Thúc đẩy hợp tác quốc tế để tăng cường tiềm lực khoa học - công nghệ quốc gia

09:33 12/01/2022

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tác động sâu rộng đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội, việc xây dựng hình ảnh quốc gia thông qua phát triển khoa học - công nghệ đã trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của nhiều quốc gia trên thế giới. Thúc đẩy hợp tác quốc tế để tăng cường tiềm lực khoa học - công nghệ là một trong những hướng đi nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu này.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính làm việc với các doanh nghiệp Nhật Bản trong lĩnh vực chuyển đổi số tại Thủ đô Tokyo, Nhật Bản, ngày 24-11-2021_Ảnh: TTXVN

Thành tựu hợp tác quốc tế về khoa học - công nghệ

Hợp tác quốc tế về khoa học - công nghệ đã và đang góp phần đáng kể vào việc tăng cường tiềm lực, nâng cao trình độ nghiên cứu và đặc biệt là góp phần giải quyết các vấn đề khoa học - công nghệ, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta. Với sự phát triển cả về quy mô, hình thức và nội dung, Việt Nam hiện đang là thành viên của gần 100 tổ chức quốc tế về khoa học - công nghệ; có quan hệ về hợp tác khoa học - công nghệ với hơn 90 quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế; hơn 80 điều ước, thỏa thuận quốc tế về hợp tác khoa học - công nghệ cấp chính phủ, cấp bộ đã được ký kết và thực hiện. Các mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực khoa học - công nghệ được điều chỉnh theo hướng đa dạng hóa, đa phương hóa, một mặt, vẫn tiếp tục duy trì các mối quan hệ hợp tác truyền thống trước đây, như với Nga, các nước Đông Âu...; mặt khác, thiết lập và phát triển các mối quan hệ hợp tác mới với một số nước Nam Mỹ, châu Phi, Trung Đông...

Về quy mô:

Từ năm 2000 đến nay, có khoảng hơn 600 thỏa thuận, hợp đồng hợp tác quốc tế về khoa học - công nghệ giữa Việt Nam và các đối tác được thực hiện tại các cơ sở nghiên cứu các cấp; hơn 500 nhiệm vụ nghiên cứu song phương giữa các tổ chức khoa học - công nghệ Việt Nam với các tổ chức khoa học - công nghệ của các nước đã và đang được thực hiện. Các hoạt động này đã thực hiện được mục tiêu giải quyết các nhiệm vụ khoa học - công nghệ ở trình độ quốc tế; tăng cường nguồn lực thông tin khoa học - công nghệ cho các nhà khoa học Việt Nam; từng bước làm chủ công nghệ của nước ngoài, nâng cao năng lực công nghệ cho các doanh nghiệp Việt Nam và qua đó, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam.

Về hình thức và nội dung:

Trong những năm qua, hình thức hợp tác quốc tế về khoa học - công nghệ của Việt Nam ngày càng đa dạng, phong phú, đi vào thực chất. Từ việc ký kết các điều ước, thỏa thuận hợp tác, mở rộng quan hệ theo “chiều rộng”, nước ta dần tiến tới giai đoạn triển khai cụ thể hóa và hiện thực hóa các nội dung trong các cam kết, thỏa thuận trên theo “chiều sâu”. Từ việc tổ chức các hội thảo khoa học, triển lãm công nghệ, trao đổi chuyên gia, tài liệu, thông tin khoa học, Việt Nam đã tiến tới triển khai những dự án nghiên cứu chung, chuyển giao kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu với sự hỗ trợ của chuyên gia nước đối tác.

Các nội dung hợp tác đã xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của nước ta, giải quyết được nhiều vấn đề cấp bách, phục vụ tích cực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.  Riêng năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trên toàn cầu, Chính phủ phải tăng chi ngân sách cho hoạt động chống dịch và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, nên mức chi cho khoa học - công nghệ giảm.

