Sáng 30/10, trong phiên chất vấn của Quốc hội, đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh đề nghị Bộ trưởng Văn hoá Thể thao Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết các giải pháp để khắc phục tình trạng đạo đức xã hội, gia đình đang xuống cấp nghiêm trọng.
Ông Thiện cho rằng đây là vấn đề "rất quan trọng nhưng rất khó", để thực hiện cần nhiều thời gian. "Ở kỳ họp lần trước tôi đã trả lời câu hỏi này, nhưng đến nay sự xuống cấp đạo đức xã hội vẫn diễn biến phức tạp", ông nói.
Bộ trưởng Văn hoá Nguyễn Ngọc Thiện. Ảnh: Võ Hải |
Theo Bộ trưởng, nhiều giá trị tốt đẹp của dân tộc bị mai một; tình trạng suy thoái đạo đức trong cán bộ, đảng viên gia tăng; đạo đức nghề nghiệp sa sút; gian lận trong học hành, bằng cấp; tình trạng chạy chức chạy quyền; bạo lực gia đình, bạo lực với người cao tuổi... đang diễn ra.
"Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Văn hoá đã tham mưu Trung ương Đảng ban hành nghị quyết 33 về xây dựng phát triển văn hoá, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước. Bộ cũng trình Chính phủ ban hành nghị định 110 về quản lý tổ chức lễ hội; nghị định 122 quy định xét tặng danh hiệu gia đình, thôn, bản, ấp văn hoá...", ông Thiện nói.
Cùng với đó, Bộ Văn hoá cũng đề ra nhiều giải pháp để phát huy sứ mệnh của văn học nghệ thuật, vai trò của văn nghệ sĩ; tăng cường phối hợp liên ngành trong giáo dục đạo đức lối sống...
"Qua việc triển khai các chủ trương, chính sách liên quan, Bộ Văn hoá nhận thấy để xây dựng con người và khắc phục biểu hiện xuống cấp của đạo đức lối sống phải làm từng bước, đương nhiên cần quyết liệt và mạnh mẽ. Bộ đề nghị toàn xã hội phải vào cuộc", ông Thiện nói.
Bộ trưởng Văn hoá cũng cho rằng giải quyết vấn đề trên phải có sự đồng hành của các ngành kinh tế, "vì tồn tại xã hội quyết định hình thức xã hội"; nếu giải quyết lĩnh vực văn hoá mà bỏ kinh tế sang một bên thì không được, vì kinh tế là cái gốc.
"Đây là vấn đề rất khó, rất cấp bách, chúng tôi rất trăn trở nhưng để một mình ngành văn hoá loay hoay thì không ổn. Kinh phí hiện tại cũng rất ít", ông Thiện chia sẻ.
Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc bệnh viện Tim Hà Nội đã tranh luận với lãnh đạo ngành văn hoá về phát biểu nêu trên.
"Bộ trưởng nói đạo đức xã hội xuống cấp xuất phát từ kinh tế, rõ ràng là phú quý sinh lễ nghĩa nhưng tiền không thể mua được văn hoá, không thể mua được đạo đức xã hội", ông Tuấn nói.
Giám đốc viện Tim đặt vấn đề, "tại sao khi xã hội nghèo, khó khăn thì đạo đức được duy trì và văn hoá rất tốt. Bây giờ thoát nghèo, trở thành xã hội có thu nhập trung bình thì nền tảng đạo đức lại xuống cấp trầm trọng?".
Theo ông Tuấn, "con người có đạo đức, nhân cách thì hình thành từ gia đình, bố mẹ là tấm gương cho các con, thầy cô cũng phải là tấm gương cho học trò, tiên học lễ hậu học văn; đây là việc quan trọng để ngăn chặn sự xuống cấp của đạo đức xã hội".
Trả lời ý kiến đại biểu Nguyễn Quang Tuấn, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định "văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế xã hội, văn hoá là gốc". Ông Thiện cho rằng có thể đại biểu Tuấn đã chưa nghe rõ ý của mình.
Bộ trưởng giải thích, từ trước đến nay nói đến đạo đức xã hội là giao cho ngành văn hoá và các ngành xã hội, quan điểm xử lý vấn đề nếu vẫn như vậy thì việc khắc phục sự xuống cấp đạo đức xã hội sẽ khó.
"Tôi nói rằng cả xã hội phải vào cuộc. Chính sự xuống cấp đạo đức xuất phát từ các ngành kinh tế, cần xử lý ở các lĩnh vực chứ không riêng ngành xã hội, nếu cứ để ngành văn hoá loay hoay thì không giải quyết được vấn đề xuống cấp đạo đức", ông Thiện nói.
Theo Bộ trưởng Văn hoá, việc phân bổ ngân sách dành cho ngành văn hoá rất ít; đơn cử trong 3 năm qua, ngân sách cấp cho bảo tồn di sản văn hoá phi vật thể chỉ 7,3 tỷ đồng.
"Nếu không có giải pháp đồng bộ thì đến nhiệm kỳ sau, ai làm Bộ trưởng lại bị chất vấn về đạo đức xã hội xuống cấp", ông Thiện khẳng định.