Một số giải pháp hoàn thiện quản lý thu thuế đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam hiện nay
08:49 18/11/2024
1. Đặt vấn đề
Những năm qua, quản lý thu thuế đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa ở nước ta có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng để ngành Thuế hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, công tác này hiện đang bộc lộ một số hạn chế làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý thu thuế. Do vậy, nghiên cứu, tìm giải pháp hoàn thiện quản lý thu thuế đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa ở nước ta trở thành vấn đề cấp thiết.
2. Thực trạng công tác quản lý thu thuế đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa
Thời gian qua, quản lý thu thuế đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa ở nước ta đã đạt được một số kết quả sau:
Thứ nhất, về quản lý đăng ký thuế, quản lý thông tin người nộp thuế, kê khai, tính thuế: cũng như đối với loại hình doanh nghiệp khác, việc đăng ký thuế, cấp mã số thuế đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa được thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông, trừ những trường hợp phải đăng ký thuế trực tiếp tại cơ quan thuế theo quy định của pháp luật. Đến nay, cơ chế tự khai, tự nộp thuế và quản lý thuế tập trung dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin đối với tất cả các đối tượng nộp thuế, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa đã ngày càng tạo nhiều thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế1.
Ngành Thuế cũng đã kết nối mạng trao đổi thông tin phục vụ quản lý thuế nói chung và quản lý kê khai, tính thuế nói riêng với các bộ, ngành liên quan, như: Kho bạc, Hải quan, Kế hoạch và Đầu tư, Công an… Các cơ quan thuế tăng cường đôn đốc, kiểm soát chặt chẽ hơn việc kê khai thuế của doanh nghiệp nhỏ và vừa, qua đó, phát hiện kịp thời những doanh nghiệp kê khai không đúng để có biện pháp xử lý. Nhờ đó, tỷ lệ hồ sơ khai thuế nộp đúng hạn gia tăng, ở một số địa phương luôn đạt mức cao, các sai sót từng bước được hạn chế. Cơ quan thuế cũng chú trọng rà soát, đối chiếu thông tin thực tế của doanh nghiệp với cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế để nắm bắt, theo dõi, cập nhật thông tin bảo đảm chính xác, đầy đủ, kịp thời phục vụ công tác quản lý thuế2.
Để thực hiện tốt công tác quản lý kê khai, tính thuế, các cơ quan thuế đã chú trọng công tác quản lý hóa đơn. Đặc biệt, nhiều cơ quan thuế đã thực hiện tốt việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử. Điều này đã đem lại lợi ích to lớn cho cả doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ quan thuế và xã hội.
Những mặt tích cực nêu trên đã tạo điều kiện để việc lập dự toán thuế đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa phù hợp hơn với bối cảnh và xu hướng phát triển của loại hình doanh nghiệp này trên địa bàn, bảo đảm tổng số thu theo dự toán và thực hiện năm sau cao hơn năm trước, cũng như việc hoàn thành vượt mức dự toán hằng năm.
Thứ hai, về quản lý thu nộp thuế, quản lý nợ thuế: việc quản lý thu nộp thuế được cơ quan thuế ở các địa phương quan tâm thông qua việc triển khai nhiều hình thức nộp tiền vào ngân sách nhà nước nhằm đem lại sự thuận lợi cho người nộp thuế. Từ năm 2014, Tổng Cục Thuế đã triển khai hình thức nộp thuế điện tử. Đến cuối năm 2018, Tổng Cục Thuế đã triển khai hệ thống dịch vụ thuế điện tử eTax thay thế cho hệ thống khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử. Qua đó, đã tạo điều kiện tốt hơn để người nộp thuế thực hiện chính sách, pháp luật thuế3.
