem xét, quyết định việc xét xử kín đối với vụ án mua bán người theo yêu cầu của nạn nhân hoặc người đại diện hợp pháp của nạn nhân.
Bên cạnh đó, Luật Phòng, chống mua bán người cũng đã dành một Chương (Chương IV) quy định cụ thể về trách nhiệm của nhà nước, các cơ quan, tổ chức trong việc hỗ trợ nạn nhân bị mua bán như: Hỗ trợ về nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại; hỗ trợ y tế; hỗ trợ tâm lý; trợ giúp pháp lý; hỗ trợ học văn hóa, học nghề; trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn. Đồng thời, Điều 36 của Luật quy định nạn nhân được tư vấn pháp luật để phòng ngừa bị mua bán trở lại và được TGPL theo quy định của pháp luật trợ giúp pháp lý.
Luật Trẻ em năm 2016: quy định trẻ có quyền được bảo vệ để không bị mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt; quyền được bảo vệ trong tố tụng và xử lý vi phạm hành chính…
Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017: Điều 7 quy định nạn nhân bị mua bán có khó khăn về tài chính thuộc diện được trợ giúp pháp lý. Ngoài ra, còn có những nạn nhân là người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, trẻ em, người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn... quy định Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 cũng thuộc diện được trợ giúp pháp lý.
II. Một số quy định về trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị mua bán
Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) số 11/2017/QH14 được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 20/6/2017 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018 thay thế Luật TGPL năm 2006. Luật TGPL năm 2017 đã tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới của công tác TGPL theo hướng chuyên nghiệp hóa, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, bảo đảm người thuộc diện TGPL được cung cấp dịch vụ pháp lý kịp thời, có chất lượng đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, cải cách hành chính, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và hội nhập quốc tế. Luật TGPL năm 2017 đã mở rộng diện người được TGPL từ 06 nhóm lên 14 nhóm, trong đó có quy định nạn nhân của hành vi mua bán người có khó khăn về tài chính thuộc diện được TGPL. Quy định này đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhóm người yếu thế trong xã hội.
1. Về người được trợ giúp pháp lý
Luật TGPL năm 2017 quy định cụ thể nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người có khó khăn về tài chính thuộc diện được TGPL (khoản 7 Điều 7). Tuy nhiên, cần lưu ý trường hợp nạn nhân bạo lực, bị mua bán, người lao động di cư thuộc các trường hợp khác nêu tại Điều 7 của Luật TGPL năm 2017 cũng được TGPL, ví dụ người bị bạo lực, người lao động di cư thuộc hộ nghèo, trẻ em, người cao tuổi, người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn,… thì cũng thuộc diện được TGPL.
Bên cạnh đó, theo quy định của Luật TGPL, người có hành vi mua bán người cũng được TGPL nếu họ thuộc diện được TGPL như: người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, trẻ em, người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo và nhóm thuộc diện có có khăn về tài chính, chẳng hạn như người nhiễm chất độc da cam, người cao tuổi, người khuyết tật; người nhiễm HIV...
Khi được TGPL, người bị mua bán được hưởng các quyền và phải thực hiện các nghĩa vụ như sau:
Quyền của nạn nhân bị mua bán thuộc diện được trợ giúp pháp lý:
Được TGPL mà không phải trả tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác.
Tự mình hoặc thông qua người thân thích, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác yêu cầu TGPL.
Được thông tin về quyền được TGPL, trình tự, thủ tục TGPL khi đến tổ chức thực hiện TGPL và các cơ quan nhà nước có liên quan.
Yêu cầu giữ bí mật về nội dung vụ việc TGPL.
Lựa chọn một tổ chức thực hiện TGPL và người thực hiện TGPL tại địa phương trong danh sách được công bố; yêu cầu thay đổi người thực hiện TGPL.
Thay đổi, rút yêu cầu TGPL.
Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Khiếu nại, tố cáo về TGPLtheo quy định của Luật TGPL và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Ngoài ra, Thông tư số 11/2014/TT-BTP ngày 17/4/2014 quy định về bảo đảm bình đẳng giới trong TGPL có quy định: người mẹ, trẻ em gái, nạn nhân bạo lực gia đình, nạn nhân bị mua bán, nạn nhân bị xâm hại tình dục còn được quyền sau:
Nếu không muốn người thứ ba cùng nghe thì có thể yêu cầu được tiếp riêng.
Không bị người thực hiện TGPL phán xét, đổ lỗi, gây áp lực, gây sợ hãi hoặc làm tổn thương về mặt tâm lý.
Được người thực hiện TGPL, tổ chức thực hiện TGPL hướng dẫn tiếp cận với các cơ sở trợ giúp, hỗ trợ nạn nhân; hướng dẫn hoặc đề nghị áp dụng các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân theo quy định của pháp luật.
Được người thực hiện TGPL, tổ chức thực hiện TGPL đề xuất cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ an toàn; hướng dẫn đề nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng hoặc hủy bỏ các biện pháp bảo vệ, thương lượng, hòa giải, nhằm bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Hỗ trợ, giúp ổn định tâm lý; hỗ trợ đề nghị Tòa án cử người hỗ trợ tại Tòa để chứng thực lời khai tránh việc liên hệ giữa nạn nhân với người có hành vi vi phạm trong trường hợp nạn nhân bị kích động hoặc bị đe dọa đến danh dự và tính mạng trong trường hợp cần thiết.
Được người thực hiện TGPL, tổ chức thực hiện TGPL cung cấp địa chỉ, thông tin về sự hỗ trợ từ cơ quan công an, chính quyền cơ sở, các tổ chức hội, đoàn thể, các cơ sở trợ giúp, hỗ trợ nạn nhân và dịch vụ xã hội khác khi cần thiết.
Nghĩa vụ của nạn nhân bị mua bán thuộc diện được TGPL:
Bên cạnh các quyền nêu trên, người bị mua bán được TGPL có các nghĩa vụ sau:
Không vi phạm điều cấm về TGPL.
Cung cấp giấy tờ chứng minh là người được TGPL.
Hợp tác, cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin, tài liệu, chứng cứ có liên quan đến vụ việc TGPL và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, tài liệu, chứng cứ đó.
Tôn trọng tổ chức thực hiện TGPL, người thực hiện TGPLvà cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến vụ việc TGPL.
Không yêu cầu tổ chức thực hiện TGPL khác TGPL cho mình về cùng một vụ việc đang được một tổ chức thực hiện TGPL thụ lý, giải quyết.
Chấp hành pháp luật về TGPL và nội quy nơi thực hiện TGPL.
2. Về tổ chức trợ giúp pháp lý
Cục TGPL là đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý nhà nước và tổ chức thi hành pháp luật về TGPL theo quy định của pháp luật.
Tổ chức thực hiện TGPL, bao gồm các trung tâm TGPL nhà nước thuộc Sở Tư pháp và các tổ chức tham gia TGPL.
- Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh, thành phố. Hiện nay có 63 Trung tâm TGPL nhà nước thuộc Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Các Trung tâm TGPL có thể còn có các Chi nhánh tại các huyện ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, giao thông không thuận tiện đến Trung tâm và chưa có các tổ chức tham gia TGPL.
- Tổ chức tham gia TGPL, bao gồm: tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật ký hợp đồng thực hiện TGPL hoặc đăng ký tham gia TGPL với Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định pháp luật TGPL.
3. Về người thực hiện trợ giúp pháp lý
- Trợ giúp viên pháp lý, là viên chức của Trung tâm TGPL nhà nước thuộc Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc.
- Luật sư thực hiện TGPL (theo hợp đồng thực hiện với Trung tâm TGPL hoặc theo phân công của tổ chức tham gia TGPL).
- Tư vấn viên pháp luật của tổ chức tham gia TGPL (có đủ 02 năm kinh nghiệm tư vấn pháp luật trở lên).
- Cộng tác viên TGPL (ký hợp đồng thực hiện TGPL với Trung tâm TGPL).
