Phát triển các mô hình liên kết kinh tế, thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững

09:16 31/01/2023

Mặc dù có nhiều chuyển biến tích cực trong thời gian gần đây, tuy nhiên giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của ngành, mà một trong những nguyên nhân chủ yếu là do liên kết trong sản xuất nông nghiệp chưa phát triển, thiếu gắn kết, sản xuất manh mún, chi phí cao, tính cạnh tranh của sản phẩm thấp. Do đó, cần có những cơ chế, chính sách phù hợp để khắc phục tình trạng trên, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Đồng bào thu hoạch quế_Nguồn: nhiepanhdoisong.vn

Sự phát triển các mô hình liên kết kinh tế trong nông nghiệp thời gian qua

Trong nông nghiệp có các mô hình liên kết chủ yếu sau:

Thứ nhất, liên kết thu mua nông sản. Trong đó, doanh nghiệp đưa ra yêu cầu về chất lượng sản phẩm để người sản xuất thực hiện và bao tiêu sản phẩm, không đầu tư và can thiệp vào quá trình sản xuất của nông dân; doanh nghiệp và người sản xuất không có hợp đồng hoặc có nhưng lỏng lẻo, các yếu tố bảo đảm việc chia sẻ lợi ích, rủi ro giữa các bên thiếu hoặc không rõ ràng. Doanh nghiệp có thể có những hỗ trợ như tham gia tập huấn, đào tạo, ứng một phần vốn nhưng về bản chất, liên kết vẫn lỏng lẻo, dễ phá vỡ, cạnh tranh mua - bán khá phổ biến.

Thứ hai, liên kết đầu tư sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Trong đó, doanh nghiệp đầu tư, ứng trước vốn, vật tư (nếu có), hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ cho nông dân và bao tiêu sản phẩm. Doanh nghiệp và người sản xuất có sự gắn bó, chia sẻ nhất định về chi phí đầu tư và rủi ro giữa nông dân và doanh nghiệp. Dạng liên kết này phổ biến ở mô hình trồng rừng kinh tế của Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam, trồng bông vải của Công ty cổ phần Bông Việt Nam, trồng và sản xuất thuốc lá của Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam, sản xuất lúa giống (Nam Định, Bình Định)....

Thứ ba, liên kết gia công nguyên liệu cho doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp đầu tư giống, vốn, kỹ thuật, giám sát quá trình sản xuất và bao tiêu đầu ra; nông dân chỉ hưởng giá trị tiền công và tiền thưởng. Với dạng liên kết này, ưu điểm là sản xuất ổn định, thúc đẩy quy mô sản xuất lớn, quy trình kỹ thuật công nghệ hiện đại nhưng có tính độc quyền hạn chế tính độc lập của người sản xuất. Điển hình cho dạng liên kết này là mô hình tổ chức vùng nguyên liệu sản xuất chế biến cá tra thuộc Công ty cổ phần Thủy sản Hùng Vương và Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang…

Thứ tư, hình thức nông dân góp cổ phần bằng giá trị quyền sử dụng đất, tài sản vào doanh nghiệp. Doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong việc đầu tư giống, vốn, khoa học - kỹ thuật và tổ chức quản lý dự án. Người nông dân góp cổ phần bằng giá trị quyền sử dụng đất, tài sản và trở thành cổ đông, được chia cổ tức hoặc được tuyển dụng thành người lao động tham gia vào các công đoạn sản xuất và nhận tiền lương. Dạng liên kết này có tính hợp tác cao, chia sẻ rủi ro cao, tuy nhiên hợp đồng phức tạp và khi thông tin không minh bạch thì nông dân dễ gặp khó khăn hơn. Điển hình cho dạng liên kết lày là liên kết trồng cao-su tại tỉnh Sơn La, Lai Châu, ngành mía đường ở tỉnh Thanh Hóa,…

