Giải pháp hoàn thiện việc thực thi các cam kết về dịch vụ của Việt Nam trong ASEAN

13:48 14/10/2022

Sau hơn 20 năm thực hiện Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ, Việt Nam đã có những bước phát triển tích cực trong tiến trình hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập ASEAN nói riêng, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế quốc gia, tích lũy những kinh nghiệm quý cho các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi các cam kết về dịch vụ của Việt Nam trong ASEAN, cần có những giải pháp tổng thể nhằm bảo đảm cho việc chủ động tuân thủ các nghĩa vụ thành viên của Việt Nam, đồng thời bảo vệ được tối đa lợi ích của quốc gia, các nhà cung ứng dịch vụ khi tham gia các quan hệ thương mại dịch vụ với các đối tác ASEAN.

Thực tiễn thực thi các cam kết về thương mại dịch vụ của Việt Nam trong ASEAN

Văn kiện của Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Thực hiện nghiêm các cam kết quốc tế và các hiệp định thương mại đã ký kết. Tranh thủ môi trường quốc tế thuận lợi để nâng cao năng lực hội nhập và mức độ hưởng lợi từ hội nhập, có đóng góp xứng đáng vào công cuộc phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường khu vực và thế giới” (1). Ngoài cam kết mở cửa trong WTO, Việt Nam đã thực hiện cam kết mở cửa trong các hiệp định thương mại tự do (FTA), với mức độ mở cửa cao hơn WTO nhưng chỉ áp dụng riêng cho các đối tác FTA cụ thể. Tính đến thời điểm tháng 1-2022, Việt Nam tham gia vào 15 hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực trên thực tế (2). Nhìn chung, hầu như các FTA Việt Nam đã ký đều chủ yếu tập trung vào các cam kết về thương mại hàng hóa, còn đối với cam kết về mở cửa thị trường dịch vụ thì số lượng không nhiều và thường rất hạn chế, chỉ tương đương WTO hoặc mở thêm so với WTO ở một vài phân ngành dịch vụ (3). Trong ASEAN, Việt Nam thực thi tự do hóa thương mại dịch vụ thông qua thực thi các cam kết trong Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS), các cam kết về tự do di chuyển lao động và gần đây là việc ký kết Hiệp định thương mại dịch vụ ASEAN (ATISA).

Hội thi Tay nghề Dầu khí lần thứ VII năm 2022 - thông qua hội thi, tuyển chọn thí sinh đủ tiêu chuẩn, giỏi về tay nghề, tham gia các hội thi tay nghề khu vực ASEAN và thế giới_Nguồn: PVN

Đối với đặc điểm của thương mại dịch vụ thì các rào cản sẽ tập trung chủ yếu vào pháp lý liên quan đến chính sách, thể chế và quy định. Vì vậy, việc thực hiện các cam kết về dịch vụ của các quốc gia trong AEC nói chung và của Việt Nam nói riêng sẽ chủ yếu tập trung vào việc điều chỉnh và ban hành các chính sách, quy định, pháp luật của riêng từng quốc gia.

Hiệp định AFAS thiết lập các nguyên tắc chung về dịch vụ trong ASEAN, trên cơ sở đó, các nước thành viên ASEAN đàm phán mở cửa dần các lĩnh vực dịch vụ thông qua các gói cam kết về dịch vụ. Cho đến nay, AFAS đã thực hiện đàm phán 10 gói cam kết chung về dịch vụ, 8 gói cam kết riêng về dịch vụ tài chính, 11 gói cam kết riêng về dịch vụ vận tải hàng không. Các gói cam kết về dịch vụ trong AFAS được thực hiện theo phương thức chọn - cho sử dụng phương pháp phân loại dịch vụ theo mã CPC giống như trong Hiệp định GATS. Năm 2018, Việt Nam đã đưa ra Gói cam kết số 10, thể hiện rõ nỗ lực của Việt Nam trong việc hội nhập quốc tế đối với lĩnh vực thương mại dịch vụ.

Thực thi các cam kết chung trong AFAS

Đối với các cam kết về mở cửa thị trường trong cam kết chung, Việt Nam đưa ra các điều kiện có tính ràng buộc đối với các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài ở các mức độ khác nhau. Các điều kiện này bao gồm: Hạn chế về số lượng nhà cung cấp dịch vụ; hạn chế về tổng giá trị của các giao dịch hoặc tài sản; hạn chế về tổng số hoạt động dịch vụ hoặc số lượng dịch vụ cung cấp; hạn chế về số lượng lao động; hạn chế hình thức thành lập doanh nghiệp (liên doanh hay 100% vốn nước ngoài), hạn chế vốn góp của nước ngoài.

Những điều kiện này là mức độ mở cửa tối thiểu, AFAS cho phép các quốc gia tự quyết định mở cửa rộng hơn (giảm bớt các điều kiện đối với các nhà cung cấp nước ngoài) nếu quốc gia thấy phù hợp. Có thể thấy rằng trong các cam kết chung đối với gói AFAS 8, 9, 10 cũng tương đương với cam kết trong WTO, Việt Nam cam kết mở cửa thị trường đối với phương thức 1 (cung cấp dịch vụ qua biên giới) và phương thức 2 (tiêu dùng ở nước ngoài). Tính đến thời điểm hiện tại thì pháp luật Việt Nam không hạn chế số lượng nhà cung cấp dịch vụ cũng như hạn chế số lượng lao động nước ngoài trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, những điều kiện này vẫn cần phải tuân theo các quy định chung trong Luật Đầu tư 2020, Luật Lao động 2019 và các nghị định của Chính phủ có liên quan. Cụ thể, theo Luật Đầu tư 2020, các nhà cung ứng dịch vụ nước ngoài sẽ được áp dụng quy định tiếp cận thị trường như các nhà đầu tư trong nước, trừ những trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 9 Luật Đầu tư 2020. Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành nghị định số 31/2021/NĐ-CP, ngày 26-3-2021, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư. Đi kèm với nghị định này, Chính phủ đã ban hành danh mục các ngành nghề chưa được tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài và danh mục các ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các ngành dịch vụ. Ngoài điều kiện tiếp cận thị trường đối với các ngành, nghề quy định tại Luật Đầu tư 2020 và Nghị định số 31/2021/NĐ-CP, các nhà cung ứng dịch vụ nước ngoài khi thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện cụ thể khác (4).

Như vậy, có thể thấy, với các cam kết chung liên quan đến phương thức 1 và phương thức 2, các cam kết của Việt Nam là tương đối mở với các nhà cung ứng dịch vụ và ít áp đặt hạn chế ở trong hai phương thức này.

Để thực hiện các cam kết chung liên quan đến phương thức 3, Việt Nam cho phép các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài, đặc biệt là các nhà cung cấp dịch vụ ASEAN được thành lập hiện diện thương mại theo các hình thức đã cam kết. Để thực hiện các cam kết, Việt Nam đã sửa đổi một số luật liên quan, như Luật Đầu tư, Luật Thương mại, Luật Doanh nghiệp, đồng thời ban hành một số nghị định và văn bản hướng dẫn thi hành các luật này. Thành quả của quá trình sửa đổi gần đây nhất là Luật Đầu tư 2020 và Luật Doanh nghiệp 2020 cùng các văn bản hướng dẫn, như Nghị định số 31/2021/NĐ-CP… Các luật sửa đổi và các văn bản hướng dẫn đều bám sát pháp luật Việt Nam và đồng thời cũng phù hợp với các cam kết chung của Việt Nam đối với phương thức 3.

Tuy nhiên, vẫn còn những rào cản đối với các nhà cung ứng dịch vụ nước ngoài, chẳng hạn như đối với các cam kết liên quan đến góp vốn, mua cổ phần của các nhà cung ứng dịch vụ nước ngoài, các quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành được quy định tại Luật Đầu tư 2020 và Nghị định số 31/2021/NĐ-CP. Trong đó, Điểm a khoản 3 Điều 9 Luật Đầu tư 2020 quy định về điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài: “a) Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế”. Do vậy, một trong những điều kiện để nhà đầu tư nước ngoài khi góp vốn vào doanh nghiệp Việt Nam là đáp ứng về tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ. Điều này cũng được quy định tại khoản 10 Điều 17 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP quy định về hạn chế tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại các điều ước quốc tế về đầu tư.

Đối với phương thức 4, giống như hầu hết các quốc gia thành viên ASEAN khác, Việt Nam hầu như không cam kết đối với phương thức này. Việc cung cấp dịch vụ thông qua phương thức 4 hiện nay được điều chỉnh bởi các văn bản chủ yếu gồm: Luật Đầu tư 2020; Nghị định số 75/2020/NĐ-CP, ngày 1-7-2020, của  Chính phủ “Quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam”; Luật số 51/2019/QH14, ngày 1-7-2020, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong việc sửa đổi luật và chính sách, song các cam kết chung đối với phương thức 4 dường như vẫn chưa được chú trọng như phương thức 3.

Đối với Danh mục miễn trừ đối xử tối huệ quốc trong cam kết chung, Việt Nam đưa ra các ngoại lệ đối với nguyên tắc đối xử tối huệ quốc (MFN) hay miễn trừ MFN. Nguyên tắc xác định cho thể nhân và pháp nhân của bất kỳ một nước thứ ba nào đang và sẽ được hưởng trong tương lai. Chế độ đãi ngộ tối huệ quốc biểu hiện việc thừa nhận quyền được đối xử ngang bằng nhau giữa các quốc gia nước ngoài trong mối quan hệ của nước sở tại với các thể nhân và pháp nhân của các nước khác nhau. Cam kết về đối xử quốc gia của Việt Nam trong gói cam kết số 8, 9 và 10 đưa ra các điều kiện mà Việt Nam áp dụng để hạn chế đối với nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài và giống với cam kết của Việt Nam trong GATS.

Thực thi các cam kết cụ thể trong AFAS

Đối với các cam kết cụ thể trong AFAS, Việt Nam đã tiến hành sửa đổi và ban hành các chính sách với mục tiêu thực hiện cam kết trong từng ngành cụ thể, điển hình là các ngành dịch vụ trọng điểm, như ngân hàng, chứng khoán, phân phối, bảo hiểm, viễn thông. Đến nay, Việt Nam đã hoàn thiện Gói cam kết số 9 và đang thực hiện Gói cam kết số 10. Ngày 29-12-2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 185/NQ-CP về việc phê duyệt Nghị định thư thực hiện Gói cam kết dịch vụ số 10 trong khuôn khổ Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ. Theo đó, Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan tổ chức triển khai thực hiện Biểu cam kết kèm theo Nghị định thư.

Sự tham gia vào các Thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRAs - Mutual Recognition Agreements) là một hoạt động quan trọng trong hội nhập dịch vụ của các quốc gia thành viên ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng. Các MRAs sẽ thiết lập những điều khoản về yêu cầu, thủ tục xác minh các điều kiện được phép hành nghề có tính tương đương tại các nước tham gia ký kết để bảo đảm rằng những dịch vụ được cung cấp cho người tiêu dùng sẽ đáp ứng các điều kiện tối thiểu về chất lượng dịch vụ cung cấp tại quốc gia tiếp nhận dịch vụ. Hiện nay, ASEAN đã ký kết được 9 thoả thuận công nhận lẫn nhau trong các lĩnh vực ngành nghề dịch vụ (5). Đối với các MRAs này, Việt Nam đều đã và đang tuân thủ chặt chẽ các quy trình của ASEAN, bảo đảm cho việc thực hiện theo đúng cam kết như thành lập Ủy ban giám sát thực hiện các MRAs trong từng lĩnh vực, xây dựng các nguyên tắc đăng ký đạt chuẩn lao động lành nghề ASEAN trong từng lĩnh vực, điều chỉnh các chính sách liên quan và tổ chức các hội thảo phổ biến về các MRAs mà Việt Nam đã ký kết.

Đối với người lao động trong ASEAN thì khi có một khung tiêu chuẩn nghề nghiệp được cộng đồng ASEAN thừa nhận thì họ có thể dịch chuyển nơi làm việc sang các quốc gia trong khu vực, mở ra nhiều cơ hội giao lưu, phát triển tay nghề cũng như nâng cao thu nhập. Ngày 18-10-2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1982/QĐ-TTg, phê duyệt Khung trình độ quốc gia Việt Nam (VQF). Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: Triển khai có hiệu quả hệ thống giáo dục quốc dân theo các mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đa dạng hóa phương thức đào tạo dựa theo mô hình giáo dục mở, khung trình độ quốc gia, gắn với thị trường và đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; chuẩn bị nguồn nhân lực cho chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số và những quy định trong Luật Giáo dục 2019, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Thủ tướng Chính phủ ban hành Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ của giáo dục đại học giai đoạn 2020 - 2025 (kèm theo Quyết định số 436/QĐ-TTg, ngày 30-3-2020) và Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 (kèm theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg, ngày 15-7-2021).

Thực thi các cam kết trong ATISA

Việt Nam đã tham gia nhiều FTA thế hệ mới, với mục tiêu mở rộng các cam kết về dịch vụ, xóa bỏ các rào cản thương mại, tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng, minh bạch cho các nhà đầu tư, cung ứng dịch vụ. Trong đó, liên quan đến dịch vụ trong ASEAN, ngày 18-10-2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 131/NQ-CP phê duyệt Hiệp định thương mại dịch vụ ASEAN (ATISA). Về nguyên tắc, ATISA thiết lập các khuôn khổ thực thi những cam kết tự do hóa từ AFAS, giảm bớt các rào cản quy định phân biệt đối xử với những nhà cung cấp dịch vụ, đồng thời đưa ra nền tảng pháp luật vững chắc và cơ chế minh bạch hơn cho thị trường dịch vụ trong khu vực. Về mở cửa các thị trường dịch vụ, ATISA áp dụng phương pháp tiếp cận mở cửa theo kiểu “chọn - bỏ”, các bên cam kết mở cửa tất cả các ngành dịch vụ ngoại trừ các ngành, phân ngành được liệt kê trong danh sách các biện pháp không tương thích - NCM (danh sách thiết lập riêng theo theo cam kết của từng nước thành viên ASEAN) (6). Đây là cách tiếp cận mới so với phương pháp chọn - cho của AFAS, vốn chỉ cho phép mở cửa những ngành dịch vụ đã được liệt kê rõ ràng trong biểu cam kết. Trong Nghị quyết số 131/NQ-CP, Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tổ chức triển khai thực hiện Hiệp định ATISA sau khi có hiệu lực. Các bộ, ngành liên quan phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng danh mục các biện pháp không tương thích trên cơ sở Gói cam kết dịch vụ thứ 10 (Hiệp định AFAS) bảo đảm quyền và lợi ích của Việt Nam và các cam kết của Việt Nam với ASEAN; chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện ATISA.

Hiệp định ATISA hy vọng thay thế cho AFAS và đặt nền tảng mới cho việc thúc đẩy thương mại dịch vụ và nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong Cộng đồng ASEAN (7). ATISA dự định sẽ thiết lập các khuôn khổ thực thi các cam kết tự do hóa từ AFAS, giảm bớt các rào cản quy định phân biệt đối xử với các nhà cung cấp dịch vụ, đồng thời đưa ra nền tảng vững chắc và cơ chế minh bạch hơn cho thị trường dịch vụ trong khu vực. Tuy nhiên, ATISA vẫn chưa phải là văn bản hoàn chỉnh, mà là sự khởi đầu cho việc xác định các nguyên tắc cụ thể trong tương lai. Cũng giống như AFAS, sau khi ký kết hiệp định còn có các nghị định thư thi hành 10 gói cam kết sau đó. Thêm vào đó, khi ATISA có hiệu lực không có nghĩa là sẽ thay thế ngay và chấm dứt hoàn toàn AFAS, như Điều 36 quy định về việc chuyển tiếp có liên quan tới AFAS. Vì thế trong thời điểm hiện tại, ATISA vẫn chưa thể thay thế hoàn toàn được các quy định cũ về tự do hóa thương mại.

Do đó, mặc dù các FTA thế hệ mới như ATISA có mức độ cam kết mở cửa dịch vụ cao hơn nhiều so với WTO nhưng điều này không đồng nghĩa với việc tiến trình tự do hóa thương mại dịch vụ ở Việt Nam sẽ đạt được ngay những bước tiến đáng kể trong thời gian tới. Phương pháp tiếp cận chọn - bỏ mới được áp dụng tại Việt Nam khi tham gia các hiệp định này, không có nghĩa là cách tiếp cận mới hoàn thiện, hiệu quả hơn phương pháp chọn - bỏ cũ. Mặt khác, việc hoàn thiện và lên lịch trình danh sách biện pháp không tương thích của các nước thành viên ASEAN cần nhiều thời gian, ví dụ đối với Việt Nam là 9 năm, đối với Lào, Myanmar, Campuchia là 15 năm trong ATISA. Hơn thế nữa, vẫn còn thiếu các cơ chế kiểm tra, giám sát của ASEAN liên quan đến thực hiện danh sách biện pháp không tương thích. Vì thế, các FTA thế hệ mới có phương thức tiếp cận tự do hóa thương mại đổi mới hơn và hiện đại hơn so với AFAS hay WTO, tuy nhiên hiệu quả thực tế cần phải được chứng minh theo thời gian.

Triển lãm Quốc tế Hàng không Việt Nam 2022 - triển lãm thu hút sự tham gia của 50 doanh nghiệp, nhà sản xuất, hãng hàng không trong và ngoài nước trưng bày các thiết bị công nghệ hàng không tiên tiến_Ảnh: TTXVN

Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật Việt Nam về dịch vụ

Để các doanh nghiệp nước ngoài tiếp tục mở rộng thị trường tại Việt Nam, cũng như các doanh nghiệp trong nước hội nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế để phát triển, pháp luật của Việt Nam về dịch vụ có một số điểm cần phải được hoàn thiện để phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Thứ nhất, cần chú trọng vào việc hoàn thiện các chính sách mở cửa thị trường dịch vụ theo các cam kết quốc tế đối với phương thức 3 và phương thức 4. Đối với phương thức 3 thì cần có các chính sách gỡ bỏ dần các rào cản thương mại đối với các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài; với phương thức 4 cần có các chính sách mở cửa phù hợp với các cam kết trong AEC và WTO. Các chính sách này cần có sự nhất quán với các chính sách trong nước và các cam kết trong các FTA mà Việt Nam là thành viên. Thêm vào đó, các bộ, ban, ngành liên quan cần điều chỉnh, rà soát các quy định, chính sách để bảo đảm tính nhất quán của văn bản pháp lý trong nước với các cam kết trong WTO nói chung và AFAS nói riêng phù hợp hơn với yêu cầu của AEC Blueprint cũng như xu hướng tự do hoá thương mại dịch vụ mà AEC đã đặt ra (8). Tiếp tục hoàn thiện Luật Nhập cảnh, xuất cảnh và cư trú của người nước ngoài ở Việt Nam; Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động; Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư.

Thứ hai, cần ưu tiên xây dựng và tăng cường các cơ chế thực thi và giám sát để bảo đảm các cam kết trong AEC được thực hiện trong thực tiễn với mục tiêu mở rộng cơ hội cho các nhà cung ứng dịch vụ tham gia vào thị trường Việt Nam. Chẳng hạn, đối với dịch vụ bán lẻ, cần xây dựng các quy định chính sách cụ thể và tiêu chí về kiểm tra ENT (kiểm tra nhu cầu kinh tế) đối với các nhà cung ứng dịch vụ bán lẻ nước ngoài. Bên cạnh việc định nghĩa cụ thể các tiêu chí cũ, cần nghiên cứu bổ sung các quy định, tiêu chí mới về thủ tục lập cơ sở bán lẻ, nghiên cứu đánh giá về các tác động kinh tế - xã hội, về kho bãi, quy mô dân số phục vụ, dịch vụ hỗ trợ, quản lý và marketing.

Thứ ba, các chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cần được hoàn thiện và bổ sung. Việc phát triển trình độ chuyên môn cũng như những kỹ năng cần thiết cho nhân lực của các ngành dịch vụ có vai trò kết nối giữa nguồn nhân lực với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ nhằm thúc đẩy cơ hội việc làm và giảm thiểu chi phí tuyển dụng cho các doanh nghiệp, như chính sách khuyến khích các cơ sở đào tạo xây dựng chương trình đào tạo liên kết quốc tế có cấp bằng, kết hợp giới thiệu việc làm cho lao động dịch vụ, tạo cầu nối trực tiếp giữa lao động và doanh nghiệp... Bên cạnh đó, “tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ am hiểu sâu về luật pháp quốc tế, thương mại, đầu tư quốc tế, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, trước hết là cán bộ trực tiếp làm công tác hội nhập kinh tế quốc tế, giải quyết tranh chấp quốc tế” (9).

Thứ tư, ban hành các quy định, chính sách trên cơ sở hạn chế sự độc quyền của các nhà cung ứng dịch vụ. Các nhà cung cấp dịch vụ lớn có thể thao túng thị trường, do đó những tập đoàn đang chiếm ưu thế tại một khu vực cụ thể nhất định sẽ không được phép mở thêm các chi nhánh khác, không được hình thành các chuỗi liên kết... Chẳng hạn, đối với dịch vụ logistics, các doanh nghiệp phân phối nước ngoài lớn có xu hướng muốn thao túng mạng lưới logistics, gây sức ép lên các doanh nghiệp nội địa, nên cần phải ban hành các chính sách để ngăn chặn việc này.

Thứ năm, để chuẩn bị tốt hơn cho việc thực hiện các thỏa thuận công nhận lẫn nhau - MRAs trong khuôn khổ AEC, Việt Nam cần chuẩn bị tốt hơn cho việc di chuyển lao động lành nghề trong ASEAN thông qua là việc xây dựng và hoàn thiện các quy định, tiêu chuẩn để được công nhận là "lao động lành nghề ASEAN" trong các lĩnh vực ASEAN đã ký MRAs; bổ sung và hoàn thiện các quy định liên quan đến khung đào tạo trình độ quốc gia.

Bên cạnh những gói cam kết về dịch vụ tài chính, dịch vụ vận tải hàng không, di chuyển thể nhân, các gói cam kết chung của Việt Nam đưa ra phù hợp với lộ trình xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN với những cam kết hạn chế và xoá bỏ rào cản thương mại dịch vụ. Tuy nhiên, với sự dỡ bỏ các điều kiện về đầu tư nhanh chóng, các quy định pháp luật của Việt Nam không tránh khỏi còn bất cập. Do vậy, cần sửa đổi các quy định pháp luật để tương thích với các cam kết chung về thương mại dịch vụ mà Việt Nam đã ký kết. Bên cạnh đó, mặc dù các cam kết trong các gói gần đây của Việt Nam trong AFAS cao hơn so với WTO, tuy nhiên các nhà cung ứng dịch vụ nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam vẫn vướng phải một số rào cản nội địa trong nước, nhất là về cổ phần góp vốn, điều kiện thành lập chi nhánh,… Vì vậy, cần sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Thương mại để giảm bớt các rào cản đối với các nhà cung ứng dịch vụ nước ngoài, đồng thời vẫn phải bảo vệ nền sản xuất trong nước. Thêm vào đó, tiếp tục hoàn thiện khung trình độ quốc gia, cùng với các hệ thống giám sát thực hiện khung trình độ quốc gia, để giảm bớt các rào cản về văn bằng, chứng chỉ cho các cá nhân cung cấp dịch vụ nước ngoài./.

NGUYỄN HỮU HOÀNG
Học viện Tòa án
-------------------------------
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 117
(2) Xem: Trung tâm WTO và hội nhập: “Tổng hợp các FTA của việt Nam tính đến tháng 01/2022”, https://trungtamwto.vn/thong-ke/12065-tong-hop-cac-fta-cua-viet-nam-tinh-den-thang-112018
(3) Xem: Đào Thị Thu Hằng: “Một số bất cập trong tiếp cận thị trường thương mại dịch vụ ở Việt Nam giện nay căn cứ theo cam kết WTO”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 8-2017
(4) Theo Điều 15, Nghị định số 31/2021/NĐ-CP, ngày 26-3-2021, của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư
(5) Xem: Tài liệu của ASEAN: “ Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong dịch vụ”, http://www.asean.org/storage/imagines/2015/October/outreachdocument/Edited%20MRA%20Services-2.pdf
(6) Xem: Trung tâm WTO: “Hiệp định Thương mại Dịch vụ ASEAN (ATISA), http://trungtamwto.vn/chuyen-de/13979-hiep-dinh-thuong-mai-dich-vu-asean-atisa
(7) Xem: Tham Siewm Yean: “ASEAN Trade in Services Agreement (ATISA): Advancing Services Liberalization for ASEAN?” (tạm dịch: Hiệp định Thương mại Dịch vụ ASEAN (ATISA): Thúc đẩy tự do hóa Dịch vụ cho ASEAN?), Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, số 54-2019, tr. 2, https://www.iseas.edu.sg/wp-content/uploads/pdfs/ISEAS_Perspective_2019_54.pdf
(8) Xem: Nguyễn Ngọc Hà: “Nội luật hóa các cam kết của việt Nam theo tổ chức thương mại thế giới và các hiệp định thương mại tự do về một số dịch vụ”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 9-2018
(9) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIIISđd, tr. 135 - 136
Nguồn: https://tapchicongsan.org.vn/
Thong ke

Tiến sĩ Nguyễn Trung Thành

Phạm Trọng Đạt

Tiến sĩ Bùi Hải Thiêm

Tỉ giá hối đoái