Kinh nghiệm đánh giá chính sách công ở một số quốc gia trên thế giới và giá trị tham khảo cho Việt Nam

08:52 23/05/2024

Đánh giá chính công vừa là một giai đoạn vừa là hoạt động cần thiết ở tất cả giai đoạn trong chu trình chính sách công. Các quốc gia phát triển trên thế giới, có lịch sử lâu dài về đánh giá chính sách công và đã đem lại nhiều giá trị tham khảo cho các quốc gia trên thế giới. Bài viết giới thiệu kinh nghiệm đánh giá chính sách công ở một số quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế và những giá trị tham khảo cho Việt Nam.

1. Thực tiễn đánh giá chính sách công ở một số quốc gia trên thế giới

Trên cơ sở nghiên cứu và tổng hợp các tài liệu, công trình nghiên cứu về thực tiễn đánh giá chính sách công ở các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Vương quốc Anh, Hoa Kỳ và Australia, bài viết có những đánh giá nhận xét như:

Thứ nhất, nhận thức về vai trò của đánh giá chính sách công.

Các quốc gia nghiên cứu đều nhận thức được vai trò quan trọng của đánh giá chính sách công và khẳng định những đánh giá này góp phần cải thiện chất lượng cũng như hiệu lực và hiệu quả của thực thi chính sách công. Đánh giá tác động chính sách trong hoạch định chính sách công làm thay đổi logic ra quyết định chính sách, xác định tầm nhìn rộng hơn về vai trò của nhà nước trong xã hội và nâng cao chất lượng các chính sách công được ban hành. Qua đánh giá thực thi chính sách cung cấp bằng chứng để chủ thể thực thi chính sách điều chỉnh thực thi chính sách; đánh giá tác động và hiệu quả thực tế của chính sách cung cấp bằng chứng để chủ thể hoạch định chính sách quyết định chấm dứt những chính sách không hiệu quả, sửa đổi, bổ sung chính sách cho phù hợp, duy trì hoặc mở rộng các chính sách hiệu quả. Đồng thời, góp phần bảo đảm minh bạch và trách nhiệm giải trình trong các giai đoạn của chu trình chính sách công, thúc đẩy học tập chính sách cũng như nâng cao năng lực của các chủ thể chính sách.

Thứ hai, chủ thể đánh giá chính sách công và các bên liên quan. 

(1) Chủ thể đánh giá: các quốc gia nghiên cứu đều xác định chủ thể đánh giá chính sách gồm: chủ thể có trách nhiệm đánh giá chính sách là các cơ quan quản lý nhà nước; các chủ thể đánh giá khác gồm: các tổ chức đánh giá độc lập (viện nghiên cứu, trường đại học, phòng Thương mại và Công nghiệp,…); các bên liên quan đến đánh giá chính sách (các nhà chính trị, các công dân, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, người sản xuất, người tiêu dùng,…).

(2) Sử dụng tư vấn chuyên môn: các quốc gia coi trọng và sử dụng tư vấn chuyên môn trong đánh giá chính sách công như: thành lập các hội đồng hoặc ủy ban tư vấn chính sách, các bộ phận chuyên nghiệp, ký hợp đồng thuê chuyên gia phân tích và đánh giá chính sách.

(3) Các bên liên quan: các quốc gia sử dụng đa dạng các hình thức và phương pháp để huy động sự tham gia của các bên liên quan vào đánh giá chính sách công, bao gồm tham gia trực tiếp (tham dự hội nghị, hội thảo, và ký hợp đồng chuyên gia) và tham gia gián tiếp (tiếp cận và cung cấp thông tin về đánh giá chính sách trên các trang Web, mạng internet, mạng xã hội). Đồng thời, chú trọng xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia tích hợp cho phép các bên liên quan có thể truy cập để tìm kiếm thông tin về đánh giá chính sách.

Thứ ba, phạm vi, nội dung và thời điểm đánh giá chính sách công. 

