Giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay
08:54 08/11/2023
NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA TRONG GIÁO DỤC Ý THỨC THƯỢNG TÔN PHÁP LUẬT TRONG QUÁ TRÌNH CHUYỂN ĐỔI SỐ
Hiện nay, Việt Nam đang tiến hành chuyển đổi số toàn diện theo “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, nhằm mục tiêu xây dựng Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Hiện nay, Việt Nam xếp hạng 86/193 quốc gia về Chính phủ số, Chính phủ điện tử; xếp thứ 76/193 quốc gia về dịch vụ công trực tuyến; xếp thứ 87/193 quốc gia về dữ liệu mở. Tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam theo số liệu ước tính năm 2021 của Google Temasek tăng 28%, đứng đầu khu vực Đông Nam Á. 1.400 doanh nghiệp công nghệ số có doanh thu từ nước ngoài, tăng 20%. Bộ Thông tin và Truyền thông ước tính đóng góp của kinh tế số trong GDP năm 2021 đạt 11,91%, năm 2022 đạt 14,26%, năm 2025 đạt khoảng 20% (2). Về xã hội số, đầu năm 2023, nước ta có khoảng 77,93 triệu người sử dụng Internet (chiếm 79,1% tổng dân số); số người sử dụng mạng xã hội khoảng 70 triệu, (chiến 71% tổng dân số). Tổng số kết nối di động đang hoạt động là 161,6 triệu, (tương đương với 164,0% tổng dân số) (3). Quá trình chuyển đổi số toàn diện đã và đang tác động đa chiều tới công tác tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật của công dân.
Chuyển đổi số tạo nên những điều kiện thuận lợi chưa từng có cho công tác tuyên truyền, PBGDPL, nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật. Nếu như trước đây, việc tuyên truyền, PBGDPL chủ yếu thông qua các hình thức như sinh hoạt các tổ chức, hội nghị, hội thảo theo định kỳ, qua các cuộc họp tổ dân cư, khối phố... với số lượng người tham gia giới hạn. Việc tuyên truyền, PBGDPL bằng các hình thức trực quan như đặt pano, áp - phích khổ lớn khó thực hiện, gây tốn kém, lãng phí, hiệu quả không cao. Các tài liệu tuyên truyền, PBGDPL được phát hành dưới dạng bản in có số lượng hạn chế, lưu trữ, bảo quản khó khăn và nhanh chóng bị lạc hậu do việc bổ sung, thay đổi nội dung pháp luật. Tất cản những “rào cản” đó được giải quyết triệt để nhờ công nghệ số.
Cùng với chuyển đổi số, việc tuyên truyền PBGDPL được thực hiện một cách chủ động, linh hoạt với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, nhờ sự hỗ trợ đắc lực của ứng dụng công nghệ số và mạng xã hội. Các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương đã sử dụng cổng thông tin điện tử và các ứng dụng trò chuyện, nhắn tin, gọi trực tuyến (Zalo, Viber, Mocha35…), mạng xã hội (như Facebook, Zalo, Youtube, Twitter, Lotus…) để thông tin, phổ biến pháp luật của ngành, lĩnh vực, địa phương cho người dân. Mạng xã hội dần trở thành một trong những kênh quan trọng, dễ tiếp cận, được các địa phương lựa chọn nhằm đưa thông tin, PBGDPL tới người dân một cách nhanh nhóng và có sức lan tỏa rộng lớn. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã xây dựng các chuyên mục giải đáp pháp luật qua thư điện tử hoặc giao lưu trực tuyến trên mạng Internet; giải đáp vướng mắc của doanh nghiệp và người dân trên Cổng thông tin điện tử, qua điện thoại; tổ chức cuộc thi trực tuyến; sử dụng mạng xã hội Facebook; tổ chức các chiến dịch phổ biến giáo dục pháp luật trên mạng tiktok… Những hình thức PBGDPL này đã chứng tỏ hiệu quả vượt trội so với các lớp học truyền thống trước đây.
Việc xây dựng các chương trình, sản phẩm, tài liệu, ấn phẩm để đăng tải lên Trang thông tin điện tử PBGDPL phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nhân dân cũng được thực hiện rộng rãi trên nền tảng số như: bài giảng điện tử, video tiểu phẩm pháp luật, câu hỏi đáp pháp luật, tờ gấp pháp luật, tài liệu giới thiệu các luật, pháp lệnh mới ban hành… Hệ thống tin, bài viết, tài liệu PBGDPL thường xuyên được xây dựng, đăng tải, cập nhật trên Cổng/Trang/Chuyên mục PBGDPL của các bộ, ngành, địa phương với số lượng ngày càng lớn, đáp ứng kịp thời nhu cầu tìm hiểu pháp luật của mọi đối tượng công dân. Chỉ tính riêng trong 3 năm (2019 - 2021), tổng số tin bài, bài viết, tài liệu PBGDPL được đăng tải trên Internet của các địa phương đạt 601.936 tài liệu(4). Bên cạnh đó, nhiều hoạt động PBGDPL khác được các bộ, ngành, địa phương thực hiện thông qua Cổng/Trang thông tin PBGDPL như: tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến; tổ chức các chương trình truyền thông; xây dựng các ấn phẩm, bài viết về pháp luật… mà dư luận xã hội đang quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội, thu hút đông đảo người dân tham gia.
Về phía người dân, công nghệ số đã hỗ trợ đắc lực cho việc tham gia các chương trình PBGDPL do các cấp tổ chức. Với thiết bị thông minh được kết nối internet, mọi người dân ở các vùng miền có thể dễ dàng tham gia vào các hoạt động giáo dục phổ biến pháp luật, do các cấp tổ chức, không bị giới hạn bởi không gian, thời gian. Thực tế các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến do các bộ, ngành, địa phương tổ chức thời gian qua đã thu hút đông đảo nhân dân cả nước tham gia, không giới hạn bởi địa bàn hành chính. Bên cạnh đó việc tìm hiểu, tiếp cận các văn bản luật, các tài liệu tuyên truyền, PBGDPL được thực hiện dễ dàng, thuận tiện, nhanh chóng; đáp ứng kịp thời nhu cầu tìm hiểu, giải đáp vướng mắc về pháp luật cho mọi người dân, doanh nghiệp. Các ứng dụng mạng xã hội với chức năng thảo luận trực tiếp hoặc để lại ý kiến phản hồi đã tạo điều kiện cho người dân tham gia tìm hiểu pháp luật một cách chủ động, được bày tỏ ý kiến cá nhân, đặt câu hỏi và nhận được trả lời một cách đầy đủ, nhanh chóng, kịp thời. Điều này tạo nên tâm lý hứng khởi, kích thích sự tự giác của người dân khi tham gia tìm hiểu pháp luật.
Bên cạnh những tác động tích cực, nổi trội, chuyển đổi số đang đặt ra nhiều vấn đề mới cho công tác giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật.
Một là, chuyển đổi số đặt ra yêu cầu phải có hạ tầng và nền tảng số hiện đại, đồng bộ cho công tác PBGDPL. Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực, nhưng “một số bộ, ngành, địa phương còn chưa quan tâm đúng mức đến việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL”(5). Việc xây dựng Cổng/Trang thông tin điện tử PBGDPL của các bộ, ngành, địa phương còn chậm tiến độ. Các chương trình, sản phẩm, tài liệu, ấn phẩm PBGDPL để đăng tải trên Cổng hoặc Trang thông tin điện tử PBGDPL còn thiếu phong phú. Nhiều Cổng/Trang Thông tin PBGDPL chưa có phần mềm, ứng dụng công nghệ trực tuyến trong PBGDPL như: diễn đàn trao đổi trực tuyến; tư vấn, hỏi đáp pháp luật trực tuyến để phục vụ hiệu quả, thuận tiện hơn nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân. Vấn đề kết nối, chia sẻ dữ liệu chưa được thực hiện thường xuyên, rộng khắp; nền tảng số hóa công tác PBGDPL chưa được phát triển.
Hai là, vấn đề kiểm soát thông tin PBGDPL trên môi trường số diễn biến phức tạp. Hoạt động tuyên truyền, PBGDPL trên internet, thông qua các ứng dụng mạng xã hội đã và đang chịu tác động lớn từ những thông tin xấu, độc, thông tin sai sự thật. Hiện nay, tình trạng tán phát các loại thông tin giả, sai sự thật trên internet diễn biến rất phức tạp, trong đó có nhiều nội dung thông tin làm gây sai lệch chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và luật pháp của Nhà nước. Thủ đoạn phổ biến là các đối tượng xấu tạo lập nhiều tài khoản cá nhân trên mạng xã hội mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước, người đứng đầu chính quyền các cấp, mạo danh người nổi tiếng, mạo danh cơ quan công an, quân đội và các kênh truyền thông chính thống của nhà nước (như các kênh VTV…) để đăng tải tin giả, tin sai sự thật nhằm dẫn dắt dư luận. Nhiều thông tin sai sự thật liên quan đến chính sách, pháp luật của Nhà nước được tán phát rộng rãi, được mọi tầng lớp nhân dân tiếp cận, chia sẻ, bình luận… gây nên những tổn hại về kinh tế cho các tổ chức, cá nhân, gây hoang mang trong dư luận xã hội. Nguy hại hơn, những thông tin này còn gây tổn hại cho các hệ thống tuyên truyền, PBGDPL của các cơ quan, tổ chức nhà nước. Thực tế, đã có thông tin pháp luật sai lệch, chưa được kiểm chứng được nhiều cá nhân (trong đó có cả cán bộ, đảng viên, phóng viên…) sử dụng, chuyển thành sản phẩm tuyên truyền, vô tình tiếp tay cho kẻ xấu, gây nhiễu loạn thông tin PBGDPL. Vấn đề kiểm soát thông tin tuyên truyền, PBGDPL trên internet, mạng xã hội trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết; có tính chất quyết định đến hiệu quả giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho công dân trong thời đại số.
Ba là, chuyển đổi số đặt ra nhiều vấn đề mới cho việc xây dựng ý thức thượng tôn pháp luật của công dân. Cùng với quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ ở các ngành, các lĩnh vực, môi trường số đang trở thành môi trường hoạt động phổ biến, không thể thiếu của người dân. Bên cạnh những tác động tích cực đến cuộc sống, công việc của người dân, môi trường số làm phát sinh nhiều vấn đề mới liên quan đến ý thức thượng tôn pháp luật của người dân. Phổ biến nhất là tình trạng tuân thủ không đúng, thậm chí vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật liên quan đến bản quyền trên môi trường số. Hiện Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực về tỷ lệ vi phạm bản quyền, với 15,5 triệu người thường xuyên truy cập vào các website lậu. Năm 2022, vấn nạn vi phạm bản quyền khiến Việt Nam thiệt hại 350 triệu USD... Bên cạnh đó, tình trạng công bố thông tin của cá nhân, tổ chức mà không được phép, gửi thư rác, tin nhắn rác, lừa đảo qua mạng, bắt nạt qua mạng… gây tổn hại uy tín, danh dự và thiệt hại kinh tế không hề nhỏ cho nhiều cá nhân, tổ chức đang diễn biến phức tạp. Đặc biệt, tình trạng tội phạm ở trẻ vị thành niên có chiều hướng gia tăng, có nguyên nhân từ nghiện game trực tuyến, bắt chước phim, ảnh và những video clip xấu, độc trên internet, mạng xã hội.
“Thượng tôn pháp luật” nghĩa Hán - Việt là “pháp luật là trên hết”; theo thuật ngữ trong ngành luật học là “sự nghiêm minh của pháp luật”. Trong tiếng Anh, “Thượng tôn pháp luật” được dịch là “Strictly abide by the laws”, hàm ý là tất cả mọi thành phần trong xã hội của một quốc gia, lãnh thổ phải tôn trọng và chấp hành triệt để luật pháp của quốc gia, lãnh thổ đó. Một khi luật pháp đã được ban hành, thì toàn xã hội phải lấy nó làm chuẩn mực để hành xử theo cho phù hợp, không phân biệt thành phần, địa vị xã hội, không một ai có quyền “ngồi trên” pháp luật. Ở góc độ một công dân, tính thượng tôn pháp luật thể hiện ở việc nghiêm chỉnh chấp hành các quy định pháp luật được ban hành. Tuy nhiên, để đạt được kết quả mong muốn này, người dân phải được biết và hiểu rõ các quy định được ban hành. Ở góc độ của người lãnh đạo, tính thượng tôn pháp luật thể hiện ở việc ban hành và thực thi (áp dụng) pháp luật vào đời sống xã hội phải đúng đắn và công bằng. Để xây dựng ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi công dân, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật phải được đặt lên hàng đầu. |
HƯỚNG TỚI TĂNG CƯỜNG SỰ HIỂU BIẾT, NÂNG CAO Ý THỨC CHẤP HÀNH, THƯỢNG TÔN PHÁP LUẬT
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, PBGDPL nhằm nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật cho công dân trong bối cảnh chuyển đổi số tiếp tục diễn ra mạnh mẽ, toàn diện ở Việt Nam, cần thực hiện tốt một số nội dung giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự chủ động, tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương đối với hoạt động tuyên truyền, PBGDPT, tạo cơ sở nền tảng cho việc xây dựng ý thức thượng tôn pháp luật trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay. Cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu các cấp cần có tư duy đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và có sự trao đổi kinh nghiệm trong ứng dụng công nghệ thông tin để PBGDPL; ưu tiên ứng dụng các công nghệ mới đáp ứng yêu cầu tương tác, trực tuyến phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân, doanh nghiệp.
Thứ hai, các bộ, ngành, địa phương tập trung vận hành, khai thác hiệu quả Cổng Thông tin điện tử PBGDPL gắn với thực hiện chuyển đổi số hoạt động PBGDPL. Xác định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong xây dựng, hoàn thiện các nền tảng dùng chung cho hoạt động PBGDPL; xây dựng hệ cơ sở dữ liệu PBGDPL dùng chung, đáp ứng nhu cầu PBGDPL của cơ quan nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân.
Thứ ba, phát huy, nhân rộng các hình thức PBGDPL trên môi trường mạng, trên mạng xã hội, các diễn đàn trực tuyến, mạng viễn thông, sóng phát thanh, truyền hình, mạng lưới thông tin cơ sở... đang được triển khai có hiệu quả. Tiếp tục thực hiện tốt việc số hóa các tài liệu PBGDPL cũng như biên soạn, đăng tải các ấn phẩm đa phương tiện về PBGDPL…trên internet và các ứng dụng mạng xã hội.
Thứ tư, hoàn thiện về thể chế, chính sách nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác PBGDPL, đặc biệt là vấn đề kinh phí đầu tư, chất lượng nguồn nhân lực và hạ tầng, nền tảng số.
Thứ năm, các bộ, ngành, địa phương thường xuyên tiến hành sơ kết, tổng kết, động viên, khen thưởng kịp thời đối với những tập thể, cá nhân có thành tích tốt trong công tác PBGDPL; phát hiện các mô hình, cách làm hiệu quả trong PBGDPL trong quá trình chuyển đổi số để rút kinh nghiệm, nhân ra diện rộng.
Giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật trong bối cảnh chuyển đổi số ở việt nam hiện nay là yêu cầu cấp thiết. Trước những tác động đa chiều từ quá trình chuyển đổi số, hoạt động tuyên truyền, PBGDPL nhằm xây dựng ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi công dân cần có sự điều chỉnh cho phù hợp. Mục tiêu hướng tới tăng cường sự hiểu biết, nâng cao ý thức chấp hành, thượng tôn pháp luật là của mọi công dân nhằm bảo vệ chính mình và cộng đồng, vì một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.