Bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý cho người có công với cách mạng

22:33 04/08/2024

Năm 2024, kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7) là ngày lễ kỷ niệm quan trọng, có ý nghĩa chính trị và nhân văn sâu sắc, là dịp để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân cùng kính cẩn tưởng nhớ các bậc cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sĩ, những người con ưu tú của quê hương đã anh dũng hi sinh trong các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại “Vì sự nghiệp độc lập cho dân tộc và tự do cho mỗi con người ”.

Hiện nay, cả nước có hơn 9,2 triệu người có công với cách mạng, trong đó có gần 1,2 triệu liệt sĩ, gần 500.000 thân nhân liệt sĩ, trên 117.000 Mẹ Việt Nam Anh hùng, gần 600.000 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh... . Đảng và Nhà nước luôn chú trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng. Nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng cũng như tạo cơ sở, hành lang pháp lý trong thực thi chính sách đối với người có công, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách quan trọng, như Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (ban hành lần đầu năm 1994) - đến nay, qua 7 lần sửa đổi vào các năm 1998, 2000, 2002, 2005, 2007, 2012 và gần đây nhất vào ngày 9/12/2020, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) để tiếp tục hoàn thiện chính sách người có công với cách mạng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội đất nước. Việc triển khai đồng bộ các chính sách đã phát huy hiệu quả rõ rệt trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người có công, thể hiện truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc.
Người có công với cách mạng
Theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng số 02/2020/UBTVQH14 ngày 09/12/2020 quy định người có công với cách mạng bao gồm: (1) Người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945; (2) Người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; (3) Liệt sĩ; (4) Bà mẹ Việt Nam anh hùng; (5) Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; (6) Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; (7) Thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31/12/1993; người hưởng chính sách như thương binh; (8) Bệnh binh; (9) Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học; (10) Người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày; (11) Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế; (12) Người có công giúp đỡ cách mạng.
Cũng theo Điều 5 Pháp lệnh này quy định rằng tùy từng đối tượng, người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng được hưởng chế độ ưu đãi chủ yếu: (1) Trợ cấp hằng tháng, phụ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần; (2) các chế độ ưu đãi khác bao gồm: bảo hiểm y tế; điều dưỡng phục hồi sức khỏe; cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng cần thiết theo chỉ định của cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng thuộc ngành lao động - thương binh và xã hội hoặc của bệnh viện tuyến tỉnh trở lên; ưu tiên trong tuyển sinh, tạo việc làm; hỗ trợ để theo học đến trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; hỗ trợ cải thiện nhà ở căn cứ vào công lao, hoàn cảnh của từng người hoặc khi có khó khăn về nhà ở; miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất khi được Nhà nước giao đất ở, chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở, công nhận quyền sử dụng đất ở, khi được mua nhà ở thuộc sở hữu của Nhà nước; ưu tiên giao hoặc thuê đất, mặt nước, mặt nước biển; ưu tiên giao khoán bảo vệ và phát triển rừng; vay vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh; miễn hoặc giảm thuế theo quy định của pháp luật.
 Bên cạnh các chế độ ưu đãi trên, pháp luật về trợ giúp pháp lý cũng đã quy định về quyền được trợ giúp pháp lý của người có công với cách mạng. Trợ giúp pháp lý là một nhiệm vụ được Ngành Tư pháp triển khai từ năm 1997, đây được coi là một chính sách có ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong tổng thể các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. Việc thành lập tổ chức TGPL miễn phí theo Quyết định số 734/TTg ngày 06/9/1997 của Thủ tướng Chính phủ cho người nghèo và các đối tượng chính sách xuất phát từ chủ trương xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa và luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước.
Có thể thấy, ngay từ khi thành lập (năm 1997) đến nay, công tác TGPL đã quan tâm, coi việc phục vụ người có công với cách mạng là nhiệm vụ của mình. Các văn bản về trợ giúp pháp lý luôn quy định người có công với cách mạng là một trong những diện người được trợ giúp pháp lý. Cụ thể:
