Cải cách tư pháp trong gần 40 năm đổi mới và giải pháp nâng cao hiệu quả cải cách tư pháp, bảo đảm công bằng xã hội ở Việt Nam hiện nay
15:39 07/12/2024
Kết quả, thành tựu cải cách tư pháp thời kỳ đổi mới
Chủ trương, đường lối cải cách tư pháp của Đảng
Trong gần 40 năm đổi mới, cải cách tư pháp, bảo vệ công lý, thực hiện mục tiêu công bằng xã hội được Đảng, Nhà nước xác định là nhiệm vụ cấp bách, có vai trò và ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng xét xử và vị thế độc lập của tòa án trong xét xử được xác định là nhiệm vụ căn cốt của chiến lược cải cách tư pháp. Với vị trí, chức năng quan trọng trong bộ máy nhà nước, tòa án có nhiệm vụ bảo vệ công lý, mang đến sự công bằng, bảo đảm quyền bình đẳng giữa các chủ thể và thành viên trong xã hội. Mỗi phán quyết của tòa án đưa ra đều có giá trị là những minh chứng để khẳng định sự công bằng, lẽ phải đã được thực thi, bảo vệ. “Không những công lý phải được thực thi mà mọi người phải thấy rằng công lý đã được thực thi”(1). Nghĩa vụ cao cả của tòa án là bảo vệ công lý, công bằng, lẽ phải, quyền lợi, danh dự, uy tín,… của mỗi cá nhân khi bị xâm phạm. “Khi đưa tranh chấp ra xét xử trước tòa án, cho dù phán quyết cuối cùng có đúng với ý muốn vị kỷ của các bên hay không, các bên cũng phải công nhận rằng đó là công lý đối với mình”(2).
Nhận thức đúng đắn về vai trò, tầm quan trọng của cải cách tư pháp đối với công cuộc đổi mới, phát triển của đất nước, ngày 2-1-2002, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW, về “Một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới”, trong đó đề ra mục tiêu cải cách, chuẩn hóa, nâng cao chất lượng của hoạt động điều tra, kiểm sát, xét xử, thi hành án và bổ trợ tư pháp. Theo chủ trương trên, các phiên tòa đồng loạt tiến hành việc chuyển từ hình thức tố tụng xét hỏi sang hình thức tố tụng tranh tụng; phán quyết của tòa án sẽ tùy thuộc vào diễn biến thực tế trong phiên toà, bảo đảm tính khách quan của vụ việc... Ngày 4-12-2002, nguyên tắc tranh tụng chính thức được áp dụng trong hoạt động xét xử của tòa án. Nghị quyết số 08-NQ/TW đưa ra những định hướng và nhiệm vụ cụ thể, sát thực với yêu cầu thực tế, tạo ra sự thay đổi có tính bước ngoặt trong chiến lược cải cách tư pháp. Tại các phiên tòa, không còn tình trạng hội đồng xét xử dự kiến, chuẩn bị, ấn định trước về tội danh, mức hình phạt… Với việc áp dụng nguyên tắc tranh tụng, quyền của luật sư, bị can, bị cáo trong tố tụng được tòa án và các cơ quan tư pháp quan tâm, lưu ý hơn so với trước đó. Nghị quyết số 08-NQ/TW đã tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ, khắc phục một số hạn chế cố hữu tồn tại của nền tư pháp trước đây, góp phần tích cực vào việc bảo vệ, thực thi công lý.
Nhằm thực hiện chiến lược cải cách tư pháp một cách toàn diện, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công cuộc đổi mới, ngày 2-6-2005, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW, về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”, với mục tiêu: Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc, đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, đồng thời đề ra một số nhiệm vụ quan trọng, giải quyết những vấn đề mấu chốt của cải cách tư pháp như: hoàn thiện pháp luật và thủ tục tố tụng tư pháp; xây dựng, hoàn thiện tổ chức và hoạt động của tòa án nhân dân; phát triển đội ngũ luật sư; hoàn thiện cơ chế bảo đảm việc tranh tụng tại phiên tòa của luật sư… Nội dung, yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ cải cách tư pháp trong tình hình mới còn được quy định cụ thể trong Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 9-11- 2022, Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII, về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”.
