Tổ chức và hoạt động của ILSLA

09:09 10/07/2021

Xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền là một vấn đề không mới, nhưng trong điều kiện, bối cảnh ở Việt Nam hiện nay, đây là vấn đề cần có những nhận thức đầy đủ, đúng đắn về nội dung, tư tưởng của nhà nước pháp quyền; phải thể hiện rõ tư tưởng dân chủ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp và đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Vấn đề này đòi hỏi quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền phải bảo đảm tính dân chủ, sự tham gia đầy đủ của các tầng lớp xã hội, nhất là vai trò của tầng lớp tinh hoa của đất nước để nghiên cứu, luận giải, tiếp thu tư tưởng mới của nhân loại, vận dụng vào Việt Nam bảo đảm với những điều kiện về văn hoá, nhận thức, cũng như cơ sở hạ tầng xã hội cụ thể, qua đó thúc đẩy nhận thức, thúc đẩy hành động, thúc đẩy sự tuân thủ pháp luật, thượng tôn pháp luật của toàn xã hội.

Đứng trước những khó khăn thách thức đó, cùng với sự vận động không ngừng của xã hội trước những thời cơ mới, bối cảnh mới và nhất là quan điểm, mục tiêu được nêu ra tại Nghị quyết 48-NQ/TW; 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, cũng như Kế hoạch triển khai xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, ILSLA ra đời là phù hợp với pháp luật, bảo đảm sự tuân thủ pháp luật, tạo ra một kênh mới, một tổ chức khoa học đầy đủ theo pháp luật nhằm thúc đẩy sự tham gia nghiên cứu, phản biện, thẩm định, đánh giá các chương trình, dự án luật; thực hiện các đề tài, dự án, đề án, chính sách phát triển của toàn xã hội. Từ quan điểm, mục tiêu đó, ILSLA đã chủ động đề xuất chức năng, nhiệm vụ, cụ thể:

1/ Cơ sở pháp lý của ILSLA

Căn cứ Quyết định số 724/QĐ-LHHVN ngày 05 tháng 11 năm 2014 của Liên Hiệp hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam về việc thành lập Viện Nghiên cứu Pháp luật và Trợ giúp Pháp lý;

Căn cứ Quyết định số 725 /QĐ-LHHVN ngày 05 tháng 11 năm 2014 của Liên Hiệp hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam về việc Ban hành Điều lệ của Viện Nghiên cứu Pháp luật và Trợ giúp Pháp lý;

Giấy phép hoạt động khoa học công nghệ số A - 1242 ngày 08 tháng 01 năm 2014 của Bộ Khoa học và Công nghệ về chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ cho Viện Nghiên cứu Pháp luật và Trợ giúp Pháp lý;

2/ Tên gọi của ILSLA

Tên gọi bằng tiếng Việt: Viện Nghiên cứu Pháp luật và Trợ giúp pháp lý

Tên gọi bằng tiếng Anh: Institute for Legal Studies and Legal Aid

Tên viết tắt bằng tiếng Anh: ILSLA

3. Trụ sở ILSLA

Trụ sở chính: Số 44a, Đông Quan, Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội

Điện thoại: 02466860286                           Di động: 0912112045               

Website: http://www.vienphapluat.vn        Email: info@vienphapluat.vn

4/ Nguyên tắc hoạt động của ILSLA

ILSLA có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, có tài khoản riêng tại các Ngân hàng và hoạt động theo phương thức hạch toán độc lập; hoạt động theo nguyên tắc tự chủ, tự quản, tự trang trải về tài chính theo quy định của pháp luật, Điều lệ và các qui định của Liên hiệp Hội Việt Nam; tự chịu trách nhiệm về các hoạt động khoa học và công nghệ được ghi trong Giấy đăng ký hoạt động, Điều lệ của Viện do Liên hiệp Hội Việt Nam phê duyệt.

ILSLA có trụ sở chính tại thành phố Hà Nội và mở chi nhánh, văn phòng đại diện tại các địa phương trên cả nước theo quy định của pháp luật.

5/ Chức năng của ILSLA

Tập hợp, đoàn kết các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, học giả, doanh nhân để tham gia nghiên cứu, thực hiện các chương trình, đề tài, đề án, dự án khoa học trên các lĩnh vực pháp luật, trợ giúp pháp lý, cũng như các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, qua đó góp phần năng cao nhận thức pháp luật, khuyến nghị đến chính quyền các cấp kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các chính sách phát triển kinh tế xã hội.

