Cải thiện hiệu quả tiếp cận dịch vụ công thiết yếu trợ giúp pháp lý cho nhóm người yếu thế trong xã hội

23:13 01/11/2024

Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý. Đây là dịch vụ công thiết yếu góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật. Bài viết nghiên cứu về cách thức tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý và đề xuất một số giải pháp nhằm cải thiện hiệu quả tiếp cận dịch vụ này trong thời gian tới.
  1. Quy định về trợ giúp pháp lý miễn phí cho nhóm người yếu thế trong xã hội

Ngày 20/6/2017, Luật Trợ giúp pháp lý số 11/2017/QH14 đã được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 đã quy định người được trợ giúp pháp lý gồm 14 nhóm đối tượng sau đây: (1) Người có công với cách mạng; (2) người thuộc hộ nghèo; (3) trẻ em; (4) người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; (5) người bị buộc tội từ đủ 16 đến 18 tuổi; (6) người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo; (7) người có khó khăn tài chính thuộc các nhóm: Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ; Người nhiễm chất độc da cam; người cao tuổi; người khuyết tật; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự; nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình; nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người và người nhiễm HIV (Điều 7).
Theo Điều 2 Nghị định số 144/NĐ-CP ngày 15/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý, điều kiện có khó khăn về tài chính là người thuộc hộ cận nghèo hoặc người đang được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định. Việc quy định về diện người được trợ giúp pháp lý nêu trên đã thể hiện rõ nét chính sách nhân văn, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với một số nhóm người yếu thế, dễ tổn thương, góp phần bảo đảm trong tiếp cận pháp lý và bình đẳng trước pháp luật với các nhóm người khác trong xã hội.
Người được trợ giúp pháp lý khi có vướng mắc, tranh chấp pháp luật trong tất cả các lĩnh vực pháp luật (trừ lĩnh vực kinh doanh thương mại) như pháp luật hình sự, dân sự, hành chính, lao động… có thể tự mình hoặc thông qua người thân thích, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác yêu cầu trợ giúp pháp lý miễn phí cho vụ việc cụ thể của mình. Việc yêu cầu trợ giúp pháp lý được Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi người được trợ giúp pháp lý cư trú hoặc nơi vụ việc xảy ra thụ lý (ngoài ra còn có các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý có thể thụ lý vụ việc trong phạm vi hợp đồng, đăng ký). Theo pháp luật trợ giúp pháp lý, người thuộc diện được trợ giúp pháp lý được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí thông qua các hình thức sau:
Một là, tư vấn pháp luật. Cụ thể, người thực hiện trợ giúp pháp lý tư vấn pháp luật cho người được trợ giúp pháp lý bằng việc hướng dẫn, đưa ra ý kiến, giúp soạn thảo văn bản liên quan đến tranh chấp, khiếu nại, vướng mắc pháp luật; hướng dẫn giúp các bên hòa giải, thương lượng, thống nhất hướng giải quyết vụ việc.
Hai là, tham gia tố tụng. Cụ thể, Trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý và pháp luật về tố tụng.
Ba là, đại diện ngoài tố tụng. Cụ thể, Trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý đại diện ngoài tố tụng cho người được trợ giúp pháp lý trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

  1. Thực trạng tiếp cận dịch vụ công thiết yếu trợ giúp pháp lý của nhóm người yếu thế trong xã hội

Trợ giúp pháp lý được xác định là dịch vụ công thiết yếu của ngành Tư pháp (Quyết định số 2069/QĐ-TTg ngày 8/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ). Để nhóm người yếu thế trong xã hội tiếp cận được quyền được trợ giúp pháp lý, được thụ hưởng dịch vụ công thiết yếu, các cơ quan, tổ chức trợ giúp pháp lý đã triển khai nhiều cách thức khác nhau. Có thể kể đến một số cách thức giúp nhóm người yếu thế trong xã hội tiếp cận và thụ hưởng được dịch vụ công thiết yếu trợ giúp pháp lý như sau:
Thứ nhất, bản thân người dân tự biết đến dịch vụ trợ giúp pháp lý, trực tiếp đến Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước yêu cầu trợ giúp pháp lý khi có yêu cầu.
Thứ hai, các cơ quan, tổ chức trợ giúp pháp lý tổ chức các phương thức truyền thông để tiếp cận đến người dân, thông qua các hình thức khác nhau, như: (i) tổ chức các lớp tập huấn, hội nghị, hội thảo, các đợt truyền thông về trợ giúp pháp lý; (ii) tổ chức biên soạn và phát hành các tài liệu truyền thông và phát đến người dân như tờ rơi, tờ gấp pháp luật, cẩm nang, sách bỏ túi trợ giúp pháp lý hoặc các tài liệu truyền thông khác về trợ giúp pháp lý; (iii) hoạt động hỗ trợ thông tin về trợ giúp pháp lý giúp người dân nắm bắt được các thông tin, địa chỉ, số điện thoại của các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý để liên hệ khi có yêu cầu trợ giúp; (iv) việc đặt Bảng tin, hộp tin trợ giúp pháp lý được niêm yết công khai tại các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, ủy ban nhân dân cấp xã, tại nhà tạm giam, tạm giữ…; (v) việc tổ chức xây dựng và phát hành các thông điệp, tiểu phẩm về trợ giúp pháp lý được xây dựng, phát hành trên đài truyền thanh VOV…; các phim ngắn diễn án, phóng sự, phỏng vấn về trợ giúp pháp lý được xây dựng, phát sóng trên các kênh truyền hình đa dạng; (vi) qua việc công bố công khai thông qua danh sách các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý, các tin tức, video, bài viết… về TGPL được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp, Trang thông tin điện tử trợ giúp pháp lý Việt Nam và các Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thứ ba, người dân được các cơ quan, người tiến hành tố tụng, các cơ quan nhà nước giải thích về quyền được TGPL, giới thiệu đến tổ chức thực hiện TGPL thông qua hoạt động của mình. Hoặc người dân được các tổ chức đoàn thể, người có uy tín trong cộng đồng như già làng, trưởng bản, trưởng thôn...  giải thích về quyền được trợ giúp pháp lý và giới thiệu đến tổ chức thực hiện TGPL.
Bằng việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các cách thức trên, trong thời gian qua việc cung cấp dịch vụ công thiết yếu trợ giúp pháp lý cho nhóm người yếu thế trong xã hội đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Từ khi triển khai Luật 2017 (từ năm 2018 đến 6/2024), các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý trên toàn quốc đã cung cấp gần 213 nghìn vụ việc, trong đó hơn 120 nghìn vụ việc tham gia tố tụng (chiếm hơn 56,4%). Theo đó, trên toàn quốc đã có khoảng 33 nghìn lượt người nghèo, 60,7 nghìn lượt người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, 24,5 nghìn người có công với cách mạng, 24 nghìn trẻ em, 12,8 nghìn người khuyết tật có khó khăn về tài chính… được trợ giúp pháp lý miễn phí. Trong đó, có nhiều vụ việc thành công, hiệu quả được các cơ quan tiến hành tố tụng ghi nhận như người được trợ giúp pháp lý được tuyên mức án nhẹ hơn hoặc chuyển tội danh hay thay đổi khung hình phạt thấp hơn so với mức đề nghị trong cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân... hoặc người được trợ giúp pháp lý được tăng mức bồi thường thiệt hại, đòi được quyền sử dụng đất….
Với những kết quả đạt được trong việc cung cấp dịch vụ công thiết yếu trợ giúp pháp lý cho nhóm người yếu thế, có thể nói rằng trợ giúp pháp lý đã có vai trò tích cực trong tiếp cận pháp luật, tiếp cận công lý. Trợ giúp pháp lý dần trở thành kênh tiếp cận pháp luật miễn phí do Nhà nước thiết lập, cung cấp cho nhóm người yếu thế trong xã hội thông qua chính vụ việc của họ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ. Thông qua việc được cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật, cử người tham gia tố tụng hoặc đại diện ngoài tố tụng, trợ giúp pháp lý giúp người được trợ giúp pháp lý sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Chính vì vậy, hoạt động trợ giúp pháp lý đã góp phần bảo đảm bình đẳng giữa các nhóm người trong xã hội, nhất là những người nghèo, người yếu thế trong xã hội hoặc không có điều kiện tiếp cận, sử dụng pháp luật để bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật.
Mặc dù đạt được kết quả đáng khích lệ trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho nhóm người yếu thế trong xã hội, tuy nhiên có thể thấy rằng trong xã hội vẫn còn rất nhiều người chưa biết đến dịch vụ trợ giúp pháp lý, chưa biết về quyền được trợ giúp pháp lý của nhóm người yếu thế. Thực tế có thể thấy rằng vẫn còn nhiều người thuộc diện được trợ giúp pháp lý chưa tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý, mặc dù dịch vụ trợ giúp pháp lý đã được xác định là dịch vụ công thiết yếu do Nhà nước cung cấp miễn phí.
Bên cạnh đó, thực tế vẫn còn một số nhóm người yếu thế trong xã hội thực sự có nhu cầu trợ giúp pháp lý, không có đủ điều kiện để sử dụng dịch vụ pháp lý có thu phí nhưng chưa được quy định là người thuộc diện trợ giúp pháp lý. Qua phản ánh của các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thì thực tế vẫn còn một số đối tượng được quy định tại khoản 7 Điều 7 nhưng họ không thuộc cận nghèo cũng không đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng nhưng thực sự có nhu cầu trợ giúp pháp lý, họ cũng không có đủ điều kiện để sử dụng dịch vụ pháp lý có thu phí của luật sư như như nạn nhân bị mua bán, người trong quá trình xác định là nạn nhân bị mua bán, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 là bị hại trong vụ án hình sự, người khuyết tật bị buộc tội…
Đồng thời, xét trong xu hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thì có một vài diện người được trợ giúp pháp lý theo quy định hiện hành sẽ dần ít đi (ví dụ như người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn[1], người thuộc hộ nghèo[2],...), do đó cần nghiên cứu mở rộng diện người được trợ giúp pháp lý phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.

  1. Một số giải pháp cải thiện việc tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý trong thời gian tới

Để cải thiện, tăng cường việc tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý của nhóm người yếu thế trong thời gian tới, tác giả xin đề xuất một số giải pháp sau đây:
Thứ nhất, nghiên cứu “mở rộng đối tượng được trợ giúp pháp lý phù hợp với điều kiện của đất nước” theo yêu cầu tại mục 7 phần IV Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Cụ thể như sau:
- Đối với Luật Phòng, chống mua bán người (đang được sửa đổi) đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định “Người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người”, đồng thời bãi bỏ quy định nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người có khó khăn về tài chính tại điểm g khoản 7 Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý.
Như vậy, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người sẽ thuộc diện người được trợ giúp pháp lý miễn phí, mà không phụ thuộc vào điều kiện có khó khăn về tài chính, bởi vì thực tế cho thấy, những người thuộc diện này rất cần đến sự hỗ trợ, trợ giúp pháp luật miễn phí trong vụ việc mua bán người, nhất là khi họ bị hoảng loạn về tâm lý, mất hết giấy tờ tùy thân và gặp nhiều khó khăn khác.
- Đề nghị trong quá trình xây dựng, ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên nghiên cứu quy định người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thuộc phạm vi điều chỉnh của Dự án Luật có quyền được trợ giúp pháp lý miễn phí. Cụ thể, xem xét chỉnh lý quy định tại điểm a khoản 6 Điều 173 Dự thảo Luật theo hướng bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý của nhóm đối tượng người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thuộc phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên như là: người chưa thành niên phạm tội, người chưa thành niên là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội, bị hại, người làm chứng, người được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, người chấp hành biện pháp xử lý chuyển hướng, người chưa thành niên là người chấp hành án (khoản 1 Điều 4 Dự thảo Luật).
- Đề nghị sửa đổi Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, Luật Người cao tuổi, Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) theo hướng bổ sung quyền được trợ giúp pháp lý miễn phí cho người có công với cách mạng; người nhiễm HIV, người cao tuổi có khó khăn về tài chính theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
- Đề nghị nghiên cứu, đề xuất Luật Người khuyết tật bổ sung quyền của người khuyết tật theo hướng mọi người khuyết tật trong tố tụng tư pháp, không phân biệt người có khó khăn về tài chính hay không đều có quyền được trợ giúp pháp lý miễn phí. Bởi vì, người khuyết tật họ đã bị khiếm khuyết và họ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, do đó khi mà vướng phải tố tụng hình sự trở thành nạn nhân hoặc người bị buộc tội, họ rất cần được sự giúp đỡ pháp luật miễn phí từ Nhà nước.
- Đề nghị nghiên cứu, sửa đổi Nghị định số 144/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý theo hướng mở rộng điều kiện có khó khăn về tài chính của nhóm người quy định tại khoản 7 Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý.
Cụ thể có thể nghiên cứu theo hướng, sửa đổi Điều 2 Nghị định thành: Điều kiện có khó khăn về tài chính là người thuộc hộ cận nghèo, người được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, người thuộc hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình làm nông nghiệp, diêm nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, người lao động có thu nhập thấp, người có khó khăn đột xuất… Việc mở rộng thêm điều kiện có khó khăn về tài chính nhằm mở rộng quyền được trợ giúp pháp lý cho nhóm người thuộc quy định tại khoản 7 Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý (người cao tuổi, người khuyết tật, nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình…. có khó khăn về tài chính).
Thứ hai, đa dạng hoá các cách thức và nâng cao chất lượng truyền thông về trợ giúp pháp lý, kết hợp các cách thức truyền thông truyền thống với các cách thức truyền thông hiện đại trên mạng xã hội, các diễn đàn trực tuyến, mạng viễn thông, sóng phát thanh, truyền hình... bằng tiếng Việt hoặc dịch sang các tiếng dân tộc phổ biến, bảo đảm hiệu quả, phù hợp với từng vùng, miền, từng nhóm đối tượng yếu thế (như trẻ em, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số…); nâng cao kiến thức, hiểu biết về trợ giúp pháp lý của đội ngũ cán bộ cơ sở, người có uy tín trong cộng đồng trong việc hỗ trợ người dân tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý.
Thứ ba, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý, phấn đấu 100% thủ tục hành chính trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý được xác định là dịch vụ công trực tuyến tại tất cả các địa phương và tích hợp các dịch vụ công này trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Tiếp tục xây dựng, phát triển, quản lý, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu trợ giúp pháp lý và tăng cường kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu của các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các Bộ, ngành, cơ quan có liên, giúp người dân tiếp cận và được trợ giúp pháp lý sớm khi có nhu cầu
Thứ tư, tiếp tục tập trung thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý, nhất là vụ việc tham gia tố tụng, bảo đảm thuận lợi cho người dân tiếp cận và sử dụng dịch vụ sự nghiệp công thiết yếu trợ giúp pháp lý xuyên suốt, kịp thời, hiệu quả. Tăng cường chất lượng, hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý thông qua việc tổ chức thẩm định, đánh giá chất lượng, hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý.
Thứ năm, xây dựng đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý chuyên nghiệp, có đầy đủ kiến thức và kỹ năng bảo đảm cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý có chất lượng, nhất là trong tham gia tố tụng. Bảo đảm đủ số lượng Trợ giúp viên pháp lý phù hợp với vị trí việc làm đã được phê duyệt và nâng cao năng lực cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý; nghiên cứu cơ chế thu hút mạnh mẽ tổ chức, cá nhân, nhất là luật sư có nhiều kinh nghiệm, năng lực tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý./.

Nguồn: https://tgpl.moj.gov.vn/

Thong ke

Tiến sĩ Nguyễn Trung Thành

Phạm Trọng Đạt

Tiến sĩ Bùi Hải Thiêm

Tỉ giá hối đoái