4. Về hình thức, lĩnh vực, phạm vi trợ giúp pháp lý
- Về hình thức trợ giúp pháp lý: Người được TGPL được TGPL theo các hình thức tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng.
+ Tư vấn pháp luật: là việc người thực hiện TGPL hướng dẫn, đưa ra ý kiến, giúp soạn thảo văn bản liên quan đến tranh chấp, khiếu nại, vướng mắc pháp luật; hướng dẫn giúp các bên hòa giải, thương lượng, thống nhất hướng giải quyết.
+ Tham gia tố tụng: người thực hiện TGPL bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL theo quy định của pháp luật.
+ Đại diện ngoài tố tụng: người thực hiện TGPL đại diện cho người được TGPL trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Về lĩnh vực trợ giúp pháp lý: Người được TGPL được hưởng dịch vụ TGPL ở tất cả các lĩnh vực pháp luật (như hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, hành chính, chế độ chính sách...) trừ lĩnh vực kinh doanh, thương mại.
- Về phạm vi thực hiện trợ giúp pháp lý:
+ Trung tâm TGPL nhà nước thực hiện TGPL thuộc một trong các trường hợp sau đây: Người được TGPL đang cư trú tại địa phương; vụ việc TGPL xảy ra tại địa phương;vụ việc TGPL do cơ quan có thẩm quyền về TGPL ở Trung ương yêu cầu.
+ Tổ chức ký hợp đồng thực hiện TGPL thực hiện TGPL trong phạm vi hợp đồng.
+ Tổ chức đăng ký tham gia TGPL thực hiện TGPL trong phạm vi đăng ký.
III. Một số kết quả thực hiện trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị mua bán
1. Hoàn thiện pháp luật
Ngày 20/6/2017 tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV thông qua Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) thay thế Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006, theo đó có quy định nạn nhân của hành vi mua bán người có khó khăn về tài chính là người được trợ giúp pháp lý. Đến nay có 19 văn bản quy phạm pháp luật được ban hành nhằm triển khai Luật TGPL, bao gồm Nghị định, Thông tư liên tịch, Thông tư. Các văn bản này đã tạo điều kiện cho việc bảo đảm quyền được TGPL cho người được TGPL qua đó góp phần đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán người.
Trên cơ sở quy định của Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản có liên quan, năm 2021, Bộ Tư pháp phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư liên tịch số 05/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP ngày 15/12/2021 quy định phối hợp trong việc tổ chức phiên tòa trực tuyến để tạo điều kiện thuận lợi cho người được trợ giúp pháp lý, trong đó có nạn nhân bị mua bán tiếp cận công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Nhằm tăng cường công tác phối hợp về trợ giúp pháp lý cho diện người được trợ giúp pháp lý và trên cơ sở thống nhất nội dung Chương trình phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao về việc người thực hiện TGPL trực tại Tòa án, Bộ Tư pháp đã ký kết Chương trình phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao về việc người thực hiện TGPL trực tại Tòa án (Chương trình phối hợp số 1603/CTPH-BTP-TANDTC ngày 19/5/2022), đồng thời, ban hành Công văn số 2919/BTP-TGPL ngày 12/8/2022 gửi Sở Tư pháp các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai Chương trình phối hợp. Chương trình phối hợp được ký kết nhằm bảo đảm tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL được tiếp cận sớm với dịch vụ TGPL và tăng cường sự phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao trong hoạt động tố tụng giúp nâng cao hiệu quả hoạt động, bảo đảm tiếp cận và thụ hưởng TGPL kịp thời trong tố tụng cho người bị buộc tội, bị hại, đương sự thuộc diện được TGPL, hạn chế việc người dân thuộc diện TGPL, trong đó có nạn nhân bị mua bán bị bỏ lỡ cơ hội được nhận dịch vụ pháp lý miễn phí. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng thường xuyên rà soát, nghiên cứu các quy định hiện hành về phòng, chống mua bán người và trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị mua bán thuộc diện được trợ giúp pháp lý.
