Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam chặng đường 40 năm xây dựng và phát triển
11:41 24/03/2023
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đại diện cho trí thức KH&KT Việt Nam
Ngày 18/5/1963, tại Đại hội Đại biểu Hội Phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam toàn quốc lần thứ nhất (tiền thân của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ đến dự, chúc mừng. Tại đây, Người đã có những đánh giá, tổng kết những luận điểm quan trọng nhất về phát triển khoa học và công nghệ ở nước ta, thể hiện tầm nhìn chiến lược sâu rộng, tư tưởng nhận thức to lớn của Người đối với định hướng phát triển lâu dài của nền Khoa học và Công nghệ nước nhà. Trong đó Bác đã nói, "Chúng ta đều biết rằng trình độ khoa học và công nghệ của ta hiện nay còn thấp kém” do đó “Nhiệm vụ của khoa học là ra sức cải biến những cái đó... Khoa học phải tự sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi”. Từ quan điểm đó của Bác, Đảng và Nhà nước ta những năm qua đã luôn chú trọng đầu tư cho phát triển đội ngũ nhân lực trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, xác định “Tri thức luôn là nền tảng tiến bộ xã hội, đội ngũ trí thức là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức. Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Đầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững”[1].
Để thực hiện trách nhiệm, vai trò mà Hồ Chủ tịch, Đảng, Nhà nước giao cho, trong suốt chặng đường 40 năm xây dựng và phát triển, Liên hiệp Hội Việt Nam đã trở thành tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn, đại diện cho đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam, tập hợp, đoàn kết, phát huy trí tuệ, sức sáng tạo của trí thức người Việt Nam trong và ngoài nước, trên nhiều lĩnh vực khác nhau như nghiên cứu khoa học; hợp tác quốc tế; tôn vinh trí thức; phổ biến kiến thức; tư vấn, giám sát, phản biện chính sách. Những đóng góp của Liên Hiệp Hội với sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước đặc biệt trên lĩnh vực khoa học kỹ thuật đã được xã hội thừa nhận, đánh giá cao. Những năm qua, Liên hiệp hội đã cố gắng nỗ lực, phấn đấu làm tốt chức năng tập hợp và đoàn kết đội ngũ trí thức Khoa học & Kỹ thuật, trở thành cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với trí thức Khoa học & Kỹ thuật; không ngừng thúc đẩy, nâng cao vai trò, vị thế của Liên hiệp hội.
Phát triển tổ chức để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ
Để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình Liên hiệp hội đã xác định phải xây dựng, phát triển tổ chức ngày càng vững mạnh, khoa học, nâng cao hiệu quả hoạt động. Những năm qua, Liên hiệp hội đã không ngừng tăng số lượng tổ chức hội thành viên và trực thuộc. Từ con số 15 hội thành viên sáng lập năm 1983, đến nay, Liên hiệp Hội Việt Nam có 156 hội thành viên gồm: 63 Liên hiệp hội địa phương và 93 Hội ngành toàn quốc. Liên hiệp hội các tỉnh, thành phố tiếp tục được củng cố, kiện toàn; quy mô và cơ cấu tổ chức của các Hội ngành toàn quốc không ngừng được mở rộng (cùng với hội, tổng hội còn có các hiệp hội tham gia là hội thành viên). Hệ thống tổ chức KH&CN trực thuộc Đoàn Chủ tịch cũng tăng lên mạnh mẽ với gần 600 đơn vị. Liên hiệp Hội Việt Nam có 3 đơn vị trực thuộc là: Nhà xuất bản Tri thức; Quỹ hỗ trợ Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam - Vifotec; Báo Tri thức và Cuộc sống. Toàn hệ thống đã thu hút được trên 3,7 triệu hội viên, trong đó, có khoảng 2,2 triệu trí thức.
