Thực trạng và giải pháp nhằm nâng cao công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh

11:10 01/09/2021

Trợ giúp pháp lý là một chính sách bảo đảm quyền con người, quyền công dân, bộ phận của tổng thể các chính sách xóa đói, giảm nghèo, đền ơn, đáp nghĩa, chính sách dân tộc và ưu đãi xã hội của Đảng và Nhà nước ta. Thực hiện Quyết định số 734/TTg ngày 06/9/1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập tổ chức trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách, ngày 12/6/1998, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã Quyết định thành lập Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Hà Tĩnh. Được sự quan tâm của Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, lãnh đạo Sở Tư pháp, công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã đạt được nhiều thành quả nổi bật.

Năm 2020, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh đã tổ chức thực hiện thành công 108 cuộc truyền thông và trợ giúp pháp lý tại cơ sở, truyền thông về trợ giúp pháp lý, phổ biến nhiều văn bản pháp luật quan trọng, thiết yếu đến người dân, tập trung ưu tiên tuyên truyền, giới thiệu các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành, các quy định của pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân như: Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản có liên quan; Pháp luật về dân sự, pháp luật về hình sự, pháp luật về đất đai, pháp luật về hôn nhân và gia đình; Luật Hộ tịch; pháp luật về các chế độ chính sách, bảo trợ xã hội; …. Thực hiện tư vấn, hướng dẫn 161 vụ việc (trong đó có 05 vụ việc hình sự; 31 vụ việc hành chính; 64 vụ việc dân sự và 61 vụ việc khác). Bên cạnh đó, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh đã cử và thực hiện 229 vụ việc (tăng 35 vụ việc so với cùng kỳ năm 2019), trong đó có 207 vụ việc hình sự và 22 vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình. Đặc biệt, 01 vụ án hình sự có Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm tham gia đã được Tòa án nhân dân tối cao công bố là án lệ số 30/2020/AL theo Quyết định số 50/QĐ-CA ngày 25/02/2020. Để người dân tiếp cận được các chính sách trợ giúp pháp lý một cách tốt nhất, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh đã biên soạn, in ấn hơn 30.000 cuốn tài liệu pháp luật để phát miễn phí cho người dân; xây dựng các bộ hỏi đáp pháp luật đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Sở Tư pháp để người dân, người được trợ giúp pháp lý dễ dàng tiếp cận, nghiên cứu câu hỏi và trả lời tương tự với nội dung mình muốn tra cứu, áp dụng trên thực tiễn; Phối hợp với các cơ quan truyền thông đăng tải các tin, bài về các câu chuyện pháp luật, nghiên cứu trao đổi nghiệp vụ về trợ giúp pháp lý, hoạt động trợ giúp pháp lý, các giải đáp thắc mắc về pháp luật khi người dân có nhu cầu; Xây dựng Chương trình phát thanh “Trợ giúp pháp lý với người dân” để phát đến tận thôn, xóm giúp người dân có hiểu biết về chính sách trợ giúp pháp lý miễn phí và các pháp luật có liên quan đến đời sống người dân.

Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Hà Tĩnh thực hiện truyền thông và trợ giúp pháp lý cho đông đảo người dân, người thuộc diện được trợ giúp pháp lý tại thôn, xóm

 Tuy nhiên, công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh vẫn còn một số vướng mắc như: Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát trên toàn cầu, ở nước ta dịch bệnh có những diễn biến phức tạp, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện cách ly xã hội trong thời gian dài, hoạt động trợ giúp pháp lý cho người dân có những lúc, những thời điểm không thực hiện được, nhất là truyền thông về trợ giúp pháp lý và tư vấn, hướng dẫn tại cơ sở; ...; Một số cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật chưa chủ động, tích cực phối hợp trong quá trình triển khai thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý; Diện người được trợ giúp pháp lý rộng, tuy nhiên, biên chế ít, điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế, kinh phí cấp cho công tác trợ giúp pháp lý còn hạn hẹp nên chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Để công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh trong thời gian tới đạt kết quả cao hơn, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, tăng cường công tác thông tin, truyền thông về trợ giúp pháp lý nói chung và quyền được trợ giúp pháp lý của người dân nói riêng.

Hiện nay, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp. Để người dân, người thuộc diện được trợ giúp pháp lý nắm bắt được các thông tin về trợ giúp pháp lý và các lĩnh vực pháp luật khác, nhất là phòng, chống dịch COVID-19, cần đa dạng hóa các phương thức truyền thông về trợ giúp pháp lý (qua báo, đài phát thanh, truyền hình, internet,...) phù hợp với từng đặc thù địa bàn, trình độ dân trí của người dân, chẳng hạn xây dựng video, kịch bản liên quan đến câu chuyện pháp luật; đối với các dân tộc có chữ viết thì biên soạn tài liệu bằng tiếng dân tộc, có sự phối hợp giữa tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý với các cơ quan thông tin, đại chúng.

Hai là, nâng cao năng lực của đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý.

Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý, chuyên viên và Luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý theo hướng kết hợp giữa tự học, tự nghiên cứu hoàn thiện mình với đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn lại, trong đó đặc biệt chú trọng việc tự học tập nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức mới và kỹ năng làm việc. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác trợ giúp pháp lý hằng năm và dài hạn. Đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo theo hướng tập trung vào hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghề nghiệp, kỹ năng trợ giúp pháp lý và kỹ năng làm việc với các đối tượng đặc thù và thực hiện trợ giúp pháp lý trên từng lĩnh vực cụ thể.

Ba là, tăng cường phối hợp với cơ quan có liên quan.

Tăng cường sự phối hợp giữa Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh với các cơ quan có liên quan (cơ quan tố tụng, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, ...) để phát hiện và trợ giúp pháp lý kịp thời cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý; Chủ động tiếp cận, xử lý các thông tin liên quan đến người thuộc diện được trợ giúp pháp lý trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ; Thiết lập mạng lưới tại cơ sở; ...

Bốn là, tăng cường quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý; bổ sung các nguồn lực cho Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.

Kịp thời phát hiện, đấu tranh và xử lý kịp thời đối với các hành vi vi phạm pháp luật về trợ giúp pháp lý. Làm tốt công tác khen thưởng, tôn vinh, nêu gương người tốt, việc tốt, điển hình hoặc có đóng góp tích cực cho hoạt động trợ giúp pháp lý; phê phán, lên án với những hành vi lệch lạc, lợi dụng hoạt động trợ giúp pháp lý để trục lợi. Xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát, phản hồi kết quả giải quyết vụ việc đối với những vụ việc có tính chất phức tạp, kéo dài; làm tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý phản ánh, kiến nghị của công dân liên quan đến hoạt động trợ giúp pháp lý, huy động đội ngũ chuyên gia pháp luật, luật sư,… có nhiều kinh nghiệm tham gia đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý. Đề cao cơ chế lấy ý kiến các cơ quan liên quan, nhất là các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý nhằm từng bước nâng cao chất lượng của hoạt động trợ giúp pháp lý và trách nhiệm của người thực hiện trợ giúp pháp lý. Tiếp tục bổ sung thêm biên chế, kinh phí cho Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước để thực hiện tốt các nhiệm vụ trợ giúp pháp lý./.

Nguồn: http://tuphap.hatinh.gov.vn/

Thong ke

Tiến sĩ Nguyễn Trung Thành

Phạm Trọng Đạt

Tiến sĩ Bùi Hải Thiêm

Tỉ giá hối đoái