Hội thảo quốc tế: “Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước gắn với kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực nhằm đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước ở địa phương”
10:24 26/04/2024
Tham dự Hội thảo về phía khách mời có: ông Thierry Courdert, nguyên Tỉnh trưởng tỉnh Eure và tỉnh Seine de Marne; tổng thanh tra hành chính, chuyên gia Viện Dịch vụ công Quốc gia (INSP), Cộng hòa Pháp; ông Béla Hégédus, Phó Tham tán hợp tác và các hoạt động văn hóa, Đại sứ quán Cộng hòa Pháp tại Việt Nam; bà Trần Lan Hương, cán bộ chương trình, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam.
Về phía Học viện Hành chính Quốc gia, có: TS. Trương Cộng Hòa, Phó Giám đốc phụ trách điều hành Phân hiệu Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh; bà Phạm Thị Quỳnh Hoa, Trưởng Ban Hợp tác quốc tế; lãnh đạo các khoa, ban chức năng của Học viện; lãnh đạo Phân hiệu và viên chức, giảng viên của Phân hiệu; Sở Nội vụ tỉnh Long An, An Giang và Tây Ninh.
Diễn đàn hội thảo thu hút đông đảo chuyên gia, nhà khoa học, quản lý thực tiễn từ các trường đại học, các học viện, viện nghiên cứu, các ban, ngành và các tổ chức quan tâm tham gia, thảo luận và góp ý về một số nội dung trọng tâm, như: (1) Lý luận chung về phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực nhằm đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước; (2) Thực trạng phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước ở địa phương; (3) Giải pháp phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước ở địa phương.
Phân cấp, phân quyền – định hướng “đúng” và “trúng” trong thực hiện kiểm soát quyền lực
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Trương Cộng Hòa, Phó Giám đốc Phụ trách điều hành Phân hiệu Học viện tại TP. Hồ Chí Minh khẳng định “Phân cấp, phân quyền là vấn đề luôn được đặt ra trong suốt quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Để triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trên, việc tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là kinh nghiệm của các quốc gia có bề dày kinh nghiệm trong phân cấp, phân quyền và kiểm soát quyền lực như Cộng hòa Pháp là rất cần thiết và có ý nghĩa”. TS. Trương Cộng Hòa nhấn mạnh, thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước ở địa phương đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của toàn xã hội, nhằm khẳng định sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị.
Tại hội thảo, ông Thierry Coudert, Tổng Thanh tra Tài chính, nguyên Tỉnh trưởng tỉnh Eure và Seine de Marne, chuyên gia Viện Dịch vụ công Quốc gia (INSP) Pháp, trong bài tham luận đã đề cập đến rất nhiều khía cạnh của hoạt động phân cấp, phân quyền, đặc biệt là vấn đề kiểm soát quyền lực. Ông Thierry Coudert đã chỉ rõ sự cần thiết của kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực; hậu quả của việc thiếu kiểm soát quyền lực, yêu cầu của kiểm soát quyền lực; quan hệ giữa phân cấp, phân quyền và kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực; các yếu tố tác động đến phân cấp, phân quyền nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước; kiểm soát phân quyền, phân cấp trong hành chính nhà nước ở Việt Nam hiện nay.
Bằng những kinh nghiệm thực tiễn, ông Thierry Courdert khi còn là tỉnh trưởng của 2 tỉnh Eure và tỉnh Seine de Marne, đã chia sẻ những điều hữu ích trong phân cấp, phân quyền tại Pháp và giúp nhà khoa học, giảng viên tại Phân hiệu lĩnh hội được những kinh nghiệm thiết thực để áp dụng vào quá trình phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước đối với thực tiễn tại Việt Nam.