Thứ năm, liên kết giữa các doanh nghiệp trong cùng nhóm sản phẩm, hình thành các hiệp hội ngành hàng. Trong nông nghiệp hiện nay có rất nhiều hiệp hội ngành hàng được thành lập, như Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản, Hiệp hội Hồ tiêu, Hiệp hội Chăn nuôi, Hiệp hội Lương thực,… Thành phần tham gia các hiệp hội chủ yếu là các doanh nghiệp. Các hiệp hội đã giúp các doanh nghiệp trong cùng một ngành hàng xích lại gần nhau hơn, cung cấp thông tin, bảo vệ quyền lợi, hỗ trợ đáng kể cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Sau khi Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg, ngày 25-10-2013, của Thủ tướng Chính phủ, “Về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn” được ban hành, các tỉnh tích cực triển khai liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn. Đến nay, đã có hàng nghìn mô hình cánh đồng lớn được liên kết, xây dựng ở các địa phương với diện tích khoảng 556.900ha. Nhiều tổ, nhóm hợp tác của các hộ sản xuất lúa được thành lập để tham gia liên kết với các doanh nghiệp. Một số mô hình thực hiện liên kết có hiệu quả, như Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình, Công ty TNHH Cường Tân (tỉnh Nam Định), Công ty cổ phần Gentraco - Cần Thơ,… Các doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Lộc Trời và Tổng Công ty Lương thực miền Nam đã xây dựng các đề án cụ thể phát triển cánh đồng lớn giai đoạn 2015 - 2020, hỗ trợ nông dân liên kết trong cánh đồng lớn thành lập các hợp tác xã nông nghiệp làm tổ chức trung gian kết nối giữa doanh nghiệp và nông dân. Sau khi thành lập hợp tác xã, Tập đoàn Lộc Trời đã cử nhân viên kỹ thuật hỗ trợ về kỹ thuật, quản lý, giúp các hợp tác xã chủ động trong việc sản xuất.

Với quy mô diện tích gieo cấy lớn, thuận tiện trong việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất, giúp tiết kiệm chi phí và thời gian cho người dân, ở đồng bằng sông Cửu Long, mỗi héc-ta lúa tham gia trong cánh đồng lớn có thể giảm chi phí sản xuất từ 10 đến 15% và giá trị sản lượng có thể tăng 20 - 25%, thu lời thêm từ 2,2 đến 7,5 triệu đồng/ha. Ở miền Bắc, các mô hình cánh đồng lớn cho hiệu quả kinh tế tổng thể trên 1ha lúa thấp hơn so với đồng bằng sông Cửu Long, giá trị sản lượng tăng trung bình từ 17% đến 25% tùy theo từng địa phương. 

Trong lĩnh vực chăn nuôi đã hình thành được các mô hình liên kết, trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò nhà đầu tư, người tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, bảo đảm thị trường tiêu thụ. Còn người chăn nuôi nhận khoán theo định mức chi phí và được hỗ trợ một phần chi phí xây dựng cơ bản ban đầu, chi phí lao động và sản xuất trên đất đai của họ. Tiêu biểu như:

Liên kết chăn nuôi gia công: Doanh nghiệp cung ứng con giống, thức ăn, hỗ trợ kỹ thuật, thuốc thú y và bao tiêu toàn bộ sản phẩm; người chăn nuôi xây dựng chuồng trại, hệ thống xử lý chất thải theo yêu cầu kỹ thuật của doanh nghiệp, tổ chức sản xuất và nhận tiền công theo hợp đồng ký kết. Các doanh nghiệp điển hình triển khai mô hình này là: Công ty cổ phần Tập đoàn DABACO, Công ty TNHH Thái Dương, Công ty Emivest, Tổng Công ty Khoáng sản - Thương mại Hà Tĩnh… Hình thức liên kết này được triển khai ở nhiều địa phương, như: Hà Nội, Yên Bái, Bắc Ninh, Nam Định, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước…

