Giới thiệu Luật Trợ giúp pháp lý Trung Quốc (Có hiệu lực thi hành từ tháng 01 năm 2022)
17:38 13/04/2022
Sau gần 15 năm thực hiện Quy tắc TGPL, Luật TGPL Trung Quốc được ban hành nhằm nâng cao hiệu quả TGPL, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL, bảo đảm thực thi pháp luật, giữ gìn công lý và công bằng xã hội. Luật gồm 07 Chương, 71 Điều và có hiệu lực thi hành từ tháng 01 năm 2022.
1. Các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý
Thứ nhất, là các tổ chức TGPL do cơ quan hành chính tư pháp cấp huyện trở lên thành lập, có trách nhiệm:
- Thực hiện TGPL, thụ lý, xem xét đơn yêu cầu TGPL, chỉ định luật sư, cán bộ pháp lý có trình độ ở cơ sở, tình nguyện viên TGPL và người làm công tác pháp lý khác, chi trả tiền thù lao TGPL.
- Thành lập các điểm TGPL hoặc các đầu mối liên hệ để thuận lợi hơn trong việc tiếp nhận đơn yêu cầu TGPL.
- Phân công luật sư trực tại Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, trại tạm giam và những nơi khác để TGPL cho bị can, bị cáo phạm tội mà không có người bào chữa.
- Tổ chức TGPL phải giữ bí mật nhà nước, bí mật thương mại hoặc bí mật cá nhân trong quá trình thực hiện TGPL.
- Thiết lập hệ thống công bố thông tin TGPL, công bố định kỳ về sử dụng quỹ TGPL, xử lý vụ việc, kết quả đánh giá chất lượng và chịu sự giám sát của người dân.
- Sử dụng đồng bộ các biện pháp như quan sát xét xử, thẩm tra hồ sơ vụ án, tham khảo ý kiến của các cơ quan tư pháp, gặp gỡ người được TGPL để đôn đốc nhân viên TGPL nâng cao chất lượng dịch vụ.
Thứ hai, các Công ty luật, Trung tâm dịch vụ pháp lý
Cơ quan hành chính tư pháp lựa chọn các Công ty luật, các trung tâm dịch vụ pháp lý ở cơ sở thông qua hình thức đấu thầu cung ứng dịch vụ công để lựa chọn các công ty luật và các trung tâm dịch vụ pháp lý cung cấp dịch vụ TGPL.
Các Công ty luật và trung tâm dịch vụ pháp lý cấp cơ sở có trách nhiệm hướng dẫn và bảo đảm các điều kiện cần thiết để luật sư và nhân viên dịch vụ pháp lý của họ thực hiện nghĩa vụ TGPL.
2. Hình thức thực hiện trợ giúp pháp lý
Tổ chức TGPL bố trí để người thực hiện TGPL thực hiện cung cấp dịch vụ pháp lý theo các hình thức sau:
- Tư vấn pháp luật;
- Chuẩn bị hồ sơ pháp lý;
- Bào chữa và đại diện;
- Đại diện trong tố tụng và ngoài tố tụng đối với các vụ án dân sự, vụ án hành chính và vụ việc bồi thường nhà nước;
- Hỗ trợ pháp lý cho luật sư chỉ định;
- Đại diện trong hoà giải và trọng tài về tranh chấp lao động;
- Các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
Riêng đối với dịch vụ tư vấn pháp luật, tổ chức TGPL có thể tư vấn thông qua các hình thức đa dạng như qua điện thoại, qua dịch vụ tại các phòng điện thoại công cộng, internet.
3. Người thực hiện trợ giúp pháp lý
3.1. Người thực hiện TGPL bao gồm:
- Nhân viên có chứng chỉ luật sư hoặc chứng chỉ chuyên môn pháp lý làm việc tại tổ chức TGPL.
- Luật sư làm nhiệm vụ trực tại Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Trại tạm giam và những nơi khác để TGPL cho bị can, bị cáo phạm tội mà không có người bào chữa.
- Luật sư và nhân viên dịch vụ pháp lý làm việc tại các Công ty luật và Trung tâm dịch vụ pháp lý cấp cơ sở.