Xây dựng, hoàn thiện pháp luật về cải cách tư pháp
Triển khai thực hiện các nghị quyết trên, Quốc hội đã tiến hành sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Hiến pháp và hệ thống pháp luật, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu cơ bản của cải cách tư pháp. Hiến pháp Việt Nam thời kỳ đổi mới đã ghi nhận, bổ sung nhiều quy định tiến bộ nhằm bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật của công dân, từng bước khắc phục một số hạn chế, bất cập của nền tư pháp Việt Nam trước đây. Hiến pháp năm 2013 quy định: tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và xét xử công khai. Các nguyên tắc cơ bản của một nền tư pháp dân chủ, tiến bộ, hiện đại như: Bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử; chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm; quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự được bảo đảm,… đều được ghi nhận trong Hiến pháp. Đáng chú ý, Hiến pháp năm 2013 đã thể chế hóa nguyên tắc tranh tụng của Nghị quyết số 08-NQ/TW. Nguyên tắc này là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc xây dựng, hoàn thiện quy định pháp luật về tố tụng hình sự, dân sự, cũng như pháp luật về tổ chức, hoạt động tòa án nhân dân, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi khách quan của tiến trình cải cách tư pháp và xu thế hội nhập quốc tế.
Trong chiến lược cải cách tư pháp, việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật về tố tụng là nhiệm vụ cấp thiết. Ngày 28-6-1988, Bộ luật Tố tụng hình sự được Quốc hội thông qua với những quy định cụ thể về trình tự, thủ tục khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, xử lý công minh, kịp thời những hành vi phạm tội. Để đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn, Quốc hội đã ban hành Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, trong đó có nhiều quy định mới nhằm bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền bình đẳng trước pháp luật, quyền tiếp cận công lý, bảo vệ công lý, sự công bằng, lẽ phải…
Suy đoán vô tội, tranh tụng, bình đẳng trước pháp luật - những nguyên tắc tiến bộ, cơ bản nhất của nền tư pháp hiện đại - đều được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 và quy định cụ thể trong pháp luật Việt Nam. Theo quy định, trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, điều tra viên, kiểm sát viên, người bị buộc tội, người bào chữa,… đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ, đưa ra yêu cầu để làm rõ sự thật khách quan của vụ án. Thông qua tranh tụng, tất cả những chứng cứ buộc tội, cũng như chứng minh vô tội đều được làm rõ tại phiên tòa. Để bảo đảm công bằng, bảo vệ công lý, lẽ phải, người bị buộc tội có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa.
Nhằm bảo đảm vị thế độc lập trong xét xử của tòa án, Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung, ban hành nhiều đạo luật, bộ luật khác nhau. Những nguyên tắc cơ bản, quan trọng nhất về tổ chức và hoạt động của tòa án đều được nghiên cứu kỹ lưỡng và quy định trong Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 như: tòa án độc lập theo thẩm quyền xét xử; bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật và tòa án; thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; tranh tụng trong xét xử được bảo đảm… Độc lập trong xét xử của tòa án có nghĩa là: “sự độc lập của thẩm phán và hội thẩm với các chủ thể khác bên ngoài hội đồng xét xử, cũng như độc lập ngay giữa các thành viên trong hội đồng xét xử”(3). Bảo đảm sự độc lập theo thẩm quyền xét xử của tòa án là yêu cầu tất yếu của một nền tư pháp dân chủ, hiện đại, đồng thời là yếu tố giữ vai trò quyết định đối với sự thành công của chiến lược cải cách tư pháp của Đảng.