Liên kết giữa các trang trại chăn nuôi và doanh nghiệp tiêu thụ: Chuỗi liên kết này được phát triển nhiều tại các tỉnh, thành phố, như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Nam Định…, như chuỗi thực phẩm Victory được tổ chức bởi Công ty TNHH Thương mại quốc tế Victory Asian; chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ thịt lợn hữu cơ Bảo Châu được triển khai tại trang trại Bảo Châu (xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) và thị trường tiêu thụ tại các siêu thị, nhà hàng ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Điển hình như các chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ thực phẩm sạch, truy xuất nguồn gốc tại các tỉnh, thành phố Hà Nội, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Cao Bằng, Thanh Hóa, Nghệ An, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An và Lâm Đồng. Liên kết được xây dựng bao gồm các hộ chăn nuôi theo quy trình tiêu chuẩn, các cơ sở giết mổ và các chợ. Sản phẩm sản xuất bảo đảm về an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.

Trong ngành thủy sản, nhiều doanh nghiệp lớn có sự liên kết với người nuôi trồng thủy sản, như: Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (AGIFISH), Công ty cổ phần Hùng Vương, Công ty TNHH Hùng Cá, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, Công ty cổ phần Nam Việt,... Trong các mối quan hệ này, doanh nghiệp hỗ trợ người dân ứng trước vốn mua giống, thức ăn; người nuôi khi bán sản phẩm cho doanh nghiệp thu mua toàn bộ sản phẩm trên cơ sở giá thỏa thuận bảo đảm người dân có lãi.

Trong lĩnh vực khai thác thủy sản, việc tổ chức các đội tàu dịch vụ thu mua nguyên liệu trên biển đã góp phần nâng cao chất lượng nguyên liệu, hỗ trợ ngư dân an tâm bám biển dài ngày, giảm chi phí và nâng cao hiệu quả trong đánh bắt hải sản, số lượng tàu dịch vụ mua nguyên liệu trên biển tăng đáng kể, nhất là các tỉnh có ngư trường trọng điểm, như Quảng Ninh, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau, Kiên Giang.... Các mô hình tàu dịch vụ đa dạng, hoạt động với nhiều phương thức khác nhau đã đóng góp rất lớn cho việc thúc đẩy hoạt động hậu cần dịch vụ nghề cá theo hướng tiếp cận mới và tiến tới hiện đại hóa tàu cá và đội tàu hậu cần dịch vụ nghề cá. Đặc biệt, một số tỉnh đã trang bị tàu vỏ sắt được lắp đặt hệ thống thiết bị cấp đông và hầm bảo quản như tỉnh Bình Thuận,.…

Công nhân kiểm tra chất lượng sản phẩm trứng trước khi đưa ra thị trường_Nguồn: nhiepanhdoisong.vn

Những đánh giá ban đầu

Có thể nhận thấy các mô hình liên kết đã mang lại những kết quả tích cực ban đầu, thể hiện ở một số mặt sau:

Tạo chuyển biến nhận thức về tính tất yếu phải hợp tác, liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản giúp nông dân thấy được sự cần thiết và tự nguyện hợp tác với nhau. Bản thân các doanh nghiệp cũng muốn ký hợp đồng với nông dân thông qua các tổ chức hợp tác để giảm thiểu chi phí quản lý. Từ đó hình thành các tổ chức hợp tác mới (tổ hợp tác, hợp tác xã), liên doanh, liên kết góp vốn cổ phần của nông dân trong các doanh nghiệp.

Nhiều địa phương quan tâm đến công tác chỉ đạo triển khai, quy hoạch vùng sản xuất tập trung, chỉ đạo và hướng dẫn nông dân sản xuất và tham gia giải quyết vướng mắc trong quá trình thực hiện liên kết.