- Quyết định số 734/TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư liên tịch số 52/TTLT/TP-TC-TCCP-LĐTBXH ngày 14/01/1998 hướng dẫn thi hành Quyết định trên đã quy định đối tượng TGPL là người nghèo, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng miễn án phí.
- Tại Luật TGPL năm 2006 (Điều 10), Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật TGPL năm 2006 (Điều 2), Nghị định số 14/2013/NĐ-CP ngày 05/02/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 07/2007/NĐ-CP (khoản 1 Điều 1) đã quy định người thuộc diện được TGPL bao gồm: (1) Người nghèo; (2) Người có công với cách mạng; (3) Người già cô đơn, không nơi nương tựa; (4) Người tàn tật không nơi nương tựa; (5) Trẻ em không nơi nương tựa là người dưới 16 tuổi không nơi nương tựa; (6) Người dân tộc thiểu số thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; (7) Các đối tượng khác được trợ giúp pháp lý theo quy định tại điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; (8) Nạn nhân theo quy định của pháp luật phòng, chống mua bán người.
- Ngày 20/6/2017, Luật TGPL số 11/2017/QH14 đã được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, theo đó người được TGPL đã mở rộng lên 14 nhóm đối tượng so với 06 nhóm đối tượng của Luật TGPL năm 2006. Việc mở rộng diện đối tượng TGPL nêu trên đã thể hiện rõ nét chính sách nhân văn, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với các đối tượng yếu thế, dễ tổn thương, góp phần bảo đảm trong tiếp cận pháp lý và bình đẳng trước pháp luật. Theo Điều 7 Luật TGPL 2017, người được TGPL gồm: (1) Người có công với cách mạng; (2) người thuộc hộ nghèo; (3) trẻ em; (4) người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; (5) người bị buộc tội từ đủ 16 đến 18 tuổi; (6) người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo; (7) người có khó khăn tài chính thuộc các nhóm: Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ; Người nhiễm chất độc da cam; người cao tuổi; người khuyết tật; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự; nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình; nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người và người nhiễm HIV.
Theo Luật Trợ giúp pháp lý 2017, người có công với cách mạng có các quyền như sau[1]: (i) quyền được trợ giúp pháp lý mà không phải trả tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác; (ii) quyền tự mình hoặc thông qua người thân thích, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác yêu cầu trợ giúp pháp lý; (iii) quyền được thông tin về quyền được trợ giúp pháp lý, trình tự, thủ tục trợ giúp pháp lý khi đến tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và các cơ quan nhà nước có liên quan; (iv) quyền yêu cầu giữ bí mật về nội dung vụ việc trợ giúp pháp lý; (v) quyền lựa chọn 01 tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý tại địa phương trong danh sách được công bố; yêu cầu thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý khi người đó thuộc một trong các trường hợp không được tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc phải từ chối thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 25 Luật Trợ giúp pháp lý 2017; (vi) quyền thay đổi, rút yêu cầu trợ giúp pháp lý; (vii) quyền được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật; (viii) quyền khiếu nại, tố cáo về trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Trợ giúp pháp lý cho người có công với cách mạng được thực hiện trong các lĩnh vực pháp luật như lĩnh vực dân sự, hình sự, hành chính... (trừ lĩnh vực kinh doanh, thương mại). Khi có vướng mắc, tranh chấp pháp luật, người có công với cách mạng có thể được trợ giúp pháp lý theo các hình thức sau:
(1) Tham gia tố tụng;
(2) Tư vấn pháp luật (hướng dẫn, đưa ra ý kiến, giúp soạn thảo văn bản liên quan đến tranh chấp, khiếu nại, vướng mắc pháp luật; hướng dẫn giúp các bên hòa giải, thương lượng, thống nhất hướng giải quyết vụ việc)
(3) Đại diện ngoài tố tụng 

Khi yêu cầu trợ giúp pháp lý cho người có công với cách mạng, người yêu cầu phải nộp hồ sơ cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý gồm i) đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý; ii) giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý; (iii) các giấy tờ, tài liệu có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý. Hồ sơ yêu cầu trợ giúp pháp lý của người có công với cách mạng có thể được nộp trực tiếp tại trụ sở tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc gửi hồ sơ qua dịch vụ bưu chính hoặc gửi hồ sơ qua fax, hình thức điện tử.