Xác định nhiệm vụ quan trọng là phát triển khoa học kỹ thuật, phát huy giá trị của khoa học kỹ thuật trong thực tiễn đời sống
Để phát triển khoa học kỹ thuật, nâng cao giá trị thực tiễn, hàng nghìn các công trình nghiên cứu khoa học, các đề tài, dự án khoa học đã được các thành viên của Liên hiệp hội tổ chức thực hiện, bao gồm cả khoa học cơ bản, khoa học ứng dụng…góp phần vào thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia; phát triển tổ chức khoa học và công nghệ và ứng dụng phát triển công nghệ trong việc phối hợp triển khai các hoạt động kết nối cung cầu, hỗ trợ ứng dụng và đổi mới công nghệ để làm chủ công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu chung về công nghệ, chuyển giao công nghệ...Đặc biệt, Liên hiệp hội đã đẩy mạnh viêc nghiên cứu ứng dụng thiết thực, phát triển khoa học và công nghệ, chăm sóc sức khoẻ, nâng cao đời sống nhân dân, bảo vệ môi trường, xoá đói, giảm nghèo. Bên cạnh đó, Liên hiệp hội cũng đã thực hiện tốt chức năng tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học, công nghệ cho các tầng lớp nhân dân, góp phần xã hội hoá công tác giáo dục - đào tạo, nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực và bồi dưỡng nhân tài.
Chỉ tính riêng trong năm 2022 trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, dịch vụ khoa học và công nghệ, các tổ chức khoa học và công nghệ thuộc Liên hiệp hội đã được cấp 33 bằng sáng chế độc quyền, 29 bằng giải pháp hữu ích độc quyền, 68 bài báo đã được đăng trên tạp chí chuyên ngành quốc tế, 802 bài báo đã được đăng trên tạp chí chuyên ngành trong nước, thực hiện 279 đề tài, dự án. Về hoạt động bảo vệ môi trường thực hiện 566 dự án bảo vệ môi trường, 214 dự án ứng phó biến đổi khí hậu, thiên tai, 7 dự án bảo tồn và khai thác tài nguyên nước, tài nguyên biển. Về hoạt động chăm sóc sức khỏe, đã thăm khám và tư vấn chữa bệnh cho 114.907 lượt người; số bệnh nhân được can thiệp, hỗ trợ dịch vụ, thuốc là 154.864 người.
Thực hiện tốt chức năng tư vấn, phản biện, giám định xã hội
Nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội được cho là một trong những nhiệm vụ đặc trưng nhất của Liên hiệp Hội Việt Nam. Thông qua hoạt động này, giúp đóng góp tích cực vào việc xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật và thực hiện có hiệu quả các dự án phát triển KT-XH quan trọng của ngành, của đất nước. Hoạt động này cũng đã giúp đảng, nhà nước, có được một kênh thông tin đáng tin cậy trong việc ban hành các chính sách, đường lối lãnh đạo, quản lý đất nước.
Chức năng tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên Hiệp hội đã được thể hiện rõ trong Quyết định số 14/2014/QĐ-TTg quy định đề án cần tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội Việt Nam; Quyết định số 22/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Những năm qua, Liên Hiệp hội đã thực hiện tốt chức năng này trên nguyên tắc sử dụng các luận cứ khoa học xác đáng, trên tinh thần tự do, bình đẳng và trước hết là thượng tôn pháp luật.
Với đội ngũ các nhà khoa học đông đảo, tâm huyết với sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, Liên hiệp Hội đã tích cực, chủ động huy động đội ngũ chuyên gia tham gia đóng góp ý kiến vào các văn kiện của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình phát triển kinh tế – xã hội trọng điểm của trung ương và địa phương; đóng góp ý kiến vào việc hình thành, xây dựng và thực hiện các chủ trương, đường lối, cơ chế, chính sách, chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng của Đảng và Nhà nước, đặc biệt trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ, môi trường, giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phát triển cộng đồng và xóa đói giảm nghèo.
Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học công nghệ
Hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của Liên hiệp Hội Việt Nam tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như: vận động nguồn lực nước ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, kết nối trí thức khoa học người Việt Nam ở nước ngoài, thông tin đối ngoại, nghiên cứu, đề xuất, tham mưu về công tác đối ngoại nhân dân trong lĩnh vực KH&CN; góp phần đem lại hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế cho đất nước; giúp chuyển giao công nghệ, khoa học, kỹ thuật; thu hút sự tham gia đóng góp trí tuệ và kinh nghiệm của trí thức KH&CN ngoài nước; quảng bá hình ảnh Việt Nam tới bạn bè, đối tác quốc tế; góp phần đấu tranh, bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc.
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động KH&CN
Liên hiệp Hội Việt Nam tạo điều kiện cho các nhà khoa học tích cực tham gia thông qua việc phát triển hệ thống các tổ chức KH&CN ngoài công lập trực thuộc Liên hiệp Hội. Hiện nay Liên hiệp Hội Việt Nam ở trung ương có hơn 600 tổ chức KH&CN trực thuộc, thực hiện nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, thực hiện các dịch vụ KH&CN thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Các tổ chức KH&CN trực thuộc cũng tích cực tham gia thực hiện và đưa các kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn, phát huy giá trị khoa học, giá trị kinh tế, bảo vệ môi trường, giải quyết các vấn đề xã hội một cách hiệu quả, bền vững.
