Một số kết quả bước đầu triển khai Luật TGPL, VB quy định chi tiết
03:16 19/07/2021
Năm 2018 là năm đầu tiên triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) năm 2017 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Sau 01 năm triển khai các quy định của Luật, Nghị định, Thông tư, bám sát các hoạt động tại Kế hoạch triển khai thi hành Luật TGPL (ban hành kèm theo Quyết định số 1355/QĐ-TTg ngày 12/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1767/QĐ-BTP ngày 27/10/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp), đến nay, công tác TGPL đã đạt được một số kết quả bước đầu đáng khích lệ: Thể chế về TGPL cơ bản hoàn chỉnh, tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc của địa phương, qua đó vụ việc TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng tăng mạnh, hỗ trợ kinh phí kịp thời cho các địa phương khó khăn. Có thể nói, với các cơ sở pháp lý này đã tạo sự phát triển bền vững của công tác TGPL. Chế độ, chính sách cho đội ngũ người thực hiện TGPL đã được quan tâm, mức bồi dưỡng cho người thực hiện TGPL hiện nay là tương đối cao, là điều kiện để thu hút được những luật sư giỏi tham gia hoạt động TGPL.
Công tác TGPL bước đầu đi vào chiều sâu, thực chất, bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho các đối tượng yếu thế trong các vụ án hình sự, dân sự... được người dân tin tưởng, ủng hộ. Hầu hết các địa phương đã thể hiện sự nhất trí, đồng tình cao đối với chính sách TGPL hiện hành. Kết quả cụ thể như sau: - Về xây dựng văn bản: Bám sát nội dung của Luật TGPL năm 2017 và Nghị định số 144/2017/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15/12/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật TGPL, trong năm 2018, liên ngành, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ký ban hành 04 văn bản quy phạm pháp luật (01 Thông tư liên tịch; 03 Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tư pháp), đặc biệt là việc phối hợp ban hành Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT/BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 29/6/2018 đã tạo bước đột phá trong công tác phối hợp về TGPL trong hoạt động tố tụng. Tất cả các vụ việc TGPL không phụ thuộc vào việc có yêu cầu TGPL hay không đều được các cơ quan tiến hành tố tụng chuyển đến Trung tâm TGPL nhà nước. Thông tư liên tịch số 10 sẽ hạn chế bỏ lọt đối tượng, đưa Luật TGPL năm 2017 vào cuộc sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL.
Có thể thấy cho đến thời điểm này, thể chế về TGPL tương đối đầy đủ, hoàn chỉnh, góp phần thúc đẩy công tác TGPL phát triển bền vững và góp phần vào sự thành công của Ngành Tư pháp.Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến hoạt động TGPL và trình Thủ tướng Chính phủ Báo cáo kết quả rà soát các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm phù hợp với quy định của Luật TGPL năm 2017 (Báo cáo số 118/BC-BTP ngày 24/5/2018) và Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 11281/VPCP-TLPL ngày 20/11/2018 thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình về việc rà soát văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm phù hợp với Luật TGPL năm 2017.
Kết quả triển khai Luật TGPL năm 2017 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành tại các địa phương + Đến nay, 63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật và tổ chức Hội nghị triển khai Luật TGPL năm 2017. Các địa phương đều đang tích cực triển khai Luật TGPL, cụ thể: Năm 2018, có 84 viên chức của 63 Trung tâm TGPL đăng ký tập sự TGPL; 29/185 Chi nhánh đã giải thể, 20/156 Chi nhánh dự kiến giải thể; 08 Sở Tư pháp thực hiện ký hợp đồng thực hiện TGPL với tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật (Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Đồng Tháp, Bình Phước, Hà Nam, Hà Tĩnh, Thái Nguyên, Tuyên Quang); 20 Sở Tư pháp đã cấp Giấy đăng ký tham gia TGPL cho tổ chức hành nghề luật sư (Thừa Thiên Huế, Vĩnh Long, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bắc Ninh, Bình Dương, Cao Bằng, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Gia Lai, Hậu Giang, Hà Nam, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Phú Thọ, Quảng Trị, Thái Bình, Hải Phòng, Hồ Chí Minh); thực hiện công bố danh sách tổ chức thực hiện TGPL và người thực hiện TGPL (STP Hậu Giang, Nam Định, Thanh Hóa, Hà Giang...); một số Trung tâm TGPL nhà nước đã ký hợp đồng thực hiện TGPL với các luật sư (Tây Ninh: 10; Điện Biên: 13; Cao Bằng: 8; Đồng Tháp: 8; Ninh Bình: 5; Vĩnh Phúc: 4; Hà Giang: 05; Quảng Trị: 03; Đắk Lắk: 12)…; các địa phương đã và đang thực hiện rà soát và đánh giá hiệu quả hoạt động của các Chi nhánh; rà soát tổ chức tham gia TGPL và người tham gia TGPL; rà soát người được TGPL… Đồng thời, cơ quan thực hiện quản lý TGPL ở trung ương cũng đã thông qua nhiều kênh nhằm nắm bắt, giải đáp kịp thời những vướng mắc của địa phương trong việc triển khai Luật, các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành như tổ chức các hội nghị triển khai văn bản mới, các lớp tập huấn tăng cường năng lực, văn bản trả lời kiến nghị, hướng dẫn nghiệp vụ TGPL,...