Quy mô, số lượng thực hiện liên kết trên phạm vi cả nước đã có nhiều chuyển biến. Cả nước có khoảng từ 3,44 - 6,66% số hộ nông dân đang thực hiện liên kết với 4,28 - 7,78% diện tích có liên kết. Liên kết đã xuất hiện trong nhiều ngành hàng với chất lượng liên kết tốt và có tính bền vững. Trong đó có những cây, con thích hợp với mô hình liên kết như: bông vải, mía đường, chè, mật ong, dâu tằm, thuốc lá, đay, cao-su tiểu điền, sản xuất giống, rau quả sạch, các loại nông sản có thương hiệu, cá tôm xuất khẩu, heo gà công nghiệp, sữa bò, các loại cây, con mới nhập nội và cây lâm nghiệp.

Mang lại hiệu quả kinh tế cho cả doanh nghiệp và nông dân. Thông qua liên kết, nhiều doanh nghiệp đã xác lập mối quan hệ bền chặt giữa sản xuất và chế biến, tạo ra vùng nguyên liệu ổn định cho chế biến và xuất khẩu, tiết kiệm chi phí vận chuyển sản phẩm. Nhờ đó, giá nông sản ít biến động, bảo đảm số lượng, chất lượng, phẩm cấp đồng đều để chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu. Mặt khác, doanh nghiệp chủ động trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh và sử dụng có hiệu quả các trang thiết bị máy móc đã đầu tư.

Do có liên kết, nông dân yên tâm đầu tư sản xuất, thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật. Đặc biệt, tạo động lực cho nông dân tổ chức sản xuất theo mô hình trang trại, mạnh dạn đầu tư, tăng năng suất, sản lượng, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, hạ giá thành sản phẩm và tăng thu nhập.

Mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rõ nét. Các nghiên cứu cho thấy, doanh nghiệp có xu hướng đầu tư nhiều hơn vào các địa bàn có khu vực kinh tế hợp tác phát triển và do đó càng thúc đẩy kinh tế hợp tác phát triển hơn. Nhiều loại nông sản liên kết gắn với yêu cầu bảo đảm tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc và thương hiệu.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, đó là:

Quy mô thực hiện liên kết còn nhỏ, chưa tương xứng với nhu cầu và tiềm năng của thực tiễn sản xuất, kinh doanh. Nhìn chung trong cả nước, liên kết chưa trở thành hiện tượng phổ biến mà chỉ tập trung vào một số ngành hàng có điều kiện nhất định. Một số loại nông sản chưa phù hợp với phương thức liên kết, như ngô, tiêu, cà phê, lúa thường….

Chất lượng thực hiện liên kết còn thấp, còn nhiều bất cập. Những mô hình tốt chưa nhiều, tỷ lệ thành công của các hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản còn thấp, tình trạng tranh chấp hợp đồng, vi phạm hợp đồng tràn lan, thiếu tính bền vững, các biểu hiện chạy theo lợi ích trước mắt khá phổ biến. Mức độ hài lòng và lòng tin giữa doanh nghiệp và người nông dân về liên kết kinh tế thấp. Nhiều tổ chức đại diện cho tiếng nói, lợi ích của nông dân hoạt động chưa thực sự hiệu quả.

Doanh nghiệp nông nghiệp và vùng nguyên liệu có mối quan hệ hữu cơ, nhưng mối quan hệ này ở Việt Nam còn lỏng lẻo. Phần lớn các doanh nghiệp chế biến chưa thiết lập được nguồn nguyên liệu ổn định, thường nhu cầu đến đâu thu mua đến đó. Vì vậy, khi khan hiếm nguyên liệu thường phải "ăn đong", khó sản xuất đủ theo nhu cầu đặt hàng của đối tác, thậm chí dẫn đến phá sản. Một trong những nguyên nhân chính, là nhiều doanh nghiệp chưa có những cơ chế chia sẻ khó khăn và lợi ích một cách hợp lý, cho nên khi có lợi, bên này có thể bỏ rơi bên kia. Mặt khác, không ít doanh nghiệp cứng nhắc trong quá trình vận hành cơ chế thu mua nông sản nên khó có điểm chung trong phân chia lợi ích với nông dân. Chẳng hạn có những hợp đồng đã ký với nông dân với giá từ niên vụ trước nhưng thực tế thị trường giá đã tăng lên nhiều lần nhưng doanh nghiệp vẫn không chịu thỏa hiệp, kiên quyết áp giá cũ, khiến nông dân bức xúc, phá hợp đồng, bán cho thương lái.