Ông nhấn mạnh, cần phải dùng quyền lực để kiểm soát quyền lực. Giải pháp tốt để kiểm soát quyền lực, cần ưu tiên thực hiện phân cấp, phân quyền. Phân cấp, phân quyền cần phải trao quyền tự chủ cho các địa phương nhằm thực hiện dân chủ hóa đời sống xã hội. Ông Thierry Coudert chỉ ra phân cấp, phân quyền phải được thực hiện đồng thời, biện chứng. Vì nếu không thực hiện đồng thời sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với việc tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước. Ông Thierry Coudert nêu ra vấn đề của nước Pháp, như:“Nước Pháp tiến hành phân quyền chậm hơn so với phân cấp. Nước pháp thực hiện phân cấp năm 1982 và phân quyền đến năm 1992 mới thực hiện. Kết quả dẫn đến là tình trạng tham nhũng, quan liêu trở nên phổ biến và trầm trọng”. Theo ông Thierry Coudert việc nhận diện “đúng” và “trúng” vai trò của phân cấp, phân quyền trong tổ chức bộ máy hành chính nhà nước có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thực hiện quản trị nhà nước tốt hiện nay.
Đồng tình với quan điểm của ông Thierry Coudert, TS. Trương Cộng Hòa, Phó Giám đốc Phụ trách, điều hành Phân hiệu Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh đã chỉ ra các vai trò của phân cấp, phân quyền trong tổ chức bộ máy hành chính nhà nước: 1) Phân cấp, phân quyền làm thay đổi cấu trúc quyền lực chính trị, trước hết là quyền lực nhà nước; 2) Phân cấp, phân quyền hỗ trợ quá trình tham gia của người dân vào đời sống chính trị và hình thành một xã hội dân chủ, tạo điều kiện cho người dân tham gia ý kiến vào chu trình chính sách công, do đó các quyết định chính sách mang tính dân chủ, phù hợp với thực tiễn và đáp ứng được đúng nhu cầu phát triển của địa phương hơn; 3) Phân cấp, phân quyền làm tăng sự “đồng thuận” giữa công dân với các chính sách công; 4) Phân cấp, phân quyền làm cho quyền lợi của các nhóm thiểu số, của công dân được bảo vệ nhiều hơn; 5) Phân cấp, phân quyền nâng cao tính bền vững, hiệu quả và công bằng trong quá trình sử dụng các nguồn lực kinh tế – xã hội; 6) Phân cấp, phân quyền góp phần nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công và thực hiện các chính sách xã hội.
Theo ông Thierry Coudert, phân cấp, phân quyền sẽ “va chạm” đến nhiều vấn đề, đặc biệt là câu chuyện sáp nhập các đơn vị hành chính và nhất là đơn vị hành chính cấp xã. Ông cho biết, việc sáp nhập đơn vị cấp xã cũng lắm “gian nan” trong việc tìm ra “tiếng nói chung”. Đến thời điểm hiện nay, việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã tại Pháp thực hiện trên hai phương thức cơ bản: (1) Thành lập các cụm liên xã (còn gọi là liên minh xã). Liên minh xã có nhiệm vụ và mục tiêu chung; tuy nhiên các xã trong cụm liên xã vẫn độc lập trong cụm liên xã. Các chức năng, nhiệm vụ, đặc biệt là chức năng hộ tịch của các xã vẫn giữ như cũ; (2) Để tránh tình trạng tranh cãi về tên của liên minh xã khi sáp nhập, Pháp chủ trương đặt tên xã mới hoàn toàn. Trong quá trình sáp nhập vào liên minh xã, các xã vẫn giữ được nét đặc trưng trong bản sắc văn hóa của xã mình.
Ông Thierry Coudert cho biết, tại Pháp, cấp xã là cấp duy nhất được hưởng lợi thẩm quyền đặc thù (theo Quy chế thẩm quyền chung) và không có sự can thiệp của chính quyền Trung ương đối với thẩm quyền này của cấp xã. Chính vì vậy, theo ông Thierry Coudert, việc phân tích các yếu tổ ảnh hưởng đến sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã trong hoạt động phân cấp, phân quyền cần phải thực hiện có hiệu quả dựa trên nhiều tiêu chí, công cụ đo lường.