2. Hướng dẫn, chỉ đạo, điều hành
Tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao trong Luật Phòng, chống mua bán người và trên cơ sở Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 09/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số 1418/QĐ-BTP ngày 13/9/2021 phê duyệt Kế hoạch triển khai Chương trình phòng, chống mua bán người của Bộ Tư pháp giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, Cục Trợ giúp pháp lý đã tham mưu Bộ Tư pháp ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương tập trung, đẩy mạnh hơn nữa nhiệm vụ của ngành Tư pháp về cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý có chất lượng cho nạn nhân bị mua bán thuộc diện được trợ giúp pháp lý (Công văn số 391/BTP-TGPL ngày 14/02/2022; Công văn số 208/CTGPL-TC&QLCL ngày 09/5/2022...).
Đồng thời, Cục Trợ giúp pháp lý đã thường xuyên triển khai công tác quản lý, hướng dẫn các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý tập trung thực hiện trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị mua bán theo quy định của pháp luật thông qua các đợt kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ, tập huấn kỹ năng cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến (online), kịp thời chỉ đạo các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước các tỉnh/thành phố tăng cường phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan có liên quan khác để giới thiệu, chuyển gửi vụ việc cho Trung tâm, tăng cường thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý, đặc biệt là các vụ việc tố tụng cho người được trợ giúp pháp lý (trong đó có nạn nhân của hành vi mua bán người có khó khăn về tài chính),…qua đó giúp người được trợ giúp pháp lý bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
3. Truyền thông về quyền được trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị mua bán
Trong thời gian qua, ở trung ương và địa phương đã triển khai đa dạng các hoạt động truyền thông với nhiều hình thức, phương thức khác nhau trên các phương tiện thông tin đại chúng về quyền được trợ giúp pháp lý của người được trợ giúp pháp lý, đặc biệt là nạn nhân bị mua bán có khó khăn về tài chính. Cụ thể, xây dựng các phóng sự về vụ việc trợ giúp pháp lý thành công cho trẻ em, người nghèo, phụ nữ…, trong đó có nạn nhân bị mua bán, trả lời phỏng vấn trên truyền hình về hoạt động trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị mua bán...; biên soạn “Tài liệu hướng dẫn trợ giúp pháp lý nhạy cảm giới và phối hợp cho nạn nhân bạo lực, mua bán người” và đã tổ chức tập huấn về nội dung này tại một số tỉnh/thành phố cho Trợ giúp viên pháp lý, luật sư, người làm công tác trợ giúp pháp lý và những người có liên quan đến công tác hỗ trợ, trợ giúp pháp lý và phối hợp, chuyến tuyến dịch vụ để giúp nạn nhân tiếp cận được các dịch vụ thiết yếu một cách phù hợp, đầy đủ và kịp thời. Ngoài ra, tổ chức nhiều Hội nghị truyền thông điểm tại cơ sở, nhằm tập huấn nâng cao năng lực về trợ giúp pháp lý cho trưởng thôn, cán bộ chi hội đoàn thể, người có uy tín trong cộng đồng tại một số tỉnh/thành phố trong cả nước, trong các buổi tập huấn đó có lồng ghép hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý cho nạn nhân của hành vi mua bán người.
Ở địa phương, nhằm thúc đẩy công tác truyền thông TGPL đến với người dân, các Trung tâm đã có nhiều hoạt động truyền thông về TGPL nói chung và truyền thông về quyền được TGPL cho nạn nhân bị mua bán nói riêng theo nhiều phương thức khác nhau. Một số Trung tâm xây dựng Trang thông tin điện tử riêng về TGPL (Bình Định, Hải Phòng...). Đa số các Trung tâm phối hợp với các cơ quan đoàn thể (Hội Phụ nữ, Hội Nông dân,...) để giới thiệu thông tin về TGPL cho thành viên, hội viên của các tổ chức hoặc phối hợp với các Báo để đăng tải các câu chuyện pháp luật TGPL, hoạt động TGPL, giải đáp các vướng mắc về pháp luật mà người dân thường gặp; một số địa phương xây dựng chuyên mục câu chuyện TGPL trên báo địa phương. Một số Trung tâm thực hiện truyền thông theo chuyên đề TGPL cho các đối tượng đặc thù; xây dựng chuyên mục “bạn và TGPL” trên đài phát thanh cấp huyện, phát thanh trên hệ thống truyền thanh công cộng xã, phường, thực hiện truyền thông về TGPL trong trường dân tộc nội trú...