6/ Nhiệm vụ của ILSLA

Thứ nhất: Tổ chức nghiên cứu, đánh giá và tổng kết thực tiễn một số vấn đề phát sinh từ các dự án luật tác động đến phát triển kinh tế - xã hội nhằm đề xuất xây dựng, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các chương trình, dự án luật được nhà nước giao;

Thứ hai: Thực hiện các dịch vụ khoa học: Tư vấn, phản biện các chương trình, chính sách, dự án luật theo đơn đặt hàng của Nhà nước và Liên hiệp Hội Việt Nam; Tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học, truyền thông, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, năng lực cộng đồng, doanh nghiệp, nhà quản lý về các nhiệm vụ được giao.

Thứ ba: Tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí cho các tổ chức thành viên, hội viên thuộc Liên hiệp hội Việt Nam, người nghèo và đối tượng chính sách theo quy định của pháp luật; đại diện pháp luật cho tổ chức, cá nhân và thu thù lao để bù đắp chi phí cho hoạt động của Viện.

Thứ tư: Là diễn đàn của các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia, học giả và bạn đọc quan tâm đến những vấn đề lý luận và thực tiễn về pháp luật và trợ giúp pháp lý thảo luận; là cầu nối giữa chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước với nhân dân trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Thứ năm: Liên kết, hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế để thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế.

7/ Cơ cấu tổ chức bộ máy của ILSLA

Thứ nhất: Hội đồng quản lý Viện (Hội đồng Viện); Hội đồng Viện là cơ quan quyết định cao nhất của Viện, tồn tại trong suốt quá trình hoạt động của Viện. Hội đồng Viện gồm Chủ tịch, phó chủ tịch và các ủy viên, cũng như một số thành viên bổ sung. Trên cơ sở đó, Hội đồng ILSLA có nhiệm vụ và hoạt động theo nguyên tắc sau:

Về mặt nhiệm vụ của Hội đồng: Hoạch định chiến lược, phương hướng và nhiệm vụ phát triển của Viện; Bầu, miễn nhiệm Chủ tịch Hội đồng Viện; quyết định bổ sung, miễn nhiệm các thành viên của Hội đồng Viện; Quyết định cơ cấu tổ chức, quy chế quản lý nội bộ của Viện. Xem xét các hình thức khen thưởng và kỷ luật đối với các thành viên của Viện theo đề nghị của Viện trưởng; Thông qua nhân sự chủ chốt của Viện và đề nghị Liên hiệp hội Việt Nam bổ nhiệm, miễn nhiệm Viện trưởng, các Phó Viện trưởng và Kế toán trưởng; Thông qua việc bổ sung hoặc sửa đổi Điều lệ, kế hoạch hoạt động, chiến lược phát triển của Viện; Quyết định việc tự nguyện xin giải thể Viện; Các quyền khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ này.

Cơ chế hoạt động của Hội đồng: Hội đồng Viện họp định kỳ 3 tháng 1 lần hoặc họp bất thường do Chủ tịch Hội đồng Viện triệu tập khi: Theo yêu cầu của Liên hiệp Hội Việt Nam; Khi có đề nghị của Viện trưởng; Khi có đề nghị của trên 50% số thành viên Hội đồng Viện. Các đề nghị này phải được thể hiện bằng văn bản. Nghị quyết của Hội đồng Viện chỉ có hiệu lực khi có 2/3 số thành viên Hội đồng Viện thông qua.

Quyền và nghĩa vụ của Chủ tịch Hội đồng: Chủ tịch Hội đồng Viện được bầu ra từ số các thành viên, ủy viên Hội đồng Viện, có nhiệm kỳ 5 năm và có thể được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế. Chủ tịch Hội đồng Viện có thể kiêm chức vụ Viện trưởng, có trách nhiệm: Lập chương trình, kế hoạch hoạt động của Hội đồng Viện; Chủ trì các cuộc họp thường kỳ hoặc đột xuất của Hội đồng Viện; Giữa hai kỳ họp, thay mặt Hội đồng Viện quyết định các công việc thuộc trách nhiệm của Hội đồng Viện; Phân công nhiệm vụ cho các thành viên Hội đồng Viện; Giám sát quá trình tổ chức thực hiện các quyết định của Hội đồng Viện.

Thứ hai: Ban Lãnh đạo (Viện trưởng, các Phó Viện trưởng và Kế toán trưởng).