Việc quản lý nợ thuế cũng được chú trọng thực hiện. Các cơ quan thuế đã đẩy mạnh việc phát hành thông báo nợ thuế đến doanh nghiệp nợ thuế bằng hình thức tự động thông qua hệ thống quản lý thuế tập trung hoặc văn bản. Việc phát hành thông báo được tích hợp và theo dõi trên hệ thống. Do vậy, việc phát hành thông báo nợ thuế ngày càng được quản lý chặt chẽ hơn, bảo đảm đúng quy định, kịp thời hơn. Việc công khai thông tin doanh nghiệp chây ỳ nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng được các cơ quan thuế thực hiện4.
Để nâng cao hiệu quả công tác thu hồi nợ, cơ quan thuế ở các địa phương đã thực hiện phân loại hồ sơ nợ thuế của doanh nghiệp theo khả năng thu hồi, phân tích, đánh giá, xác định nguyên nhân nợ thuế của từng doanh nghiệp để áp dụng biện pháp xử lý phù hợp. Bên cạnh đó, các cơ quan thuế còn chủ động tham mưu cho các cơ quan có thẩm quyền thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu nguy cơ phát sinh nợ mới. Ngoài ra, các cơ quan thuế cũng triển khai kịp thời các chính sách của Nhà nước về hỗ trợ thuế để các doanh nghiệp có thêm nguồn lực khôi phục hoạt động sản xuất – kinh doanh, phục hồi dòng tiền, qua đó, cải thiện khả năng trả nợ thuế5. Nhờ đó, kết quả thu hồi nợ thuế đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các địa phương có những chuyển biến tích cực.
Thứ ba, về kiểm tra, thanh tra thuế: ngành Thuế đã áp dụng kỹ thuật quản lý rủi ro trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phân tích dữ liệu về người nộp thuế nhằm phân loại doanh nghiệp theo mức độ rủi ro về thuế để tập trung kiểm tra, thanh tra các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế6.
Các địa phương đã nỗ lực tăng cường kiểm tra thuế tại cơ quan thuế. Số lượng cuộc kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế tăng nhanh, đặc biệt là tại các thành phố lớn, như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng7… Nhờ đó, đã phát hiện nhiều sai phạm của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong kê khai, tính thuế để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời; đồng thời, tạo căn cứ cho việc ban hành quyết định kiểm tra, thanh tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế.
Hoạt động kiểm tra, thanh tra thuế đã góp phần bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật về thuế, hạn chế các sai phạm về thuế, bảo đảm sự công bằng trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế giữa các doanh nghiệp cũng như nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật thuế của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thứ tư, công tác tuyên truyền, hỗ trợ pháp lý cho người nộp thuế đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa được cơ quan thuế ở các địa phương quan tâm thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, như: thông qua truyền hình; truyền thanh; báo; tạp chí; tờ rơi; website ngành; thư điện tử; Facebook; Youtube; hệ thống thuế điện tử; trả lời bằng văn bản, trả lời qua điện thoại, giải đáp trực tiếp tại cơ quan thuế; đối thoại trực tuyến; hội nghị, tọa đàm phổ biến, tập huấn kiến thức pháp luật…
Nội dung tuyên truyền, hỗ trợ về luật pháp, chính sách thuế, thủ tục đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế, đặc biệt là những vấn đề mới về chính sách thuế đã góp phần giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa nắm được các quy định hiện hành về thuế, nâng cao ý thức chấp hành nghĩa vụ thuế, qua đó, tạo điều kiện để doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước một cách nhanh chóng, chính xác hơn.
Bên cạnh những mặt tích cực nêu trên, quản lý thu thuế đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa ở nước ta hiện còn một số hạn chế. Cụ thể:
(1) Ở nhiều địa phương, đặc biệt là ở các địa phương có số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa lớn, việc rà soát mã số thuế của doanh nghiệp còn chậm. Do vậy, chưa phát hiện kịp thời tình trạng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh được cấp mã số thuế nhưng không hoạt động, hoặc các doanh nghiệp đã ngừng kinh doanh nhưng vẫn chưa đóng mã số thuế. Chưa phát hiện tình trạng doanh nghiệp hoạt động không đúng ngành nghề đã đăng ký kinh doanh, không hoạt động tại địa điểm đã đăng ký; không nắm được chính xác, kịp thời số lượng doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh, phạm vi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp… Điều này gây nhiều khó khăn cho công tác lập và chấp hành dự toán thuế.
