Hoạt động trợ giúp pháp lý đặt trong xu hướng phát triển của thị trường dịch vụ pháp lý tại Việt Nam
16:57 11/07/2022
I. Khái quát thị trường dịch vụ pháp lý
1. Khái niệm
Về thị trường:
Theo Từ điển luật học, thị trường là “Nơi thực hiện các giao dịch mua bán, chuyển nhượng, trao đổi các loại hàng hoá, dịch vụ, vốn, sức lao động và các nguồn lực khác trong nền kinh tế”. Thị trường được cấu thành bởi các yếu tố căn bản sau:
- Chủ thể tham gia thị trường, gồm có người mua, người bán, người môi giới và chủ thể quản lý nhà nước đối với thị trường. Chủ thể quản lí nhà nước đối với thị trường là các cơ quan nhà nước được giao nhiệm vụ giám sát, quản lý thị trường, đảm bảo cho thị trường vận hành an toàn và trôi chảy, chẳng hạn như trong thị trường chứng khoán.
- Khách thể thị trường là đối tượng mà các chủ thể hướng đến trong giao dịch mua bán, trao đổi như hàng hoá, dịch vụ, vốn, sức lao động và các nguồn lực khác. Tài sản giao dịch trên thị trường có thể là tài sản hữu hình hoặc tài sản vô hình, có thể là tài sản đã tồn tại hoặc tài sản được hình thành trong tương lai;
- Giá cả trên thị trường được hình thành trên cơ sở cung cầu.
Về dịch vụ pháp lý:
Theo Từ điển luật học, “Dịch vụ pháp lý là loại hình dịch vụ do những tổ chức, cá nhân có hiểu biết, có kiến thức và chuyên môn pháp luật được Nhà nước tổ chức hoặc cho phép hành nghề thực hiện, nhằm đáp ứng nhu cầu được biết, được tư vấn hoặc giúp đỡ về mặt pháp lý của các tổ chức, cá nhân trong xã hội... Người cung cấp dịch vụ pháp lý nhằm mục đích thu lợi và được coi như một nghề. Người được hưởng dịch vụ pháp lý được thoả mãn những yêu cầu hiểu biết hay công việc cụ thể và phải trả phí (giá) dịch vụ cho người cung cấp”.
Theo WTO, dịch vụ pháp lý được quy định khái quát “bao gồm các lĩnh vực tư vấn và đại diện đối với pháp luật nước tiếp nhận dịch vụ, pháp luật của nước sở tại, nước thứ ba, luật pháp quốc tế; dịch vụ chứng thực giấy tờ tài liệu; các dịch vụ tư vấn và thông tin khác”. Cụ thể theo WTO, dịch vụ pháp lý (legal services) bao gồm dịch vụ tư vấn, dịch vụ tranh tụng cũng như toàn bộ các hoạt động liên quan đến việc thi hành công lý (như hoạt động của thẩm phán, công tố viên, v.v...).
Về quy định của pháp luật Việt Nam:
Theo Điều 4 Luật Luật sư năm 2006; sửa đổi, bổ sung năm 2012 (sau đây gọi là Luật Luật sư 2006) thì “Dịch vụ pháp lý của luật sư bao gồm tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng và các dịch vụ pháp lý khác”. Theo khoản 1 Điều 30 của Luật thì “Dịch vụ pháp lý khác của luật sư bao gồm giúp đỡ khách hàng thực hiện công việc liên quan đến thủ tục hành chính; giúp đỡ về pháp luật trong trường hợp giải quyết khiếu nại; dịch thuật, xác nhận giấy tờ, các giao dịch và giúp đỡ khách hàng thực hiện công việc khác theo quy định của pháp luật”.
Theo Điều 2 Luật trợ giúp pháp lý năm 2017, “Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật. Điều 27 Luật Trợ giúp pháp lý quy định rõ: “Trợ giúp pháp lý được thực hiện trong các lĩnh vực pháp luật, trừ lĩnh vực kinh doanh, thương mại” với các hình thức trợ giúp gồm: (a) Tham gia tố tụng; (b) Tư vấn pháp luật; (c) Đại diện ngoài tố tụng.
Theo Điều 7 Nghị định số 77/2008/NĐ-CP ngày 16/7/2008 của Chính phủ về tư vấn pháp luật, “Trung tâm tư vấn pháp luật được thực hiện tư vấn pháp luật; được cử luật sư làm việc theo hợp đồng cho Trung tâm tham gia tố tụng để bào chữa, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức yêu cầu tư vấn pháp luật đối với vụ việc mà Trung tâm thực hiện tư vấn pháp luật; được thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý” để thực hiện tư vấn pháp luật cho thành viên, hội viên, đoàn viên của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu chuyên ngành luật và cá nhân, tổ chức khác.