(1) Phạm vi đánh giá chính sách công: ban đầu, các quốc gia chỉ tập trung đánh giá tác động chính sách đối với các chính sách được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hoặc đối với những chính sách có tác động lớn đến nền kinh tế. Tuy nhiên, do yêu cầu thực tiễn về minh bạch và trách nhiệm giải trình của chính quyền đối với các quyết định chính sách, đặc biệt là những quyết định liên quan đến chi tiêu công, nhiều quốc ra mở rộng quy định thực hiện đánh giá tác động chính sách đối với các chính sách mà có tác động đến xã hội và chi tiêu công.

(2) Phạm vi áp dụng đánh giá: các quốc gia thuộc OECD yêu cầu thực hiện đánh giá tác động đối với các văn bản luật, yêu cầu đối với dự thảo luật sơ cấp, yêu cầu đối với dự thảo các quy định dưới luật, yêu cầu xác định rõ các lợi ích, các chi phí của các quy định mới. Ở một số nước áp dụng đánh giá tác động quy định/chính sách (RIA) cả ở cấp liên bang và cấp bang như Hoa Kỳ, Australia.

(3) Các loại đánh giá chính sách công: một số quốc gia quy định ba loại đánh giá chính sách công, đó là: đánh giá quá trình thực thi chính sách công, đánh giá tác động chính sách công và đánh giá giá trị đồng tiền/hiệu quả xã hội của chính sách công.

(4) Nội dung đánh giá tác động chính sách: đánh giá tác động chính sách như: kinh tế, xã hội, môi trường, ngân sách, cạnh tranh, độ mở thị trường, doanh nghiệp nhỏ, các khu vực cụ thể, các nhóm xã hội cụ thể, khu vực công, đánh giá rủi ro, gánh nặng giấy tờ và hành chính, việc làm. 

(5) Thời điểm đánh giá chính sách công: các quốc gia ưu tiên thực hiện đánh giá tác động chính sách trong quá trình hoạch định chính sách để cung cấp cơ sở cho lựa chọn chính sách hoặc coi đánh giá chính sách như là giai đoạn cuối cùng của chu trình chính sách công. Tuy nhiên, các quốc gia ngày càng nhận thức được vai trò quan trọng của đánh giá trong các giai đoạn của chu trình chính sách công nên đã mở rộng đánh giá chính sách sang quá trình thực thi chính sách và đánh giá chính sách sau. 

Thứ tư, tiêu chí và phương pháp đánh giá chính sách công. 

(1) Tiêu chí đánh giá chính sách công: các quốc gia đặt ra các tiêu chí đánh giá cụ thể làm chuẩn mực để đánh giá và lựa chọn chính sách, gồm: hiệu lực, hiệu quả, công bằng. Bên cạnh đó, còn có các tiêu chí khác,như: khả thi (khả thi chính trị, khả thi hành chính, khả thi kỹ thuật), sự chấp nhận của xã hội, sự tiếp cận, bền vững, thích hợp. Ngoài ra, xây dựng các tiêu chí xác định chất lượng của đánh giá chính sách gồm: hữu ích, tin cậy, khách quan, tương xứng, tiết kiệm.

(2) Phương pháp đánh giá chính sách công: có sự khác nhau đáng kể giữa các quốc gia nghiên cứu trong việc lựa chọn các phương pháp đánh giá nhưng đều có sự kết hợp giữa các phương pháp đánh giá định tính (khảo sát, phỏng vấn, quan sát, thảo luận nhóm) và phương pháp định lượng (phân tích chi phí – lợi ích, phân tích kết quả – chi phí, phân tích tài chính, phân tích chi phí, phân tích lợi ích, chuỗi thời gian, thực nghiệm ngẫu nhiên, các phương pháp bán thực nghiệm).

Thứ năm, thể chế và hướng dẫn đánh giá chính sách công.