Trong hợp tác quốc tế về khoa học - công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ được giao đóng vai trò chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan để tham mưu cho Chính phủ, đề xuất và thúc đẩy quá trình này. Qua đó, nhiều giải pháp khoa học - công nghệ mang tính đột phá từ những cường quốc khoa học - công nghệ trên thế giới, như Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Đức, Ô-xtrây-li-a...(1) đã được chuyển giao về Việt Nam. Nhiều tri thức khoa học - công nghệ mới đã được các nhà khoa học Việt Nam tiếp thu, ứng dụng và từng bước làm chủ được một số công nghệ tiên tiến, rút ngắn thời gian nghiên cứu trong nước, phục vụ có hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh; đồng thời, góp phần đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao trình độ nghiên cứu và quản lý của đội ngũ cán bộ khoa học - công nghệ trong nước, tiếp cận trình độ quốc tế, góp phần nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, tăng cường cơ sở vật chất cho một số cơ sở nghiên cứu - triển khai trong nước.

Về các lĩnh vực hợp tác:

Trong những năm qua, hợp tác quốc tế về khoa học - công nghệ ngày càng được mở rộng trên nhiều lĩnh vực, gồm: khoa học tự nhiên (nâng cao trình độ khoa học, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững), khoa học xã hội - nhân văn (cung cấp luận cứ khoa học phục vụ hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước), khoa học - công nghệ (nâng cao chất lượng tăng trưởng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, củng cố quốc phòng, an ninh, phục vụ mục đích công cộng).

- Về khoa học tự nhiên: phần lớn các dự án hợp tác quốc tế về khoa học - công nghệ giữa Việt Nam và các đối tác thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên. Nhiều dự án hợp tác quốc tế về khoa học tự nhiên đã đạt được thành công, như dự án công nghệ a-mi-la-da công nghiệp dùng trong chế biến thực phẩm và nông sản của Đức, công nghệ tạo chủng nấm men sử dụng trong công nghiệp hóa học và trong ngành y tế, công nghệ sản xuất vật liệu com-po-sit các-bon; công nghệ sản xuất a-non trung tính phục vụ cho các cơ sở nuôi tôm, đánh giá tổn thất môi trường do hoạt động nuôi tôm ở một số vùng ven biển... Nhiều ứng dụng các công nghệ viễn thám và hệ thống thông tin địa lý đã lập được các bản đồ chuyên đề phục vụ quy hoạch môi trường cho phát triển bền vững ở vùng ven biển Việt Nam; nghiên cứu xác định được loại vi khuẩn gây bệnh cho tôm ở vùng ven biển; nghiên cứu tạo giống cá chép mang gen hoóc-môn sinh trưởng tái tổ hợp có tốc độ phát triển nhanh; tăng cường chống chịu và cải tiến được chất lượng giống lúa bằng công nghệ sinh học thực vật; xử lý nước lợ phục vụ sinh hoạt cho dân cư ven biển; mô hình sử dụng năng lượng mặt trời cho vùng sâu, vùng xa, sản xuất các chế phẩm vi sinh...(2).
Như vậy, có thể thấy, đa phần các dự án hợp tác về khoa học tự nhiên tập trung vào lĩnh vực công nghệ sinh học, hóa học, vật liệu mới; phù hợp với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, qua đó, giúp ngành nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, nâng cao năng suất và chất lượng, hướng tới phát triển bền vững. Bên cạnh đó, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng và sở hữu trí tuệ, phòng, chống, hạn chế rủi ro do biến đổi khí hậu cũng góp phần đáp ứng yêu cầu của các thiết chế quốc tế mà nước ta đang tham gia, như Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ (BTA), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC)...