Bên cạnh đó, vẫn có không ít doanh nghiệp có hành vi mua, bán và sử dụng hóa đơn bất hợp pháp nhằm trục lợi bất chính với các thủ thuật ngày càng tinh vi, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước và ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp kinh doanh chân chính. Các cơ quan thuế cũng gặp rất nhiều khó khăn trong quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, kinh doanh bất động sản, kinh doanh trên mạng…
Ngoài ra, sự gắn kết giữa quản lý đăng ký thuế, quản lý thông tin người nộp thuế, quản lý kê khai thuế với công tác dự báo, phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến quản lý thuế đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa thực sự tốt, chưa dự báo, chưa phân tích chính xác được xu hướng biến động của thị trường, của nền kinh tế, sự thay đổi của cơ chế, chính sách và sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa… Do vậy, chưa tạo được căn cứ vững chắc cho xây dựng dự toán thuế và tổ chức quản lý thuế nói chung.
Trong công tác kế toán thuế, vẫn có trường hợp cơ quan thuế chưa kịp thời yêu cầu doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh sai sót về chương, tiểu mục theo mục lục ngân sách nhà nước khi doanh nghiệp nộp tiền thuế sai chương, tiểu mục. Do vậy, trong những trường hợp này, việc lập sổ theo dõi nợ của doanh nghiệp thiếu chính xác.
(2) Một số cơ quan thuế ở địa phương chưa quyết liệt trong việc tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện các biện pháp quản lý nợ thuế, như: thông báo, đôn đốc, thu hồi nợ; công khai thông tin nợ; xử phạt chậm nộp; cưỡng chế nợ; xử lý nợ chờ điều chỉnh; hoàn thiện hồ sơ xóa nợ đối với những khoản nợ không còn khả năng thu hồi… Việc thực hiện cưỡng chế nợ thuế qua ngân hàng hoặc bằng hình thức kê biên, bán đấu giá tài sản còn rất hạn chế và chưa thực sự hiệu quả. Do vậy, trong những năm qua, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa còn nợ đọng thuế và quy mô nợ đọng thuế còn lớn, kéo dài và có xu hướng gia tăng8.
(3) Công tác kiểm tra, thanh tra thuế chưa đáp ứng yêu cầu đối với quản lý thuế. Công tác kiểm tra thuế tại trụ sở cơ quan thuế chưa phát hiện được những rủi ro tiềm ẩn và sai phạm về thuế của doanh nghiệp. Việc kiểm tra chưa hiệu quả, chưa phát hiện kịp thời các trường hợp gian lận thuế, trốn thuế của doanh nghiệp do chỉ dựa trên phân tích các chỉ tiêu được nêu trong hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp thay vì phân tích, đánh giá toàn diện những vấn đề liên quan đến doanh nghiệp nhỏ và vừa, hoặc chỉ dựa trên kết quả phân tích của các ứng dụng phân tích rủi ro được xây dựng chung cho các loại hình doanh nghiệp, trong khi doanh nghiệp nhỏ và vừa có rất nhiều đặc thù so với với các doanh nghiệp quy mô lớn hơn. Công tác kiểm tra, thanh tra thuế tại trụ sở doanh nghiệp cũng bộc lộ những hạn chế: chất lượng các cuộc kiểm tra, thanh tra chưa cao, chưa đồng đều (số thuế truy thu qua kiểm tra, thanh tra còn thấp; thời gian kiểm tra, thanh tra, xử lý kéo dài, gây tốn kém cho cả cơ quan thuế và doanh nghiệp)9.