(1) Thể chế đánh giá chính sách công: thế chế về đánh giá chính sách ở các quốc gia từng bước được hoàn thiện thông qua các cải cách về thể chế quản lý và đánh giá. Thể chế về đánh giá chính sách công ở các quốc giađược quy định trong các loại văn bản khác nhau, như: luật, nghị quyết và nghị định của Chính phủ, pháp lệnh của nội các, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, lệnh hoặc chỉ thị của Tổng thống,… Nội dung thể chế đánh giá chính sách bao phủ các phương diện, như: chủ thể đánh giá chính sách và các bên liên quan, chủ thể kiểm soát chất lượng đánh giá, thời điểm và phạm vi đánh giá, nội dung, tiêu chí và phương pháp đánh giá, nguồn lực cho đánh giá, công khai kết quả đánh giá và học tập từ đánh giá chính sách,…

(2) Tài liệu hướng dẫn đánh giá chính sách công: các quốc gia không chỉ ban hành tài liệu hướng dẫn chung về đánh giá tác động chính sách mà còn ban hành các tài liệu hướng dẫn chi tiết đối với từng nội dung đánh giá, ví dụ như đánh giá tác động môi trường, đánh giá tác động giới, đánh giá cạnh tranh, đánh giá tác động kinh doanh và thương mại quốc tế,… Các tài liệu này được công bố công khai trên trang web để phổ biến, để mọi người có thể truy cập và sử dụng dễ dàng. Đồng thời, thường xuyên cập nhật các ví dụ thực tiễn tốt về đánh giá chính sách trên các lĩnh vực chính sách khác nhau. Điều này tạo thuận lợi cho việc học tập kinh nghiệm đánh giá, bảo đảm tính thống nhất trong thực hiện đánh giá và góp phần nâng cao năng lực đánh giá cho các chủ thể đánh giá và những người quan tâm.

Thứ sáu, năng lực và nguồn lực cho đánh giá chính sách công.

(1) Năng lực của chủ thể đánh giá chính sách công: các quốc gia rất chú trọng nâng cao năng lực của chủ thể đánh giá chính sách thông qua ban hành khung năng lực của người đánh giá chính sách, đặc biệt là năng lực của nhà quản lý đánh giá; phát triển các chương trình đào tạo, xây dựng môi trường học tập và văn hóa đánh giá chính sách trong các cơ quan quản lý nhà nước. 

(2) Kinh phí cho đánh giá chính sách công: các quốc gia đều nhận thức rằng đánh giá chính sách là trách nhiệm của nhà nước nên kinh phí cho đánh giá chính sách được lấy từ ngân sách nhà nước, có thể phân bổ theo kinh phí hoạt động thường xuyên đối với các thiết kế đánh giá trước theo kế hoạch xây dựng chính sách hoặc có thể phân bổ theo các chương trình đánh giá chính sách công. Đồng thời, nhiều quốc gia tài trợ kinh phí cho các tổ chức đánh giá độc lập.

(3) Huy động nguồn lực cho đánh giá chính sách công: các quốc gia rất coi trọng việc huy động sự tham gia của các tổ chức trong xã hội vào tiến hành các đánh giá chính sách công cũng như huy đồng nguồn tài chính cho việc thực hiện các đánh giá chính sách, đặc biệt các đánh giá tác động chính sách sau.

Thứ bảy, thông tin cho đánh giá chính sách công.

Nhận thức được vai trò quan trọng của dữ liệu đối với đánh giá chính sách công, đặc biệt là đối với các đánh giá tác động chính sách, các quốc gia rất coi trọng xây dựng hệ cơ sở dữ liệu và kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức nghiên cứu và xã hội trong đánh giá chính sách công. Đồng thời, coi trọng sử dụng công nghệ thông tin, mạng internet, mạng xã hội trong thu thập và chia sẻ thông tin phục vụ cho đánh giá chính sách công.

Thứ tám, thẩm định và công khai kết quả đánh giá chính sách công.

(1) Thẩm định kết quả đánh giá chính sách công: hầu hết các quốc gia thuộc OECD thành lập tổ chức hoặc trao trách nhiệm kiểm soát chất lượng của các báo cáo đánh giá chính sách cho các cơ quan, tổ chức nhà nước.