Về “Thị trường dịch vụ pháp lý”
Hiện nay ở Việt Nam chưa có định nghĩa, khái niệm thống nhất về thuật ngữ này. Từ những khái niệm về dịch vụ pháp lý, thị trường và từ tham khảo quốc tế về thị trường dịch vụ pháp lý như đã nêu ở trên, chúng ta có thể hiểu “Thị trường dịch vụ pháp lý” là nơi những tổ chức, cá nhân có hiểu biết, có kiến thức và chuyên môn pháp luật được Nhà nước tổ chức hoặc cho phép hành nghề thực hiện các dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu được biết, được tư vấn hoặc giúp đỡ về mặt pháp lý của các tổ chức, cá nhân trong xã hội”. Hoặc có thể hiểu theo cách khác, “Thị trường dịch vụ pháp lý là nơi cung cấp dịch vụ, hàng hóa liên quan đến pháp luật do những tổ chức, cá nhân có hiểu biết, có kiến thức và chuyên môn pháp luật được Nhà nước tổ chức hoặc cho phép hành nghề. Họ tư vấn cho khách hàng (cá nhân, doanh nghiệp hoặc các tổ chức khác) về các quyền và lợi ích hợp pháp của họ; đồng thời đại diện cho khách hàng trong các vụ việc dân sự và hình sự, giao dịch kinh doanh và các vấn đề khác thông qua tư vấn pháp lý và các hỗ trợ khác theo quy định của pháp luật”.
Thị trường dịch vụ pháp lý, trước hết được xác định là “thị trường dịch vụ”, do vậy, nó mang đầy đủ các đặc điểm, yếu tố của thị trường nói chung như tuân thủ và vận hành theo các quy luật của thị trường (quy luật cung – cầu; quy luật giá trị; quy luật cạnh tranh...) và mang đầy đủ đặc điểm của thị trường dịch vụ, như tính tính vô hình, tính không thể tách rời, tính không thể cất giữ, tính đa dạng và sự tham gia của người tiêu dùng... Tuy nhiên, nó cũng có những đặc điểm riêng biệt như: phụ thuộc vào thể chế chính trị và pháp luật của mỗi quốc gia; chịu sự tác động của định hướng đối ngoại của quốc gia và gắn chặt với sự phát triển kinh tế - xã hội ở từng thời kỳ và vùng miền.
2. Vài nét về thị trường dịch vụ pháp lý ở Việt Nam
Ở Việt Nam hiện nay, pháp luật chưa có quy định riêng về thị trường dịch vụ pháp lý, chỉ có các quy định về hình thức, thẩm quyền quản lý, cung cấp/thực hiện một hoặc nhiều hoạt động là dịch vụ pháp lý, như: Luật Luật sư năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012); Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, Luật Trọng tài thương mại năm 2010… và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Nội dung các văn bản này quy định rõ về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; quy định cụ thể về tiêu chuẩn hành nghề, chứng chỉ hành nghề, hình thức hành nghề, quyền và nghĩa vụ của các chức danh; trình tự thủ tục hành nghề và về thù lao, chi phí, nội dung quản lý nhà nước theo phạm vi tương ứng.
Từ năm 2011 - 2020, đội ngũ luật sư cả nước đã tăng từ 6.250 lên hơn 15.000. Số lượng luật sư hành nghề chuyên sâu trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài đã có bước phát triển, tăng hơn 50 lần (tăng từ 20 đến 1.000 luật sư, chuyên gia pháp luật). Đa số luật sư phục vụ hội nhập trưởng thành qua môi trường làm việc thực tế, học hỏi, trao đổi với các đồng nghiệp nước ngoài tại thị trường trong nước. Về phát triển tổ chức hành nghề luật sư, số lượng tổ chức hành nghề luật sư tăng từ 2.928 năm 2011 lên hơn 4.400 tổ chức năm 2020, tập trung chủ yếu tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Ở các tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, số lượng tổ chức hành nghề luật sư cũng đã có sự gia tăng. Việc thành lập nhiều tổ chức hành nghề luật sư đã tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức thuận lợi hơn trong việc tiếp cận với dịch vụ của luật sư. Một số tổ chức hành nghề luật sư bước đầu phát huy được thế mạnh, xây dựng được thương hiệu của mình, cũng như tạo được sự tín nhiệm trên thị trường dịch vụ pháp lý trong khu vực và quốc tế, trở thành “đối tác” cạnh tranh với các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài và được các tạp chí uy tín trong khu vực xếp hạng đang ngày một gia tăng với nhiều gương mặt mới. Các tổ chức hành nghề luật sư này cũng là nơi tập hợp đông đảo đội ngũ luật sư giỏi, thông thạo ngoại ngữ, am hiểu pháp luật, tập quán thương mại quốc tế, có khả năng giúp Chính phủ, các doanh nghiệp, tổ chức giải quyết các vụ việc phức tạp liên quan hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần đào tạo, phát triển đội ngũ luật sư Việt Nam trong lĩnh vực này.
Theo Báo cáo số 09/BC-LĐLSVN ngày 04/5/2020 của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, từ tháng 6/2009 đến hết năm 2019, các luật sư đã tham gia 333.907 vụ, việc về tố tụng, 121.744 vụ việc về dân sự và hôn nhân gia đình, 54.170 vụ việc về kinh tế, thương mại, 11.725 vụ việc về hành chính, lao động. Hoạt động tham gia tố tụng của luật sư đã góp phần quan trọng trong việc bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo, giảm tình trạng oan sai, làm sáng tỏ sự thật khách quan, xét xử đúng người đúng tội, bước đầu thực hiện có hiệu quả nguyên t