(4) Công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa thật phù hợp với yêu cầu của các doanh nghiệp này cũng như nhiệm vụ quản lý thuế trong bối cảnh hiện nay. Các chương trình tuyên truyền, hướng dẫn về thuế được triển khai rộng rãi nhưng mới dừng lại ở việc tuyên truyền, hướng dẫn những vấn đề chung cho cộng đồng doanh nghiệp hoặc giải đáp thắc mắc. Chưa có các chương trình tuyên truyền, hỗ trợ riêng cho từng nhóm doanh nghiệp dựa trên phân loại doanh nghiệp theo nhu cầu tuyên truyền, hỗ trợ. Phương pháp tuyên truyền, hỗ trợ chủ yếu được thực hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc tư vấn tại chỗ khi doanh nghiệp chủ động tìm đến. Thông tin trên các ấn phẩm tuyên truyền, hỗ trợ phát cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thường lạc hậu, không cập nhật kịp thời những thay đổi của chính sách, pháp luật về thuế. Nội dung tư vấn, giải đáp, trong một số trường hợp còn chung chung, chưa đáp ứng được nhu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp. Các hội nghị đối thoại giữa cơ quan thuế với cộng đồng doanh nghiệp chưa được tổ chức thường xuyên.
Những hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân chủ yếu sau:
Một là, biên chế cán bộ trong một số phòng chức năng chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ.Bộ phận kiểm tra thuế ở nhiều cơ quan thuế ở các địa phương có số lượng cán bộ ít, phải kiêm nhiệm nhiều công việc nên chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chưa cao. Một số cán bộ có trình độ chuyên môn, năng lực hạn chế, phương pháp làm việc thiếu tính khoa học, thiếu tính chuyên nghiệp, chưa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi mô hình quản lý thuế, đặc biệt trong điều kiện phải đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào quản lý thuế. Một số cán bộ vi phạm đạo đức công vụ, chưa thực sự công tâm và trách nhiệm trong công việc10.
Sự phối hợp giữa các bộ phận chức năng trong cơ quan thuế, trên một số phương diện chưa tốt. Cụ thể, sự phối hợp giữa bộ phận kê khai, tổng hợp và bộ phận kiểm tra trong giám sát và xử lý vi phạm về kê khai thuế của doanh nghiệp; sự phối hợp giữa bộ phận xử lý dữ liệu, bộ phận quản lý nợ và bộ phận kiểm tra trong phân tích, đánh giá và xử lý nợ thuế.
Hai là, kiểm tra thuế tại trụ sở doanh nghiệp chủ yếu thực hiện theo phương thức cán bộ thuế theo dõi địa bàn nào thì thực hiện kiểm tra doanh nghiệp tại địa bàn đó, việc kiểm tra thuế theo chuyên đề, kiểm tra chéo còn rất hạn chế. Vì vậy, cán bộ thuế ít có cơ hội trao đổi chuyên môn với cán bộ thuế ở các địa bàn khác trong việc phát hiện và xử lý các sai phạm về thuế của doanh nghiệp, qua đó, chưa nâng cao kỹ năng nghề nghiệp.
Ba là, hạ tầng công nghệ thông tin của ngành Thuế chưa đủ năng lực đáp ứng yêu cầu triển khai các ứng dụng quản lý thuế tập trung theo chuẩn mực quốc tế. Việc tổng hợp, theo dõi thực hiện nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp trên ứng dụng quản lý thuế đôi khi chưa chính xác, gây khó khăn cho việc xác định nợ, phân loại nợ, đôn đốc và thu hồi nợ. Đặc biệt, thiếu các phương tiện, công cụ quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên môi trường mạng11.