PGS.TS. Huỳnh Văn Thới, nguyên Quyền Giám đốc Phân hiệu Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh nêu quan điểm, để hoạt động phân cấp, phân quyền có hiệu quả, cần nhận diện được các yếu tố tác động đến hoạt động phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực trong quản lý nhà nước. Bên cạnh những thuận lợi, PGS.TS. Huỳnh Văn Thới đã chỉ ra 3 trở ngại trong phân cấp, phân quyền: 1) Về nhận thức, quan niệm phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước; 2) Về sự đồng nhất đơn vị hành chính lãnh thổ với cấp chính quyền và cơ chế song trùng trực thuộc trong mô hình tổ chức chính quyền địa phương; 3) Về cơ chế bảo đảm tự chủ của chính quyền địa phương.
Kiểm soát quyền lực – vấn đề cần thiết trong hoạt động phân cấp, phân quyền
Phân cấp, phân quyền là một trong các cơ chế kiểm soát quyền lực. Nó bảo đảm rằng quyền lực nhà nước được sử dụng một cách đầy đủ, đúng quy định của pháp luật, đồng thời ngăn chặn sự lạm quyền. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, chưa có sự phân định rõ ràng, cụ thể nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của các ngành, các cấp chính quyền tương ứng với điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội của họ. Còn hiện tượng phân cấp đồng loạt và đại trà, thiếu đồng bộ. Hiện tượng trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ quản trị hợp tác.
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Hoàng Anh, Trưởng Khoa Khoa học liên ngành, Phân hiệu Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh đã đưa ra rất nhiều giải pháp đối với vấn đề quản trị hợp tác trong hoạt động phân cấp, phân quyền. Cụ thể: 1) Tạo ra cơ hội nắm bắt quan điểm, mục tiêu của các bên tham gia; 2) Quản trị hợp tác giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý; 3) Phát huy tính chủ động của địa phương; 4) Quản trị hợp tác còn giúp thúc đẩy tính liêm chính, minh bạch trong hoạt động của các cấp chính quyền, các cơ quan nhà nước, có được sự tin cậy của người dân.
Theo GS.TS. Nguyễn Đăng Dung, Trường Đại học Tôn Đức Thắng “Kiểm soát là thuộc tính của bộ máy hánh chính, vì bộ máy hành chính gồm các công chức thực hiện quyền lực nhà nước tức là họ nắm quyền lực nhà nước. Dân chủ ở cơ sở là dân chủ ở đâu? Dân chủ là chế độ chính trị, chế độ nhà nước mà ở đó quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Có 2 hình thức thực hiện quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân: Dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện”.Quyền lực và tổ chức quyền lực là vấn đề đặc biệt quan trọng đối với hệ thống chính trị, nhất là hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa. Để hạn chế sự tha hóa trong đời sống chính trị, kiểm soát quyền lực là điều tất yếu. Quyền lực không được kiểm soát, tất yếu sẽ dẫn đến tha hóa, thậm chí là liên quan đến lợi ích sống còn của quốc gia, dân tộc, sự tồn vong của một chế độ.
Theo ông Thierry Coudert, kiểm soát quyền lực xuất phát từ lý do: 1) Quản lý nói chung và quản lý của nhà nước cần phải có quyền lực bởi quyền lực mới có thể tạo ra trật tự xã hội, trật tự pháp luật; 2) Quyền lực và đặc biệt là quyền lực nhà nước có một đặc tính quan trọng là độc quyền sử dụng sức mạnh vũ lực có ảnh hưởng rất lớn đến xã hội nên cần theo dõi, xem xét để phát hiện, ngăn chặn sự lạm dụng; 3) Chủ thể có quyền lực (nhân dân) nhưng không trực tiếp thực hiện quyền lực nên nhân dân cần kiểm soát việc thực hiện quyền lực, đảm bảo quyền lực này được thực hiện theo đúng ý chí của họ. Cuối cùng, kiểm soát quyền lực nhằm hạn chế tác hại một trong những biểu hiện của sự lạm dụng quyền lực – tham nhũng.
Kiểm soát quyền lực trong hoạt động phân cấp, phân quyền cần có giải pháp đột phá
Ông Thierry Courdert cho biết, để thực hiện kiểm soát quyền lực nhằm hạn chế tham nhũng, Pháp đã thành lập Cơ quan cấp cao về minh bạch tài sản công (HATVP). Việc thành lập cơ quan này đã giúp cho việc phòng, chống tham nhũng của Pháp có nhiều chuyển biến tích cực.
Để kiểm soát quyền lực trong hoạt động phân cấp, phân quyền thì cần phải có công cụ đo lường. Đo lường là rất quan trọng và cần thiết để biết việc thực hiện phân cấp có bảo đảm chất lượng hay không. Theo TS. Nguyễn Trang Thu, giảng viên Khoa Khoa học hành chính và Tổ chức nhân sự, Phân hiệu Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh, đây là việc rất khó vì phân cấp là khái niệm đa diện với nội hàm phức tạp và không đồng nhất. Do vậy, việc đo lường chất lượng phân cấp cần phải có những cách tiếp cận khác nhau, cần sử dụng cả các chỉ báo định lượng và chỉ báo định tính thì mới có thể mô tả chính xác được thực trạng phân cấp cũng như các kết quả và tác động của phân cấp tới quản lý hành chính nhà nước. Nếu không, sẽ không thấy hết được toàn cảnh thực tiễn phân cấp.
Trao đổi về vấn đề này, ông Thierry Coudert cho rằng, đây là ý kiến rất hay nhưng không đơn giản để thực hiện. Tại Pháp, công chức lãnh đạo sẽ kiên quyết, tìm mọi cách loại bỏ các dự án không có lợi cho cộng đồng. Tuy nhiên, có thể sẽ xung đột lợi ích với các quyết định trước đó. Chính vì vậy, Chính phủ Pháp luôn có những quy định chi tiết, cụ thể về tính được/mất của các dự án và luôn tiến hành nghiêm túc các hoạt động tiền kiểm/hậu kiểm.
Một trong những giải pháp quan trọng để kiểm soát tham nhũng, theo ông Thierry Coudert là việc tiến hành kiểm kê tài sản của công chức hai lần: khi bổ nhiệm và khi hết nhiệm kỳ. TS. Nguyễn Hoàng Anh nêu câu hỏi: “liệu kiểm kê tài sản như vậy có bảo đảm được phòng, chống tham nhũng vì khoảng cách giữa hai lần kiểm kê tài sản tương đối dài”? Song, theo ông Thierry Coudert, thời gian kiểm kê không quan trọng mà tiên quyết phải là ý thức của cán bộ, công chức. Ông Thierry Coudert cho biết thêm: tại Pháp công chức không dùng tiền mặt, mọi thu – chi phải thông qua hình thức chuyển khoản. Do đó, mọi “biến động” về tài sản của công chức đều thể hiện rất tường minh. Công chức của Pháp không có nhiều tiền mặt vì theo Thierry Coudert “họ không biết dùng tiền mặt vào việc gì”.
Tại hội thảo, ThS. Trần Anh Hùng, Phó Trưởng khoa, Khoa Nhà nước và Pháp luật, Phân hiệu Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh đặt vấn đề “Trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, cơ quan có thẩm quyền khi ban hành các văn bản sai”. Ông Thierry Coudert cho biết, tại Pháp, khi có văn bản ban hành sai, Tòa Hành chính sẽ xử lý văn bản sai; còn cá nhân, tổ chức ban hành văn bản sai sẽ có cơ chế khác.
Chủ đề của hội thảo đề cập đến vừa mang tính thời sự, vừa mang tính thực tiễn rất cao vì đây đang là vấn đề trọng tâm mà chính phủ các nước đang rất quan tâm và ưu tiên tập trung đẩy mạnh hoạt động hiện nay nhằm đáp ứng kỳ vọng của người dân về nền công vụ minh bạch, hiện đại, hiệu quả. Đối với Việt Nam, các vấn đề về cải cách hành chính công vụ, trong đó có sự sụt giảm mạnh về lực lượng lao động, sự cân bằng về kỹ năng giữa các cơ quan hành chính, kể cả ở cấp địa phương và tính hiệu quả của thực thi công vụ là trọng tâm của nhiệm vụ cải cách nền hành chính hiện tại.
Nguồn: https://www.quanlynhanuoc.vn/