- Về khoa học xã hội - nhân văn: Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này nhìn chung vẫn còn hạn chế. Đa phần các dự án hợp tác về khoa học xã hội - nhân văn nằm trong khuôn khổ đa phương, như dự án xây dựng khung nền kinh tế tri thức Việt Nam do Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), các quỹ, các học bổng nghiên cứu của Chính phủ và một số tổ chức khoa học, các mạng lưới nghiên cứu một số lĩnh vực tiêu biểu của khu vực và quốc gia phát triển tài trợ...

- Về khoa học - công nghệ: Cùng với khoa học tự nhiên, đây là lĩnh vực thu hút được sự quan tâm của nhiều đối tác song phương và đa phương. Thông qua hoạt động hợp tác quốc tế, khoa học - công nghệ của Việt Nam đã từng bước tiếp cận trình độ công nghệ tiên tiến trong khu vực, góp phần vào tăng trưởng kinh tế, tăng năng lực cạnh tranh sản phẩm, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường và phòng, chống thiên tai, khai thác hiệu quả hơn tiềm năng kinh tế biển, bảo đảm an ninh và quốc phòng.

Về đối tác hợp tác:

 Trong thời gian qua, Việt Nam đã tích cực và chủ động thúc đẩy hoạt động hợp tác ở nhiều cấp độ với nhiều đối tác.

- Ở cấp độ đa phương: Việt Nam đã tích cực tham gia hợp tác với các tổ chức, diễn đàn quốc tế trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), UNESCO, Hội nghị Thượng đỉnh Á - Âu (ASEM), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC)...

Với ASEAN: Việt Nam đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Ủy ban Khoa học và Công nghệ các nước ASEAN và Chủ tịch Tiểu ban phát triển kết cấu hạ tầng và nguồn lực ASEAN (SCIRD) (2003 - 2005). Nhờ những kinh nghiệm được tích lũy sau nhiều năm gia nhập ASEAN, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì thành công Hội nghị Ủy ban Khoa học và Công nghệ ASEAN (COST) lần thứ 47 tại Xin-ga-po, lần thứ 48 tại Thái Lan và nhiều hoạt động của các tiểu ban của COST. Đặc biệt, trên cơ sở sáng kiến của Việt Nam và các nước ASEAN, khóa họp COST lần thứ 48 (2004) đã nhất trí nâng cấp mối quan hệ của các nước ASEAN trong lĩnh vực khoa học - công nghệ lên thành Hội nghị cấp SOM của COST+3, bao gồm các thứ trưởng, tổng thư ký hoặc tương đương của cơ quan quản lý quốc gia về khoa học - công nghệ; lãnh đạo các viện, cơ quan khoa học - công nghệ chủ chốt từ các nước ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc(3). Trong vòng một thập niên từ năm 2010 đến nay, Việt Nam đã tích cực đóng góp vào việc tổng kết, đánh giá tình hình hoạt động hiện tại về khoa học - công nghệ của các nước ASEAN, đồng thời tham gia xây dựng bản kế hoạch hội nhập chung cho các ngành và Kế hoạch Khoa học - công nghệ ASEAN.

Với APEC và Trung tâm chuyển giao công nghệ châu Á và Thái Bình Dương (APCTT): Việt Nam đã tích cực tham gia Hội nghị nhóm công tác khoa học - công nghệ APEC và Hội nghị Bộ trưởng Khoa học - công nghệ APEC, chủ động tham gia thảo luận các vấn đề liên quan đến chính sách và phương hướng phát triển khoa học - công nghệ của các nước và nền kinh tế thuộc diễn đàn APEC. Việt Nam cũng tích cực tham gia các hoạt động của Trung tâm chuyển giao công nghệ châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là bốn chương trình: Mạng lưới Công nghệ sinh học châu Á - Thái Bình Dương, Mạng lưới Y học cổ truyền và cây thuốc, Cổng Chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Hệ thống Đổi mới quốc gia (4).

