Công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính nhà nước ở Việt Nam hiện nay (Sách chuyên khảo)
16:03 29/03/2022
Ngày nay, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình là yêu cầu cơ bản để quản trị tốt. Đây cũng là xu thế phát triển bền vững tất yếu của bất cứ quốc gia nào trong thế giới hiện đại. Công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình được quy định ngày càng cụ thể và đầy đủ trong pháp luật của nhiều nước trên thế giới. Ở một số quốc gia đã có những đạo luật riêng để điều chỉnh các vấn đề về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Ở Việt Nam, ngay từ khi ra đời, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm đến công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Cùng với sự khẳng định quyết tâm “Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân” trong Hiến pháp năm 1946, Đảng và Nhà nước ta đã coi công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình như một yêu cầu không thể thiếu trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước từ trung ương đến cơ sở.
Cùng với việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, yêu cầu thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình càng có ý nghĩa đặc biệt. Các nội dung của công khai, minh bạch đã được điều chỉnh, càng ngày càng nhiều trong các văn bản pháp luật. Khái niệm công khai, minh bạch được chính thức quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 và được hoàn thiện trong Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018. Theo đó “công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị là việc công bố cung cấp thông tin, giải trình về tổ chức bộ máy, việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm trong khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, đơn vị”. Cụ thể hoá Hiến pháp năm 2013 công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình cũng được quy định trong Luật tiếp cận thông tin, Luật tổ chức của các cơ quan Nhà nước và các văn bản pháp luật khác.
Có thể thấy rằng, công khai và minh bạch là hai thuật ngữ gắn liền với nhau tưởng giống nhau nhưng thực chất là hai thuật ngữ khác nhau. Công khai được sử dụng như một hoạt động của chủ thể, đó là hình thức công bố thông tin. Minh bạch là thuật ngữ chỉ trạng thái biểu hiện rõ ràng ra bên ngoài. Công khai là phương thức thực hiện để hướng tới mục đích là sự minh bạch, còn minh bạch không đồng nghĩa với công khai, nhưng nếu muốn đạt được sự minh bạch đòi hỏi cần công khai. Tuy nhiên, việc thực hiện công khai, minh bạch trên thực tế còn nhiều hạn chế, còn mang nặng tính hình thức.
Cuốn sách chuyên khảo “Công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính nhà nước ở Việt Nam hiện nay” do GS.TS. Phan Trung Lý và ThS. Nguyễn Trung Thành đồng chủ biên, là một trong những sản phẩm của Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước “Công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, Mã số KX.01.41/16-20, thuộc Chương trình khoa học và công nghệ“Nghiên cứu những vẫn đề trọng yếu về khoa học xã hội nhân văn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội”, Mã số KX.01/16-20 đã được hình thành.
Cuốn sách được kết cấu làm 3 chương, nội dung chủ yếu của cuốn sách tập trung giải quyết những vấn đề lý luận và thực tiễn về công khai, minh bạch; phân tích, đánh giá thực trạng thi hành pháp luật về công khai, minh bạch ở Việt Nam; đề xuất những giải pháp hoàn thiện pháp luật và tổ chức, cũng như điều kiện bảo đảm thực hiện công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình ở Việt Nam. Đây là tài liệu tham khảo hữu ích cho việc nghiên cứu, tìm ra các giải pháp nhằm cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp trong xây dựng và thực hiện pháp luật, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, góp phần phòng, chống tham nhũng, bảo đảm hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, bảo đảm tinh thần dân chủ, nhân quyền, bảo đảm tính liêm chính, minh bạch trong thực thi công vụ.
Nguồn: http://essi.org.vn/