Những tác động của Luật Thanh tra năm 2022 tới tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
09:36 05/03/2024
Từ khóa: Luật Thanh tra; thanh tra ngành Nông nghiệp; Phát triển nông thôn; điểm mới Luật Thanh tra năm 2022.
1. Đặt vấn đề
Tổ chức Thanh tra ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có các chức năng, như: giám sát hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước và công chức, viên chức; thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật của các tổ chức, cá nhân trong ngành; kịp thời phát hiện những sai phạm và có biện pháp xử lý; xem xét và giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với các quyết định hoặc hành vi hành chính của cán bộ, công chức trong việc thực hiện chính sách, pháp luật cũng như trách nhiệm và quyền hạn được giao; đưa ra kết luận và xử lý kịp thời những việc làm vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân trong ngành. Từ đó, góp phần bảo đảm trật tự kỷ cương hành chính, làm trong sạch bộ máy để hoàn thành mục tiêu phát triển ngành Nông nghiệp Việt Nam theo hướng nhanh và bền vững.
Vì vậy, nghiên cứu và đánh giá những tác động của Luật Thanh tra năm 2022 tới tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý nghĩa rất quan trọng, khẳng định đúng vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của một cơ quan giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
2. Tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo Luật Thanh tra năm 2010 và Nghị định số 47/2015/NĐ-CP ngày 14/5/2015.
Nghị định số 47/2015/NĐ-CP ngày 14/5/2015 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bao gồm: cơ quan thực hiện chức năng thanh tra ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gồm thanh tra nhà nước và cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Điều 3). Cụ thể như sau:
– Cơ quan Thanh tra nhà nước, gồm có: thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
– Các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, gồm có:
Tổng cục Thủy lợi; Tổng cục Lâm nghiệp; Tổng cục Thủy sản; Cục Thú y; Cục Bảo vệ thực vật; Cục Trồng trọt; Cục Chăn nuôi; Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản; Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn; Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối; Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật; Chi cục Chăn nuôi và thú y; Chi cục Kiểm lâm; Chi cục Thủy sản; Chi cục Thủy lợi; Chi cục Phát triển nông thôn; Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản.
Về hoạt động của các cơ quan thanh tra và cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện theo quy định cụ thể tại các điều của Nghị định số 47/2015/NĐ-CP.
2. Tác động Luật Thanh tra năm 2022 thay đổi tới tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 tại Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Luật Thanh tra năm 2022 và Nghị định số 03/2024/NĐ-CP ngày 11/01/2024 của Chính phủ quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành ban hành đã dẫn tới những thay đổi lớn trong tổ chức và hoạt động thanh tra ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cụ thể như sau:
Thứ nhất, đổi mới về tổ chức thanh tra ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Thanh tra ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được tổ chức gồm hai nhóm cơ quan, gồm: cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực (thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra ở các Cục thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Cụ thể như sau:
(1) Thay đổi tên gọi gắn liền với chức năng quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực của các cơ quan thanh tra ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Theo quy định của Luật, thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước đây là cơ quan thanh tra nhà nước, nay đổi tên gọi thành cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực.
(2) Tổ chức lại các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo hướng tinh gọn, phù hợp với thực tế, cụ thể:
– Không tổ chức cơ quan thanh tra độc lập theo ngành, lĩnh vực tại các Cục thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
– Tổ chức cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại 9/13 Cục chuyên ngành thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
– Không còn cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra tại các Tổng cục thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Điều 3, Nghị định số 105/2022/NĐ-CP ngày 22/12/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ cấu tổ chức Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không có cơ quan Tổng cục trong Bộ).
– Không còn tổ chức cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành tại các Chi cục thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như quy định tại Luật Thanh tra năm 2010.
– Kiện toàn, tổ chức lại thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành một đơn vị tương đương cấp phòng thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành (trước đây chức năng thanh tra chuyên ngành được giao cho các chi cục thuộc sở).
– Quy định rõ địa vị pháp lý của thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập, trực thuộc cơ cấu tổ chức của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Theo đó, thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có địa vị pháp lý, có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng, đủ biên chế, năng lực và các điều kiện để thực thi nhiệm vụ.