Báo chí Liên hiệp hội tiếng nói của giới khoa học nước nhà
Tính đến đầu năm 2022, toàn hệ thống Liên Hiệp hội có 70 cơ quan báo chí, Trong đó, do Đoàn chủ tịch Hội đồng Trung ương trực tiếp quản lý là 01 cơ quan báo chí (Báo Tri thức và Cuộc sống) và gián tiếp quản lý là 22 cơ quan báo chí thuộc các tổ chức khoa học công nghệ (Viện). 47 cơ quan báo chí còn lại thuộc hội ngành toàn quốc quản lý. Hoạt động báo chí Liên hiệp hội giai đoạn vừa quá đã góp phần thúc đẩy công bố, công khai các kết quả của hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học; công cụ giám sát xã hội. Hệ thống báo chí này không chỉ phục vụ nhu cầu thông tin của giới trí thức mà còn đáp ứng thông tin chuyên sâu, khoa học của công chúng cả nước. Báo chí Liên Hiệp hội luôn bám sát tôn chỉ, mục đích được cấp phép, tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương; sự chỉ đạo, điều hành, quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông và Liên hiệp Hội Việt Nam. Hệ thống báo chí này còn là công cụ quan trọng để thực hiện quyền tự do báo chí, tiếp cận thông tin báo chí, tri thức khoa học và cũng là công cụ để truyền tải quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến các hội viên, các nhà khoa học, học giả, chuyên gia trong hệ thống Liên hiệp Hội và toàn xã hội; cùng với hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam, góp phần tạo lên sự đa dạng các kênh cung cấp thông tin, đảm bảo thông tin được cung cấp một cách khoa học, kịp thời, đa dạng, đa chiều, tính tương tác cao.
Đổi mới và phát triển Liên hiệp Hội Việt Nam vững mạnh
Sự phát triển của khoa học kỹ thuật là yếu tố phát triển song song cùng với sự phát triển đi lên của xã hội. Hơn thế, khoa học kỹ thuật phải đi trước, đón đầu, tiên phong dẫn đường cho sự phát triển chung của xã hội. Những năm qua, vai trò của Liên Hiệp hội ngày càng được khẳng định và thừa nhận. Tuy nhiên trước sự thay đổi nhanh chóng của đời sống xã hội nói chung và lĩnh vực khoa học kỹ thuật nói riêng, hoạt động của Liên Hiệp hội cũng cho thấy nhiều hạn chế như: Chưa có nhiều đóng góp nổi bật trong việc giải quyết những vấn đề lớn, bức xúc của đất nước; việc thông tin về kết quả hoạt động, quảng bá hình ảnh của Liên hiệp hội đối với xã hội chưa hiệu quả; nhiều vấn đề quan trọng cần có ý kiến tư vấn, phản biện của Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên vẫn chưa được các cơ quan, ban, ngành chủ động đặt yêu cầu; công tác quản lý của Liên hiệp hội với các tổ chức, đơn vị trực thuộc còn nhiều hạn chế, sai sót; chưa tạo được nhiều diễn đàn tạo môi trường thuận lợi để trí thức bày tỏ quan điểm và đóng góp ý kiến xây dựng chủ trương, chính sách phát triển đất nước...
Thời gian tới để nâng cao hiệu quả hoạt động của Liên Hiệp hội cần xây dựng tầm nhìn, chiến lược phát triển của Hội một cách khoa học, phù hợp trên các phương diện như mô hình tổ chức, cách thức quản lý; nguồn lực nhân sự, nguồn lực tài chính, truyền thông và quảng bá hình ảnh của tổ chức…dựa trên việc đánh giá, tổng kết các phương thức hoạt trong thời gian qua, nhất là giai đoạn 2015-2020, xác định rõ những thành tựu cũng như hạn chế nhằm bổ sung, hoàn thiện và đưa ra các phương thức mới mang tính hệ thống, đồng bộ và tổng thể lâu dài cùng những giải pháp khả thi để thực hiện hiệu quả những phương thức đó.