(2) Công khai kết quả đánh giá chính sách công: việc công khai báo cáo đánh giá tác động chính sách cũng khác nhau ở các quốc gia thuộc OECD. Trong thực tế, có một số nước chỉ công khai dự thảo đánh giá tác động chính sách để các bên liên quan góp ý, một số nước công khai báo cáo đánh giá tác động chính sách cuối cùngvà một số nước không thường xuyên công khai báo cáo đánh giá tác động chính sách. Các nước thường sử dụng các hình thức công khai báo cáo đánh giá chính sách, như: đăng trên trang Web của cơ quan đánh giá, trang tin tức, tạp chí, mạng xã hội, internet,…

2Thực trạng đánh giá chính sách công ở Việt Nam

Trên cơ sở nghiên cứu và tổng hợp các quy định của pháp luật hiện hành về đánh giá chính sách công và những nhận xét, đánh giá của một số cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ) và một số nhà khoa học về đánh giá chính sách công ở Việt Nam, có thể nhận thấy:

Một là, chủ thể đánh giá chính sách công và các bên liên quan. Pháp luật hiện hành đã quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức nhà nước trong đánh giá tác động chính sách trong hoạch định chính sách, trong đánh giá tác động và hiệu quả của các chương trình, dự án thực thi chính sách công bằng vốn đầu tư công trong cả ba giai đoạn của chu trình của chương trình, dự án. Đồng thời, quy định cấp độ tham gia của các bên liên quan vào đánh giá chính sách như: cung cấp thông tin, góp ý kiến đối với dự thảo báo cáo đánh giá tác động chính sách, tham gia đánh giá tác động chính sách; quy định các hình thức tham gia, như: tham gia khảo sát trên trang web, góp ý bằng văn bản, góp ý tại hội nghị, hội thảo, phỏng vấn, ký hợp đồng công việc. Tuy nhiên, chưa quy định chế tài cụ thể đối với các cơ quan, tổ chức thực hiện đánh giá chính sách không bảo đảm chất lượng, dẫn đến thông qua chính sách kém chất lượng hoặc phê duyệt chương trình, dự án thực thi chính sách không hiệu quả, tạo cơ hội cho tham nhũng, trục lợi chính sách, gây lãng phí nguồn lực của Nhà nước và xã hội.

Hai là, phạm vi, nội dung và thời điểm đánh giá chính sách công. 

(1) Pháp luật hiện hành đã yêu cầu bắt buộc đánh giá tác động đối với các chính sách được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm các văn bản quy định nội dung chính sách và các văn bản quy định chi tiết nội dung chính sách. Đồng thời, quy định nội dung đánh giá tác động chính sách, gồm tác động về kinh tế, tác động về xã hội, tác động của thủ tục hành chính, tác động về giới, tác động đối với hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, chưa quy định yêu cầu bắt buộc đánh giá tác động chính sách được quy định trong các văn bản cá biệt như nghị quyết của Chính phủ. Trong thực tế, nhiều chính sách công được ban hành dưới hình thức nghị quyết của Chính phủ.

(2) Pháp luật hiện hành đã quy định về đánh giá tác động chính sách trong hoạch định chính sách; quy định về đánh giá hiệu quả của các chương trình, dự án thực thi chính sách bằng vốn đầu tư công. Tuy nhiên, chưa quy định về đánh giá hiệu quả của chính sách trong hoạch định chính sách, đánh giá quá trình thực thi chính sách, đánh giá tác động và hiệu quả thực tế của chính sách. Vì chưa được pháp luật quy định, các loại đánh giá này không có tính bắt buộc đối với các chủ thể đánh giá chính sách cũng như việc phân bổ kinh phí cho tổ chức thực hiện các đánh giá này. Trong thực tế, việc đánh giá chính sách trong quá trình thực thi chính sách chủ yếu thông qua các hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, gồm giám sát tại các kỳ họp hoặc giám sát của các đoàn giám sát theo chương trình, kế hoạch giám sát, và thông qua báo cáo của các cơ quan thực thi chính sách.

