Thủ tướng chủ trì Hội nghị tổng kết công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020
18:12 06/08/2021
Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là hình mẫu giảm nghèo hiệu quả
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước luôn xác định giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển.
Qua 10 năm thực hiện nhiệm vụ, công tác giảm nghèo đạt được nhiều kết quả tích cực. Tỉ lệ hộ nghèo đã giảm liên tục qua các năm trên phạm vi cả nước, các vùng miền.
Nhiều huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn đã được đầu tư cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh; hộ nghèo được hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm, tăng thu nhập, tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin. Đặc biệt, đã có sự chuyển biến về nhận thức và hành động của một bộ phận người nghèo, đã xuất hiện một số điển hình làm đơn tự nguyện xin thoát nghèo. Kết quả giảm nghèo của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Nguồn lực đã được bố trí, huy động để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 là 93.000 tỷ đồng.
Việt Nam là một trong số 30 quốc gia áp dụng chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều; ngoài chỉ số về thu nhâp, chuẩn nghèo có có 10 chỉ số để xác định mức độ thiếu hụt tiếp cận đối với 5 dịch vụ xã hội cơ bản bao gồm: Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin.
Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo, nâng cao đời sống và bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của người dân, trong giai đoạn vừa qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 76 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến 2020, Nghị quyết số 100 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 80 về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020; Nghị quyết số 30a về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo và Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ, các bộ ngành và địa phương đã tổ chức quán triệt, cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết 76 và các văn bản liên quan và triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả. "Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành cơ bản đầy đủ, đồng bộ các văn bản chỉ đạo, điều hành và kế hoạch hành động triển khai thực hiện. Các kết quả thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo đều đạt và vượt mục tiêu, chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo trước 10 năm và được cộng đồng quốc tế đánh giá là hình mẫu giảm nghèo hiệu quả. Năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam: 58,1%; năm 2015: 9,88%; năm 2019: 3,75%; năm 2020, dự kiến còn: 2.75%. Chỉ tính riêng 2016-2019: giảm 58,12% số hộ nghèo so với tổng số hộ nghèo đầu giai đoạn với hơn 6 triệu người thoát nghèo, hơn 2 triệu người thoát cận nghèo.
Cùng với đó, Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm, bố trí nguồn lực từ ngân sách Nhà nước và huy động nguồn lực toàn xã hội để thực hiện công tác giảm nghèo. Nguồn lực đã được bố trí, huy động để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 là hơn 93.000 tỷ đồng.
Chính phủ và các địa phương đã ban hành hệ thống chính sách hỗ trợ toàn diện cho người nghèo. Việt Nam là một trong số 30 quốc gia áp dụng chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều; ngoài chiều chỉ số về thu nhập, chuẩn nghèo có có 10 chỉ số để xác định mức độ thiếu hụt tiếp cập 5 dịch vụ xã hội cơ bản, gồm: Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin.
Chính phủ đã chỉ đạo ban hành các chính sách giảm nghèo chung hỗ trợ toàn diện cho người nghèo như bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, dạy nghề, lao động và việc làm, trợ giúp pháp lý, trợ giúp xã hội, vay vốn tín dụng ưu đãi; giải quyết đất ở, đất sản xuất, giao rừng. Từng bước giảm dần và bãi bỏ những chính sách hỗ trợ cho không, tăng chính sách hỗ trợ có hoàn trả, có điều kiện gắn với đối tượng, địa bàn và thời gian thụ hưởng.
Các chính sách giảm nghèo đặc thù cũng được chú trọng ban hành như: Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020 và hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 - 2025. Chính sách hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập; ưu đãi về mức đầu tư, hỗ trợ về lãi suất tín dụng phục vụ phát triển sản 0thiểu số ở các địa bàn đặc biệt khó khăn; ưu tiên hỗ trợ nhà văn hoá cộng đồng, xây dựng dự án bảo tồn đối với các nhóm dân tộc ít người.
Chính sách đặc thù đối với huyện nghèo, xã ĐBKK như luân chuyển, tăng cường cán bộ chủ chốt cho các xã thuộc huyện nghèo; thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 – 2020; hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các huyện nghèo, xã ĐBKK; mở rộng chương trình quân dân y kết hợp, xây dựng mô hình giảm nghèo gắn với an ninh quốc phòng.