Bốn là, sự phối hợp công tác giữa cơ quan thuế với các cơ quan có liên quan và chính quyền địa phương trong quản lý thuế chưa thường xuyên. Chẳng hạn, do thiếu sự hợp tác của một số ngân hàng trong việc cung cấp thông tin về doanh nghiệp nên việc thực hiện cưỡng chế nợ thuế qua ngân hàng rất khó thực hiện; thành phần cưỡng chế kê biên, bán đấu giá tài sản của doanh nghiệp nợ thuế gồm các đại diện của nhiều ban, ngành, cơ quan chức năng nên việc phối hợp thực hiện gặp nhiều khó khăn… Những bất cập đó làm cho việc cung cấp, trao đổi, chia sẻ thông tin về người nộp thuế cũng như việc phối hợp thực hiện các biện pháp quản lý thuế còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong điều kiện hiện nay.
Năm là, hệ thống thuế hiện hành chưa bao quát được các hình thức kinh doanh mới, còn phức tạp, đảm nhiệm nhiều chức năng với quá nhiều ưu đãi miễn, giảm, cụ thể như: thuế giá trị gia tăng có danh mục nhóm hàng hóa và dịch vụ không chịu thuế và được áp dụng mức thuế suất ưu đãi rất dàn trải… Sự thiếu đồng bộ giữa Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp về các ưu đãi thuế dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Một số quy định về thuế thậm chí gây bất lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, như: quy định về miễn thuế đối với hàng hóa giá trị nhỏ…
Sáu là, thủ tục hành chính thuế còn phức tạp, gây phiền hà, làm tăng chi phí thực thi không chỉ đối với doanh nghiệp mà còn đối với cả cơ quan thuế. Chẳng hạn, thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng, hóa đơn điện tử, nộp thuế tại địa phương đối với các doanh nghiệp hoạt động trên nhiều địa bàn khác nhau… Đến nay, thủ tục hành chính về thuế cùng với thủ tục hành chính về đất đai, xây dựng,… mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn là những thủ tục gây nhiều khó khăn nhất.
Bảy là, một số doanh nghiệp nhỏ và vừa có trình độ quản lý, kế toán và khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế rất hạn chế; trình độ hiểu biết, ý thức tuân thủ pháp luật về thuế nói riêng còn thấp. Điều này gây khó khăn cho việc thực thi nhiệm vụ của các cơ quan thuế trong điều kiện biên chế, năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, sự phối hợp giữa các bộ phận chức năng trong cơ quan thuế, sự phối hợp giữa cơ quan thuế với các cơ quan liên quan và điều kiện, phương tiện phục vụ quản lý thuế còn hạn chế.
3. Một số giải pháp
Thứ nhất, rà soát, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ giữa các phòng chức năng để bảo đảm hài hòa hơn giữa biên chế với khối lượng công việc phải đảm nhiệm, cùng với đó, cần hoàn thiện phân công công việc theo hướng phân công trách nhiệm rõ ràng, thực hiện tốt trách nhiệm giải trình. Trong các phòng chức năng, cần nghiên cứu để hình thành các bộ phận chuyên trách về doanh nghiệp nhỏ và vừa do loại hình doanh nghiệp này chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng số doanh nghiệp có nhiều đặc thù so với doanh nghiệp lớn.
Nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ thông qua đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới, trao đổi kinh nghiệm, phối hợp thực hiện nhiệm vụ quản lý thuế giữa các địa bàn, hội thảo, tọa đàm, phát hành các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ… về quản lý thuế, đặc biệt là quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh bất động sản… Cùng với điều đó, cần hoàn thiện công tác đánh giá, khen thưởng, phê bình, xử lý kỷ luật đối với cán bộ, đảm bảo kịp thời, khách quan, công tâm.
Xây dựng quy chế phối hợp thường xuyên, chặt chẽ giữa cơ quan thuế với các cơ quan có liên quan nhằm thực hiện tốt hơn công tác quản lý thuế đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đặc biệt, xây dựng quy chế phối hợp với các ngân hàng thương mại, trung tâm thông tin tín dụng của Ngân hàng nhà nước, Kho bạc nhà nước trong quản lý thu nợ thuế nhằm bảo đảm tính kịp thời, hiệu quả của việc cưỡng chế nợ thuế đối với doanh nghiệp qua tài khoản của doanh nghiệp; tăng cường phối hợp với cơ quan công an trong công tác phòng, chống các hành vi gian lận về thuế.
