Một số vấn đề giới trong thực thi chính sách bảo hiểm xã hội ở Việt Nam
11:16 21/02/2022
Chia sẻ với:
“Đảm bảo an sinh xã hội là nền tảng thúc đẩy bình đẳng giới và sự phát triển của đất nước”
Một số vấn đề chung
Bảo đảm quyền an sinh xã hội của mỗi người dân là quan điểm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta. Hiến pháp 2013 quy định: “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội”. Bảo hiểm xã hội (BHXH) giữ vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội, phát triển BHXH sẽ là tiền đề và điều kiện để thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc và các mục tiêu về bình đẳng giới mà Việt Nam cam kết hướng tới. Trong những năm qua, chính sách BHXH của Việt Nam đã từng bước được hoàn thiện, hướng tới mở rộng phạm vi bao phủ, tạo cơ hội cho mọi người dân trong việc tiếp cận, tham gia, thụ hưởng chính sách. Hệ thống pháp luật về an sinh nói chung và bảo hiểm xã hội nói riêng bao gồm các chính sách bảo hiểm xã hội đối với chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, hưu trí, tử tuất và các chế độ trợ giúp xã hội đối với các nhóm đặc thù như phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi…. Nhìn ở góc độ giới, một số quy định trong pháp luật về BHXH đã tính đến các đặc thù về giới như giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội đối với lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn để được hưởng lương hưu[1]; tăng thời gian nghỉ chế độ thai sản từ 4 tháng lên 6 tháng[2]; quy định chế độ nghỉ thai sản đối với nam giới khi vợ sinh con[3]; chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ[4]; Nhà nước hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện cho người tham gia[5]…
Vấn đề đặt ra
Mặc dù các chính sách pháp luật về BHXH đã từng bước được hoàn thiện, tuy nhiên, kết quả thực hiện các chính sách BHXH cho thấy diện bao phủ BHXH thực tế còn thấp, theo báo cáo của Chính phủ, tính đến 31/12/2020, mới chỉ có 31,12% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH bắt buộc (giảm 1,12% so với cùng kỳ 2019) và 2,31% lực lượng lao động tham gia BHXH tự nguyện[6], như vậy còn đến 66,5% lực lượng lao động trong độ tuổi hiện nay vẫn chưa tham gia BHXH, chủ yếu nông dân và lao động trong khu vực phi chính thức – những người có thu nhập thấp. Tỷ lệ tham gia BHXH nêu trên dẫn đến tỷ lệ người lao động được hưởng chế độ thai sản thấp, mặc dù theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), chế độ thai sản của Việt Nam nằm trong có thời gian nghỉ dài và quyền lợi tương đối rộng. Bên cạnh đó, diện bao phủ chế độ hưu trí của phụ nữ còn rất thấp, theo tính toán của ILO năm 2019, chí có 16% phụ nữ từ 65 tuổi trở lên được hưởng lương hưu BHXH so với 27,3% nam giới[7]. Một vấn đề đáng quan ngại là tình trạng gia tăng số người rút BHXH một lần trong thời gian vừa qua. Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, trong 10 tháng năm 2021, 700.000 người lĩnh BHXH một lần đã tăng 5,45% so với cùng kỳ năm 2020.[8] Một vài nghiên cứu [9] chỉ ra rằng, số lao động nữ lựa chọn BHXH 1 lần cao hơn so với nam giới và “quyết định hưởng BHXH một lần của lao động nữ chịu tác động rất lớn từ vai trò giới được xã hội đặt lên họ”. Điều này tác động tiêu cực đến việc hưởng chính sách an sinh khi về già của lao động nữ...