- Người làm công tác giáo dục, nghiên cứu pháp luật, sinh viên chuyên ngành luật tại các cơ sở giáo dục đại học, cơ quan nghiên cứu khoa học được làm tình nguyện viên TGPL, thực hiện TGPL cho các đối tượng theo hướng dẫn của cơ quan hành chính tư pháp như tư vấn pháp luật, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật.
- Các tình nguyện viện đủ điều kiện thực hiện TGPL theo quy định của pháp luật.
3.2. Quyền và nghĩa vụ của người thực hiện TGPL
3.2.1. Quyền của người thực hiện TGPL
- Được đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực.
- Được các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan, tổ chức có liên quan bảo đảm các quyền của người bào chữa (như tiếp xúc đương sự, sao chụp hồ sơ, tài liệu, nghiên cứu hồ sơ vụ việc, tổ chức các cuộc họp…).
- Được trả thù lao bồi dưỡng thực hiện vụ việc TGPL.
3.2.2. Nghĩa vụ của người thực hiện TGPL
- Thực hiện nhiệm vụ của mình theo quy định của pháp luật, kịp thời cung cấp cho người được trợ giúp những dịch vụ TGPL đạt tiêu chuẩn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp.
- Không được từ chối, trì hoãn, chấm dứt việc thực hiện TGPL mà không có lý do chính đáng.
- Tuân thủ đạo đức và quy tắc nghề nghiệp, không được nhận bất cứ tài sản nào của người được TGPL.
- Giữ bí mật nhà nước, bí mật thương mại hoặc bí mật cá nhân trong quá trình thực hiện TGPL.
- Sau khi vụ việc TGPL được giải quyết xong, người được TGPL phải báo cáo kịp thời cho tổ chức TGPL, nộp bản sao hoặc sao chụp các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, báo cáo xử lý công việc và các tài liệu khác.
- Có trách nhiệm thông báo về quá trình thực hiện TGPL cho người được trợ giúp theo đúng quy định, không xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp.4. Người được trợ giúp pháp lý
4.1. Đối tượng phải chứng minh có khó khăn về tài chính
Những tiêu chuẩn, điều kiện để xác định có khó khăn tài chính do chính quyền nhân dân cấp tỉnh, khu tự trị hoặc thành phố trực thuộc trung ương quy định căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế và nhu cầu TGPL của khu vực hành chính và được điều chỉnh, bổ sung một cách linh hoạt.
4.1.1. Trong lĩnh vực tố tụng hình sự:
- Người bị tình nghi, bị can, bị cáo trong vụ án hình sự do khó khăn về tài chính hoặc vì lý do khác mà không có người bào chữa thì người nhà của họ có thể đến các tổ chức TGPL để yêu cầu TGPL.
- Người bị hại, nguyên đơn dân sự trong vụ án hình sự, nếu không có khả năng thuê dịch vụ pháp lý do khó khăn về tài chính hoặc các lý do khác thì họ hoặc người đại diện hợp pháp của họ có thể nộp đơn yêu cầu TGPL đến các tổ chức TGPL.
4.1.2. Trong các lĩnh vực khác ngoài tố tụng hình sự:
Trường hợp đương sự không có người đại diện do khó khăn về tài chính, có thể nộp đơn đến tổ chức TGPL để được TGPL trong các trường hợp sau:
(1) Yêu cầu nhà nước bồi thường theo quy định của pháp luật;
(2) Yêu cầu trợ cấp bảo hiểm xã hội hoặc trợ cấp xã hội;
(3) Yêu cầu hưởng trợ cấp mai táng;
(4) Yêu cầu thanh toán tiền cấp dưỡng, hỗ trợ;
(5) Yêu cầu chấm dứt quan hệ lao động hoặc trả công lao động;
(6) Yêu cầu xác định công dân bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự;
(7) Yêu cầu bồi thường thiệt hại về thể chất do tai nạn lao động, tai nạn giao thông, ngộ độc do thực phẩm hoặc thuốc hoặc tai nạn trong y khoa;
(8) Yêu cầu bồi thường do ô nhiễm và hủy hoại hệ sinh thái;
(9) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
4.2. Đối tượng không cần phải chứng minh có khó khăn về tài chính
4.2.1. Trong tố tụng hình sự:
- Người bị tình nghi, bị can, bị cáo trong vụ án hình sự thuộc một trong các đối tượng sau đây mà không có người bào chữa thì Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan công an thông báo cho tổ chức TGPL cử luật sư tham gia bào chữa:
(1) Người chưa thành niên;
(2) Người khuyết tật về thị giác, thính giác hoặc khả năng nói;
(3) Người thành niên không đủ năng lực hành vi;
(4) Người bị buộc tội mà tội đó có khung hình phạt cao nhất là chung thân hoặc tử hình;
(5) Bị cáo bị đề nghị áp dụng án tử hình có yêu cầu TGPL;
(6) Bị cáo vắng mặt trong phiên toà hình sự;
(7) Những người khác theo quy định của pháp luật.
Nếu các đối tượng trên, ở giai đoạn xét xử mà không có người bào chữa thì Tòa án nhân dân thông báo cho tổ chức TGPL cử luật sư bào chữa cho họ.
Những người có thể bị kết án tù chung thân hoặc tử hình hoặc bị cáo bị đề nghị mức án tử hình, thì sau khi nhận được thông báo của Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan Công an thì tổ chức TGPL cử luật sư bào chữa có kinh nghiệm hành nghề từ 3 năm trở lên.
- Người thân thích của anh hùng, liệt sĩ đề nghị bảo vệ những quyền nhân thân của anh hùng, liệt sỹ;
- Người có yêu cầu về quyền và lợi ích công dân xuất phát từ hành vi vi phạm pháp luật;
- Người có yêu cầu nhà nước bồi thường vì oan sai trong tố tụng;
- Người bị lạm dụng, bị bỏ rơi hoặc bạo lực gia đình;
- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
- Trường hợp đương sự không chấp nhận với phán quyết của các cơ quan tư pháp thì có quyền yêu cầu tái thẩm, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền kháng nghị phán quyết đó, nếu người đó không đủ khả năng tài chính để thuê dịch vụ pháp lý thì họ và người thân thích của họ có thể nộp đơn đến tổ chức TGPL để được TGPL.
4.3. Quyền và nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý
4.3.1. Quyền của người được trợ giúp pháp lý
- Được cung cấp dịch vụ TGPL đạt tiêu chuẩn, được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong quá trình TGPPL;
- Được thông báo cho họ về quyền yêu cầu được TGPL, giải đáp, hướng dẫn về thủ tục TGP;
- Được trực tiếp hoặc uỷ quyền cho người nhà, người đại diện hợp pháp nộp đơn yêu cầu và các hồ sơ, tài liệu khác.
- Đối với người bị tình nghi, bị can, bị cáo không có người bào chữa, được cung cấp các dịch vụ như tư vấn pháp luật, đề nghị lựa chọn thủ tục tố tụng, đề nghị thay đổi các biện pháp bắt buộc và trình bày quan điểm về xử lý vụ án theo quy định của pháp luật.
- Đối với người được TGPL là người cao tuổi, người khuyết tật thì căn cứ vào tình hình thực tế, họ được quyền không bị phân biệt đối xử trong việc cung cấp các phương tiện, thiết bị và dịch vụ TGPL.
- Có quyền tìm hiểu về quá trình thực hiện vụ việc TGPL từ tổ chức TGPL hoặc người thực hiện TGPL;
- Được quyền kiến nghị, khiếu nại trong hoạt động TGPL.
- Căn cứ vào từng trường hợp, người được TGPL được Toà án nhân dân đình chỉ, giảm, miễn lệ phí tố tụng; miễn, giảm chi phí công chứng, giám định.
- Được quyền đóng góp ý kiến để nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL.
4.3.2. Nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý
- Trong trường hợp yêu cầu TGPL do khó khăn về tài chính, người được TGPL phải trình bày trung thực về khó khăn tài chính của họ.
- Phải trình bày trung thực các tình tiết liên quan đến vụ việc TGPL, kịp thời cung cấp tài liệu, chứng cứ và phối hợp, hợp tác giải quyết việc TGPL.
5. Trình tự, thủ tục trợ giúp pháp lý
5.1. Nộp đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý
5.1.1. Trong tố tụng hình sự:
- Đơn yêu cầu TGPL của người được TGPL phải nộp tại tổ chức TGPL nơi có cơ quan thụ lý vụ án.
- Trường hợp bị can, bị cáo bị tạm giữ, người đang thi hành án hình sự, người bị bắt buộc cách ly do cai nghiện ma túy nộp đơn yêu cầu TGPL thì cơ quan thụ lý vụ án hoặc nơi giam giữ phải gửi đơn đến tổ chức TGPL trong thời hạn 24 giờ. Bị can, bị cáo đang bị tạm giữ, người đang thi hành án hình sự, người bị bắt buộc cách lý do đang cai nghiện ma tuý có thể nhờ người đại diện hợp pháp hoặc người nhà của họ thay mặt nộp đơn yêu cầu TGPL.
- Trường hợp bị can, bị cáo đề nghị được TGPL với hình thức đại diện hoặc bào chữa thông qua luật sư trực thì luật sư trực phải chuyển đơn đến tổ chức TGPL trong thời hạn 24 giờ.
5.1.2. Đối với TGPL đề ngoài tố tụng:
- Đơn yêu cầu TGPL phải được gửi đến các tổ chức TGPL tại nơi đặt trụ sở của cơ quan giải quyết tranh chấp hoặc nơi phát sinh nguyên nhân của vụ kiện.
5.1.3. Đối với các trường hợp người bị thiếu hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự thì người đại diện theo pháp luật của họ có thể thay mặt họ nộp đơn. Trường hợp người đại diện theo pháp luật vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thiếu hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự thì người đại diện hợp pháp khác hoặc thành viên gia đình có quyền thay mặt họ nộp đơn yêu cầu TGPL.
5.2. Trách nhiệm xác minh điều kiện khó khăn về tài chính và các trường hợp được miễn xác minh điều kiện khó khăn về tài chính:
- Tổ chức TGPL xác minh tình trạng khó khăn tài chính của người nộp đơn thông qua trao đổi thông tin hoặc yêu cầu người nộp đơn cam kết (người nộp đơn phải trình bày trung thực về khó khăn tài chính của họ).
- Các cơ quan, tổ chức, ban, ngành, chính quyền địa phương và cá nhân có liên quan khác phối hợp với tổ chức TGPL thực hiện công tác xác minh.
- Người nộp đơn yêu cầu TGPL được miễn xác minh tình trạng khó khăn về tài chính khi họ có giấy tờ chứng minh họ thuộc các trường hợp sau đây:
(1) Các nhóm được chỉ định như trẻ vị thành niên, người già và người khuyết tật thiếu nguồn sinh kế cố định;
(2) Đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội, trợ giúp tư pháp;
(3) Người lao động nhập cư đề nghị được trả lương hoặc yêu cầu bồi thường thương tật do tai nạn lao động;
(4) Những người khác theo quy định của pháp luật.
5.3. Thụ lý đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý
- Tổ chức TGPL tiến hành xem xét, kiểm tra và quyết định thực hiện TGPL trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu TGPL. Trường hợp quyết định thực hiện TGPL thì cử người thực hiện TGPL trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày có quyết định thụ lý đơn yêu cầu TGPL; và trong trường hợp quyết định không thụ lý đơn yêu cầu trợ TGPL thì phải thông báo bằng văn bản và giải thích rõ lý do cho người được TGPL.
- Trong trường hợp hồ sơ, tài liệu do người nộp đơn cung cấp chưa đầy đủ, tổ chức TGPL phải thông báo cho người nộp đơn biết họ cần bổ sung tài liệu hoặc yêu cầu người nộp đơn giải trình. Trường hợp người nộp đơn không bổ sung tài liệu hoặc giải trình theo yêu cầu thì coi như họ đã rút đơn.
- Sau khi cử người thực hiện TGPL thì người thực hiện TGPL không được từ chối, trì hoãn, chấm dứt việc thực hiện TGPL mà không có lý do chính đáng.
5.3. Những trường hợp được ưu tiên thực hiện trợ giúp pháp lý
- Nếu phát hiện một trong các trường hợp sau đây khi nhận được đơn yêu cầu TGPL thì tổ chức TGPL có quyền quyết định ưu tiên thực TGPL:
(1) Thời hiệu còn dưới 7 ngày và cần phải nhanh chóng khởi kiện hoặc nộp đơn yêu cầu trọng tài hoặc đề nghị xem xét lại những quyết định hành chính;
(2) Cần áp dụng ngay biện pháp bảo quản tài sản, bảo quản vật chứng hoặc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
(3) Các tình huống khác theo quy định của pháp luật.
Trường hợp được ưu tiên TGPL thì người được trợ giúp phải nhanh chóng, kịp thời thực hiện các thủ tục và bổ sung các tài liệu liên quan.
5.4. Chấm dứt việc thực hiện trợ giúp pháp lý
Trong các trường hợp sau đây, tổ chức TGPL ra quyết định chấm dứt TGPL:
(1) Người nhận được sự TGPL bằng cách gian lận hoặc các hành vi không chính đáng khác;
(2) Người nhận trợ giúp cố tình che giấu các tình tiết quan trọng liên quan đến vụ việc hoặc cung cấp bằng chứng sai sự thật;
(3) Người nhận trợ giúp sử dụng TGPL để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật;
(4) Tình trạng kinh tế của người được trợ giúp thay đổi và không còn đủ điều kiện để được TGPL;
(5) Vụ án đã bị đình chỉ xét xử hoặc đương sự rút đơn khởi kiện, đơn khiếu nại;
(6) Người nhận trợ giúp tự mình thuê được luật sư hoặc một người đại diện khác;
(7) Người nhận trợ giúp có lý do chính đáng để yêu cầu chấm dứt TGPL;
(8) Các tình huống khác theo quy định của pháp luật.
Người thực hiện TGPL khi phát hiện ra các tình huống được quy định nêu trên, phải báo cáo kịp thời cho tổ chức TGPL.
5.5. Kiến nghị, khiếu nại trong hoạt động trợ giúp pháp lý
Trường hợp người yêu cầu, người được trợ giúp có ý kiến phản đối quyết định không thực hiện TGPL hoặc chấm dứt TGPL của tổ chức TGPL thì có thể kiến nghị đến Cơ quan hành chính tư pháp nơi thành lập tổ chức TGPL.
Cơ quan hành chính tư pháp sẽ tiến hành xem xét trong vòng 05 ngày kể từ ngày nhận được ý kiến phản đối và đưa ra quyết định giữ nguyên quyết định của tổ chức TGPL hoặc yêu cầu tổ chức TGPL thay đổi quyết định.
Người nộp đơn, người được trợ giúp không hài lòng với quyết định của cơ quan hành chính tư pháp về việc duy trì quyết định của tổ chức TGPL có thể yêu cầu xem xét lại quyết định hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính theo quy định của pháp luật.
6. Trách nhiệm của Nhà nước và các cơ quan nhà nước
6.1. Trách nhiệm của Nhà nước
- Khuyến khích và hỗ trợ các tổ chức nhân dân, các cơ sở công lập, các tổ chức xã hội thực hiện TGPL một cách hợp pháp dưới sự hướng dẫn của các cơ quan hành chính tư pháp.
- Khuyến khích và hỗ trợ các lực lượng xã hội như doanh nghiệp, các tổ chức công lập, các tổ chức xã hội và cá nhân hỗ trợ các tổ chức TGPL. Các tổ chức, cá nhân có thể hỗ trợ tài sản.
- Khen thưởng những tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác TGPL.
- Khuyến khích và quản lý các dịch vụ tình nguyện viên TGPL, hỗ trợ các tình nguyện viên đủ điều kiện thực hiện TGPL theo quy định của pháp luật. Các biện pháp quản lý cụ thể đối với tình nguyện viên TGPL do các cơ quan chuyên môn của Hội đồng Nhà nước hướng dẫn.
- Thiết lập và hoàn thiện các cơ chế điều tiết các nguồn lực dịch vụ pháp lý giữa các khu vực; khuyến khích, hỗ trợ các trung tâm dịch vụ pháp lý, luật sư, tình nguyện viên TGPL, v.v. trong việc cung cấp TGPL ở các khu vực còn thiếu hụt các nguồn lực dịch vụ pháp lý.
- Tăng cường sử dụng công nghệ thông tin trong TGPL, thúc đẩy chia sẻ thông tin và phối hợp nhiệm vụ giữa các cơ quan hành chính tư pháp, các cơ quan tư pháp và các cơ quan có liên quan.
6.2. Ủy ban hành chính tư pháp của Quốc vụ viện có nhiệm vụ hướng dẫn và giám sát hiệu quả hoạt động TGPL trong phạm vi toàn quốc
6.3. Trách nhiệm của chính quyền nhân dân cấp huyện trở lên
- Đưa công tác TGPL vào kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và trong hệ thống dịch vụ công cơ bản, để đảm bảo sự phát triển đồng bộ của giữa TGPL với kinh tế và xã hội.
- Xây dựng các biện pháp bảo đảm cho TGPL, bao gồm cả các chi phí liên quan đến TGPL trong nguồn ngân sách của Chính phủ cấp cho địa phương đó, thiết lập các cơ chế sửa đổi linh hoạt, đảm bảo nhu cầu của công tác TGPL và thúc đẩy sự phát triển cân bằng của TGPL.
- Các cơ quan có liên quan khác của chính quyền nhân dân cấp huyện trở lên phải hỗ trợ và đảm bảo cho công tác TGPL phù hợp với nhiệm vụ được giao.
6.4. Trách nhiệm của các cơ quan hành chính tư pháp
- Thường xuyên thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục về TGPL để phổ biến kiến thức về TGPL.
- Thiết lập hệ thống điều tra và xử lý các khiếu nại về công tác TGPL; sau khi nhận được khiếu nại phải thụ lý theo quy định có liên quan và điều tra, xử lý, đồng thời thông báo ngay cho người khiếu nại biết kết quả.
- Tăng cường giám sát dịch vụ TGPL, ban hành tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ TGPL và định kỳ đánh giá chất lượng thông qua nhiều phương tiện, kể cả đánh giá của bên thứ ba.
- Thiết lập hệ thống công bố thông tin TGPL, công bố định kỳ về sử dụng quỹ TGPL, xử lý vụ việc, kết quả đánh giá chất lượng và chịu sự giám sát của người dân.
- Hướng dẫn và giám sát hiệu quả hoạt động TGPL đối với khu vực hành chính tương ứng.
- Đào tạo người thực hiện TGPL theo kế hoạch để nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực của họ.
6.5. Trách nhiệm của những cơ quan tiến hành tố tụng
- Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan công an thông báo cho TGPL cử luật sư tham gia nếu người bị tình nghi, bị can, bị cáo thuộc trường hợp được TGPL; không được ngăn cản, xâm hại quyền của người bào chữa.
- Nhận đơn và gửi đơn yêu cầu đến tổ chức TGPL theo đúng quy định.
- Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan công an có trách nhiệm bảo đảm việc thực hiện TGPL của luật sư theo quy định của pháp luật, thông báo cho người bị tình nghi, bị can, bị cáo không có người bào chữa về quyền được gặp luật sư, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho họ gặp gỡ luật sư, tạo điều kiện để luật sư tìm hiểu về vụ việc, truy cập hồ sơ vụ việc và tổ chức các cuộc họp.
6.6. Trách nhiệm của Hiệp hội luật sư
- Đưa việc thực hiện nghĩa vụ TGPL của các công ty luật và luật sư vào nội dung đánh giá hàng năm và bị xử phạt theo quy định đối với các công ty luật và luật sư không thực hiện nghĩa vụ TGPL hoặc tham gia TGPL không tích cực.
7. Trách nhiệm pháp lý
7.1. Tổ chức trợ giúp pháp lý, người được TGPL thuộc một trong các trường hợp sau đây thì cơ hành chính tư pháp yêu cầu chấn chỉnh; trả lại hoặc tịch thu tài sản thu lợi bất hợp pháp; các biện pháp xử phạt được áp dụng theo quy định của pháp luật đối với những người quản lý trực tiếp và những người có liên quan khác:
(1) Từ chối thực hiện TGPL cho những người đủ điều kiện nhận TGPL; hoặc cố ý thực hiện TGPL cho người không đủ điều kiện;
(2) Cử người thực hiện TGPL không đáp ứng tiêu chuẩn của Luật này;
(3) Nhận lợi ích vật chất từ người nhận trợ giúp;
(4) Tham gia vào các dịch vụ pháp lý để được hưởng lợi;
(5) Chiếm hữu, chia chác hoặc biển thủ kinh phí TGPL;
(6) Làm lộ bí mật nhà nước, bí mật thương mại, bí mật cá nhân trong quá trình thực hiện TGPL;
(7) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
7.2. Công ty luật hoặc trung tâm dịch vụ pháp lý cấp cơ sở có bất kỳ hành vi nào sau đây thì cơ quan hành chính tư pháp phải xử phạt theo quy định của pháp luật:
(1) Từ chối nhận chỉ định của các tổ chức TGPL mà không có lý do chính đáng;
(2) Không kịp thời cử luật sư hoặc nhân viên dịch vụ pháp lý của công ty đó thực hiện TGPL hoặc họ từ chối hỗ trợ hoặc từ chối bảo đảm cho nhân viên dịch vụ pháp lý thực hiện TGPL;
(3) Dung túng hoặc làm ngơ trước việc luật sư hoặc nhân viên dịch vụ pháp lý của công ty thực hiện chậm các nghĩa vụ TGPL hoặc ngừng thực hiện TGPL khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép;
(4) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
7.3. Khi luật sư hoặc nhân viên dịch vụ pháp lý có bất kỳ trường hợp nào sau đây, cơ quan hành chính tư pháp phải xử phạt theo quy định của pháp luật:
(1) Từ chối thực hiện nghĩa vụ TGPL hoặc trì hoãn việc thực hiện mà không có lý do chính đáng;
(2) Chấm dứt việc thực hiện TGPL khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép;
(3) Nhận tài sản từ người được trợ giúp;
(4) Làm lộ bí mật nhà nước, bí mật thương mại, bí mật cá nhân trong quá trình thực hiện TGPL;
(5) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
7.4. Trong trường hợp người nhận trợ giúp được TGPL do gian lận hoặc các hình thức không hợp pháp khác, các cơ quan hành chính tư pháp phải buộc họ trả phí TGPL đã được thực hiện và phạt tiền lên đến 3.000 nhân dân tệ.
7.5. Trường hợp trục lợi từ hoạt động TGPL thì cơ quan hành chính tư pháp phải ra lệnh xử phạt, tịch thu số tài sản thu lợi bất hợp pháp đó và phạt tiền từ 1 đến 3 lần số tiền thu lợi bất hợp pháp.
7.6 Các cơ quan nhà nước và cán bộ của cơ quan nhà nước lợi dụng quyền hạn, không thực hiện nhiệm vụ, lợi dụng luật để trục lợi trong công tác TGPL thì người quản lý trực tiếp và những người có liên quan khác phải bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
7.7. Trường hợp vi phạm mà có dấu hiệu tội phạm thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
8. Một số quy định bổ sung
- Những quy định của Luật TGPL Trung Quốc cũng được áp dụng với các tổ chức đoàn thể như Liên đoàn lao động, Đoàn Thanh niên cộng sản, Hội Liên hiệp phụ nữ và Hội người khuyết tật thực hiện công tác TGPL.
- Trường hợp luật pháp của Trung Quốc có quy định về TGPL cho người nước ngoài hoặc người không quốc tịch thì áp dụng các quy định pháp luật đó; trong trường hợp luật pháp của các quốc gia khác không có quy định nào, thì có thể áp dụng các quy định liên quan của luật này bằng cách viện dẫn trên cơ sở các hiệp ước mà Trung Hoa đã ký kết hoặc các hiệp ước quốc tế mà quốc gia đó tham gia hoặc theo nguyên tắc có đi có lại.
- Các biện pháp cụ thể để thực hiện TGPL cho quân nhân và gia đình quân nhân do các cơ quan của Quốc vụ viện và Quân ủy Trung ương ban hành.
Tuyết Minh - Phòng Chính sách và Quản lý nghiệp vụ TGPL
Nguồn: https://tgpl.moj.gov.vn