Hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ trong bối cảnh hội nhập quốc tế
08:54 04/04/2022
1- Luật Sở hữu trí tuệ được Quốc hội thông qua năm 2005 (Luật số 50/2005/QH11) có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2006, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (Luật số 36/2009/QH12) và năm 2019 (Luật số 42/2019/QH14), là văn bản pháp luật với các quy định thống nhất, đồng bộ, minh bạch, nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến loại tài sản đặc biệt - tài sản trí tuệ. Luật Sở hữu trí tuệ được ban hành là dấu mốc quan trọng trong quá trình xây dựng, phát triển và hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ của nước ta, có tác động tích cực trong việc thúc đẩy, hỗ trợ các hoạt động sáng tạo, khai thác và bảo vệ các tài sản trí tuệ, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, tăng tính hấp dẫn đối với các chủ thể nước ngoài. Các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ bảo đảm nguyên tắc cân bằng lợi ích giữa cá nhân (chủ sở hữu) với công chúng (xã hội), tạo động lực thúc đẩy phát triển hoạt động nghiên cứu sáng tạo, sản xuất, kinh doanh, hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Luật Sở hữu trí tuệ tạo hành lang pháp lý, góp phần từng bước thúc đẩy các hoạt động đầu tư, kinh doanh, khai thác, góp vốn, liên doanh, liên kết, chuyển giao, chuyển nhượng các tài sản trí tuệ, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Theo đó, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền có cơ sở pháp lý để công nhận, bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể khi giải quyết tranh chấp, xâm phạm quyền trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
Trong quá trình hội nhập quốc tế, Luật Sở hữu trí tuệ đã chú trọng tận dụng những linh hoạt mà các cam kết quốc tế cho phép, như đặt ra các điều kiện hạn chế và biện pháp chống lạm dụng quyền, áp dụng cơ chế nhập khẩu song song, chế độ cấp phép bắt buộc,... Do đó, Luật Sở hữu trí tuệ đã thực sự trở thành công cụ pháp lý quan trọng của nước ta trong việc bảo đảm lợi ích quốc gia trong quá trình hội nhập, đồng thời tôn trọng các điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ mà Việt Nam tham gia.
Hiện nay, về cơ bản, Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam đã đáp ứng các tiêu chuẩn đặt ra của Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPS) và các điều ước quốc tế cơ bản liên quan đến sở hữu trí tuệ, như Công ước Pa-ri (Công ước Paris) về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, Công ước Bơn (Công ước Berne) về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật, Công ước UPOV về bảo hộ giống cây trồng mới. Các tiêu chuẩn đó được thể hiện ở các khía cạnh: các loại đối tượng bảo hộ, tiêu chuẩn bảo hộ, nội dung và phạm vi quyền, thời hạn bảo hộ, cơ chế bảo hộ và thủ tục xác lập quyền sở hữu trí tuệ.
Trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết và có hiệu lực trước năm 2016, như FTA Việt Nam - Chi-lê, FTA Việt Nam - Hàn Quốc, FTA Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu..., phần lớn các nghĩa vụ về sở hữu trí tuệ mà Việt Nam cam kết cơ bản đều dẫn chiếu tới các nghĩa vụ đã cam kết tại Hiệp định TRIPS. Chỉ một số ít hiệp định có các quy định cụ thể, cao hơn hoặc chi tiết hơn Hiệp định TRIPS, nhưng các quy định này hoặc đã phù hợp với hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ hiện hành của Việt Nam, hoặc chủ yếu ở dạng không bắt buộc, chỉ đòi hỏi các bên phải nỗ lực thực hiện.
2- Tuy nhiên, sau hơn 15 năm thực thi, Luật Sở hữu trí tuệ còn tồn tại một số bất cập, hạn chế nhất định. Cụ thể là:
Thứ nhất, bất cập trong quy định về chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng quyền sở hữu, chuyển quyền sử dụng trong các hợp đồng chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan.
Thứ hai, bất cập ở quy định hiện hành khi chưa tạo được động lực khuyến khích các tổ chức, cá nhân vốn trực tiếp tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tham gia vào quá trình xác lập, khai thác và chuyển giao công nghệ, từ đó dẫn đến hoạt động thương mại hóa sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí bị hạn chế.
