An sinh xã hội cho lao động phi chính thức – kinh nghiệm từ một số quốc gia và hàm ý cho Việt Nam

08:57 09/01/2024

Khu vực kinh tế phi chính thức đã đóng góp một phần không nhỏ về tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho nhiều người lao động. Tuy nhiên, về cơ bản lao động phi chính thức có trình độ thấp, phần lớn thuộc đối tượng nghèo, đồng thời là đối tượng yếu thế trong xã hội. Để bảo đảm an sinh xã hội, một số quốc gia đã thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm hưu trí và thương tật, trợ cấp xã hội… là trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội, góp phần tích cực vào việc ổn định xã hội. Bài viết đưa ra một số kinh nghiệm bảo đảm an sinh xã hội cho lao động phi chính thức ở một số quốc gia trên thế giới, từ đó, rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
Ảnh minh họa (internet).
Kinh nghiệm của quốc gia Bốt-xi-nha và Héc-sê-gô-vi-na

Bốt-xi-nha và Héc-sê-gô-vi-na là một quốc gia tại Đông Nam châu Âu trên Bán đảo Balkan (tên của quốc gia này bắt nguồn từ hai vùng Bốt-xi-nha và Héc-sê-gô-vi-na)1. Bốt-xi-nha và Héc-sê-gô-vi-na có hệ thống bảo trợ xã hội toàn diện, bao gồm: bảo hiểm xã hội, hỗ trợ phúc lợi cho gia đình và trẻ em và phúc lợi cho cựu chiến binh. Bảo hiểm xã hội bao gồm (bảo hiểm hưu trí và thương tật, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp). Hệ thống bảo hiểm xã hội chủ yếu được tài trợ bởi sự đóng góp của người sử dụng lao động và người lao động, mặc dù các hệ thống này lệ thuộc đáng kể vào ngân sách công để trợ cấp và bù đắp thâm hụt ngân sách. Trong khuôn khổ Hiến pháp hiện hành của Bốt-xi-nha và Héc-sê-gô-vi-na vai trò của Nhà nước trong lĩnh vực bảo trợ xã hội chỉ giới hạn ở phạm vi điều phối, hợp tác quốc tế. Đồng thời, bảo hiểm xã hội được thực hiện dưới quyền tài phán của hai thực thể – Liên bang Bốt-xi-nha và Héc-sê-gô-vi-na và Cộng hòa Srpska, mỗi thực thể có quỹ hưu trí và bảo hiểm tàn tật riêng được điều chỉnh bởi các luật cấp thực thể riêng biệt. Ngoài ra, Quận Brčko, một đơn vị hành chính độc lập của Bốt-xi-nha và Héc-sê-gô-vi-na điều hành quỹ bảo hiểm y tế của riêng mình nhưng người dân phải tham gia hệ thống bảo hiểm hưu trí và tàn tật của Liên bang Bốt-xi-nha và Héc-sê-gô-vi-na hoặc của Cộng hòa Srpska, do đó, đã đặt ra một số thách thức lớn trong việc chưa nhất quán về phương pháp thực hiện.

Về bảo hiểm y tế, Bộ Y tế Liên bang Bốt-xi-nha và Héc-sê-gô-vi-na chịu trách nhiệm về chính sách y tế. Trong Liên bang, bảo hiểm y tế được thực hiện bởi 10 quỹ bảo hiểm y tế bang và Liên bang, Viện Bảo hiểm y tế bảo hiểm cho các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cấp ba, mỗi quỹ bang hoạt động một cách độc lập từ tổng doanh thu đóng góp 89,8% được phân bổ cho các quỹ của bang và 10,2% cho quỹ liên bang. Tỷ lệ đóng bảo hiểm y tế cho người lao động là 16,5% tổng lương được chia sẻ bởi người lao động 12,5% và người sử dụng lao động 4%2.

Về bảo hiểm hưu trí và thương tật, Viện Hưu trí và Người khuyết tật của Liên bang Bốt-xi-nha và Héc-sê-gô-vi-na thực hiện lương hưu và trợ cấp tai nạn lao động theo hướng dẫn chính sách của Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội. Nông dân có thể tham gia hệ thống lương hưu trên cơ sở tự nguyện nhưng mức đóng góp phải dưới mức lương tối thiểu để tạo động lực cho các thành viên.

Về thu đóng góp, từ khi thực hiện Luật Đóng góp năm 2011, cơ quan quản lý thuế chỉ chịu trách nhiệm thu thuế và các khoản đóng góp an sinh xã hội. Cơ quan này hoạt động với hệ thống thông tin thống nhất tích hợp 23 hệ thống thông tin được sử dụng thông qua thể chế, chính sách. Viện Bảo hiểm y tế (bao gồm cả các quỹ bảo hiểm y tế của bang) và Viện Hưu trí và Viện khuyết tật trao đổi dữ liệu của các thành viên với cơ quan quản lý thuế dựa vào hồ sơ đóng thuế, đồng thời, cập nhật sổ bảo hiểm y tế của người tham gia bảo hiểm y tế ba tháng/lần.