Giấy tờ chứng minh là người có công với cách mạng gồm một trong các giấy tờ sau:

 - Quyết định của cơ quan có thẩm quyền công nhận là người có công với cách mạng theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng;
- Quyết định phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến;
- Huân chương Kháng chiến, Huy chương Kháng chiến, Bằng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Bằng Anh hùng, Bằng Có công với nước;
- Quyết định trợ cấp, phụ cấp do cơ quan có thẩm quyền cấp xác định là người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng;
- Quyết định hoặc giấy chứng nhận thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, bệnh tật do nhiễm chất độc hóa học, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học;
- Kỷ niệm chương Tổ quốc ghi công đối với người có công giúp đỡ cách mạng, Giấy chứng nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945, Giấy chứng nhận người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, Huân chương Chiến thắng, Huy chương Chiến thắng.
Với những quy định trên, có thể thấy rằng Đảng, Nhà nước ta đã rất quan tâm đến người có công với cách mạng trong bảo đảm quyền con người, quyền công dân và quyền tiếp cận công lý.
 
Kết quả bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý cho người có công với cách mạng
Sau gần 27 năm triển khai hoạt động trợ giúp pháp lý cho người có công với cách mạng, thông qua từng vụ việc trợ giúp pháp lý cụ thể đã kịp thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người có công với cách mạng, góp phần thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa của Đảng và Nhà nước ta. Mỗi vụ việc trợ giúp pháp lý cho người có công với cách mạng nói riêng, người được TGPL nói chung đều gắn với một con người, một số phận, một hoàn cảnh và có nhiều khó khăn riêng cần tháo gỡ...
Tính đến hết năm 2023, theo báo cáo từ địa phương, hệ thống trợ giúp pháp lý có 63 Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước với 1.228 người làm việc (trong đó 676 trợ giúp viên pháp lý); 97 Chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước đặt ở cấp huyện, liên huyện. Bên cạnh đó, còn có 675 luật sư,  Cộng tác viên TGPL tham gia trợ giúp pháp lý; 180 tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý.
Kết quả cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý cho người có công với cách mạng trong thời gian qua đạt được nhiều kết quả tích cực. Tính từ khi thành lập hệ thống trợ giúp pháp lý đến nay (1997 – 6/2024), trên toàn quốc các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý đã cung cấp dịch vụ pháp lý cho khoảng 327 nghìn lượt người có công với cách mạng thông qua nhiều hình thức như tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng. Từ khi triển khai Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 đến nay (từ 2018 -6/2024), đã có khoảng 25 nhìn lượt người có công với cách mạng được trợ giúp pháp lý.
Qua báo cáo từ các địa phương, hoạt động kiểm tra cho thấy hầu hết vụ việc trợ giúp pháp lý nói chung, vụ việc trợ giúp pháp lý cho người có công với cách mạng nói riêng được đánh giá đều đạt chất lượng trở lên. Thực hiện trợ giúp pháp lý cho người có công với cách mạng, các trợ giúp viên pháp lý được phân công luôn trăn trở với từng vụ việc cụ thể để nghiên cứu, tìm ra những bằng chứng, luận cứ bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người có công với cách mạng đã thể hiện tâm huyết, trách nhiệm, tính chuyên nghiệp và bản lĩnh nghề nghiệp của các Trợ giúp viên pháp lý. Kết quả, trong thời gian qua đã có nhiều vụ việc tham gia tố tụng do Trợ giúp viên pháp lý thực hiện có quan điểm bào chữa, bảo vệ cho người có công với cách mạng được các cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận như đòi được quyền sử dụng đất, tăng mức bồi thường thiệt hại, được tuyên mức án nhẹ hơn…
Những kết quả đạt được thể hiện qua những con số cụ thể là minh chứng sinh động cho thấy chủ trương đúng đắn, kịp thời của Đảng, Nhà nước trong việc bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý cho người có công với cách mạng, góp phần triển khai quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật. Đồng thời, thông qua các vụ việc này, người có công với cách mạng nói riêng, người dân nói chung càng hiểu và tin tưởng vào chính sách trợ giúp pháp lý, niềm tin vào năng lực của các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cũng như đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý.