Thứ ba, bất cập về thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan và xác lập quyền sở hữu công nghiệp. Đối với thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, chưa có quy định về thành phần hồ sơ để thực hiện đăng ký trực tuyến, chưa quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục. Đối với thủ tục đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp, một số quy định còn phức tạp và chưa hoàn toàn hợp lý, dẫn đến kéo dài thời gian thẩm định đơn xác lập quyền sở hữu công nghiệp.
Thứ tư, bất cập trong việc bảo đảm mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan, Luật Sở hữu trí tuệ quy định các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao, nhưng chưa quy định cụ thể đối với các trường hợp khai thác, sử dụng tại thư viện. Bên cạnh đó, Luật Sở hữu trí tuệ cũng chưa quy định rõ đối với việc sử dụng dưới hình thức bản ghi âm, ghi hình nhằm mục đích thương mại (đặc biệt đối với tác phẩm âm nhạc) trong các trường hợp sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao. Trong lĩnh vực quyền sở hữu công nghiệp, nhiều vấn đề phát sinh từ thực tiễn thi hành cần phải xử lý để bảo đảm mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng, như nguyên tắc đánh giá tính mới của sáng chế; các trường hợp cần thiết có thể dẫn đến hủy bỏ hiệu lực bằng độc quyền sáng chế, bằng độc quyền giải pháp hữu ích; xử lý trường hợp nhãn hiệu đăng ký với dụng ý xấu... Bên cạnh đó, một số quy định hiện nay chỉ được đề cập về mặt nguyên tắc trong Luật hoặc chỉ được quy định chi tiết trong các nghị định hoặc thông tư hướng dẫn thi hành đã gây ra một số bất cập trong việc thống nhất áp dụng pháp luật. Trong lĩnh vực giống cây trồng, quy định về ngoại lệ quyền đối với giống cây trồng theo Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành còn rộng, chưa có quy định về giới hạn một cách hợp lý. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến lợi ích hợp pháp của tác giả, đồng thời khó bảo đảm tuân thủ cam kết quốc tế.
Thứ năm, bất cập trong hoạt động hỗ trợ về sở hữu trí tuệ. Quy định hiện hành về tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan chưa phù hợp với quy định về đại diện trong Bộ luật Dân sự và chưa theo thông lệ quốc tế. Ngoài ra, Luật Sở hữu trí tuệ cũng chưa quy định rõ quyền và trách nhiệm của tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan.
Thứ sáu, thực thi (bảo vệ) quyền sở hữu trí tuệ chưa thực sự hiệu quả. Việc mở rộng phạm vi áp dụng biện pháp thực thi hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã tạo ra gánh nặng không cần thiết cho ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, các quy định về thực thi quyền trong môi trường số, hay xử lý tên miền vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ chưa cụ thể, rõ ràng, gây khó khăn cho các cơ quan thực thi trong việc xử lý các hành vi này.
Bên cạnh đó, các cam kết về sở hữu trí tuệ trong các FTA thế hệ mới gần đây (cụ thể là FTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu - EVFTA, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực - RCEP) có mức độ mở cửa sâu, phạm vi các vấn đề điều chỉnh đa dạng; trong đó quyền sở hữu trí tuệ đã nâng cao mức bảo hộ vượt bậc so với Hiệp định TRIPS. Việc đặt ra hàng loạt các tiêu chuẩn cao về bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ của các FTA thế hệ mới đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ, như quy định về bảo hộ nhãn hiệu âm thanh, về bảo hộ dữ liệu thử nghiệm nông hóa phẩm, về thẩm quyền chủ động áp dụng biện pháp kiểm soát tại biên giới, về cơ chế đền bù cho chủ sở hữu sáng chế do chậm trễ trong thủ tục cấp phép lưu hành thị trường của dược phẩm được sản xuất theo sáng chế đó,...
Ngoài ra, việc gia nhập một số điều ước quốc tế gần đây, như Thỏa ước La-hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp và Hiệp ước Bu-đa-pét về nộp lưu chủng vi sinh dẫn tới yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung một số quy định về thủ tục xác lập quyền sở hữu trí tuệ trong các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Sở hữu trí tuệ.
3- Trước yêu cầu của bối cảnh mới, Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 3-6-2017, của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII “Về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” đã đề ra một trong những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm hoàn thiện thể chế về sở hữu, phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp là hoàn thiện thể chế về sở hữu trí tuệ theo hướng khuyến khích sáng tạo, bảo đảm tính minh bạch và độ tin cậy cao; quyền sở hữu trí tuệ được bảo vệ và thực thi hiệu quả.
Nghị quyết số 38/NQ-CP, ngày 25-4-2017, của Chính phủ “Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW “Về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”” cũng đề ra nhiệm vụ rà soát, bổ sung và hoàn thiện các văn bản pháp luật để bảo đảm sự tương thích giữa quy định của pháp luật hiện hành của Việt Nam với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt là về sở hữu trí tuệ. Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27-9-2019, của Bộ Chính trị “Về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” xác định rõ yêu cầu cần hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ, bảo hộ và khai thác hiệu quả, hợp lý các tài sản trí tuệ do Việt Nam tạo ra; khuyến khích thương mại hóa và chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là đối với các sáng chế tại Việt Nam trên cơ sở tuân thủ pháp luật trong nước và bảo đảm lợi ích an ninh quốc gia; đồng thời, Nghị quyết cũng đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là Việt Nam duy trì xếp hạng về chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN (trong tổng số 80 tiêu chí cấu thành chỉ số GII, có 8 tiêu chí (chiếm 10%) liên quan trực tiếp đến sở hữu trí tuệ). Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ là: “hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là pháp luật về bảo hộ sở hữu trí tuệ”(1); “Tăng cường công tác bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ”(2). Do đó, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ là cần thiết, nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về việc hoàn thiện thể chế sở hữu trí tuệ; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật Sở hữu trí tuệ cũng như những bất cập nảy sinh giữa các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ với các văn bản quy phạm pháp luật khác được Quốc hội ban hành; thể chế hóa, nội luật hóa các cam kết để phù hợp với thông lệ quốc tế; từ đó hoàn thiện thể chế về sở hữu trí tuệ theo hướng khuyến khích tổ chức, cá nhân sáng tạo, đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, ứng dụng có hiệu quả thành tựu khoa học - công nghệ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội; bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi; quyền sở hữu trí tuệ được bảo vệ và thực thi hiệu quả; đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Các vấn đề cần sửa đổi của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành tập trung vào 7 nhóm chính sách lớn đã được Chính phủ thông qua như sau:
Chính sách 1: Bảo đảm quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan.
Theo đó, các quy định liên quan đến xác định chủ thể nắm giữ quyền tài sản (chủ sở hữu, tác giả, người biểu diễn) cần được quy định rõ ràng và cụ thể hơn, giúp cho quá trình chuyển nhượng quyền sở hữu, chuyển quyền sử dụng trong các hợp đồng chuyển nhượng, chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan được thuận lợi hơn; quy định cho phép chuyển giao một số quyền nhân thân theo thỏa thuận (thỏa thuận đặt tên, sửa đổi tác phẩm) phù hợp với đặc thù của lĩnh vực quyền tác giả nhằm giải quyết những vướng mắc tồn tại thời gian qua, như trường hợp có nhu cầu thay đổi tên tác phẩm, sửa đổi, nâng cấp chương trình máy tính...
Chính sách 2: Khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra từ ngân sách nhà nước.
Đề xuất trao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra từ ngân sách nhà nước một cách tự động và không bồi hoàn cho tổ chức chủ trì trực tiếp tại Luật Sở hữu trí tuệ (và được hưởng quyền sở hữu khi các đối tượng này được cấp văn bằng bảo hộ); đồng thời, bổ sung các quy định để Nhà nước vẫn có thể kiểm soát được nhằm bảo đảm việc khai thác có hiệu quả và cân bằng lợi ích giữa tổ chức chủ trì (chủ văn bằng bảo hộ), lợi ích của Nhà nước với tư cách “chủ đầu tư” và lợi ích xã hội.
Chính sách 3: Tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp theo hướng đơn giản, gọn nhẹ, nhanh chóng, thuận tiện, minh bạch.
Một số sửa đổi cụ thể bao gồm: tạo cơ sở pháp lý để tổ chức, cá nhân thực hiện đăng ký trực tuyến quyền tác giả, quyền liên quan; phân luồng ý kiến người thứ ba để đẩy nhanh quá trình thẩm định đơn; đơn giản hóa bản mô tả kiểu dáng công nghiệp; giới hạn việc kiểm soát an ninh đối với sáng chế; cho phép trì hoãn công bố kiểu dáng công nghiệp; bổ sung một số quy định đặc thù về thủ tục giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.
Chính sách 4: Bảo đảm mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Bổ sung một số trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, các giới hạn quyền tác giả, quyền liên quan nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa chủ thể quyền tác giả với tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng và công chúng hưởng thụ tiếp cận tác phẩm, bảo đảm thực thi các cam kết quốc tế và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
Bổ sung một số quy định nhằm kiểm soát sáng chế có sử dụng nguồn gen và tri thức truyền thống về nguồn gen; bổ sung một số căn cứ chấm dứt hiệu lực, hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ (sáng chế, nhãn hiệu); xử lý xung đột giữa nhãn hiệu với tên giống cây trồng, với đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan; sửa đổi các quy định về chủ thể đối với chỉ dẫn địa lý; làm rõ điều kiện bị coi là cạnh tranh không lành mạnh giữa tên miền với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý có trước.
Chính sách 5: Tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về sở hữu trí tuệ.
Các nội dung sửa đổi nhằm đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ cho hệ thống sở hữu trí tuệ (bao gồm hoạt động đại diện, giám định): phân loại phạm vi hoạt động đại diện sở hữu công nghiệp cụ thể và chi tiết hơn, đồng thời cắt giảm các điều kiện kinh doanh không thích hợp để phù hợp với quá trình cải cách thủ tục hành chính; xác định rõ phạm vi của giám định sở hữu trí tuệ và giám định tư pháp về sở hữu trí tuệ; nguyên tắc thực hiện giám định và giá trị của kết luận giám định.
Chính sách 6: Nâng cao hiệu quả của hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Các quy định liên quan đến thực thi quyền được sửa đổi nhằm bảo đảm cơ chế bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ được hiệu quả, hợp lý và khả thi hơn, trong đó đáng chú ý là các nội dung đề xuất việc thu hẹp phạm vi xử phạt vi phạm hành chính theo hướng chỉ xử lý bằng biện pháp hành chính các hành vi xâm phạm quyền đối với 5 đối tượng (quyền tác giả, quyền liên quan, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng); bổ sung thẩm quyền chủ động áp dụng biện pháp kiểm soát tại biên giới nếu trong quá trình kiểm tra, giám sát và kiểm soát, cơ quan hải quan phát hiện căn cứ rõ ràng để nghi ngờ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là hàng giả mạo sở hữu trí tuệ.
Chính sách 7: Bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập quốc tế.
Sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến biện pháp công nghệ bảo vệ quyền và thông tin quản lý quyền để bảo đảm thực thi trong môi trường số; một số quy định về ngoại lệ quyền tác giả, quyền liên quan; một số nội dung liên quan đến bảo hộ nhãn hiệu âm thanh; chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ đối với nhãn hiệu; cơ chế bảo đảm thông tin cho chủ bằng sáng chế thực thi quyền trong thủ tục cấp phép lưu hành thị trường đối với dược phẩm; nghĩa vụ bảo hộ dữ liệu bí mật trong đơn xin cấp phép nông hóa phẩm; quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trên môi trường internet và mạng viễn thông; nghĩa vụ chủ động tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bị nghi ngờ là hàng giả mạo sở hữu trí tuệ...
Ngoài Luật Sở hữu trí tuệ, các văn bản quy định chi tiết hay hướng dẫn thi hành, như các nghị định, thông tư trong từng lĩnh vực, từng vấn đề liên quan đến quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ cũng cần phải tiếp tục được sửa đổi, bổ sung để có thể áp dụng sau khi Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi, bổ sung) có hiệu lực. Bên cạnh đó, một số quy định chi tiết trong các nghị định, thông tư cũng cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam mới gia nhập. Có như vậy mới tạo được hệ thống pháp luật đồng bộ, có tính khả thi cao, bảo đảm vừa giải quyết vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, vừa thi hành hiệu quả các điều ước quốc tế và phù hợp với trình độ phát triển của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay./.