Với WTO: Trong khuôn khổ các hiệp định hợp tác về khoa học - công nghệ trong WTO, như hiệp định về các khía cạnh của quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại, về rào cản kỹ thuật đối với thương mại, Việt Nam đã tích cực hợp tác, thực thi các quy định với các thành viên WTO khác; triển khai nhiều chương trình hành động nhằm thực thi các cam kết về tiêu chuẩn đo lường chất lượng và sở hữu trí tuệ trong khuôn khổ WTO.

Với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và hợp tác trong khuôn khổ Hiệp định hợp tác vùng (RCA): Việt Nam tham gia thực hiện 14 dự án hợp tác kỹ thuật trong các lĩnh vực: phân tích hạt nhân, thủy văn đồng vị, y học hạt nhân, ứng dụng nông nghiệp, công nghiệp và hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực. Ngoài ra, Việt Nam còn tham gia chương trình hoạt động EBP (Extra Budget Programme) và tham dự nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế với sự hỗ trợ của IAEA(5).

- Ở cấp độ song phương: hằng năm, Việt Nam dành hàng chục tỉ đồng để hỗ trợ kinh phí đối ứng cho các tổ chức khoa học - công nghệ Việt Nam triển khai các dự án hợp tác nghiên cứu với các đối tác nước ngoài. Một số dự án hợp tác đã kết thúc và đạt kết quả tốt, như quy trình công nghệ bảo quản một số loại quả (Hàn Quốc), công nghệ lai tạo một số giống gia cầm (Hung-ga-ri), mô hình trình diễn điện khí hóa nông thôn, miền núi bằng công nghệ pin mặt trời tại hai xã của tỉnh Bắc Giang và hai xã của khu vực Tây Nguyên... Đặc biệt, hiện nay, Việt Nam đã có tham tán, bí thư phụ trách khoa học - công nghệ tại bốn đại sứ quán Việt Nam tại các nước Pháp, Trung Quốc, Nga và Ấn Độ(6).

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thăm khu vực thực nghiệm của Viện Nghiên cứu ứng dụng Fraunhofer nhằm thúc đẩy việc hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực công nghệ giữa Đức và Việt Nam_Ảnh: TTXVN

Với các cường quốc về khoa học - công nghệ (Mỹ, Đức, Pháp, Nhật Bản...), Việt Nam đã tích cực xây dựng và phát triển quan hệ hợp tác về khoa học - công nghệ để học hỏi kinh nghiệm và các công nghệ tiên tiến, phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Với Mỹ, từ khi hai nước ký kết Hiệp định về hợp tác khoa học - công nghệ (tháng 11-2000), các nội dung hợp tác ngày càng được mở rộng và có tính ứng dụng cao. Đặc biệt, trong lĩnh vực công nghệ thông tin, hai bên đã thỏa thuận 10 nội dung hợp tác, như đào tạo về chính phủ điện tử; phần mềm nguồn mở; phát triển vườn ươm công nghệ; hỗ trợ hoạt động của nhóm IT Connect. Trong lĩnh vực khoa học biển và hải sản, dự án quản lý vùng bờ Vịnh Hạ Long được triển khai tốt.  Với Nhật Bản, Nhật Bản đã tài trợ nhiều dự án cho Việt Nam, như dự án “Hiện đại hóa quản trị sở hữu trí tuệ”, các nghiên cứu phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc... Thông qua nguồn vốn ODA, hỗ trợ về kỹ thuật - công nghệ của Nhật Bản đã có tác động lớn giúp phát triển những lĩnh vực thiết yếu cho đời sống và sự phát triển đất nước, như năng lượng, nước, y tế... Với Pháp, Việt Nam đã làm việc với đoàn Cao ủy Pháp về năng lượng nguyên tử; Pháp cung cấp nhiều tài liệu quan trọng cho Việt Nam để nghiên cứu về điện hạt nhân. Hai nước đã ký kết dự án về đa dạng sinh học động vật hoang dã và động vật nuôi do Pháp tài trợ 1,8 triệu USD(7)Với Đức: Cộng hòa liên bang Đức tiếp tục cam kết Việt Nam là đối tác quan trọng của Đức ở châu Á (hiện ở châu Á, khối lượng hợp tác của Đức với Việt Nam về khoa học - công nghệ chỉ đứng thứ 2 sau Trung Quốc). Hai bên đã hợp tác triển khai nhiều chương trình nghiên cứu, đào tạo, như Chương trình Hợp tác nghiên cứu biển với Quỹ Nghiên cứu quốc gia Đức (DFG), tổng kinh phí hỗ trợ của phía Đức xấp xỉ 2 triệu USD, Chương trình nghiên cứu công nghệ sinh học...(8). Bên cạnh đó, hợp tác về khoa học - công nghệ giữa các địa phương, bang, viện nghiên cứu, trường đại học và các doanh nghiệp cũng được Chính phủ hai nước khuyến khích phát triển. Ngoài ra, Việt Nam cũng tích cực thúc đẩy quan hệ hợp tác với nhiều đối tác lớn về khoa học - công nghệ, như Thụy Điển, Bỉ, Hàn Quốc, Thụy Sĩ... đạt hiệu quả cao.