Hiệu quả liên kết còn nhiều mặt yếu kém so với cơ chế thị trường. Hiệu quả kinh tế kém trên các mặt: giá mua nông sản không cạnh tranh, giá vật tư đầu vào cao, tiêu chuẩn chất lượng phức tạp, thủ tục thanh toán, mua bán phiền hà tốn nhiều công sức của nông dân. Nhiều doanh nghiệp, nhất là ngành hàng lúa gạo chưa có đủ điều kiện về vốn, kỹ thuật để đầu tư ứng trước cho nông dân, chưa có đủ điều kiện để tổ chức hệ thống thu mua, nên hình thức thu mua nông sản chủ yếu là qua thương lái. Việc liên kết giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp với nhau trong cùng một ngành hàng còn mờ nhạt và thiếu tính bền vững. Trong lĩnh vực thu mua, chế biến, xuất khẩu nông, thủy sản, có hàng ngàn doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng phần lớn “mạnh ai nấy làm”.

Để thúc đẩy các hình thức liên kết trong nông nghiệp

Một là, kết hợp quy hoạch vùng nông nghiệp chuyên môn hóa với quy hoạch phát triển ngành hàng nhằm tập trung nguồn lực và chính sách cho những sản phẩm thế mạnh của vùng để sớm hình thành vùng kinh tế nông nghiệp phát triển và ngành hàng nông sản mạnh. Trong đó, luôn đòi hỏi sự phối hợp và hợp tác thiết thực của các doanh nghiệp.

Hai là, tổng kết các mô hình liên kết thành công để rút kinh nghiệm cho việc tìm kiếm, lựa chọn các mô hình liên kết thích hợp với quy mô và trình độ phát triển của từng ngành hàng và từng địa phương, với cơ cấu các loại doanh nghiệp sở hữu khác nhau tham gia và với trình độ, năng lực quản lý khác nhau của doanh nghiệp.

Ba là, cải thiện môi trường pháp luật, đặc biệt là ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng, nâng cao hiệu lực hợp đồng và hoàn thiện khung pháp lý và các chính sách hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước tạo điều kiện cho liên kết phát triển.

Bốn là, hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển các tổ chức nông dân, cung cấp các dịch vụ công và bán công, như: xác nhận, chứng nhận chất lượng, đẩy mạnh đào tạo, tập huấn và khuyến nông, tăng cường chuyển giao khoa học - kỹ thuật, cung cấp các thông tin về thị trường và công nghệ nhằm nâng cao mặt bằng kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp và hỗ trợ trong phòng, chống dịch bệnh, thiên tai nhằm giảm thiểu rủi ro cho cả người sản xuất và kinh doanh nông sản.

Năm là, tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa; tăng cường hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý thị trường chống gian lận thương mại; giải quyết hiệu quả các xung đột và bất đồng trong thực hiện hợp đồng giữa các bên.

Sáu là, các doanh nghiệp nông nghiệp cần nâng cao nhận thức về liên kết kinh tế. Các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần nâng cao nhận thức về hiệu quả của liên kết kinh tế. Từ đó chủ động tìm kiếm, lựa chọn và thiết lập các mối liên kết phù hợp ở nhiều lĩnh vực khác nhau, như liên kết về thị trường, liên kết trong chuỗi giá trị của nông sản.../.

NGUYỄN ĐÌNH QUYẾT
Tạp chí Cộng sản
Nguồn: https://tapchicongsan.org.vn/
Thong ke

Tiến sĩ Nguyễn Trung Thành

Phạm Trọng Đạt

Tiến sĩ Bùi Hải Thiêm

Tỉ giá hối đoái