Nguyên nhân
- Một số chính sách về BHXH hiện hành như số năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu dài, các chế độ BHXH chưa thực sự hấp dẫn… Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, để được hưởng lương hưu, người lao động cần đáp ứng được đồng thời hai điều kiện: đủ 20 năm đóng BHXH trở lên và nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi. Như vậy, người lao động sẽ khó đáp ứng được thời gian đóng BHXH để để hưởng lương hưu. Vì thế, mong muốn được tự đảm bảo an sinh sau này của họ thông qua chế độ hưu trí là khó đạt được. Quy định trên còn ảnh hưởng đến quyền tiếp cận an sinh xã hội của người lao động – quyền cơ bản đã được ghi nhận trong Hiến pháp. Đồng thời ảnh hưởng đến chính sách an sinh xã hội đang hướng tới việc người hưu trí có thể tự đảm bảo an sinh xã hội cho mình. Bên cạnh đó, các quy định hiện hành khác biệt về chế độ hưởng giữa BHXH bắt buộc[10] và BHXH tự nguyện[11] đã nảy sinh tâm lý so sánh, khó tạo động lực cho người lao động. Ngoài ra, hai chế độ được hưởng BHXH tự nguyện là hưu trí và tử tuất là những chế độ dài hạn mới được hưởng một chế độ trực tiếp dành cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện, một chế độ dành cho thân nhân người lao động sau khi đã qua đời nên không mấy hấp dẫn với người lao động.
- Định kiến giới làm tăng thêm trách nhiệm của phụ nữ đối với công việc gia đình, chăm sóc con cái. Kết quả nghiên cứu của tổ chức ActionAid cho thấy trung bình mỗi tuần phụ nữ phải dành 35 giờ để làm việc nhà so với 21 giờ của nam giới. Phụ nữ không có trình độ giáo dục phải dành 9 giờ mỗi ngày để làm những công việc không có thu nhập trong gia đình[12]. Những trách nhiệm gia đình này cần một khoảng thời gian tương đương với công việc toàn thời gian, do đó đã làm hạn chế cơ hội tiếp cận thị trường lao động cũng như cơ hội học tập và đào tạo của phụ nữ. Nghiên cứu của Hội LHPN Việt Nam về “Tiếng nói của phụ nữ về chính sách bảo hiểm xã hội đối với phụ nữ” năm 2020 cũng khẳng định “việc thực hiện trách nhiệm chăm sóc con cái và người thân là lý do chính tác động đến quá trình làm việc, thu nhập và gián đoạn thời gian đóng BHXH của lao động nữ”.
- Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH chưa được thường xuyên, nhiều nơi chỉ tập trung tổ chức tuyên truyền luật BHXH 2014 hoặc văn bản quy phạm pháp mới ban hành, trong khi việc phát triển đối tượng tham gia đối tượng BHXH cũng như đối tượng rời bỏ hệ thống của người lao động thông qua việc hưởng chế độ BHXH một lần xảy ra hàng ngày. Ở các khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt ở các làng nghề và khu vực việc làm phi chính thức – những nơi mà việc phát triển đối tượng tham gia BHXH lại chưa được tiếp cận các thông tin về BHXH. Bên cạnh đó, nhận thức về ý nghĩa và lợi ích của việc tham gia BHXH của một bộ phận doanh nghiệp, người lao động và người dân còn rất hạn chế do thiếu hiểu biết về chính sách pháp luật về BHXH cũng như thiếu niềm tin vào hệ thống BHXH.
Một vài khuyến nghị
Nghị quyết 28-NQ/TW năm 2018 của BCH TW Đảng về “Cải cách chính sách BHXH” đã đề ra mục tiêu tổng quát “Để BHXH thực sự là một trụ cột của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng bao phủ BHXH, hướng tới BHXH toàn dân” và Chương trình hành động của Chính phủ đã ra mục tiêu đến năm 2030 “Phấn đấu đạt khoảng 60% lực lượng xã hội trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và khu vực phi chính thức chiếm khoảng 5% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 45% lực lượng lao động tham gia BHXH thất nghiệp; có khoảng 60% số người trong độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hành tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; chỉ số hài lòng của người tham gia bảo hiểm xã hội đạt mức 90%”. Để tăng diện bao phủ BHXH nhằm đạt được mục tiêu đề ra cũng như tăng tỷ lệ lao động nữ hưởng lương hưu, chúng tôi có một số khuyến nghị sau:
- Tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền pháp luật về BHXH. Tập trung vào tầm quan trọng của BHXH đối với cuộc sống khi hết tuổi lao động, những chính sách ưu đãi như nhà nước hỗ trợ cho người mua BHXH tự nguyện, những quyền lợi mà người lao động được hưởng đặc biệt là những quyền lợi khi người lao động hết tuổi lao động. Đa dạng các hình thức truyền thông, chú trọng tuyên truyền trực tiếp, thường xuyên, bằng người thật, việc thật theo hình thức hỏi đáp, tránh chỉ tuyên truyền "qua loa". Nội dung tuyên truyền cần thay đổi theo hướng tập trung tuyên truyền những quyền lợi mà người lao động được hưởng trước khi tuyên truyền về trách nhiệm của người lao động khi tham gia hệ thống BHXH khi tham gia hệ thống BHXH.