Ba là, tiêu chí và phương pháp đánh giá chính sách công. 

(1) Các tài liệu hướng dẫn về đánh giá chính sách đã đưa ra những gợi ý về chỉ tiêu đánh giá tác động chính sách trong các văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, chưa quy định hoặc hướng dẫn về các tiêu chí đánh giá chính sách để các chủ thể đánh giá đưa ra kết luận và khuyến nghị đối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền lựa chọn phương án chính sách, chấm dứt chính sách, thay đổi chính sách, mở rộng chính sách. Đồng thời, chưa có hướng dẫn về tiêu chí xác định đánh giá chính sách có chất lượng. Điều này gây khó khăn cho việc thẩm định và thông qua các báo cáo đánh giá tác động chính sách.

(2) Pháp luật hiện hành đã quy định sử dụng các phương pháp định lượng, phương pháp định tính để đánh giá tác động chính sách và quy định ưu tiên áp dụng phương pháp đánh giá định lượng. Tuy nhiên, chưa quy định cụ thể về các phương pháp đánh giá chính sách phải áp dụng. Điều này dẫn đến sự thiếu thống nhất trong tổ chức thực hiện đánh giá chính sách và thẩm định kết quả đánh giá chính sách trong thực tế.

Bốn là, hướng dẫn đánh giá chính sách công. Hiện tại, đã có tài liệu hướng dẫn về tổ chức đánh giá tác động chính sách trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tư pháp và Tổ chức viện trợ của Hoa Kỳ (USAID) phát hành. Tuy nhiên, tài liệu này không hướng dẫn việc đánh giá tác động của các chính sách được quy định trong các văn bản cá biệt, về đánh giá quá trình thực thi chính sách, đánh giá tác động và hiệu quả thực tế của chính sách, cũng như chưa hướng dẫn thực hành các phương pháp đánh giá chính sách. Điều này đã gây khó khăn có việc tổ chức và thực hiện đánh giá chính sách công ở Việt Nam.

Năm là, thông tin và kinh phí cho đánh giá chính sách công. 

(1) Pháp luật hiện hành đã quy định về yêu cầu đối với thông tin sử dụng trong đánh giá tác động chính sách phải chính xác, trung thực và ghi rõ nguồn thông tin. Tuy nhiên, chưa quy định và chưa chú trọng đến xây dựng cơ sở dữ liệu, kết nối và chia sẻ dữ liệu phục vụ cho thực hiện đánh giá chính sách.

(2) Pháp luật hiện hành đã quy định về phân bổ kinh phí cho đánh giá tác động chính sách trong hoạch định chính sách được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật, trong đánh giá tác động và hiệu quả của chương trình, dự án thực thi chính sách cũng như đã ban hành các văn bản hướng dẫn việc lập dự toán kinh phí cho các hoạt động đánh giá này. Tuy nhiên, chưa quy định cơ chế huy động nguồn lực tài chính từ xã hội cho đánh giá chính sách công. 

Sáu là, thẩm định, thẩm tra và công khai kết quả đánh giá chính sách công. Pháp luật hiện hành đã quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong thẩm định, thẩm tra báo cáo đánh giá tác động chính sách trong hoạch định chính sách và trong thẩm định báo cáo đánh giá tác động của các chương trình, dự án thực thi chính sách công. Đồng thời, cũng quy định về việc công khai báo cáo đánh giá tác động chính sách dưới nhiều hình thức, như: đăng tải trên trang web, gửi văn bản cho các bên liên quan, tại các hội nghị, hội thảo để lấy ý kiến của các bên liên quan.

Bảy là, chất lượng đánh giá chính sách công. Từ khi có quy định về đánh giá tác động chính sách công (năm 2008), chất lượng chính sách công ở nước ta ngày càng được cải thiện nhưng vẫn còn rất thấp (theo chỉ số WGI: 28,64/100 điểm năm 2008, tăng lên 34,29/100 năm 2015 và 36,32/100 năm 2022) (The World Bank, 2008-2022). Có nhiều nguyên nhân của thực trạng này, trong đó có chất lượng đánh giá tác động chính sách công còn hạn chế và bất cập.