4. Về thực hiện trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị mua bán người
Theo số liệu thống kê từ năm 2012 – nay, đã có hơn 400 lượt nạn nhân của hành vi mua bán được các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý thực hiện trợ giúp pháp lý cho nạn nhân của hành vi mua bán người (trong đó tham gia tố tụng 139). Tất cả các vụ việc mua bán người được phát hiện ra có yêu cầu trợ giúp pháp lý đều được các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý cử người thực hiện trợ giúp pháp lý có trình độ, chuyên môn phù hợp để thực hiện trợ giúp pháp lý cho họ. Mặc dù số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị mua bán còn thấp, nhất là số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị mua bán có khó khăn về tài chính, nhưng thông qua các vụ việc trợ giúp pháp lý cụ thể, các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý đã bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý, qua đó góp phần vào việc ổn định an ninh chính trị, đấu tranh phòng, chống tội phạm ở địa phương.
Có thể nói rằng, công tác trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị mua bán thời gian qua đã góp phần vào việc thực hiện các chính sách của nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người. Hệ thống văn bản pháp luật Phòng, chống mua bán người, Luật Trợ giúp pháp lý, các Luật có liên quan và văn bản hướng dẫn đã tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện trợ giúp pháp lý. Trợ giúp viên pháp lý và luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý đã kịp thời bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân bị mua bán thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý trong nhiều vụ việc, bảo đảm công lý, mang lại niềm tin vào tổ chức trợ giúp pháp lý nhà nước cũng như đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý. Nhiều người (đặc biệt là các nạn nhân được trợ giúp pháp lý) đã tham gia tích cực cùng với chính quyền địa phương và các cơ quan hữu quan chung tay góp phần đấu tranh đẩy lùi tệ nạn mua bán người. Từ đó kịp thời giúp nạn nhân – nhóm người dễ bị tổn thương trong xã hội – và người thân của họ cũng như cộng đồng và xã hội hiểu biết hơn, tin tưởng hơn vào chính sách trợ giúp pháp lý, các quy định về phòng, chống mua bán người, trên cơ sở đó nâng cao ý thức cảnh giác, biết cách tự phòng ngừa và chống lại tệ nạn mua bán người.
Bên cạnh đó, vẫn còn có những khó khăn, vướng mắc trong trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị mua bán, có thể kể đến như sau:
- Về thể chế, qua rà soát hệ thống văn bản pháp luật về trợ giúp pháp lý và pháp luật về phòng, chống mua bán người thì thấy rằng hiện tại một số quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người chưa thật đồng bộ với quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành nên cần được nghiên cứu hoàn thiện pháp luật để thuận lợi cho việc thực hiện trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị mua bán, kịp thời bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
- Phần lớn nạn nhân bị mua bán là những người có khó khăn về kinh tế hoặc sinh sống ở những nơi có hoàn cảnh khó khăn, trình độ hiểu biết pháp luật còn hạn chế, việc hiểu biết xã hội và các thủ đoạn tinh vi của loại tội phạm mua bán người còn hạn chế nên họ dễ trở thành mục tiêu cho bọn mua bán người dụ dỗ, lôi kéo. Mặt khác, do tâm lý mặc cảm, cam chịu, e ngại, xấu hổ, nỗi lo sợ bị trả thù… nên nhiều người không tố cáo tội phạm và không kịp thời đề nghị trợ giúp pháp lý.