- Cần có sự liên kết giữa các cơ quan liên quan trong việc hướng dẫn, tuyên truyền, định hướng sự tham gia vào hệ thống BHXH đối với từng đối tượng cụ thể; Ngoài cơ quan quản lý nhà nước, cần huy động sự tham gia, vào cuộc của các đoàn thể chính trị - xã hội, những tổ chức có mạng lưới để có thể tiếp cận, giải thích và tự vấn cho từng người dân ở cơ sở.
- Đi đôi với công tác tuyên truyền cần có chính sách, giải pháp hỗ trợ lao động nữ khi họ gặp khó khăn về kinh tế như lúc sinh đẻ, có người thân, con cái ốm đau, mất việc làm tạm thời để giảm tình trạng rút BHXH một lần, tăng diện bao phủ cho lao động nữ.
- Nhằm chia sẻ trách nhiệm chăm sóc con và gia đình, bớt gánh nặng cho lao động nữ, cần nghiên cứu để có chế độ gia đình và trẻ em bởi lẽ việc chăm sóc con không chỉ dừng ở 6 tháng nghỉ thai sản mà kéo dài nhiều năm sau đó vì vậy rất cần có sự tham gia của cả lao động nam. Việc hỗ trợ một khoản cho trẻ hàng tháng đối với các trường hợp cha/mẹ/người chăm sóc thay thế tham gia BHXH bắt buộc sẽ hỗ trợ người lao động chăm sóc con tốt hơn, góp phần giảm tình trạng rút BHXH 1 lần.
- Cần nghiên cứu để có chính sách hỗ trợ lao động nữ được bình đẳng trong thực hiện nguyên tắc BHXH, điều kiện hưởng lương hưu. Cụ thế là chính sách quy đổi thời gian chăm gia đình và con nhỏ là thời gian tham gia BHXH theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 "công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập". Chính sách này cùng với các chính sách khác sẽ hỗ trợ rất thiết thực cho những bất cập về BHXH đối với lao động nữ.
- Tiếp tục có những giải pháp để phát triển hệ thống giáo dục mầm non nhằm hỗ trợ lao động nữ di cư, lao động nữ các khu công nghiệp nhằm giảm bớt chi phí, tăng cơ hội làm việc liên tục và không gián đoạn trong tham gia BHXH của lao động nữ, bảo đảm mục tiêu bình đẳng giới và an sinh xã hội.
ThS. Đàm Thị Vân Thoa
[1] Khoản 3, Điều 54, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 “Lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc mà có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và đủ 55 tuổi thì được hưởng lương hưu”
[9] Ths Nguyễn Thị Diệu Hồng; Ths Nguyễn Văn Toàn, 2018, Báo cáo đánh giá tác động xã hội và giới của chính sách hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần; ILO, 2020, Khoảng cách giới trong hệ thống bảo hiểm xã hội ở Việt Nam
[10] Chế độ BHXH bắt buộc: chế độ Hưu trí; chế độ thai sản; chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chế độ ốm đau, chế độ tử tuất
[11] Chế độ BHXH tự nguyện: Chế độ hưu trí; chế độ tử tuất
[12] Tổ chức ActionAid Việt Nam. 2016. Để ngôi nhà trở thành tổ ấm. Tóm tắt báo cáo chính sách, ActionAid Việt Nam. Tham khảo tại http://www.actionaid.org/sites/ files/actionaid/ucw_policy_brief_-_en.pdf