Viện trưởng: là người đại diện theo pháp luật của Viện, là người tổ chức, điều hành hoạt động của Viện, là chủ tài khoản của Viện; chịu trách nhiệm trước Hội đồng viện, Liên hiệp hội Việt Nam và pháp luật về mọi hoạt động của Viện; do Liên hiệp hội Việt Nam bổ nhiệm trên cơ sở đề nghị của Chủ tịch viện.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng: Quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn của Viện, tổ chức thực hiện chế độ quản lý tài chính kế toán của một đơn vị hạch toán độc lập theo quy định về tài chính của Nhà nước và Liên hiệp hội Việt Nam; Điều hành các hoạt động và các vấn đề liên quan đến công việc hàng ngày của Viện; Ký kết và tổ chức thực hiện các hợp đồng dân sự và kinh tế; Bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh quản lý trong Viện, trừ các chức danh thuộc thẩm quyền của Liên hiệp hội Việt Nam; Quyết định mức lương và phụ cấp (nếu có) đối với người lao động trong Viện; Tuyển dụng lao động, ký hợp đồng lao động và chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của Bộ Luật Lao động; Các quyền và nhiệm vụ khác theo Điều lệ tổ chức và hoạt động của Viện được Liên hiệp hội Việt Nam phê duyệt.

Các Phó Viện trưởng: điều hành công việc theo sự phân công và ủy quyền của Viện trưởng, chịu trách nhiệm trước Viện trưởng và trước pháp luật về nhiệm vụ được giao; do Liên hiệp hội Việt Nam bổ nhiệm, miễn nhiệm trên cơ sở đề nghị của Viện trưởng;  

Kế toán trưởng: là người giúp việc trực tiếp cho Viện trưởng trong tổ chức, thực hiện công tác tài chính, kế toán của Viện theo Luật Kế toán, Thống kê và các quy định hiện hành của Nhà Nước về tài chính; do Liên hiệp hội Việt Nam bổ nhiệm và miễn nhiệm cơ sở đề nghị của Viện trưởng.

Thứ ba: Hội đồng khoa học của Viện gồm các nhà khoa học có năng lực, uy tín, tâm huyết và sẵn sang đóng góp trí tuệ để thực hiện các nhiệm vụ của Viện, có chức năng tư vấn, phản biện, đề xuất các giải pháp thực hiện, thẩm định, đánh giá các kết quả chương trình, đề tài, dự án luật do Viện tham gia hoặc chủ trì.

Thứ tư: Văn phòng và các phòng ban chuyên môn, nghiệp vụ

Viện có các phòng chức năng và một số phòng chuyên môn, chi nhánh hoặc văn phòng đại diện. Trưởng, phó các phòng, ban chuyên môn do Viện trưởng quyết định bổ nhiệm và miễn nhiệm.

Viện cơ cấu các phòng, ban chuyên môn: Phòng Quản trị - Tài vụ; Ban Pháp luật hình sự - hành chính Nhà nước; Ban Pháp luật dân sự - kinh tế; Ban Quan hệ đối tác và Truyền thông; và Trung tâm Tư vấn pháp luật.

Thứ năm: Cán bộ, nhân viên: bao gồm các cán bộ chính nhiệm không thuộc biên chế Nhà nước, các cán bộ kiêm nhiệm và cộng tác viên khoa học, luật sư tự nguyện tham gia hoạt động tại Viện; Người làm việc cho Viện được hưởng lương, phụ cấp và các lợi ích khác của Viện trên cơ sở hoàn thành khối lượng công việc được giao; Nghĩa vụ và quyền hạn của các thành viên được quy định chi tiết trong quy chế hoạt động của Viện và trong các điều khoản hợp đồng lao động do các bên tham gia thoả thuận ký kết; Việc tuyển chọn, ký kết và chấm dứt hợp đồng lao động do Viện trưởng quyết định và thực hiện theo quy định của Luật Lao động Việt Nam; Các thành viên của Viện có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh Điều lệ và quy chế hoạt động của Viện. Các cá nhân hoặc bộ phận đơn vị nào vi phạm, tuỳ theo mức độ sẽ bị xử lý kỷ luật; nếu gây thiệt hại về tài sản sẽ phải bồi thường hoặc xử lý theo pháp luật. Tư vấn viên pháp luật, luật sư thực hiện tư vấn luật, trợ giúp pháp lý cho các đối tượng được Viện phân công nếu để sai sót, thất thoát gây hậu quả theo quy định của pháp luật hiện hành thì phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với hành vi mình gây ra và phải đền bù, hoàn lại cho người bị hại.

Thong ke

Tiến sĩ Nguyễn Trung Thành

Phạm Trọng Đạt

Tiến sĩ Bùi Hải Thiêm

Tỉ giá hối đoái