- Thủ đoạn, phương thức và hành vi mua bán người ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức, xuyên quốc gia. Đối tượng phạm tội đa dạng, ngoài những đối tượng có tiền án, tiền sự hoạt động chuyên nghiệp, một số người từng là nạn nhân hoặc lấy chồng nước ngoài khi trở về nước đã dụ dỗ, lừa bán người khác; nhiều trường hợp sử dụng công nghệ cao để phạm tội… vì vậy gây khó khăn trong việc phát hiện, điều tra và truy tố kẻ phạm tội cũng như công tác phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn và bảo vệ nạn nhân bị mua bán và người thân của họ.
- Việc xác định nạn nhân mua bán người thuộc diện khó khăn tài chính để xác định diện người trợ giúp pháp lý nhiều lúc gặp khó khăn do Luật Phòng chống mua bán người không định nghĩa rõ thế nào là mua bán người, một số trường hợp nạn nhân không có giấy tờ chứng minh để được trợ giúp pháp lý theo quy định.
- Trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid 19, việc điều tra, xác minh nạn nhân và thực hiện trợ giúp pháp lý cho họ còn gặp nhiều khó khăn.
Những khó khăn trên có thể xuất phát từ các nguyên nhân sau đây:
- Do Luật Phòng, chống mua bán người và Nghị định số 09/2013/NĐ-CP ngày 11/01/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống mua bán người chưa cụ thể, chưa đồng bộ với các quy định về trợ giúp pháp lý nên chưa tạo thuận lợi cho hoạt động trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị mua bán.
- Một số địa phương vẫn còn chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác phòng, chống tội phạm; phòng, chống mua bán người về công tác trợ giúp pháp lý nên chưa tích cực vào cuộc.
- Một số địa phương do phong tục tập quán, định kiến xã hội, đặc biệt là vấn đề kỳ thị và hòa nhập xã hội nên có trường hợp trẻ em, phụ nữ bị mua bán có tâm lý mặc cảm, e ngại và không dám chia sẽ, tiếp cận, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền.
- Do hạn chế nguồn lực (kinh phí và biên chế) nên phần nào ảnh hưởng tới khả năng cung cấp các dịch vụ hỗ trợ, trong đó có trợ giúp pháp lý miễn phí cho nạn nhân bị mua bán.
IV. Một số giải pháp, kiến nghị
Để hoạt động trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị mua bán tốt hơn trong thới gian tới, xin đề xuất một số giải pháp, kiến nghị sau đây:
1. Rà soát hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị mua bán để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi trong hệ thống pháp luật, kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nạn nhân bị mua bán.
2. Tăng cường thực hiện trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị mua bán, nhất là các vụ việc tham gia tố tụng; tăng cường nâng cao năng lực cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý, nhất là các kỹ năng thực hiện trợ giúp pháp lý, kỹ năng phối hợp trong trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị mua bán.
3. Tăng cường công tác phối hợp giữa Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước với các cơ quan, tổ chức có liên quan, đặc biệt là cơ quan tiến hành tố tụng khi phát hiện đối tượng là nạn nhân bị mua bán người có khó khăn về tài chính thì giới thiệu đến các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp để được trợ giúp pháp lý miễn phí theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý.
4. Nâng cao nhận thức của các cơ quan, ban ngành về vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác phòng, chống tội phạm, phòng, chống mua bán người, công tác trợ giúp pháp lý.
5. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông của các Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước, cung cấp số điện thoại đường dây nóng, danh sách địa chỉ, số điện thoại của người thực hiện trợ giúp pháp lý, Trung tâm và Chi nhánh, các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý để
6. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong việc quản lý, theo dõi, cung cấp thông tin về trợ giúp pháp lý; thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý cho người dân, đặc biệt là nạn nhân bị mua bán.
7. Tăng cường hợp tác quốc tế về đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người, triển khai có hiệu quả các điều ước quốc tế, các hiệp định song phương nhằm phòng, chống mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.