Kinh nghiệm Cộng hòa Srpska

Về bảo hiểm y tế, Quỹ Bảo hiểm y tế của Republika Srpska thực hiện bảo hiểm y tế với mức đóng bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội hưu trí thương tật được quy định trong Luật Đóng góp riêng của Republika Srpska. Luật này quy định, tất cả các khoản đóng góp được khấu trừ từ tiền lương của nhân viên và người sử dụng lao động có nghĩa vụ chuyển các khoản đóng góp thay cho nhân viên của họ. Luật Đóng góp mới dự kiến ​​đóng cố định theo nghề nghiệp, nhằm mở rộng phạm vi bảo hiểm cho nông dân, nhờ đó số lượng nông dân đăng ký tăng lên nhanh chóng, (chiếm 90% chi phí bảo hiểm y tế)3.

Về bảo hiểm hưu trí và thương tật, Quỹ Hưu trí và bảo hiểm thương tật của Srpska thực hiện trong hệ thống lương hưu dưới sự hướng dẫn chính sách của Bộ Lao động và Phúc lợi Cựu chiến binh.

Về trợ cấp xã hội, Bộ Y tế và Phúc lợi xã hội thực hiện Luật Bảo trợ xã hội năm 1993, sửa đổi, bổ sung năm 2012 với số tiền trợ cấp xã hội là 15% tiền lương trung bình4. Chi trả trợ cấp xã hội được thực hiện bình đẳng, việc chi trả trợ cấp chiến tranh cho nạn nhân chiến tranh, cựu chiến binh đã được chuyển sang ngân sách công.

Về thu đóng góp, hệ thống thu thuế thống nhất của cơ quan quản lý thuế đã được áp dụng từ năm 2010. Hệ thống thông tin của cơ quan quản lý thuế và cơ quan bảo hiểm xã hội chưa được kết nối. Tuy nhiên, một nghị định thư về hợp tác liên bộ đã được thông qua, trong đó xác định vai trò của từng bộ, đồng thời, các cuộc họp liên bộ đã được thành lập gồm Cục Quản lý thuế, Cục Hưu trí và Người tàn tật, Quỹ Bảo hiểm, Quỹ Bảo hiểm Y tế và Bộ Y tế và Phúc lợi xã hội đã dưa ra kết luận có giá trị ràng buộc đối với tất cả các bên.

Kinh nghiệm Cộng hòa Môn-đô-va

Về bảo hiểm y tế, hệ thống bảo hiểm y tế Môn-đô-va được quản lý bởi Cơ quan Y tế Xã hội quốc gia (Compania Naţională de Asigurări în Medicină, CNAM). Tất cả nhân viên ở Môn-đô-va đều được bảo hiểm bắt buộc bởi hệ thống bảo hiểm y tế. Năm 2015, mức đóng bảo hiểm y tế của người lao động là 9% chia đều cho người sử dụng lao động và người lao động5. Ngoài ra, Nhà nước bảo vệ các nhóm khác nhau bên ngoài lực lượng lao động, bao gồm: trẻ em, người hưu trí, người có khuyết tật, người thất nghiệp, phụ nữ mang thai, bà mẹ có 4 con trở lên và gia đình nhận trợ cấp xã hội.

Về bảo hiểm xã hội, dưới sự hướng dẫn chính sách của Bộ Lao động Bảo trợ Xã hội và Gia đình, Văn phòng quốc gia của Bảo hiểm xã hội (Casa Naţională de Asigurări Sociale, CNAS) thực hiện chính sách xã hội quốc gia hệ thống bảo hiểm, bao gồm: tiền trợ cấp tuổi già, tàn tật và người còn sống, trợ cấp tai nạn lao động, chế độ ốm đau, chế độ thai sản, chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Tất cả những người có việc làm bắt buộc phải tham gia bảo hiểm xã hội, những người không được bảo hiểm là công nhân tự làm chủ, nông dân, người di cư cũng như những người được bảo vệ bởi các chương trình đặc biệt, chẳng hạn như các thành viên của quân đội và nhân viên nhà thờ.

Tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động là 29%, trong đó người sử dụng lao động đóng 23% và nhân viên 6%. Người sử dụng lao động chỉ tham gia vào các hoạt động nông nghiệp giảm tỷ lệ đóng còn 16%, trong khi người lao động phải đóng 6%, Nhà nước đóng 6%, do đó, tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội của lao động khu vực nông nghiệp là 28%6. Một số phúc lợi (trợ cấp khi sinh con, hỗ trợ cho các hoạt động ngoại khóa ở trường, trợ cấp thương binh) được chuyển vào ngân sách nhà nước.

Về thu đóng góp, Thuế Nhà nước chịu trách nhiệm thu thuế và đóng góp an sinh xã hội và chuyển các khoản đóng góp vào tài khoản của hệ thống bảo hiểm y tế và an sinh xã hội.

Giá trị tham khảo cho Việt Nam

Có thể thấy, các quốc gia đều thực hiện các chính sách an sinh xã hội dựa trên nền tàng các chế độ bảo hiểm. Bảo hiểm y tế là loại hình bảo hiểm tự nguyện giúp chi trả một phần hay toàn bộ chi phí điều trị ở các cơ sở y tế (nằm trong danh sách bệnh viện, phòng khám trong hợp đồng) khi người được bảo hiểm bị đau ốm, thương tật, tai nạn, chăm sóc và phục hồi sức khỏe.

