Hội nghị tổng kết thực tiễn, nâng cao chất lượng xét xử trong Tòa án nhân dân
08:50 20/04/2022
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao dự và chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có chí Lê Trường Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế; các đồng chí lãnh đạo, thành viên Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; đại diện các ban đảng Trung ương…
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, trong 06 tháng đầu năm 2022, hệ thống Tòa án triển khai thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tác động của dịch Covid-19 nên hoạt động của hệ thống Tòa án cũng bị ảnh hưởng, mặc dù các Tòa án đã có cố gắng, nỗ lực xong công tác chuyên môn của các Tòa án vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, cần thiết phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo để kịp thời chấn chỉnh nhằm phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu công tác.
Trên tinh thần đó, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá thẳng thắn, khách quan về những kết quả đạt được, những hạn chế tồn tại, đặc biệt là tham gia ý kiến, đề xuất, kiến nghị các giải pháp, sáng kiến để khắc phục khó khăn, vướng mắc từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án; phát huy trí tuệ tập thể, tập hợp những ý tưởng, sáng kiến từ thực tiễn, đề xuất các định hướng, nhiệm vụ cải cách tư pháp lớn trong Tòa án nhân dân đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Theo báo cáo trình bày tại Hội nghị, từ ngày 01/10/2021 đến ngày 28/02/2022, các Tòa án đã thụ lý 287.067 vụ việc, đã giải quyết được 139.998 vụ việc (đạt tỷ lệ 48,77%). Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án là 1,09%, đáp ứng được yêu cầu mà Nghị quyết Quốc hội đề ra.
Về xây dựng và đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật, Tòa án nhân dân tối cao đã xây dựng trình và được Quốc hội thông qua Nghị quyết số 33/2021/QH15 về tổ chức phiên tòa trực tuyến; hoàn thiện Hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo “Pháp lệnh trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; chủ trì nghiên cứu, xây dựng 03 Thông tư liên tịch; phối hợp xây dựng 01 Thông tư liên tịch và công bố 09 án lệ.
Đội ngũ cán bộ, công chức Tòa án các cấp tiếp tục được kiện toàn và nâng cao về chất lượng. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, tiếp tục đổi mới, đa dạng hình thức theo hướng tăng cường đào tạo, tập huấn trực tuyến và tự đào tạo từ thực tiễn xét xử thông qua các phiên tòa rút kinh nghiệm.
Công tác công khai bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử được thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả; tính đến nay, đã công bố được hơn 841.000 bản án, quyết định với tổng số hơn 124 triệu lượt truy cập.
Việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp được các Tòa án quan tâm thực hiện nghiêm túc, khẩn trương. Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức Hội thảo khoa học “Cải cách tư pháp tại Tòa án nhân dân đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” và Tọa đàm tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học pháp lý đóng góp ý kiến đối với dự thảo Đề án này.
Các Tòa án đã khẩn trương, nghiêm túc triển khai thi hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Tính đến hết tháng 03/2022, có 02 Tòa án nhân dân cấp cao; 12 Tòa án nhân dân cấp tỉnh và 29 Tòa án nhân dân cấp huyện đã tổ chức xét xử trực tuyến với tổng cộng 80 vụ án.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao quán triệt nội dung Pháp lệnh trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và Nghị quyết của HĐTP TANDTC về án treo; Quán triệt một số nhiệm vụ trọng tâm công tác quản lý kinh phí đầu tư và xây dựng cơ bản…
Đại biểu tại các điểm cầu tham luận, thảo luận về các nội dung: Định hướng cải cách tư pháp tại Tòa án nhân dân đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; Giải pháp nâng cao chất lượng công tác giám đốc thẩm, tái thẩm; Triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Triển khai tổ chức phiên tòa trực tuyến; Các mặt công tác khác của các Tòa án.