Thứ hai, xây dựng các chương trình tuyên truyền, hỗ trợ pháp lý đa dạng về hình thức, phong phú về sản phẩm, nội dung và thiết thực đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa cho từng nhóm doanh nghiệp theo lĩnh vực kinh doanh, đặc thù hoạt động, nhu cầu tư vấn, hỗ trợ và mức độ tuân thủ thuế. Hoàn thiện hệ thống hỗ trợ, giải đáp luật pháp, chính sách thuế điện tử theo hướng trực tuyến, tập trung, tự động, hoạt động 24/7 trên cơ sở ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).
Về lâu dài, cần nghiên cứu, triển khai việc đưa nội dung giáo dục pháp luật về thuế vào các chương trình giáo dục phổ thông nhằm xây dựng tinh thần, ý thức tuân thủ pháp luật thuế của công dân. Ngoài ra, hằng năm, cần tôn vinh kịp thời các doanh nghiệp nhỏ và vừa chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật thuế, có đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước.
Thứ ba, hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế theo hướng bổ sung các đối tượng nộp thuế có mô hình kinh doanh mới, có hoạt động kinh doanh trên nền tảng số… Điều chỉnh giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa các văn bản hướng dẫn thực hiện các luật thuế và Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đối với các ưu đãi thuế dành cho loại hình doanh nghiệp này.
Đẩy nhanh việc rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, trực tuyến, liên thông, công khai, minh bạch, rõ ràng, đơn giản.
Thứ tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin bảo đảm đủ năng lực triển khai các ứng dụng quản lý thuế tập trung theo chuẩn mực quốc tế và yêu cầu thu thập, xử lý khối lượng dữ liệu ngày càng lớn.
Phát triển hệ thống phần mềm quản lý thuế dựa trên ứng dụng dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo theo hướng bổ sung tiện ích, tích hợp, liên thông, tự động đa chức năng (bao gồm tất cả các khâu, các hoạt động quản lý thuế theo chức năng và đối với tất cả các sắc thuế) và dễ sử dụng. Đặc biệt, đẩy nhanh việc xây dựng các phần mềm có khả năng tìm kiếm, tích hợp, xử lý tự động thông tin về các đối tượng có hoạt động kinh doanh qua các trang mạng xã hội để phục vụ công tác quan lý thuế; chú trọng xây dựng phần mềm phân tích rủi ro về thuế dành riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa dựa trên quy mô, ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh; hoàn thiện các ứng dụng quản lý và xác thực hóa đơn điện tử.
Thứ năm, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý thuế đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa theo hướng bảo đảm chính xác, cập nhật và đầy đủ, bao gồm: thông tin dự báo, phân tích về tình hình kinh tế – xã hội có ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất – kinh doanh và hành vi thuế của doanh nghiệp nhỏ và vừa; thông tin về tình hình sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp; thông tin phân tích, dự báo về các rủi ro liên quan đến thuế và các hành vi gian lận thuế; thông tin về các sai phạm thuế của doanh nghiệp…
Thứ sáu, tăng cường và thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp này thực hiện tốt hơn nghĩa vụ thuế của mình. Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực quản trị, tổ chức, điều hành sản xuất – kinh doanh; hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; hỗ trợ tiếp cận vốn; tiếp cận thị trường; tham gia các chuỗi giá trị; chuyển đổi số… Các chính sách hỗ trợ phát triển phải có mức hỗ trợ đủ lớn và phải được duy trì trong thời gian đủ dài, phù hợp với bối cảnh kinh tế – xã hội và đặc thù sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thứ bảy, hoàn thiện khung khổ pháp lý và các điều kiện liên quan để phát triển các đại lý thuế. Dịch vụ thuế do các đại lý thuế cung cấp sẽ giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện tốt hơn các quy định pháp luật về thuế, giúp giảm tải công việc và chi phí hoạt động của cơ quan thuế, qua đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế đối với loại hình doanh nghiệp này.