3. Những giá trị tham khảo đối với Việt Nam

Trên cơ sở đối sánh thực trạng đánh giá chính sách công ở Việt Nam và kinh nghiệm đánh giá chính sách công ở một số quốc gia trên thế giới nêu trên, có thể rút ra những giá trị tham khảo cho đánh giá chính sách công ở Việt Nam như sau:

Thứ nhất, cần nhận thức đầy đủ về vai trò của đánh giá chính sách công. Nhận thức đúng về đánh giá chính sách công có ý nghĩa quan trọng đối với việc hoàn thiện đánh giá chính sách công. Cùng với xu hướng chung của các quốc gia trên thế giới, Đảng và Nhà nước đã quan tâm đến đánh giá chính sách, được thể hiện ở các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật như: Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2015) và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định về thực hiện đánh giá tác động của chính sách trong hoạch định chính sách công; Luật Đầu tư công năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định tổ chức đánh giá tác động của các chương trình, dự án thực thi chính sách công trong quá trình lập, phê duyệt và thực hiện. 

Tuy nhiên, nhận thức về đánh giá chính sách công ở nước ta chưa đầy đủ và toàn diện. Điều này thể hiện ở: chưa quy định về đánh giá các chính sách được quy định trong các văn bản cá biệt, chưa quy định về đánh giá chính sách trong quá trình thực thi chính sách, đánh giá tác động và hiệu quả thực tế của chính sách. Hơn nữa, các cơ quan nhà nước cũng chưa thực sự quan tâm đến chất lượng của các đánh giá chính sách, dẫn đến chất lượng các chính sách được ban hành chưa cao, thậm chí có những chính sách “chết” trước khi có hiệu lực thi hành, phải ngưng thực hiện hoặc phải sửa đổi, bổ sung sau một thời gian ngắn thực hiện; chưa thực sự chủ động, tích cực trong đánh giá các chính sách hiện hành để xác định chính sách nào thực sự hiệu quả cần tiếp tục tăng cường, những chính sách nào không hiệu quả cần phải chấm dứt hoặc sửa đổi, bổ sung.

Thứ hai, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế về đánh giá chính sách công. Thể chế về đánh giá chính sách công ở nước ta ngày càng được hoàn thiện, tuy nhiên vẫn còn những hạn chế, bất cập cần được hoàn thiện trong thời gian tới, như: quy định chưa toàn diện và cụ thể về phạm vi áp dụng, thời điểm đánh giá và loại đánh giá chính sách, tiêu chí đánh giá, phương pháp đánh giá, trách nhiệm đánh giá chính sách và chế tài đối với chủ thể đánh giá,… Do đó, hoàn thiện thể chế về đánh giá chính sách công ở nước ta cần tập trung vào khắc phục những hạn chế bất cập này. 

Thứ ba, xây dựng và ban hành tài liệu hướng dẫn đánh giá chính sách công. Một trong những điều kiện để tổ chức đánh giá chính sách công có chất lượng là bộ tài liệu hướng dẫn đánh giá chính sách công. Đây là những tài liệu có tính chất chuyên môn hỗ trợ những người đánh giá trong tổ chức và thực hiện các hoạt động đánh giá cũng như quản lý đánh giá chính sách; đồng thời, cũng bảo đảm tính thống nhất trong đánh giá chính sách công. Hiện tại, ở nước ta đã có một số tài liệu hướng dẫn đánh giá chính sách, như: tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ đánh giá tác động của chính sách và các thông tư hướng dẫn đánh giá tác động của thủ tục hành chính trong lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và soạn thảo dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và tài liệu hướng dẫn tính toán chi phí tuân thủ thủ tục hành chính. 