Với các đối tác truyền thống (Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, các nước Đông Âu...), Việt Nam tiếp tục phát triển mối quan hệ hợp tác theo hướng đi vào chiều sâu, hợp tác thực chất, mở rộng nội dung hợp tác. Với Nga, các chuyên gia Nga đã cung cấp nhiều phần mềm có giá trị và quy trình khai thác các máy bay SU. Trung tâm công nghệ vi điện tử và tin học (Viện Ứng dụng công nghệ) đã tiếp nhận được phần mềm có giá trị để mô phỏng và thiết kế thử nghiệm thiết bị điện tử theo mục đích đặt trước. Việt Nam đang hợp tác với Nga để nâng cấp hệ điều khiển lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt. Với Trung Quốc, khóa họp lần thứ 5 của Ủy ban Hợp tác Khoa học - Công nghệ Việt Nam - Trung Quốc đã được tổ chức tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Khóa họp đã thông qua 12 đề tài hợp tác dài hạn; đặc biệt, hai nước đang tiến hành thực hiện chương trình tình nguyện của các nhà khoa học Trung Quốc tại Việt Nam(9). Ngoài ra, nước ta còn tiếp tục phát triển hợp tác khoa học - công nghệ với các nước Đông Âu.

Với Ấn Độ, các hoạt động hợp tác tập trung vào công nghệ viễn thám, công nghệ thông tin và công nghệ sinh học(10). Trong những năm qua, hai nước tập trung vào việc triển khai dự án 2,5 triệu USD về phát triển phần mềm; tuyển cử thực tập sinh và một số dự án khác về nông nghiệp và công nghệ sinh học. Một số dự án đã đạt kết quả nhất định, như chế biến thịt quả điều, phát triển cây xoan chịu hạn, kéo dài thời hạn bảo quản quả vải tươi...

Với các đối tác mới, Việt Nam cũng đặc biệt chú trọng mở rộng địa bàn hợp tác sang châu Phi, khu vực Mỹ La-tinh. Nước ta đã ký kết một số hiệp định, văn bản thỏa thuận hợp tác với Ăng-gô-la, Xri-lan-ca, Ác-hen-ti-na, Vê-nê-du-ê-la, Băng-la-đét, Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất... Đây là những bước đầu trong chặng đường hợp tác khoa học - công nghệ giữa Việt Nam và các nước này, mở ra những triển vọng hợp tác mới trong thời gian tới.