Vụ việc TGPL đi vào thực chất, đúng bản chất vốn có của nó là các yêu cầu liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL, đặc biệt là các vụ việc tham gia tố tụng. Theo số liệu thống kê của 63 Trung tâm TGPL nhà nước trong năm 2018, các Trung tâm TGPL nhà nước đã thực hiện 58.949 vụ việc TGPL, trong đó có 51.630 vụ việc TGPL kết thúc cho 51.630 lượt người. Số vụ việc tham gia tố tụng là 18.358 vụ việc (tăng 12,7 % so với năm 2017). Một số địa phương vụ việc tham gia tố tụng tăng đột biến mạnh so với cùng kỳ năm 2017 như: Bắc Ninh (năm 2017: 35 vụ, năm 2018: 170 vụ, tăng 387%); Hưng Yên (năm 2017: 92 vụ, năm 2018: 285, tăng 209%); Ninh Bình (năm 2017: 30 vụ, năm 2018: 212 vụ, tăng 272%); Hải Dương (năm 2017: 164 vụ, năm 2018: 280 vụ, tăng 71%); Bắc Giang (năm 2017: 126 vụ, năm 2018: 214 vụ, tăng 70%), Cao Bằng (năm 2017: 143 vụ, năm 2018: 222 vụ, tăng 55%). Thực hiện chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng cho Trợ giúp viên pháp lý năm 2018 theo Công văn số 104/BTP-TGPL ngày 10/01/2018, các địa phương triển khai việc thực hiện chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng cho các Trợ giúp viên pháp lý. Năm 2018, có 653 Trợ giúp viên pháp lý được đánh giá chỉ tiêu, trong đó: 544 Trợ giúp viên pháp lý đạt chỉ tiêu trở lên, tương đương 83,3%, tăng 5,7% so với năm 2017 (tốt chiếm 36,1%; khá chiếm 14,2%; đạt chiếm 32,9%).
Công tác truyền thông về TGPL được triển khai đồng bộ trên các phương tiện thông tin đại chúng, cụ thể: Thường xuyên duy trì, vận hành Trang thông tin điện tử của Cục TGPL; thực hiện các cuộc phỏng vấn chuyên sâu về TGPL; phóng sự về việc thực hiện TGPL cho người được TGPL; Biên soạn và tổ chức in ấn, phát hành 04 tờ gấp pháp luật giới thiệu về hoạt động TGPL và 01 cuốn sách: “Luật TGPL năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành (tập 1)”; viết bài và đăng các tạp chí, báo viết về các quy định Luật TGPL và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.... Ở địa phương, có sự tăng cường phối hợp với các Đài truyền hình, phát thành, báo viết, trang thông tin điện tử để tích cực truyền thông về công tác TGPL.
