Giải pháp đảm bảo công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của cơ quan hành chính Nhà nước
21:27 22/07/2021
“Nghiên cứu những vấn đề trọng yếu về khoa học xã hội và nhân văn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ”, là Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp Quốc gia giai đoạn 2016 – 2020 với mục tiêu nghiên cứu những vấn đề trọng yếu về khoa học, nhân văn, cung cấp các luận cứ khoa học, đề xuất chính sách, giải pháp thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; thực hiện Nghị quyết XII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011- 2020 và các năm tiếp theo. “Công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính nhà nước đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Mã số KX.01.41/16-20 thuộc là Đề tài khoa học nằm trong chương trình Khóa học trọng điểm trên, được Bộ Khoa học và Công nghệ giao Viện Khoa học Môi trường và Xã hội thực hiện nhằm mục đích làm rõ cơ sở lý luận, nhận thức; đánh giá thực trạng thực hiện từ đó đề xuất các giải pháp nhằm đảm bảo Công khai, Minh bạch và Trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính Nhà nước đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước Pháp quyền Xã hội chủ nghĩa.
Trong khuôn khổ nghiên cứu của Đề tài, Đơn vị chủ trì Viện Khoa học Môi trường và Xã hội đã tổ chức thành công 3 Hội thảo xoay quanh các nội dung nghiên cứu như: Làm rõ cơ sở lý luận, kinh nghiệm quốc tế về Công khai, Minh bạch và Trách nhiệm giải trình; Đánh giá thực trạng pháp luật và thực hiện pháp luật về Công khai, Minh bạch và Trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính ở Việt Nam; Nhận diện những tồn tại, điểm thắt trong chính sách cũng như thực hiện chính sách về Công khai, Minh bạch và Trách nhiệm giải trình. Trên tinh thần, kết quả của các Hội thảo đã tổ chức, sáng ngày 14/07/2020 Viện Khoa học Môi trường và Xã hội tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: "Giải pháp đảm bảo công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của cơ quan hành chính nhà nước ở Việt Nam". Hội thảo là diễn đàn khoa học để tìm ra các giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách pháp luật; thúc đẩy thực hiện và tổ chức thực hiện, đưa chính sách vào thực tiễn; học hỏi, trao đổi kinh nghiệm quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện Công khai, Minh bạch và Trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính ở Việt Nam hiện nay.
Tham dự Hội thảo, về phía Đơn vị Chủ trì Đề tài có PGS.TS Nguyễn Đức Bách - Viện trưởng và ban lãnh đạo Viện Khoa học Môi trường và Xã hội; Ban Chủ nhiệm đề tài có GS.TS Phan Trung Lý – Nguyên chủ nhiệm Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội - Chủ nhiệm Đề tài; Hội thảo còn có sự góp mặt của các vị khách quý như PGS.TS Trương Thị Hồng Hà - Phó Vụ trưởng Vụ Cải cách tư pháp - Ban Nội chính Trung ương; T.S Phan Trung Tuấn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Nội vụ; TS Nguyễn Thị Hạnh - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - Hành chính - Bộ Tư pháp, cùng nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đến từ các trường Đại học, Viện nghiên cứu, Cơ quan quản lý Nhà nước…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Đức Bách đã khẳng định vai trò, ý nghĩa của Công khai, Minh bạch và Trách nhiệm giải trình trong kiểm soát quyền lực nhà nước; trong công tác phòng, chống tham nhũng; là cơ sở để xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Công khai, Minh bạch và Trách nhiệm giải trình trước tiên phải được tiếp cận dựa trên Quyền tiếp cận thông tin của người dân trong đó có thông tin về tổ chức và hoạt động của các cơ quan Nhà nước; Cần xây dựng hệ thống thông tin quốc gia về thủ tục hành chính và hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước; Tiếp tục xây dựng, ban hành và áp dụng các bộ quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp đối với cán bộ, công chức trong đó có các quy định về Công khai, Minh bạch và Trách nhiệm giải trình; Nâng cao nhận thức của cán bộ công chức; của người dân; của toàn xã hội để Công khai, Minh bạch và Trách nhiệm giải trình trở thành một thuật ngữ gắn liền với một thể chế chính trị, một nền hành chính dân chủ, hiệu quả, gần Dân.
Báo cáo đề dẫn của Hội thảo, Chủ nhiệm đề tài - GS.TS Phan Trung Lý đã khái quát những kết quả đạt được của Đề tài cho đến thời điểm hiện. Đồng thời, nêu ra một cách thực trạng thực hiện Công khai, Minh bạch và Trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước ở Việt Nam hiện nay. Trên cơ sở thực trạng chính sách và tổ chức thực hiện chính sách cũng như việc nhận diện những tồn tại, khó khăn trong việc thực hiện Công khai, Minh bạch và Trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính ở các cấp, Hội thảo mong muốn sẽ được lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp từ các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý, các tổ chức xã hội, các cá nhân…nhằm tìm ra các giải pháp để thúc đẩy Công khai, Minh bạch và Trách nhiệm giải trình là trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước ở Việt Nam.