Một số giải pháp thời gian tới

Để hợp tác quốc tế về khoa học - công nghệ đạt hiệu quả hơn nữa, thời gian tới cần tập trung vào một số giải pháp sau:

Thứ nhất, xây dựng chiến lược khoa học - công nghệ (nhất là trung hạn, dài hạn); triển khai nội dung, kế hoạch hợp tác khoa học - công nghệ tầm quốc gia với các nước mạnh về khoa học - công nghệ. Hình thành các trung tâm nghiên cứu khoa học xuất sắc trên cơ sở hợp tác dài hạn giữa các tổ chức nghiên cứu khoa học của Việt Nam và nước ngoài. Thí điểm hợp tác xây dựng một số viện khoa học - công nghệ tiên tiến có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (ưu tiên những lĩnh vực cần thiết và có lợi thế về nguồn nguyên liệu, nhân lực, thị trường đầu ra...).

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ  Huỳnh Thành Đạt tham quan hệ thống xử lý ảnh và chụp hình đồng bộ hóa dữ liệu Polifacev của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST) tại Triển lãm quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam 2021_Nguồn: vkist.gov.vn

Thứ hai, thúc đẩy các tổ chức chuyên môn xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ nghiên cứu chung trong khuôn khổ các thỏa thuận song phương, đa phương, hướng vào giải quyết vấn đề thực tiễn của Việt Nam. Khuyến khích hợp tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ giữa doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu, cá nhân trong nước với các đối tác nước ngoài. Thu hút nguồn kinh phí từ nước ngoài thông qua các dự án nghiên cứu tại Việt Nam.

Thứ ba, khuyến khích, tạo điều kiện cho các viện nghiên cứu, trường đại học... tổ chức, chủ trì các hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế tại Việt Nam và tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học ở nước ngoài. Tổ chức triển lãm giới thiệu các thành tựu khoa học - công nghệ mới, tiên tiến của các nước và Việt Nam.

Thứ tư, phát huy hiệu quả hoạt động của mạng lưới đại diện khoa học - công nghệ Việt Nam ở nước ngoài (đại sứ quán, đại diện các bộ, ngành ở nước ngoài). Tiếp tục mở rộng mạng lưới đại diện khoa học - công nghệ ở các nước, các địa bàn trọng điểm để khai thông và khai thác các quan hệ hợp tác nghiên cứu, tìm kiếm, giải mã và chuyển giao công nghệ. Chú trọng lựa chọn người đại diện thực sự giỏi chuyên môn, giải quyết hiệu quả các nhiệm vụ đặt ra.

Thứ năm, có chính sách cụ thể, khả thi thu hút các chuyên gia, nhà khoa học cả trong và ngoài nước tham gia các chương trình, dự án nghiên cứu, đào tạo nhân lực khoa học - công nghệ, hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh ở Việt Nam, trong đó chú trọng đến các nhóm nghiên cứu khoa học trẻ./.

PGS, TS. LÊ THANH BÌNH
Học viện Ngoại giao
-------------------
(1) Cổng thông tin điện tử Chính phủ: “Hợp tác quốc tế về khoa học - công nghệ và hội nhập quốc tế về khoa học - công nghệ”: http://www2.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/noidungchienluockhoahoccongnghe?categoryId=844&articleId=3049truy cập ngày 21-12-2021
(2) Cổng thông tin điện tử Chính phủ: “Hợp tác quốc tế về khoa học - công nghệ và hội nhập quốc tế về khoa học - công nghệ”, Tlđd
(3), (4), (5) Cổng thông tin điện tử Chính phủ: “Hợp tác quốc tế về khoa học - công nghệ và hội nhập quốc tế về khoa học - công nghệ”, Tlđd
(6), (7), (8), (9) Cổng thông tin điện tử Chính phủ: “Hợp tác quốc tế về khoa học - công nghệ và hội nhập quốc tế về khoa học - công nghệ”, Tlđd
(10) Cổng thông tin điện tử Chính phủ: “Hợp tác quốc tế về khoa học - công nghệ và hội nhập quốc tế về khoa học - công nghệ”, Tlđd
Thong ke

Tiến sĩ Nguyễn Trung Thành

Phạm Trọng Đạt

Tiến sĩ Bùi Hải Thiêm

Tỉ giá hối đoái