Hoàn thiện quy định pháp luật về tổ chức và hoạt động của Trung tâm bảo trợ xã hội Việt Nam
22:30 09/10/2024
1. Đặt vấn đề
Ở Việt Nam, trung tâm bảo trợ xã hội Việt Nam (Trung tâm) là đơn vị hoạt động sự nghiệp xã hội được thành lập với chức năng tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng đối với các đối tượng bảo trợ xã hội có hoàn cảnh đặc biệt, không có điều kiện sống ở gia đình hoặc cần được bảo vệ khẩn cấp trong một thời gian nhất định nhằm góp phần ổn định chính trị, kinh tế, xã hội bền vững. Hệ thống các trung tâm bao gồm: các trung tâm bảo trợ xã hội công lập do cơ quan nhà nước quản lý, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ chi thường xuyên. Trung tâm bảo trợ xã hội ngoài công lập do các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tự nguyện đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ chi thường xuyên.
Căn cứ vào đối tượng phục vụ, các trung tâm có các tên gọi khác nhau phù hợp với tính chất hoạt động, công tác chăm sóc, hỗ trợ các nhóm đối tượng người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em mồ côi, người tâm thần,… như: trung tâm bảo trợ xã hội; trung tâm điều dưỡng người mắc bệnh tâm thần; cơ sở nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đắc biệt khó khăn; cơ sở nuôi dưỡng người già cô đơn,…
Mục đích của các trung tâm là chăm sóc, nuôi dưỡng cho bất kỳ cá nhân nào vào các trường hợp được pháp luật quy định hoặc có nhu cầu các loại dịch vụ để điều trị, phục hồi chức năng, cải thiện và bảo đảm cuộc sống, được áp dụng cho các đối tượng là người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em mồ côi, người nghèo. Như vậy, quy định pháp luật về tổ chức và hoạt động của trung tâm bao gồm các nội dung cụ thể về quy định đối tượng thuộc diện đưa vào trung tâm; chức năng, nhiệm vụ của trung tâm, trình tự, thủ tục thành lập, sáp nhập, giải thể; các loại hình trung tâm bảo trợ xã hội; thẩm quyền và trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các trung tâm.
2. Thực trạng quy định pháp luật về tổ chức và hoạt động của Trung tâm bảo trợ xã hội Việt Nam
Trong thời gian qua, trên cơ sở thể chế hóa Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về “tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”; một số luật, như: Luật Người cao tuổi ngày 23/11/2009, Luật Người khuyết tật ngày 17/6/2020, Luật Trẻ em ngày 05/4/2016, Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) ngày 29/6/2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) ngày 16/11/2020, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình ngày 14/11/2022, Luật Phòng, chống buôn bán người ngày 29/3/2011… các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền đã cụ thể hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức và hoạt động của Trung tâm bảo trợ xã hội.
Các thành ủy, tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã ban hành các kế hoạch, chương trình, nghị quyết, quyết định nhằm cụ thể hóa thể chế tổ chức và hoạt động của trung tâm trên địa bàn. Đây là cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng trong tổ chức và hoạt động của trung tâm.
Thứ nhất, trung tâm đã được tổ chức và hoạt động trên cơ sở tuân thủ và bảo đảm các nguyên tắc về thành lập, tổ chức lại, giải thể; bảo đảm đúng điều kiện, trình tự, thủ tục và thẩm quyền do pháp luật quy định; một trung tâm bảo trợ xã hội có thể thực hiện nhiều chức năng, nhiệm vụ cùng loại theo nguyên tắc hòa nhập xã hội; nguyên tắc đa chủ thể và sự tự nguyện của các chủ thể; nguyên tắc cân đối giữa nhu cầu thực tế của đối tượng bảo trợ xã hội phù hợp với khả năng đáp ứng của điều kiện kinh tế – xã hội; nguyên tắc toàn diện, nhanh chóng và kịp thời.
Thứ hai, tạo nên một thiết chế bảo trợ xã hội thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn; trực tiếp giúp đỡ, nuôi dưỡng, chăm sóc những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong xã hội; hướng tới mục tiêu tạo thuận lợi cho những người dễ bị tổn thương tiếp cận các dịch vụ xã hội tại cộng đồng, giúp họ giải quyết các vấn đề khó khăn đang gặp phải nhằm nâng cao an sinh xã hội cho người dân.