"63 tỉnh, thành phố đã chủ động ban hành bổ sung nhiều chính sách đặc thù lĩnh vực giảm nghèo trên địa bàn để hỗ trợ người nghèo. Bắc Kạn ban hành chính sách riêng hỗ trợ, khuyến khích các hộ nghèo phát triển các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng và có giá trị kinh tế cao; tỉnh Quảng Nam ban hành chính sách cấp miễn phí thẻ BHYT cho người cận nghèo, cấp bù 50% học phí cho học sinh-sinh viên nghèo; TP. Hà Nội đã ban hành một số chính sách đặc thù hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ gia đình không có khả năng thoát nghèo và hộ gia đình sau khi thoát nghèo ổn định cuộc sống; TP. Hồ Chí Minh xây dựng Đề án chiến lược giảm nghèo bền vững trong trong tổng thể phát triển kinh tế xã hội", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin.
Thu nhập bình quân của người nghèo tăng 2,3 lần giai đoạn 2016-2020
Các chương trình giảm nghèo đã nâng cao thu nhập và cải thiện cả đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, người dân trên địa bàn nghèo, vùng ĐBKK. Thu nhập bình quân của người nghèo tăng 2,3 lần giai đoạn 2016-2020. Hỗ trợ hơn 13 nghìn dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả với trên 2,2 triệu hộ hưởng lợi; tổng kinh phí thực hiện là 8 nghìn tỷ đồng. Hơn 2,5 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo được dạy nghề, tạo việc làm. Hỗ trợ cho 5.500 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài.
Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, liên kết vùng nghèo được ưu tiên từng bước đầu tư, đã góp phần nâng cao đời sống nhân dân và làm thay đổi bộ mặt địa bàn nghèo, ĐBKK; nhiều địa bàn nghèo đã nỗ lực thoát nghèo, thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Tổng số khoảng 18 nghìn công trình cơ sở hạ tầng được đầu tư, đã đưa vào sử dụng trên 15 nghìn công trình; khoảng 7 nghìn công trình được duy tu bảo dưỡng. Tổng nguồn vốn đầu tư trên 32 nghìn tỷ đồng.
Đến nay, theo tổng hợp từ các địa phương, có 32 huyện nghèo, 103 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng khó khăn. Đối với các xã, thôn ĐBKK vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, 550 xã hoàn thành Chương trình 135 và 1.286 thôn hoàn thành mục tiêu Chương trình 135.
Phong trào thi đua: Cả nước chung tay vì người nghèo – Không ai bị bỏ lại phía sau"do Thủ tướng Chính phủ phát động đã được triển khai sâu rộng, đem lại hiệu quả thiết thực.
Các cấp, các ngành, người dân và đặc biệt là người nghèo đã nỗ lực, thi đua thực hiện Phong trào; phong trào thoát nghèo đã được nhiều người nghèo thực hiện trên phạm vi cả nước, nhiều tấm gương sáng nổi bật, điển hình trong cộng đồng như cụ bà Đỗ Thị Mơ (84 tuổi) xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa; 44 hộ nghèo người Dao ở xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh; 470 hộ nghèo ở huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An; 51 hộ ở vùng cao Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái; 25 hộ tại huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình và nhiều tấm gương sáng, điển hình thoát nghèo khác trên cả nước.
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động huy động nguồn lực toàn xã hội để hỗ trợ cho người nghèo, thực hiện mục tiêu "Chung tay vì người nghèo – Không ai bị bỏ lại phía sau".
Cùng với đó, chú trọng tổng kết đánh giá thực tiễn thực hiện công tác giảm nghèo; đổi mới tư duy, cách thức giảm nghèo phù hợp với tình hình mới.
Quyết liệt đổi mới tư duy, cách thức giảm nghèo phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước từng thời kỳ; với thực trạng nghèo và đặc điểm vùng, miền; từng bước xóa bỏ chính sách hỗ trợ "cho không"; thực hiện mô hình tạo việc làm công, hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với ứng dụng chuyển giao khoa học - công nghệ, liên kết chuỗi giá trị, phát huy tính chủ động, tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên thoát nghèo của chính người nghèo, cộng đồng nghèo.
Chú trọng phát huy vai trò, trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân nhận giúp đỡ hộ nghèo thông qua việc "hiến kế" giúp hộ nghèo tổ chức lại cuộc sống, phân công lao động, thực hiện kế hoạch thoát nghèo.
Đồng thời, kịp thời ban hành tham mưu, ban hành các biện pháp chỉ đạo, điều hành kịp thời ứng phó với biến đổi khí hậu và dịch bệnh.
Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện các mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm người nghèo tham gia và thụ hưởng thành quả phát triển kinh tế của đất nước. Thành quả về giảm nghèo là kết quả của quá trình nỗ lực, kiên trì của cả hệ thống chính trị; bạn bè quốc tế đánh giá đây là một trong những thành công nổi bật nhất, ý nghĩa nhân văn nhất của Việt Nam trong công cuộc xây dựng đất nước thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế, người nghèo được thụ hưởng thành quả của tăng trưởng kinh tế một cách rõ nét.
Đầu tư cho giảm nghèo là đầu tư cho phát triển
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, kết quả giảm nghèo còn một số tồn tại, hạn chế. Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo còn cao, nhất là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc, vùng thường xuyên bị thiên tai, lũ lụt. Tỷ lệ tái nghèo trong 4 năm (2016 - 2019) bình quân 4,09%/năm so với tổng số hộ thoát nghèo (giai đoạn trước tỷ lệ tái nghèo khoảng 12%/năm). Chênh lệch giàu nghèo, điều kiện tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường, việc làm giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%; tỷ trọng hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm trên 58,53% tổng số hộ nghèo trong cả nước (cuối năm 2019).
Chuẩn nghèo thu nhập chỉ bằng 70% chuẩn mức sống tối thiểu tại thời điểm năm 2015, hiện nay chỉ còn bằng khoảng 45% chuẩn mức sống tối thiểu, chưa đáp ứng được yêu cầu bảo đảm bằng chuẩn mức sống tối thiểu theo Nghị quyết 76 của Quốc hội đặt ra nên việc thoát nghèo không bền vững, người dân dễ tái nghèo.
Nguồn lực thực hiện Chương trình chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn: Mức vốn bố trí cho các công trình cơ sở hạ tầng, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo và giảm nghèo về thông tin chưa đáp ứng nhu cầu của địa phương. Suất đầu tư trong Chương trình còn thấp, chưa tập trung hỗ trợ đủ mạnh để tác động làm chuyển biến thực sự đời sống người nghèo,người dân trên địa bàn nghèo, vùng lõi nghèo.
Một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với địa bàn nghèo, khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa hiệu quả. Các địa phương chưa thực hiện cơ chế tạo việc làm công trong các công trình cơ sở hạ tầng theo nguyên tắc "xã có công trình, người dân có việc làm và tăng thêm thu nhập". Tỷ lệ các công trình giao cho cấp xã làm chủ đầu tư ở một số địa phương còn thấp, vai trò làm chủ đầu tư thực chất của xã còn nhiều hạn chế. Một số cơ chế, chính sách chưa phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng dân tộc thiểu số nên hiệu quả tác động chưa cao.Tại một số địa bàn (đặc biệt ở vùng miền núi DTTS), hoạt động hỗ trợ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài còn khó thực hiện.
Việc hướng dẫn và triển khai chương trình, chính sách còn chậm. Tình hình thiên tai, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn; dịch bệnh, quá trình đô thị hóa và di dân tự do làm nảy sinh nhiều thách thức đối với người nghèo, người dân tộc thiểu số, người di cư, người lao động. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo và phát huy tính chủ động của người nghèo còn hạn chế, chưa tạo được chuyển biến mạnh mẽ ở khu vực địa bàn nghèo, ĐBKK.
Về định hướng thời gian tới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng: Các thành tựu tăng tưởng kinh tế được chuyển hóa thành nguồn lực để thực hiện các mục tiêu xã hội đã giúp cho đời sống của đại đa số người dân, đặc biệt là người nghèo được nâng cao và cải thiện rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh. Đầu tư cho giảm nghèo là đầu tư cho phát triển; bảo đảm người nghèo được tham gia và thụ hưởng thành quả tăng trưởng kinh tế của đất nước, bảo đảm công bằng xã hội. Chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức các cấp, các ngành và nhân dân nhằm tạo đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để thực hiện mục tiêu giảm nghèo; thúc đẩy phong trào "thoát nghèo" sâu rộng trên phạm vi cả nước; khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, nỗ lực vươn lên của người dân, của người nghèo.
Nguồn: http://www.molisa.gov.vn/Pages/tintuc/chitiet.aspx?tintucID=224559