Như vậy, căn cứ quy định của Luật Thanh tra năm 2022 và Nghị định số 03/2024/NĐ-CP về tổ chức thanh tra ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có sự thay đổi lớn theo hướng tinh gọn, thống nhất, thông suốt, góp phần thực hiện tốt công tác thanh tra và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Thứ hai, đổi mới về hoạt động thanh tra ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo Luật Thanh tra năm 2022.
Sự thay đổi về tổ chức tất yếu dẫn tới những thay đổi về hoạt động. Hoạt động của thanh tra ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có những thay đổi căn bản như sau:
(1) Thực hiện phân cấp, phân quyền đối với Cục chuyên ngành thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành theo nguyên tắc độc lập, chủ động trong phạm vi quản lý.
(2) Quy định rõ về việc xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Nếu có chồng chéo, trùng lặp với hoạt động của thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì trao đổi với thanh tra Bộ để xử lý. Nếu không thống nhất được thì Thanh tra Bộ tiến hành thanh tra.
Nếu có chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra của các Cục chuyên ngành thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thì người đứng đầu các Cục sẽ cùng trao đổi để xử lý. Nếu không thống nhất được thì báo cáo Bộ trưởng xem xét, quyết định.
Nếu có chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra của các cục chuyên ngành thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành với thanh tra tỉnh, thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì người đứng đầu các đơn vị sẽ cùng trao đổi với nhau để xử lý. Nếu không thống nhất được thì cục thuộc bộ được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành tiến hành thanh tra.
(3) Không tổ chức cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra tại các chi cục thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là phù hợp với chủ trương tinh gọn bộ máy theo hướng hoạt động có hiệu lực hiệu quả được quy định tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương; góp phần khắc phục những tồn tại, hạn chế, như: về nhân lực (nhân lực ít, không đủ người làm việc, năng lực bị hạn chế, không được giao quyền hạn tương xứng với nhiệm vụ) để thực hiện công tác thanh tra tại các cơ quan được giao chức năng thanh tra trước đây; đồng thời, khắc phục sự tùy tiện trong công tác thanh tra, chỉ thực hiện việc kiểm tra, không tiến hành thanh tra nhưng vẫn xử phạt dẫn tới hậu quả là không bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật về công tác thanh tra.
(4) Kiện toàn và tổ chức lại thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành cơ quan thanh tra độc lập ở địa phương, có đủ tư cách pháp nhân để chủ động, kịp thời thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành mà theo quy định trước đây do các chi cục thuộc sở thực hiện.
Theo quy định tại Điều 26, 27 của Luật Thanh tra năm 2022, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ bản của thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gồm:
Về vị trí, chức năng tổ chức: thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện nhiệm vụ thanh tra trong phạm vi mà sở được giao tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước; thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.
Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu sự chỉ đạo, điều hành của giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; chịu sự chỉ đạo về công tác thanh tra, hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra hành chính của thanh tra tỉnh; chịu sự hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành của thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Về nhiệm vụ, quyền hạn: tổ chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra của thanh tra sở trong kế hoạch thanh tra của tỉnh; thanh tra hành chính đối với đơn vị, cá nhân thuộc sở; thanh tra chuyên ngành đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi mà sở được giao tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước.
Như vậy, căn cứ theo quy định những thay đổi về hoạt động của các cơ quan thanh tra ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ở trung ương và địa phương đều hướng tới mục tiêu là thực hiện tốt chức năng thanh tra chuyên ngành góp phần bảo đảm trật tự, kỷ cương và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
3. Một số nhận định về sự thay đổi trong tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo Luật Thanh tra năm 2022
Thứ nhất, về mặt tổ chức các cơ quan thanh tra ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từ trung ương tới địa phương được tổ chức theo hướng tinh gọn, ít đầu mối hơn trước và có phân định rõ phạm vi, nội dung hoạt động giữa các cơ quan thanh tra với nhau.
Thứ hai, hoạt động thanh tra chuyên ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ở trung ương được phân định rõ ràng, chỉ tập trung vào một đầu mối là các cục chuyên ngành thể hiện sự phân cấp, phân quyền mạnh mẽ trong công tác thanh tra, từ đó đã làm tăng tính chuyên nghiệp, quyền hạn, trách nhiệm và sự chủ động, tích cực, linh hoạt khi tiến hành công tác thanh tra.
Thứ ba, quy định rõ về xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra tạo ra sự thống nhất, thông suốt, khắc phục sự chồng chéo, mâu thuẫn, đùn đẩy trách nhiệm trong công tác thanh tra dẫn tới việc không bảo đảm yếu tố hiệu lực, hiệu quả.
Thứ tư, đối với tổ chức và hoạt động về thanh tra chuyên ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ở địa phương: kiện toàn tổ chức và hoạt động thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xác định rất rõ vị trí, vai trò quan trọng của công tác thanh tra chuyên ngành Nông nghiệp đối với việc bảo đảm và nâng cao hiệu quản quản lý nhà nước ở địa phương nói riêng và cả nước nói chung.Không tổ chức cơ quan thanh tra tại các chi cục thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chuyển giao chức năng này sang thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giúp phân định rõ chức năng quản lý nhà nước với chức năng kiểm soát độc lập giữa cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành. Bên cạnh đó, chấm dứt hiện tượng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” đã xảy ra ở các chi cục thuộc sở, tạo sự độc lập, khách quan trong công tác quản lý nhà nước. Đồng thời, giúp các chi cục thuộc sở tập trung mọi nguồn lực vào thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành và thực hiện chức năng tham mưu tốt hơn.
Công tác thanh tra chuyên ngành Nông nghiệp được tập trung vào một đầu mối là thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn góp phần xác định đúng và thực hiện đúng chức năng của cơ quan thanh tra độc lập. Từ đó, tạo ra sự thống nhất, thông suốt trong hoạt động, tăng tính chủ động và gắn với trách nhiệm, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và hiệu quả quản lý nhà nước trong ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiệu quả.
Tăng sự kiểm soát chéo giữa các cơ quan trong thực hiện các chức năng của Nhà nước, góp phần hạn chế và ngăn ngừa hiện tượng lạm quyền trong thực hiện chức năng được giao.
Có thể nhận thấy, Luật Thanh tra năm 2022 và Nghị định số 03/2024/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực đã tác động rất nhiều mặt về cả tổ chức và hoạt động tới thanh tra ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Những sự thay đổi trên đều diễn ra theo hướng tinh gọn, thống nhất, thông suốt, trách nhiệm, khắc phục được những tồn tại, hạn chế cả về tổ chức lẫn hoạt động vốn đã tồn tại trong công tác thanh tra ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Từ đó, góp phần thực hiện tốt các chức năng của công tác thanh tra và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước
4. Kết luận
Luật Thanh tra năm 2022 được ban hành dựa trên căn cứ từ thực tiễn về tổ chức và hoạt động của thanh tra, từ yêu cầu của mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Luật Thanh tra mới ban hành khắc phục được những tồn tại, bất cập của Luật Thanh tra năm 2010 và cụ thể hóa được quan điểm, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn hiện nay cũng như cụ thể hóa các nội dung của Hiến pháp năm 2013.
Việc thực hiện tốt Luật Thanh tra năm 2022 và các văn bản hướng dẫn sẽ góp phần bảo đảm tính dân chủ xã hội chủ nghĩa, tính pháp chế xã hội chủ nghĩa được thực hiện nghiêm minh trong ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói riêng và cả nước nói chung.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam. Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
3. Hiến pháp năm 2013.
4. Luật Thanh tra năm 2010.
5. Luật Thanh tra năm 2022.
6. Nghị định số 03/2024/NĐ-CP ngày 11/01/2024 của Chính phủ quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.
7. Nghị định số 105/2022/NĐ-CP ngày 22/12/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
8. Nghị định số 47/2015/NĐ-CP ngày 14/5/2015 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động thanh tra ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
9. Quyết định số 626/QĐ-BNN-TCCB ngày 01/4/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Nguồn: https://www.quanlynhanuoc.vn/