Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với nền kinh tế thị trường và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay
07:58 07/12/2021
Ở Việt Nam, Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội là nguyên tắc đã được Hiến định, song phương thức lãnh đạo như thế nào trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế là vấn đề rất mới chưa hề có tiền lệ trong lịch sử.
V.I.Lênin cũng đã thừa nhận rằng C.Mác mất đi, Người không để lại một dòng cụ thể nào về vấn đề này nên chính ông đã khởi xướng chính sách kinh tế mới (NEP). Nhưng Lênin mất sớm và tình hình trong nước cũng như thế giới biến đổi quá lớn lao nên chính sách kinh tế mới (NEP), trên thực tế cũng chưa được thực hiên ở Liên Xô. Như vậy thì NEP cũng chỉ để lại cho hậu thế những tư tưởng, gợi những điểm nhìn tham chiếu.
Ở nước ta, qua mấy chục năm thực hiện đường lối đổi mới, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, cho thấy hơn bất cứ lúc nào chúng ta lại cần phải trở về với phương pháp tư tưởng của Hồ Chí Minh là hãy biết chọn lựa mà học để làm giàu trí tuệ của mình bằng toàn bộ kho tàng tri thức của nhân loại đã sáng tạo ra nhưng không được giáo điều, có như vậy Đảng ta mới thực hiện được chân lý mang tính định hướng tư tưởng của Hồ Chí Minh là: “Hãy đem sức ta mà giải phóng cho ta!”.
Đảng Cộng sản Việt Nam đã kinh qua lãnh đạo nền kinh tế kế hoạch hóa, tập trung bao cấp, dưới sự quản lý của Nhà nước chuyên chính vô sản, nay đổi mới, sáng tạo lãnh đạo nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Mỗi nền kinh tế có cơ chế quản lý kinh tế khác nhau, đòi hỏi sự lãnh đạo của Đảng cầm quyền phải có các phương thức lãnh đạo tương ứng.
Qua thực tiễn của các nước đã và đang vận dụng (như nước ta mấy chục năm qua), đã cho thấy bên cạnh và đồng thời với ưu thế của kinh tế thị trường là sự phân hóa giàu - nghèo; gia tăng các tệ nạn xã hội; tài nguyên thiên nhiên và môi trường bị tàn phá; cạnh tranh dẫn đến độc quyền làm hạn chế, lấn át các ưu điểm của kinh tế thị trường. Vấn đề là bất kỳ chủ thể nào tham gia vào các quan hệ trong nền kinh tế thị trường, với bất kỳ vị trí, vai trò nào cũng phải nhận thức để vận dụng nó, nhằm phát huy các ưu điểm và hạn chế hoặc có thể loại bỏ các khiếm khuyết.
Một số gải pháp nhằm phát huy các ưu điểm và hạn chế hoặc có thể loại bỏ các khiếm khuyết
Thứ nhất, hoàn thiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng
Đường lối, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội phải xuất phát từ bản chất, từ những ưu điểm, nhược điểm của kinh tế thị trường, không thể áp đặt ý chí chủ quan để hy vọng đạt được mục tiêu, mà phải nhận thức đúng các quy luật khách quan để đưa ra các chủ trương, đường lối, chính sách phù hợp, dùng chính các quy luật khách quan của kinh tế thị trường để hướng nền kinh tế phát triển trên cơ sở tận dụng tối đa các ưu thế vốn có và hạn chế tối đa hoặc có thể loại bỏ các khuyết tật của nó. Mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” phải vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển của đất nước. Mục tiêu này không thể hiểu như là khẩu hiệu chung chung mà phải được xác định một cách cụ thể, minh bạch, khả thi. Trong điều kiện hội nhập quốc tế thì đường lối, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng đưa ra trước hết và trên hết là phải làm cho nền kinh tế phát triển bền vững, bảo vệ được chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia. Mặt khác phải phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo vệ và giải quyết hài hòa các mối quan hệ lợi ích giữa các chủ thể tham gia các quan hệ kinh tế. Chủ trương, đường lối, chính sách cần phải được thể hiện ở các quy phạm pháp luật.
Nền kinh tế của ta bao gồm nhiều thành phần, nhiều chủ sở hữu vì vậy cần xác lập và bảo đảm sự bình đẳng giữa các chủ thể kinh doanh trong nền kinh tế, không phân biệt chủ thể kinh doanh đó thuộc thành phần kinh tế nào, dù là doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiêp có vốn đầu tư nước ngoài hay không có vốn đầu tư nước ngoài.
Đối với doanh nghiệp nhà nước, về bản chất cũng là một chủ thể kinh doanh, do vậy, về nguyên tắc phải được Nhà nước quản lý về kinh tế như đối với các doanh nghiệp khác. Trong trường hợp là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, nhà nước sở hữu 100% vốn (chỉ cần cho rất ít ngành, lĩnh vực); hoặc doanh nghiệp mà trong đó Nhà nước có cổ phần, vốn góp chi phối, dưới hình thức công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên (cần thiết kinh doanh trong ngành, lĩnh vực nào?) cũng phải có định hướng của Đảng và nhất thiết phải được thể hiện bằng các quy định dưới hình thức văn bản của Đảng và bằng các quy phạm pháp luật. Bên cạnh việc tái cơ cấu đối với các doanh nghiệp nhà nước thì vấn đề mấu chốt cần phải có chủ trương, đường lối, chính sách cụ thể là xác định rõ vai trò chủ sở hữu của Nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước. Trong kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, các cơ quan hành chính nhà nước không trực tiếp thực hiện các chức năng của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp; Nhà nước không thể vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước về kinh tế vừa thực hiện chức năng kinh doanh của chủ sở hữu.
Thứ hai, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, đề cao vai trò của Nhà nước pháp quyền, thượng tôn pháp luật.
Điều 4 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định vai trò và trách nhiệm lãnh đạo của Đảng, nhưng chưa có đạo luật để thi hành (trừ lực lượng vũ trang). Vấn đề đặt ra là: đối với các chủ thể kinh doanh: doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh…, đặc biệt là các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài mà không có tổ chức đảng, thậm chí không có đảng viên thì làm thế nào để chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng được thực hiện trên thực tế? Đây chính là vấn đề cấp bách hiện nay.
Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế hiện nay trước hết và cấp thiết nhất là cần phải đổi mới cách lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng, ban hành và thực hiện pháp luật nói chung, pháp luật kinh tế nói riêng. Đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về kinh tế, là nội dung, là “linh hồn” của pháp luật. Muốn vậy, cần: 1) Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức tham gia vào quá trình xây dựng và ban hành đường lối, chủ trương, chính sách; tỉnh táo, đề phòng, dũng cảm đấu tranh để triệt tiêu nhóm lợi ích chi phối chính sách; 2) Đường lối, chủ trương, chính sách khi được ban hành phải phù hợp với các quy luật khách quan, có như vậy thì hệ thống pháp luật mới có cơ sở để hoàn thiện; 3) Tạo cơ chế cho sự tham vấn và giám sát của các tổ chức, cá nhân vào quá trình làm chính sách; đổi mới quy trình xây dựng, ban hành các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng. Nghị quyết của Đảng đã từng xác định: chống “diễn biến hòa bình”, chống “các thế lực thù địch”, vậy trong kinh tế thì thế lực thù địch nào đang diễn biến hòa bình cũng cần phải được làm rõ. Còn “tự diễn biến” trong kinh tế là những đối tượng nào? ...
Để nền kinh tế tiếp tục phát triển bền vững, hội nhập sâu, rộng thì chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng đưa ra phải có bước đột phá, bảo đảm cho việc tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế và phải tháo được “nút thắt” thể chế, phải được thể chế hóa bằng hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý để Việt Nam vượt qua “ngưỡng” một cách bền vững.
Luật pháp của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa phải bảo đảm nguyên tắc: đối với các cơ quan trong hệ thống chính trị, tổ chức đảng, cá nhân đảng viên; nhà nước, cán bộ, công chức… “chỉ được làm những gì pháp luật cho phép”; đối với các tổ chức, cá nhân tham gia các quan hệ dân sự, kinh doanh, thương mại, pháp luật điều chỉnh theo nguyên tắc “được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm”, có như vậy thì quyền hiến định của công dân “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm” (Điều 33 Hiến pháp năm 2013) mới trở thành hiện thực.
Đối với công tác tổ chức thực hiện pháp luật và xử lý vi phạm pháp luật, cần có sự thống nhất, không chồng chéo và kẽ hở trong thực hiện giữa các chủ thể. Chỉ có sự thống nhất, đồng thuận trong lãnh đạo, quản lý từ trên xuống mới bảo đảm sự đồng thuận cao trong xã hội. Phát triển tinh thần yêu nước, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc bằng hiện thực hóa quyền dân chủ, quyền làm chủ của Nhân dân chính là bí quyết, là “chìa khóa vạn năng” để đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế hiện nay.
Hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi việc xây dựng, ban hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước phải có đội ngũ chuyên gia am hiểu sâu sắc các nguyên tắc, thông lệ quốc tế. Thực tế hiện nay ở Việt Nam, cơ chế kinh tế, hệ thống chính sách kinh tế, thương mại còn nhiều bất cập; kỹ thuật xây dựng chính sách, pháp luật còn hạn chế, còn có tư tưởng áp đặt ý muốn chủ quan khi soạn thảo, đòi hỏi phải được thay đổi. Hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi hệ thống pháp luật quốc gia ngày càng phải được hoàn thiện, tạo môi trường pháp lý cho việc thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực đòi hỏi công nghệ cao, mang lại giá trị gia tăng cao trên lãnh thổ Việt Nam, khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài để khai thác lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế, tạo môi trường pháp lý cho các quan hệ thương mại quốc tế phát triển, thúc đẩy kinh tế trong nước phát triển bền vững, bảo vệ tài nguyên, môi trường và chủ quyền quốc gia. Để làm được điều đó, đòi hỏi tất yếu phải có chính sách nhân sự và phương pháp sử dụng các chuyên gia kể cả các chuyên gia ngoài Đảng ở trong nước và ngoài nước.
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa bên cạnh tác động của “bàn tay vô hình” nhất thiết phải có “bàn tay hữu hình” của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa để điều tiết các quan hệ kinh tế nhằm giải quyết những vấn đề dân sinh, phúc lợi xã hội, bảo đảm các nguồn lực được huy động cho phát triển một cách hợp lý, minh bạch, để hiện thực hóa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là xây dựng nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh./.