4. Kết luận
Hoàn thiện quản lý thu thuế đối với doanh nghiệp nhỏ và ở nước ta có ý nghĩa thực tiễn cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên sẽ giúp công tác này đáp ứng tốt hơn yêu cầu đối với quản lý thu thuế trong bối cảnh chuyển đổi số nền kinh tế, góp phần bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời cho ngân sách nhà nước, hạn chế tình trạng thất thu; bảo đảm sự công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế giữa các doanh nghiệp, bảo đảm pháp luật về thuế được thực hiện nghiêm minh trong đời sống xã hội; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi hơn để các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển và thực hiện nghĩa vụ thuế.
Chú thích:
1, 8, 11. Trương Bá Tuấn (2021). Thực trạng và những vấn đề đặt ra trong công tác quản lý thuế ở Việt Nam. Tạp chí Tài chính, kỳ 1, tháng 9/2021.
2, 4. Bộ Tài chính (2022). Công tác quản lý thuế, chống thất thu ngân sách nhà nước và tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế (Báo cáo chuyên đề).
3, 5, 7. Bùi Thị Thu Thảo (2020). Quản lý thuế nhằm thúc đẩy tuân thủ thuế của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Luận án tiến sĩ, Học viện Tài chính, Hà Nội.
6. Nguyễn Quang Hưng (2018). Hoàn thiện hoạt động thanh tra thuế tại Việt Nam. Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.
9, 10. Mai Sơn (2024). Quản lý thuế đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Cục Thuế thành phố Hà Nội. Luận án tiến sĩ, Học viện Tài chính, Hà Nội.
Tài liệu tham khảo:
1. Hà Minh Hải. Quản lý thuế đối với doanh nghiệp khu vực tư nhân – nghiên cứu trên địa bàn thành phố Hà Nội. Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Kinh tế quốc dân.
2. Đỗ Bé Thảo, Bùi Văn Trịnh (2024). Các nhân tố ảnh hưởng đến việc tuân thủ thuế thu nhập doanh nghiệp của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại tỉnh Vĩnh Long. Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 14, tháng 7/2024.
3. Bùi Khánh Toàn (2021). Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý rủi ro trong quản lý thuế tại Việt Nam. Tạp chí Tài chính, kỳ 2, tháng 12/2021.
4. Quốc hội (2017). Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017.
5. Quốc hội (2019). Luật Quản lý thuế năm 2019.
6. Nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân. https://tapchitaichinh.vn/nang-cao-hieu-qua-quan-ly-thue-doi-voi-doanh-nghiep-nho-va-vua-ho-kinh-doanh-va-ca-nhan.html
7. Nỗ lực vượt khó, ngành Thuế cán đích các mục tiêu của 2023. https://mof.gov.vn/webcenter/portal/btcvn/pages_r/l/tin-bo-tai-chinh?
8. Quản lý dòng tiền của doanh nghiệp nhỏ và vừa qua việc sử dụng hình thức thanh toán điện tử nhằm chống thất thu thuế. https://www.quanlynhanuoc.vn/2022/09/28/quan-ly-dong-tien-cua-doanh-nghiep-nho-va-vua-qua-viec-su-dung-hinh-thuc-thanh-toan-dien-tu-nham-chong-that-thu-thue/
9. Thủ tướng Chính phủ (2010). Quyết định 78/2010/QĐ-TTg ngày 30/11/2010 về mức giá trị hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế.
10. Nguyen Quoc Thai (2017). Recommendations on assisting the development of small and medium-sized enterprises in Vietnam, Proceedings of the 6th international conference on emerging challenges: Strategic integration ICECH 2017, Bach khoa Publishing House, Hanoi.
11. OECD (2014). Working Smarter in Tax Debt management.https://www.oecd.org/en/publications/working-smarter-in-tax-debt-management
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh