Giải pháp giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên

09:09 10/07/2021

Sáng ngày 31/7, Trong khuôn khổ đề tài “Giải pháp giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên”, Viện Khoa học Môi trường và Xã hội phối hợp cùng với Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: "Giải pháp giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên

Tham dự Hội thảo có các đồng chí: Dương Duy Hưng - Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội; PGS.TS Nguyễn Đức Bách - Viện trưởng Viện Khoa học Môi trường và Xã hội; đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành, các huyện của tỉnh Thái Nguyên cùng các nhà khoa học, học giả, chuyên gia và nhà quản lý...

Đồng chí Dương Duy Hưng - Phó Giám đốc Sở LĐTB & XH phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Dương Duy Hưng đã khẳng định sự tập trung, quyết liệt của các cấp, các ngành trong thực hiện các giải pháp giảm nghèo thông qua việc triển khai một cách đồng bộ, đầy đủ các chính sách giảm nghèo trên địa bàn tỉnh trong đó chú trọng đến các chính sách, các mô hình hỗ trợ sinh kế có hiệu quả cho hộ nghèo của tỉnh Thái Nguyên. Đồng chí khẳng định Hội thảo được tổ chức có ý nghĩa quan trọng nhằm nhận diện, trao đổi, đánh giá nghèo theo cách tiếp cận đo lường từ nghèo đơn chiều dựa vào thu nhập sang đa chiều nhằm phản ánh đầy đủ tình trạng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân góp phần giảm nghèo bền vững cho người dân đặc biệt là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đồng chí đề nghị các Sở, ban, ngành, lãnh đạo các huyện bàn luận, chia sẻ và đóng góp ý kiến để đưa ra hệ thống các giải pháp giảm nghèo bền vững theo tiêu chí đa chiều cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Đồng chí Nguyễn Trung Thành - Chủ nhiệm đề tài Báo cáo tại Hội thảo

Báo cáo đề dẫn Hội thảo, Chủ nhiệm đề tài, đồng chí Nguyễn Trung Thành khẳng định việc xây dựng hệ thống giải pháp đồng bộ, thiết thực có ý nghĩa quan trọng cho công tác giảm nghèo bền vững theo tiêu chí nghèo đa chiều trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Đồng chí đã đưa ra những con số thống kê cụ thể nhằm giúp các cấp, các ngành nhận diện rõ hơn về thực trạng nghèo đa chiều của cả tỉnh và nghèo đa chiều của vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, đồng chí định hướng đến các giải pháp cần xây dựng và đề nghị các Sở, ban, ngành trao đổi, bàn luận và đưa ra hệ thống giải pháp giảm nghèo bền vững có hiệu quả, phù hợp với thực tiễn của địa phương.

Hội thảo nhận được nhiều bài tham luận trong đó tập trung làm rõ những quan điểm, giải pháp về giảm nghèo, chính sách giảm nghèo, hệ thống các giải pháp về bảo đảm sinh kế, an sinh xã hội, các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ xã hội cơ bản (về y tế, giáo dục, thông tin, nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường) của các Sở, ban ngành.

Hội thảo cũng đã nghe nhiều ý kiến đóng góp của các Sở, ban, ngành có liên quan, các nhà quản lý. Các đại biểu nhất chí cho rằng, mặc dù công tác giảm nghèo đã được quan tâm, chú trọng nhưng thực tế cho thấy, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều thách thức lớn như: kết quả giảm nghèo chưa mang tính bền vững, tốc độ giảm nghèo giữa các huyện, xã không đồng đều, thiếu tính bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao… Nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra như: các chính sách về giảm nghèo ở một số nơi chưa được triển khai tốt, chưa được vận dụng một cách phù hợp; các điều kiện về thời tiết, địa hình, khí hậu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn; tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, không muốn thoát nghèo còn cao; công tác tuyền truyền về mục đích, ý nghĩa của các chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo còn chưa được quan tâm đúng mức; Nguồn ngân sách Trung ương phân bổ còn hạn chế, chưa kịp thời; Sự phối hợp giữa các sở, ngành, UBND các huyện, xã trong thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo chưa chặt chẽ, kịp thời, đồng bộ;…

Qua đó, nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà quản lý về giải pháp giảm nghèo bền vững đã được đưa ra tại Hội thảo như: Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với công tác giảm nghèo; tiếp tục rà soát, đánh giá, phân loại hộ nghèo theo hướng tiếp cận nghèo đa chiều; triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách giảm nghèo trên địa bàn tỉnh; Chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, ý thức của người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số; giảm dần các chính sách hỗ trợ trực tiếp, cho không đối với hộ nghèo sang mô hình tăng dần cho vay, hỗ trợ có điểu kiện, có hoàn trả nhằm nâng cao tính tự chủ của hộ nghèo, hộ cận nghèo; có cơ chế khuyến khích hộ nghèo vươn lên thoát nghèo; duy trì, củng cố, nâng cao chất lượng các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo; tiếp tục hoàn thiện hệ thống giám sát và tăng cường công tác thanh, kiểm tra của các cấp bên cạnh đẩy mạnh công tác truyền thông về giảm nghèo nhằm tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, huy động mọi nguồn lực và sự vào cuộc với trách nhiệm cao của các cấp, các gành và toàn xã hội để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững…

Nguồn: http://essi.org.vn

Thong ke

Tiến sĩ Nguyễn Trung Thành

Phạm Trọng Đạt

Tiến sĩ Bùi Hải Thiêm

Tỉ giá hối đoái