Thứ ba, thể hiện tốt vai trò của bảo trợ xã hội, thực sự là công cụ chính sách quan trọng để Nhà nước, các tổ chức, cá nhân tự nguyện chung tay thực hiện mục tiêu phát triển con người toàn diện; là cơ sở thực tiễn để Nhà nước tiếp tục hoàn thiện công cụ pháp luật về bảo trợ xã hội nhằm bảo vệ quyền con người và hoạch định đường lối đổi mới đối với phát triển kinh tế phù hợp, tương xứng đối với sự tiến bộ và công bằng xã hội.
Thứ tư, tổ chức tốt công tác tiếp nhận, quản lý đối tượng theo đúng quy trình, quy định, thường xuyên kiểm tra, giáo dục, bám sát đối tượng, không để tình trạng đối tượng mâu thuẫn, đánh nhau, bỏ trốn hoặc thẩm lậu các đồ cấm vào Trung tâm. Duy trì nghiêm túc việc giao ca trực, sinh hoạt giáo dục đối tượng, kịp thời tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các quy định của ngành, của Trung tâm và giải thích những thắc mắc, kiến nghị của đối tượng. Giải quyết hồi gia tái hòa nhập cộng đồng kịp thời đối với những đối tượng đủ điều kiện theo quy định.
Thứ năm, nhận thức rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng chu đáo từng bữa ăn, giấc ngủ của các đối tượng; hằng ngày quản lý bếp ăn, xây dựng thực đơn ăn phù hợp theo từng nhóm đối tượng, nhóm tuổi, thực phẩm mua về bảo đảm số lượng, chất lượng, chế biến món ăn hợp khẩu vị và bảo đảm vệ sinh, sức khỏe của đối tượng, có bộ phận y tế kiểm tra chất lượng, các bộ phận chuyên môn giám sát về số lượng, giá cả. Những đối tượng ốm đau, người bệnh phải ăn kiêng có chế độ riêng; các đối tượng đều được phục vụ ân cần, chu đáo, bảo đảm đời sống, sinh hoạt về vật chất, tinh thần. Vì vậy, các đối tượng ở Trung tâm luôn yên tâm, tin tưởng vào chế dộ, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Thứ sáu, thực hiện tốt công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cho đối tượng, khám định kỳ để phát hiện bệnh kịp thời; đối tượng ốm đau được đưa đi bệnh viện điều trị, quan tâm chăm sóc, cấp thuốc điều trị và có chế độ dinh dưỡng cho những người ốm đau phù hợp, công tác phòng, chống các loại dịch bệnh bảo đảm tốt, không có dịch bệnh xảy ra.
Thứ bảy, thực hiện tốt công tác giáo dục, hướng nghiệp nghề cho trẻ; qua đó đã giáo dục nhân cách cho trẻ, quan tâm đến việc học văn hóa của trẻ tại các nhà trường, hướng dẫn cho trẻ biết cách phòng, chống các dịch bệnh. Hướng nghiệp cho trẻ biết cách trồng rau góp phần làm cho các trung tâm xanh, sạch, đẹp. Thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, bảo vệ sức khỏe, biết cách tự lập bản thân.
Bên cạnh những thành quả đã đạt được, tổ chức và hoạt động của trung tâm bảo trợ xã hội cũng đang bộc lộ một số hạn chế, bất cập, như: thực tế tổ chức và hoạt động của các trung tâm hiện còn thiếu những quy định về nguyên tắc tổ chức và hoạt động. Quy định về đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội được tiếp nhận vào trung tâm còn bó hẹp. Trong khi thực tế, còn nhiều đối tượng cần được xếp vào nhóm các đối tượng cần được bảo đảm quyền lợi và môi trường sống an toàn, cần được đáp ứng các yêu cầu trước mắt (nơi tạm trú tạm thời, thức ăn, quần áo, chi phí đi lại,…) như người lang thang hay người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em, người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Điều này đặt ra trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và xã hội trong việc hỗ trợ, giúp đỡ, điều trị, tư vấn cho các đối tượng này đến khi các đối tượng tự giải quyết được các vấn đề khó khăn phát sinh, ổn định cuộc sống. Quy định về chức năng, nhiệm vụ của trung tâm còn mờ nhạt so với nhu cầu nuôi dưỡng, chăm sóc, tư vấn và sử dụng dịch vụ xã hội.
Một số trung tâm bảo trợ xã hội chưa thực hiện đúng và đầy đủ các quy định về tiêu chuẩn chăm sóc tại trung tâm đối với các đối tượng. Việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, giám sát tổ chức và hoạt động của một số trung tâm còn thiếu thường xuyên, thậm trí bị buông lỏng gây thất thoát ngân sách và để xảy ra nhiều sai phạm trên thực tế. Hiện tượng buông lỏng, không sâu sát trong tổ chức và hoạt động của các trung tâm khiến cho những tổ chức, cá nhân có trách nhiệm của trung tâm lạm dụng thẩm quyền trong công tác tổ chức, nhân sự và sử dụng ngân sách sai mục đích, tiếp nhận và chi trả các chế độ không đúng đối tượng, có những hành vi chưa chuẩn mực đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
3. Giải pháp hoàn thiện thể chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm bảo trợ xã hội
Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung một số quy định pháp luật về bảo trợ xã hội. Để khắc phục những hạn chế, bất cập trong các quy định pháp luật về bảo trợ xã hội, cần bổ sung các tiêu chí xác định đối tượng bảo trợ xã hội. Theo đó, cần tính đến yếu tố nhân thân và yếu tố mang tính chất xã hội để đối tượng yếu thế được xác định là đối tượng bảo trợ xã hội, đồng thời mỗi tiêu chí về nhân thân hay tiêu chí mang tính chất xã hội cần được lượng hóa một cách khoa học và phù hợp với thực tế tổ chức thực hiện.
Bổ sung đối tượng bảo trợ xã hội phù hợp với điều kiện, yêu cầu, mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội và sự gia tăng tính dễ tổn thương của các đối tượng yếu thế trong bối cảnh toàn cầu hóa. Do đó, cần bảo đảm hướng tiếp cận quyền bình đẳng về cơ hội cho tất cả mọi người. Đây cũng là giải pháp đã được nêu ra trong Khuyến nghị số 204 (năm 2015) chuyển đổi từ khuyến nghị không chính thức đến Khuyến nghị kinh tế chính thức của Tổ chức Lao động quốc tế. Bổ sung quy định điều kiện xét hưởng trợ cấp của các đối tượng bảo trợ xã hội để bảo đảm mọi cá nhân, hộ gia đình khi rơi vào những hoàn cảnh khó khăn đều được thụ hưởng các quyền lợi có giá trị ngang nhau. Việc bổ sung các quy định về điều kiện xét hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội cần bảo đảm sự công bằng cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội, có cơ hội dược hưởng những quyền lợi và cơ hội tiếp cận các quyền cơ bản.
Tăng mức trợ cấp hằng tháng cho đối tượng bảo trợ xã hội. Đây là căn cứ pháp lý để chính quyền địa phương căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn và thực tế tình hình tiếp nhận, quản lý các đối tượng bảo trợ xã hội trong những thời điểm nhất định để ban hành mức trợ cấp phù hợp. Việc tăng mức trợ cấp bảo trợ xã hội là việc làm cần thiết, bảo đảm nguyên tắc nhanh chóng, kịp thời trong việc giải quyết quyền lợi, bảo đảm nhu cầu của các đối tượng bảo trợ xã hội phù hợp với điều chỉnh tăng 30% mức lương cơ sở và điều kiện thực tế. Hỗ trợ việc làm, dạy nghề cho đối tượng bảo trợ xã hội phải hướng đến tạo điều kiện để nâng cao năng lực thực sự cho các đối tượng bảo trợ xã hội. Đồng thời, cần có chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em, có chính sách hỗ trợ trẻ em tham gia các lớp học bổ túc, học nghề và yêu cầu các trung tâm bảo trợ xã hội ký cam kết không buộc trẻ em bỏ học đi lao động.
Thứ hai, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định về tổ chức và hoạt động của trung tâm. Theo đó, việc thành lập, tổ chức lại, giải thể một số trung phải bảo đảm đúng điều kiện, trình tự, thủ tục và thẩm quyền do pháp luật quy định; phải bảo đảm nguyên tắc hòa nhập xã hội; phải bảo đảm nguyên tắc đa chủ thể và sự tự nguyện của các chủ thể; phải bảo đảm nguyên tắc cân đối giữa nhu cầu thực tế của đối tượng bảo trợ xã hội phù hợp với khả năng đáp ứng của điều kiện kinh tế, xã hội; phải bảo đảm nguyên tắc toàn diện, nhanh chóng và kịp thời. Trong đó, cần đặc biệt quán triệt các nội dung: Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thành lập trung tâm để chăm sóc, trợ giúp các đối tượng có nhu cầu bảo trợ xã hội; bảo đảm tính toàn diện, tính phổ quát, tính đối xử công bằng, tính cộng đồng, tính phân luồng, tính Nhà nước thống nhất quản lý và tính pháp chế từ khâu rà soát, đánh giá, tiếp nhận, chăm sóc và bảo vệ các đối tượng bảo trợ xã hội.
Mở rộng đối tượng trong diện được bảo trợ xã hội, có quyền được tiếp nhận vào phục vụ tại các trung tâm. Trong đó, đối tượng tự nguyện là những người có nhu cầu được trợ giúp, tự nguyện đóng góp kinh phí để được phục vụ tại các trung tâm bảo trợ xã hội. Đối tượng bảo trợ xã hội là những trường hợp phải qua các giai đoạn rà soát, đánh giá, phân loại, điều này đặt trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong việc hỗ trợ, giúp đỡ, điều trị, tư vấn cho các đối tượng này đến khi họ có khả năng tự giải quyết được những khó khăn trong cuộc sống. Đổi mới và mở rộng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các trung tâm theo hướng tổ chức thí điểm mô hình gia đình, cá nhân nhận nuôi có thời hạn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người cao tuổi, người khuyết tật không có người chăm sóc và một số mô hình trợ giúp xã hội khác. Đồng thời, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trung tâm để đủ điều kiện chăm sóc, trợ giúp cho các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; xây dựng mô hình tạm lánh để tiếp nhận, chăm sóc các đối tượng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa.
Thứ ba, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định về quản lý, giám sát đối với tổ chức và hoạt động của các trung tâm. Cần tăng cường trách nhiệm cho người đứng đầu các trung tâm; đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra, giám sát nội bộ; rà soát, đánh giá lại đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác chăm sóc, nuôi dưỡng; lựa chọn, sắp xếp nhân viên có phẩm chất đạo đức được đào tạo kỹ năng công tác xã hội làm nhân viên bảo mẫu; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng công tác xã hội cho viên chức, nhân viên làm việc tác các trung tâm.
Đối với các trung tâm không đủ điều kiện chăm sóc đối tượng, cần tiến hành phân loại, bàn giao về địa phương những đối tượng có địa chỉ cụ thể; lập danh sách các đối tượng không xác định được địa chỉ để xem xét đưa vào các trung tâm của các tỉnh, thành phố chăm sóc, nuôi dưỡng; bảo đảm số lượng đối tượng được chăm sóc, nuôi dưỡng phù hợp với điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ nhân viên làm công tác chăm sóc hiện có.
4. Kết luận
Quy định pháp luật về tổ chức và hoạt động của Trung tâm bảo trợ xã hội Việt Nam ra đời đã tạo chuyển biến trong nhận thức của cộng đồng về vị trí, vai trò của bảo trợ xã hội đối với đời sống xã hội. Quy định pháp luật về tổ chức và hoạt động của trung tâm bảo trợ xã hội đã khẳng định vai trò bảo vệ đối với các thành viên trong xã hội thông qua nhiều hình thức, mô hình khác nhau nhằm giúp cho các đối tượng yếu thế khắc phục được những khó khăn về kinh tế và hòa nhập xã hội. Đồng thời, quy định pháp luật về tổ chức và hoạt động của trung tâm thể hiện nhất quán chủ trương, cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả về an sinh xã hội, bảo đảm cơ sở pháp lý cho công tác tổ chức và hoạt động, đáp ứng được đòi hỏi của tình hình thực tiễn đặt ra.
1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) (2017). Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I, II. H.NXB Chính trị quốc gia Sự thật.
3. Vũ Công Giao, Bùi Tiến Đạt, Nguyễn Thị Minh Hà (2020). Dịch vụ công – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn. H. NXB Tư pháp.
4. Nguyễn Hữu Hải (2015). Cơ sở lý luận và thực tiễn về hành chính nhà nước (Sách chuyên khảo). H.NXB Chính trị quốc gia Sự thật.
5. Hoàng Kim Khuyên (2019). Pháp luật về Bảo trợ xã hội ở Việt Nam – Những vấn đề lý luận và thực tiễn (Sách chuyên khảo). H. NXB Tư pháp.
6. Lê Chi Mai (2013). Cải cách dịch vụ công ở Việt Nam (Sách chuyên khảo). H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật.
7. Ngân hàng Thế giới (2008). Về bảo trợ và thúc đẩy xã hội. H. NXB Văn hóa – Thông tin.
Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội