Bộ Nội vụ: Triển khai một số luật mới ban hành
17:41 04/08/2021
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh, việc phổ biến và triển khai 02 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 04 Luật lần này có ý nghĩa rất quan trọng. Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức là căn cứ pháp lý quan trọng, có ý nghĩa lớn trong việc thực thi các quy định của pháp luật, liên quan trực tiếp đến cán bộ, công chức, viên chức như: quản lý, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm, miễn nhiệm, đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật,... Sau khi áp dụng các luật này đã đạt nhiều kết quả tích cực, song vẫn còn bộc lộ một số tồn tại nhất định cần sửa đổi, bổ sung để phù hợp với các Nghị quyết của Đảng và phù hợp với tình hình cải cách, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ của đất nước. Đối với Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương là các luật quan trọng, điều chỉnh cụ thể về tổ chức, hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và chính quyền địa phương các cấp. Để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và luật hóa các Nghị quyết của Đảng về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Trong khuôn khổ Hội nghị, các báo cáo viên của Bộ Nội vụ đã trình bày ngắn gọn, súc tích, tập trung vào những điểm cơ bản, điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Cụ thể về nội dung Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã sửa đổi 5 điều của Luật Tổ chức Chính phủ và 38 Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Luật sửa đổi, bổ sung bố cục gồm 4 điều, trong đó Điều 1 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ, Điều 2 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Điều 3 quy định về điều khoản thi hành và Điều 4 quy định về điều khoản chuyển tiếp.
Về những nội dung cơ bản và những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức cho biết phạm vi điều chỉnh Luật sửa đổi, bổ sung đối với 28/86 điều của Luật Cán bộ, công chức và 15/62 điều của Luật Viên chức. Bố cục của Luật sửa đổi, bổ sung gồm có 3 điều, trong đó Điều 1 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức, Điều 2 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Viên chức và Điều 3 quy định về hiệu lực thi hành.
Tại phần thảo luận, Đoàn chủ tịch điều hành Hội nghị trực tuyến toàn quốc đã giải đáp các ý kiến, vướng mắc được đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu chính và các điểm cầu tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đưa ra về các điểm mới trong 02 Luật sửa đổi, bổ sung, phản ánh về những nội dung còn chưa rõ và một số vấn đề có vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Bế mạc Hội nghị, đồng chí Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội đánh giá cao công tác tổ chức Hội nghị; Hội nghị diễn ra nghiêm túc, hiệu quả, hoàn thành chương trình đã đề ra. Đồng thời, để công tác triển khai 02 Luật sửa 04 Luật bảo đảm hiệu quả trong thực tiễn và trong tổ chức, hoạt động của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn đề nghị cần tập trung một số nội dung sau: (1) Lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, các địa phương lãnh đạo, chỉ đạo ban hành kế hoạch cụ thể triển khai các Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành tới từng cơ quan, tổ chức, đơn vị. (2) Trong quá trình thực hiện các Luật, Nghị định nếu có vướng mắc, khó khăn, nhất là các vấn đề còn vướng trong thực tiễn triển khai áp dụng, đề nghị sớm phản hồi với Bộ Nội vụ để kịp thời trả lời, hướng dẫn cụ thể. Trường hợp các vấn đề vượt thẩm quyền của Bộ, Bộ Nội vụ sẽ sớm báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, hướng dẫn để đảm bảo thực hiện thống nhất các quy định của Luật, Nghị định của Chính phủ trong phạm vi cả nước. (3) Các đơn vị chức năng có liên quan của Bộ Nội vụ khẩn trương tổng hợp đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhất là ý kiến, phản ánh từ các địa phương để báo cáo, đề xuất với Lãnh đạo Bộ Nội vụ giải quyết theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền giải quyết sớm các kiến nghị, đề xuất, phản ánh từ các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Trung ương và các địa phương.