Mở rộng mối quan hệ liên kết giữa Hội ngành toàn quốc với các bộ, ngành và địa phương, đặc biệt với các doanh nghiệp để mở rộng phạm vi hoạt động và tăng nguồn lực hoạt động cũng như giúp các nghiên cứu khoa học kỹ thuật được triển khai, áp dụng, phát huy hiệu quả trong đời sống thực tiễn. Đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế giữa Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội ngành với một số tổ chức quốc tế, chú trọng các nước đối tác có tiềm lực KH&CN mạnh. Tăng cường hợp tác trên cả phương diện đào tạo nhân lực ngành khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng đội ngũ trí thức nước nhà.
Xây dựng cơ sở dữ liệu về các Hội ngành toàn quốc; thiết lập cơ chế để tăng cường các hoạt động giao lưu, giao ban của nhóm các Hội ngành toàn quốc trong cùng lĩnh vực; kiến nghị, đề xuất với Nhà nước có lộ trình chuyển giao một số dịch vụ công cho các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, hỗ trợ và tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, tài chính ban đầu để các hội tham gia thực hiện hiệu quả chủ trương xã hội hóa của Đảng và Nhà nước.
Nghiên cứu các hình thức và tổ chức liên ngành, bằng cơ chế hợp tác thật sự hữu cơ giữa các thành viên của Liên hiệp Hội Việt Nam; Xây dựng cơ chế hợp tác với Bộ Khoa học và công nghệ để chủ động đề xuất, xây dựng và thực hiện các chương trình khoa học công nghệ liên ngành phục vụ thiết thực cho phát triển kinh tế xã hội; Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam và các thành viên; tiến hành đánh giá hàng năm để tạo động lực và sức ép cho mọi tổ chức, cá nhân phải thường xuyên đổi mới.
Viện Khoa học Môi trường và Xã hội là tổ chức Khoa học và Công nghệ (KH&CN) trực thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, được thành lập tại Quyết định số 1395/QĐ – LHH ngày 7/10/2008 của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, hoạt động theo Luật Khoa học và Công nghệ; Giấy phép đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ số A-774 do Bộ Khoa học và Công nghệ cấp năm 2008 và các quy định của Liên hiệp hội Việt Nam. Chức năng chính của Viện là tập hợp, đoàn kết các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý có năng lực, kinh nghiệm và tâm huyết để triển khai, thực hiện nghiên cứu và thực hiện các chương trình, dự án trong lĩnh vực môi trường, công nghệ sinh học, kinh tế - xã hội, văn hoá và khoa học quản lý nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững và hội nhập của đất nước. Trong những năm qua, nhằm xây dựng năng lực nghiên cứu của tổ chức cũng như mong muốn đóng góp vào sự phát triển của khoa học kỹ thuật nước nhà, Viện đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động nghiên cứu. Ở cấp quốc gia, Viện đã thực hiện 03 đề tài khoa học công nghệ trọng điểm quốc gia, cụ thể:
Đề tài “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về quyền tiếp cận thông tin ở nước ta hiện nay”, Mã số KX.03.17/11-15, thuộc Chương trình “Nghiên cứu khoa học phát triển văn hóa, con người và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”, mã số KX.03/11-15. Đề tài đã đánh giá một cách khoa học, khách quan, toàn diện về quyền tiếp cận thông tin ở Việt Nam trên cả phương diện lý luận, cũng như chính sách pháp luật và thực tiễn thực hiện pháp luật ở trong nước và quốc tế, từ đó đưa ra các định hướng, quan điểm để hoàn thiện pháp luật về tiếp cận thông tin ở nước ta. Kết quả nghiên cứu của đề tài đã góp phần tư vấn, phản biện dự thảo Luật Tiếp cận thông tin, sau đó là Luật Tiếp cận thông tin 2016, góp phần thúc đẩy, nâng cao nhận thức về quyền tiếp cận thông tin trong thực tiễn cũng như các cơ chế bảo đảm thực hiện quyền này. Đây được coi là những đóng góp hết sức quan trọng bởi quyền tiếp cận thông tin là tiền đề để thực hiện các quyền cơ bản khác của người dân.
Năm 2019, Viện cùng lúc triển khai thực hiện 02 đề tài khoa học trọng điểm cấp quốc gia thuộc Chương trình Khoa học xã hội và nhân văn “Nghiên cứu những vấn đề trọng yếu về khoa học xã hội và nhân văn phục vụ phát triển kinh tế-xã hội”, mã số KX.01/16-20, cụ thể là:
Đề tài “Công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, Mã số KX.01.41/16-20. Kết quả nghiên cứu của đề tài đã được gửi tới các cơ quan của Đảng, Quốc hội và chính phủ để tiếp tục nghiên cứu, rà soát, soạn thảo các báo cáo chính trị phục vụ Đại hội XIII của Đảng, đóng góp quan trọng về các nội dung xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; về phòng, chống tham nhũng, về tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong các cơ quan hành chính nhà nước, đây là nền tảng để Nhân dân thực hiện quyền làm chủ Nhà nước đích thực, thực hiện quyền được biết, được bàn, được làm và được kiểm tra. Đặc biệt, các khuyến nghị cũng được Ban soạn thảo Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” quan tâm, cập nhật. Bên cạnh đó, đề tài cũng đề xuất xây dựng Luật thực hiện dân chủ cơ sở trên tinh thần Pháp lệnh 34 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Vấn đề này đã được Quốc hội đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XV, từ đó thông qua Luật Thực hiện Dân chủ ở cơ sở năm 2022 (có hiệu lực chính thức từ ngày 01/07/2023). Sự ra đời của Luật đã thúc đẩy hơn nữa quyền làm chủ của Nhân dân, đồng thời thể hiện sự lãnh đạo của Đảng về thực hành dân chủ ở cơ sở, khắc phục hạn chế, bất cập của Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn trước đây.
Đề tài “Quản lý các vấn đề xã hội tại các khu công nghiệp ở Việt Nam”, Mã số KX.01.45/16-20, đã góp phần giải quyết 7 nhóm vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của người công nhân tại các khu công nghiệp như vấn đề lao động, việc làm, tiền lương; vấn đề nhà ở, y tế, giáo dục; vấn đề hôn nhân gia đình; vấn đề tôn giáo, xung đột lợi ích, tiếp cận thông tin… Qua quá trình nghiên cứu, điều tra, khảo sát, nhận thấy vấn đề tín dụng đen tại các khu công nghiệp đang diễn biến phức tạp, gây ra nhiều hệ luỵ cho người lao động, các nhóm yếu thế của xã hội cũng như cho công tác quản lý xã hội, đề tài đã kịp thời kiến nghị tới các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát, xoá bỏ các hình thức tín dụng đen, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê... Kết quả là đến nay vấn đề tín dụng đen tại các khu công nghiệp đã cơ bản được kiểm soát. Sau 3 năm triển khai thực hiện đề tài, theo số liệu của Bộ công an, đã khởi tố gần 2.000 vụ án với gần 4.000 bị can liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi. Ngoài ra, đề tài cũng cho thấy những hạn chế, bất cập trong các quy định pháp luật về công tác quản lý người lao động nước ngoài tại Việt Nam, qua đó đã kịp thời kiến nghị các cấp chính quyền kịp thời ngăn chặn các hoạt động đưa người lao động nước ngoài nhập cảnh trái phép, nhất là trong thời gian dịch bệnh Covid diễn biến phức tạp. Những bất cập, lỗ hổng trong quản lý người lao động nước ngoài đến nay đã cho thấy những hệ lụy khôn lường, các vụ việc liên quan tới tội phạm công nghệ cao, kinh doanh đa cấp, buôn lậu, buôn bán chất ma túy – thuốc lắc, cá độ, đánh bạc… được Bộ Công an liên tục phát hiện và xử lý kịp trong thời gian quan tại các khu đô thị và khu công nghiệp trên cả nước. Các kiến nghị của đề tài là cơ sở để hoàn thiện chính sách pháp luật và công tác quản lý đối với người lao động nước ngoài, cũng như đối với hoạt động đầu tư vào các Khu công nghiệp ở nước ta.
Bên cạnh đó, Viện cũng đã chủ trì nghiên cứu nhiều đề tài khoa học cấp bộ, tỉnh trên các lĩnh vực văn hóa, dân tộc, tôn giáo, kinh tế, môi trường, phát triển bền vững… cùng các dự án quy hoạch tỉnh, ngành và huyện. Những kết quả hoạt động khoa học - công nghệ của Viện đã góp phần khẳng định vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức thuộc hệ thống Liên hiệp hội Việt Nam, thể hiện khả năng chủ động tiếp cận và tham gia hoạt động khoa học công nghệ, nghiên cứu, tư vấn, phản viện chính sách của các nhà khoa học nói chung, đội ngũ trí thức nói riêng đối với sự nghiệp xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, pháp luật Nhà nước.
BTV Võ Huyền
[1] Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Liên hiệp Hội Việt Nam lần thứ VII (2-3/6/2015)