Tuy nhiên, các tài liệu và văn bản này chỉ mới hướng dẫn đánh giá tác động chính sách trong quá trình hoạch định chính sách, chưa ban hành tài liệu hướng dẫn cho các loại đánh giá khác như: đánh giá hiệu quả dự kiến của chính sách, đánh giá quá trình thực thi chính sách, đánh giá tác động và hiệu quả thực tế của chính sách. Do đó, để hỗ trợ cho đánh giá chính sách công và bảo đảm tính thống trong đánh giá chính sách công, các bộ, ngành ở trung ương cần nghiên cứu xây dựng và ban hành các tài hướng dẫn về đánh giá chính sách công trong ngành, lĩnh vực mình phụ trách. 

Thứ tư, cần nâng cao năng lực của chủ thể đánh giá chính sách công. Năng lực của chủ thể đánh giá chính sách công là yếu tố ảnh hưởng quyết định đến tổ chức thực hiện và chất lượng của đánh giá chính sách công. Năng lực đánh giá của các chủ thể đánh giá chính sách hạn chế thì không thể thực hiện hoặc có thực hiện đánh giá chính sách nhưng chất lượng kém thì cũng không cung cấp thông tin hữu ích cho chủ thể hoạch định và thực thi chính sách công, thậm chí còn gây lãng phí nguồn lực cho Nhà nước và xã hội. Thực tiễn nước ta cho thấy, năng lực đánh giá chính sách công ở nước ta còn hạn chế. Vì vậy, để thực hiện các đánh giá chính sách công có chất lượng và hữu ích, cần có những giải pháp nâng cao năng lực đánh giá cho các chủ thể đánh giá và thẩm định chính sách công.

Thứ năm, cần bảo đảm kinh phí cho đánh giá chính sách công. Pháp luật hiện hành đã có những quy định về phân bổ kinh phí cho đánh giá tác động của chính sách trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và trong đánh giá tác động và hiệu quả của chương trình, dự án thực thi chính sách công. Tuy nhiên, thể chế về đánh giá chính sách công chưa quy định đầy đủ về các loại đánh giá chính sách công nên cùng với việc hoàn thiện thể chế về đánh giá chính sách công cũng cần hoàn thiện các quy định về phân bổ kinh phí từ ngân sách nhà nước cho các loại đánh giá chính sách công này; đồng thời, quy định cơ chế, chính sách huy động tài trợ tài chính từ xã hội, các tổ chức quốc tế cho đánh giá chính sách công, đặc biệt là đánh giá tác động và hiệu quả thực tế của chính sách công.

Thứ sáu, xây dựng cơ sở dữ liệu, kết nối và chia sẻ dữ liệu phục vụ đánh giá chính sách công. Thông tin là những yếu tố đầu vào thiết yếu, ảnh hưởng quyết định đến chất lượng đánh giá chính sách công. Do đó, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và cơ quan nhà nước cần đẩy mạnh quá trình xây dựng, kết nối và chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia; tích hợp chuyển đổi số trong hoạt động đánh giá chính sách công vào kế hoạch, chương trình chuyển đổi số của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương và cơ quan nhà nước.

Thứ bảy, cần bảo đảm sự tham gia của các bên liên quan trong đánh giá chính sách công. Sự tham gia của các bên liên quan trong đánh giá chính sách công đem lại nhiều lợi ích, như: cung cấp kiến thức, thông tin và kỹ năng liên quan đến đánh giá chính sách công, tạo cơ hội học tập cho đội ngũ công chức. Do đó, cần hoàn thiện các quy định về thu hút sự tham gia của các bên liên quan và xã hội vào đánh giá chính sách công, đồng thời các cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm đánh giá chính sách cũng cần có các hình thức và công cụ để thu hút các bên liên quan và xã hội vào quá trình đánh giá chính sách công.