Tiếp tục nâng cao chất lượng tham gia tố tụng cho đội ngũ người thực hiện TGPL, ở Trung ương và địa phương đã tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng TGPL trong các lĩnh vực tố tụng hình sự, dân sự, hành chính; kỹ năng TGPL cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính; kỹ năng TGPL cho nạn nhân bạo lực phụ nữ, trẻ em gái... Với nội dung tập huấn thiết thực, bổ ích do đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm giảng dạy, các lớp tập huấn luôn nhận được những phản hồi tích cực từ phía đội ngũ người thực hiện TGPL ở địa phương. Về ứng dụng công nghệ thông tin trong TGPL: Năm 2018, Phần mềm Quản lý tổ chức và hoạt động TGPL đã được hoàn thiện và chạy thử nghiệm tại trên 30 Trung tâm TGPL nhà nước trên toàn quốc như Hà Nội, Hải Phòng, Hồ Chí Minh, Hải Dương, Hà Tĩnh, Gia Lai...; thực hiện cấp tài khoản cho 63 Trung tâm TGPL nhà nước để chuẩn bị triển khai chính thức trong toàn quốc năm 2019.
Bên cạnh những kết quả đạt được đó, qua việc triển khai Luật TGPL và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành cũng đã phát hiện những khó khăn, vướng mắc sau: (1) Nhận thức về vị trí, vai trò và yêu cầu TGPL trong giai đoạn hiện nay của một số lãnh đạo Sở Tư pháp, lãnh đạo Trung tâm và viên chức Trung tâm TGPL nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan có liên quan còn chưa đầy đủ, chưa đáp ứng yêu cầu về công tác TGPL trong tình hình mới; (2) Một số địa phương chưa nhận thức đúng và đầy đủ kinh phí cho hoạt động TGPL nhằm đáp ứng nhu cầu TGPL ngày càng tăng lên của người dân; (3) Một số địa phương vẫn để bỏ lọt đối tượng được TGPL; số lượng vụ án mà người được TGPL được trợ giúp so với vụ án được xét xử và đối tượng được TGPL ở địa phương còn hạn chế; (4) Ở một số địa phương hoạt động truyền thông về TGPL chưa có nhiều khởi sắc, một số người thuộc diện được TGPL nhưng chưa được cung cấp các dịch vụ pháp luật miễn phí khi có nhu cầu, đặc biệt trong các vụ việc tham gia tố tụng; (5) Chất lượng vụ việc TGPL cần tiếp tục được nâng cao nhằm bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL.
Do vậy, để tiếp tục đưa các quy định của Luật TGPL và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành vào cuộc sống cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động sau:
Tiếp tục tăng cường công tác quán triệt Lãnh đạo các sở, ban, ngành ở địa phương để có nhận thức đúng và đầy đủ về chính sách TGPL của Nhà nước;
Tiếp tục tăng cường công tác truyền thông về TGPL, thực hiện ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong toàn hệ thống tổ chức TGPL. Đa dạng các hình thức, phương thức truyền thông về TGPL để nâng cao nhận thức của cá nhân, tổ chức trong xã hội về vị trí, vai trò của hoạt động TGPL, trước hết là những người làm công tác quản lý, thực hiện và phối hợp trong công tác này; quyết liệt trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và giải quyết công việc chuyên môn, nghiệp vụ.
Tiếp tục tăng cường tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ người thực hiện TGPL, tăng cường công tác kiểm tra, kết nối với các cơ quan quản lý, tổ chức thực hiện TGPL tại địa phương; nắm bắt, theo dõi việc triển khai Luật TGPL và các văn bản pháp luật về TGPL, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương;
Tiếp tục tập trung nguồn lực tổ chức triển khai thi hành Luật TGPL và các văn bản hướng dẫn thi hành bảo đảm kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả trên phạm vi cả nước;
Nâng cao số lượng cũng như chất lượng dịch vụ TGPL, đặc biệt là các vụ việc tham gia tố tụng; nâng cao năng lực cho đội ngũ người thực hiện TGPL, hạn chế bỏ lọt đối tượng được TGPL, tăng số lượng các vụ án có Luật sư và Trợ giúp viên pháp lý tham gia;
Tăng cường công tác quản lý nhà nước, thực hiện kiểm tra và đánh giá chất lượng đối với công tác TGPL tại các địa phương để tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về công tác TGPL; tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức có liên quan trong việc nâng cao hiệu quả công tác TGPL, nhất là công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng..../. CT
Nguồn: https://tgpl.moj.gov.vn/Pages/hoi-nhap-phat-trien.aspx?ItemID=67&l=NghiencuuveTGPL