Một số giải pháp nhằm tiếp tục tăng cường bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý cho người có công với cách mạng

Vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 42-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong giai đoạn mới, trong đó đưa ra chỉ tiêu đến năm 2030, “bảo đảm 100% người có công và gia đình người có công với cách mạng được chăm lo toàn diện cả vật chất và tinh thần, có mức sống từ trung bình khá trở lên so với mức sống của cộng đồng dân cư nơi cư trú”. Ngày 9/5/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW, trong đó có nhiệm vụ “kết nối, đẩy mạnh các hoạt động trợ giúp pháp lý trong các chương trình, chính sách về an sinh xã hội” và đặt ra chỉ tiêu đến năm 2030, 99% người nghèo, người có công với cách mạng, đối tượng chính sách và người yếu thế thuộc diện người được trợ giúp pháp lý tiếp cận và được trợ giúp pháp lý khi có yêu cầu. Ngày 14/6/2024 Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 1109/QĐ-BTP ban hành Kế hoạch triển khai nhiệm vụ trợ giúp pháp lý của Bộ Tư pháp được giao tại Chương trình hành động của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị quyết số 68/NQ-CP.
 Theo đó, để tiếp tục tăng cường bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý cho người có công với cách mạng, tác giả xin đề xuất một số giải pháp cụ thể như sau:
- Triển khai hiệu quả Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; các nội dung trợ giúp pháp lý theo Quyết định số 1109/QĐ-BTP; Nghị quyết số 68/NQ-CP... và các văn bản có liên quan.
- Tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về trợ giúp pháp lý theo hướng đơn giản thủ tục hành chính; đề xuất bổ sung quyền được trợ giúp pháp lý khi sửa đổi Pháp lệnh người có công với cách mạng để bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật...
- Tiếp tục tập trung thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý, nhất là vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng khi người có công với cách mạng có yêu cầu. Nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý cho người có công với cách mạng thông qua việc nâng cao kiến thức, kỹ năng người thực hiện trợ giúp pháp lý...
- Có các giải pháp truyền thông trợ giúp pháp lý tích cực hơn, mạnh mẽ hơn nữa để tiếp cận đến người có công với cách mạng nói riêng và người dân nói chung. Kết hợp các hình thức truyền thông truyền thống và hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý và các hoạt động khác trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý. Nhất là truyền thông về vai trò, hiệu quả của trợ giúp pháp lý trong các vụ việc cụ thể thông qua mạng xã hội zalo, facebook,... sẽ tăng hiệu quả tiếp cận của người dân.
- Tăng cường sự phối hợp với các cơ quan nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng, đoàn thể, người có uy tín trong cộng đồng như Tòa án, công an, viện kiểm sát, Hội Cựu chiến binh, UBND cấp xã.v.v. trong việc truyền thông, giới thiệu trợ giúp pháp lý đến người có công với cách mạng đến tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý; tiếp tục thu hút các cá nhân, tổ chức có kiến thức, trình độ tham gia TGPL..../.

[1] Điều 8 Luật TGPL năm 2017

Nguồn: https://tgpl.moj.gov.vn/

Thong ke

Tiến sĩ Nguyễn Trung Thành

Phạm Trọng Đạt

Tiến sĩ Bùi Hải Thiêm

Tỉ giá hối đoái