4. Kết luận 

Trong một thế giới phẳng hiện nay, việc nghiên cứu và học tập kinh nghiệm về đánh giá chính sách công của các quốc gia trên thế giới vào Việt Nam là cần thiết và đem lại nhiều lợi ích. Với mục tiêu tìm kiếm những giá trị tham khảo về đánh giá chính sách công ở một số quốc gia phát triển trên thế giới cho Việt Nam, trên cơ sở nghiên cứu, tổng hợp các tài liệu về đánh giá chính sách công ở 17 quốc gia thuộc OECD, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Australia và về thực trạng đánh giá chính sách công ở Việt Nam, bài viết rút ra 7 giá trị tham khảo cho Việt Nam, gồm: (1) Cần nhận thức đầy đủ về vai trò của đánh giá chính sách công; (2) Hoàn thiện thể chế về đánh giá chính sách công; (3) Xây dựng và ban hành tài liệu hướng dẫn đánh giá chính sách công; (4) Nâng cao năng lực của chủ thể đánh giá chính sách công; (5) Bảo đảm kinh phí cho đánh giá chính sách công; (6) Xây dựng cơ sở dữ liệu, kết nối và chia sử dữ liệu phục vụ đánh giá chính sách công; (7) Bảo đảm sự tham gia của các bên liên quan trong đánh giá chính sách công.

Tài liệu tham khảo: 
1. Bộ Tư pháp và USAID. Tài liệu Hướng dẫn nghiệp vụ đánh giá tác động của chính sách công. Hà Nội, 2018.
2. Nguyễn Hoàng Hiển. Hoạch định chính sách công dựa trên bằng chứng – kinh nghiệm một số quốc gia và bài học cho Việt Nam. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ, 2018.
3. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2015).
4. Luật Đầu tư công năm 2019.
5. Nghị định số 24/2009/NĐ-CP ngày 05/3/2009 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
6. Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
7. Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 06/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công.
8. Quốc hội. Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIII, ngày 22/3/2016.
9. Quốc hội, Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV, ngày 24/4/2021.
10. Nguyễn Đăng Thành. Đánh giá chính sách công ở Việt Nam: vấn đề và giải pháp. Tạp chí Cộng sản, 2016. 
11. Thông tư số 338/2016/TT-BTC ngày 28/12/2016 của Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật, .
12. Thông tư số 42/2022/TT-BTC ngày 06/7/2022 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 338/2016/TT-BTC ngày 28/12/2016, .
13. Hoàng Văn Tú. Chính sách xây dựng pháp luật: thực trạng và giải pháp. Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 23 (255), tháng 12/2013.
15. Đổi mới quá trình hoạch định và thực thi chính sách công ở Việt Nam hiện nay. https://quanlynhanuoc.vn, ngày 06/6/2023.
16. HM. Treasury (3/2020), Magenta Book: Central Government guidance on evaluation, The National Archives.
17. Institute for the evaluation of public policies (2020), Guidelines for the implementation evaluation of public policies.
18. James Q. Wilson (2012), American Government: Brief Version, 10 th Edition. Boston, MA: Wadsworth.
19. Jerri Cockrel, Extension Public Policy Specialist, Public Policymaking in America, Cooperative extension service, University of Kentucky, College of Agriculture. 
20. Lee H. Hamilton (2009), Strengthening Congress, Bloomington: Indiana University Press.
21. OECD (1997), Regulatory Impact Analysis: Best Practices in OECD Countries, Marsall Plan.
22. OECD (2009),  Reviews of Regulatory Reform, Regulatory Impact Analysis: a Tool for policy cohenrence, Corrigenda.
23. Strategic Policy Making Team Cabinet Office (September 1999), Professional Policy Making For the twenty first Century.
24. The Prime Minister and the Minister for the Cabinet (1999), Wthie Paper: Modernising Government, Printed in the UK for The Stationery Office
25. The World Bank (2008 – 2022). Worldwide-governance-indicators.http://www.worldbank.org/en/publication/worldwide-governance-indicators.

TS. Lê Văn Hòa
Học viện Hành chính Quốc gia

Nguồn: https://www.quanlynhanuoc.vn/

Thong ke

Tiến sĩ Nguyễn Trung Thành

Phạm Trọng Đạt

Tiến sĩ Bùi Hải Thiêm

Tỉ giá hối đoái