Ở Việt Nam, tham gia bảo hiểm xã hội được xác định là nguyện vọng chính đáng của mọi người dân lao động, xuất phát từ nguyện vọng chính đáng đó, Quốc hội đã ban hành Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 quy định về chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện (thực hiện từ ngày 01/01/2008) đã mở ra cơ hội lớn cho người lao động tự do, nông dân hưởng lương hưu khi tuổi già, hướng tới bảo hiểm xã hội toàn dân góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Nhìn chung, hệ thống pháp luật quy định về bảo hiểm xã hội tự nguyện đã được xây dựng một cách đầy đủ và chi tiết tạo hành lang pháp lý quan trọng cho việc tổ chức triển khai thực hiện. Nhiều nội dung chính sách được bổ sung, sửa đổi tạo cơ hội thuận lợi cho người lao động trong khu vực chính thức và phi chính thức. Tuy nhiên, hầu hết lao động phi chính thức không có bảo hiểm xã hội, chiếm tỷ lệ tới 97,9%, chỉ có 0,2% được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, còn lại 1,9% đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Trong đó, tỷ lệ lao động chính thức có bảo hiểm xã hội bắt buộc lại rất cao, chiếm 80,5%7.

Người lao động khu vực phi chính thức chủ yếu thuộc các hộ kinh doanh cá thể, thu nhập không ổn định và không được hạch toán rõ ràng, khả năng tiếp cận bảo hiểm xã hội tự nguyện còn hạn chế. Để bảo đảm an sinh xã hội cho lao động khu vực kinh tế phi chính thức, thời gian tới, cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, cần bảo đảm rằng hoàn thiện khung pháp lý phù hợp đáp ứng nhu cầu của người lao động và người sử dụng lao động; đồng thời, khuyến khích quá trình chuyển dịch lao động ở khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức nơi có an sinh xã hội bảo đảm hơn. Do đó, Nhà nước cần có chính sách can thiệp, hỗ trợ thực sự, kịp thời và đúng mức tới khu vực kinh tế phi chính thức.

Hai là, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với thị trường lao động khu vực phi chính thức gắn với bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động, đồng bộ với quản lý thị trường lao động trên phạm vi cả nước. Trong đó, cần tập trung nâng cao chất lượng hoạt động dự báo về sự phát triển và thông tin đầy đủ, toàn diện, kịp thời về thị trường lao động khu vực phi chính thức trong tổng thể hệ thống dự báo và thông tin thị trường lao động quốc gia. Bổ sung, hoàn thiện chính sách quản lý hiệu quả rủi ro về việc làm, bảo đảm an sinh xã hội bền vững hơn cho người lao động trên thị trường lao động khu vực phi chính thức.

Ba là, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm và chuyển đổi nghề cho lao động khu vực kinh tế phi chính thức để nâng cao chất lượng lao động và năng suất lao động.

Xây dựng các mối quan hệ chặt chẽ giữa đào tạo nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động để bảo đảm cho các hoạt động của hệ thống giáo dục nghề nghiệp hướng vào việc đáp ứng  nhu cầu của từng ngành, từng lĩnh vực; xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề, xác định danh mục nghề, xây dựng chương trình đào tạo, đánh giá kết quả học tập của người học nghề… Bên cạnh đó, người dân cũng cần chủ động phát triển bản thân bằng cách đầu tư cho giáo dục, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật để tiến tới sản xuất – kinh doanh chuyên nghiệp, khoa học hơn, dần chuyển dịch sang khu vực kinh tế chính thức.

TS. Đặng Thị Hoài – ThS. Tống Thế Sơn
Trường Đại học Thương mại
Chú thích:
1. Bách khoa toàn thư mở Wikipedia. https://vi.wikipedia.org, truy cập ngày 10/10/2023.
2, 3, 4, 5, 6. Kenichi Hirose, Miloslav Hettes. Extending Social Security to the Informal Economy – Evidence from Bosnia and Herzegovina and the Republic of Moldova. ILO, ISBN,Printed in Hungary 2016, p 4.
7. Hướng tới tham gia bảo hiểm xã hội là điều kiện bắt buộc với lao động phi chính thức. https://tapchibaohiemxahoi.gov.vn, ngày 24/12/2022.
Tài liệu tham khảo:
1. Bài viết là sản phẩm của Đề tài khoa học cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo, mã số: B 2022-TMA-03.
2. Mở rộng diện bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với khu vực phi chính thức tại Việt Nam. https://tapchitaichinh.vn, ngày 24/12/2022.
3. Các nhân tố ảnh hưởng đến ý định tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của khu vực phi chính thức tại Việt Nam. https://ktpt.neu.edu.vn, ngày 24/12/2022.
Nguồn: https://www.quanlynhanuoc.vn/
Thong ke

Tiến sĩ Nguyễn Trung Thành

Phạm Trọng Đạt

Tiến sĩ Bùi Hải Thiêm

Tỉ giá hối đoái