Trong hơn 4 tiếng làm việc, tranh luận sôi nổi, Hội thảo đã được lắng nghe nhiều bài Tham luận, các ý kiến đóng góp từ các đại biểu xung quanh các nhóm giải pháp về: Hoàn thiện quan điểm, mục tiêu, định hướng; Hoàn thiện chính sách pháp luật; Hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy; Hoàn thiện công tác thanh tra, kiểm tra, giảm sát; Hoàn thiện hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật; Thúc đẩy sự tham gia của các Tổ chức chính trị xã hội; doanh nghiệp; báo chí, người dân; Ứng dụng kết quả khoa học kỹ thuật vào xây dựng nền hành chính hiện đại…
Bên cạnh đó các bài tham luận, các ý kiến trao đổi cũng đi vào tìm hướng giải quyết cho Công khai, Minh bạch và Trách nhiệm giải trình trong các ngành, các lĩnh vực cụ thể như lĩnh vực đất đai, lĩnh vực môi trường, lĩnh vực quy hoạch, lĩnh vực tư pháp… trong hoạt động Tổ chức công vụ; hoạt động thanh tra kiểm tra; trong hoạt động của chính quyền địa phương…
TS Phan Trung Tuấn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Nội vụ
Các ý kiến tại Hội thảo phần lớn đều cho rằng để nâng cao hiệu quả thực hiện Công khai, Minh bạch và Trách nhiệm giải trình trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước cần tập trung vào một số giải pháp như:
+ Tiếp tục thực hiện cam kết chính trị về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình ở cả hệ thống chính trị.
+ Thực hiện nghiêm túc Quyền tiếp cận thông tin của người dân cũng như xây dựng nền tảng thông tin, cơ sở hạ tầng kỹ thuật đảm bảo Quyền tiếp cận thông tin.
+ Hoàn thiện hệ thống chính sách về Công khai, Minh bạch và Trách nhiệm giải trình phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước cũng như các quy định, tiêu chuẩn quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, ký kết.
+ Cần hoàn thiện bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, khoa học, hiệu quả; đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chính Phủ điện tử; cơ chế một cửa, một đầu mối tại các cơ quan quản lý Nhà nước…
+ Tăng cường thực hiện kiểm tra, thanh tra, giám sát và có các chế tài xử lý thích đáng với các vi phạm để đảm bảo tính răn đe của pháp luật.
+ Cần tạo hành lang pháp lý cho sự tham gia của các cá nhân, tổ chức, cộng đồng xã hội, báo chí vào giám sát, thúc đẩy Công khai, Minh bạch và Trách nhiệm giải trình của cơ quan hành chính nhà nước.
+ Nâng cao nhận thức của toàn bộ hệ thống chính trị, của cộng đồng xã hội về Công khai, Minh bạch và Trách nhiệm giải trình.
PGS.TS Đặng Minh Tuấn - Giảng viên trường ĐH Luật Hà Nội
Sau khi lắng nghe phần trình bày tham luận cũng như những ý kiến đóng góp của các Đại biểu tại Hội thảo, Ban Điều hành Hội thảo đã gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các ý kiến đóng góp nhiệt huyết, chân thành, mang giá trị khoa học và thực tiễn cao. Đồng thời Ban Điều hành Hội thảo cũng đã tổng kết, khái quát các nội dung chủ đạo của Hội thảo:
+ Hội thảo về giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của Công khai, Minh bạch và Trách nhiệm giải trình của cơ quan hành chính nhà nước, tuy nhiên không thể tách rời giải pháp với vấn đề về lý luận về Công khai, Minh bạch và Trách nhiệm giải trình là gì? Thực trạng nó đang diễn ra như thế nào? Đang tồn tại những ưu khuyết điểm như thế nào?
+ Để đảm bảo Công khai, Minh bạch và Trách nhiệm giải trình ở Việt Nam cần gắn với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa. Tức là nhà nước mà ở đó Nhân dân là chủ thể quyền lực, đưa chủ thể Nhân dân lên một tầm cao mới.
+ Cần đảm bảo Thượng tôn luật pháp, tôn trọng hiến pháp. Nghĩa là công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình cũng phải được công khai, minh bạch từ trong Hiến Pháp, từ trong luật, từ những chính sách pháp luật mà chúng ta xây dựng và ban hành.
+ Đảm bảo phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế đặc biệt khi Việt Nam tham gia ký kết hàng loạt các Hiệp định thương mại EVFTA thế hệ mới.
Từ các nội dung, kiến nghị, Ban chủ nhiệm đề tài cũng kiến nghị cần ban hành Luật về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình cũng như nghiên cứu xem xét thành lập Ủy ban, cơ quan phụ trách về công khai, minh bạch quốc gia…
Nói như PGS.TS Trương Thị Hồng Hà - Phó Vụ trưởng Vụ Cải cách tư pháp - Ban Nội chính Trung ương thì để nâng cao hiệu quả Công khai, Minh bạch và Trách nhiệm giải trình của cơ quan hành chính nhà nước cần đáp ứng được các tiêu chí là Tính khả thi; Tính hiệu quả; Tính kinh tế; Tính chính danh; Tính chuyên nghiệp; và có cơ chế kiểm soát quyền lực phù hợp.
Tin bài: Võ Huyền
Nguồn: http://essi.org.vn/giai-phap-dam-bao-cong-khai-minh-bach-va-trach-nhiem-giai-trinh-cua-co-quan-hanh-chinh-nha-nuoc-nd91911.html