Không dừng lại ở đó, thành tựu của chiến lược cải cách tư pháp trong gần 40 năm đổi mới còn được thể hiện trong nhiều đạo luật, bộ luật, như: Luật Luật sư, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Luật Đặc xá…, cũng như việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực tư pháp, tăng cường khả năng tiếp cận công lý, tổ chức phiên tòa trực tuyến, tuyên truyền phổ biến pháp luật, tổ chức xin lỗi công khai, bồi thường cho những người bị oan sai trong tố tụng hình sự… Đặc biệt, chiến lược cải cách tư pháp đã tạo ra sự thay đổi đáng kể trong nhận thức của các cơ quan tư pháp, người tiến hành tố tụng và toàn xã hội về vị trí, vai trò của luật sư trong hoạt động tố tụng và nền tư pháp Việt Nam: “sự có mặt của luật sư bào chữa trong một vụ án hình sự giúp cân bằng cán cân công lý”(4).
Một số hạn chế, bất cập trong tiến trình thực hiện cải cách tư pháp
Trong gần 40 năm đổi mới, thực hiện mục tiêu cải cách, xây dựng nền tư pháp dân chủ, văn minh, hiện đại…, chiến lược cải cách tư pháp đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, đối chiếu với mục tiêu xây dựng nền tư pháp công bằng, dân chủ, đề cao công lý của Việt Nam, việc thực hiện cải cách tư pháp còn tồn tại một số vấn đề nhất định. “Công tác triển khai, tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị còn nhiều hạn chế, chưa theo đúng lộ trình đề ra, nhiều nhiệm vụ quan trọng của Chiến lược cải cách tư pháp chưa được thực hiện”(5). Mặc dù chất lượng xét xử, giải quyết các vụ án dân sự, hình sự, kinh tế,… của tòa án nhân dân các cấp đều có tiến bộ, song tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan chưa giảm mạnh so với yêu cầu cải cách tư pháp. “Tỷ lệ xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo chiếm tỷ lệ cao”(6). “Vẫn còn những bị cáo trong các vụ án phạm tội về kinh tế, tham nhũng được hưởng án treo không đúng quy định”(7). “Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan vẫn còn cao, thậm chí có bản án áp dụng sai pháp luật”(8). Quá trình đổi mới thủ tục hành chính tư pháp của tòa án chưa bảo đảm tính toàn diện, cũng như chưa đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Mô hình, quy trình, phương thức thực hiện thủ tục hành chính tư pháp chưa được chuẩn hóa, thống nhất. Đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng quan liêu, tùy tiện, máy móc, thiên vị, thiếu công bằng,… trong việc giải quyết thủ tục hành chính tư pháp. Trên một số khía cạnh, nền tư pháp Việt Nam chưa đạt trình độ tiên tiến, hiện đại so với trình độ chung của nền tư pháp trên thế giới.
Về quy định pháp luật
Trong việc xây dựng, ban hành pháp luật phục vụ cải cách tư pháp, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu quan trọng, song vẫn còn một số bất cập: “Hệ thống pháp luật còn một số quy định chưa thống nhất, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn”(9). “Pháp luật hình sự được hoàn thiện phần lớn theo xu hướng quá đề cao sự trừng trị, mở rộng tội phạm hóa, hình sự hóa quá mức cần thiết, chưa thực sự coi trọng giá trị phòng ngừa, tính nhân đạo của pháp luật hình sự”(10). Quá trình hoàn thiện pháp luật tố tụng hình sự chưa đáp ứng những yêu cầu cơ bản về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cũng như yêu cầu bảo đảm thực hiện nguyên tắc tranh tụng. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 ghi nhận việc bảo đảm nguyên tắc tranh tụng, nhưng việc phân định ba chức năng cơ bản của tố tụng hình sự: buộc tội, xét xử, bào chữa còn chưa thực sự rõ ràng. Về luật nội dung, một số đạo luật, bộ luật còn có quy định chưa thực sự phù hợp với thực tế.
Về thực hiện nguyên tắc tranh tụng
Theo quy định của pháp luật, trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, điều tra viên, kiểm sát viên, người khác có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người bị buộc tội, người bào chữa,… đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ, đưa ra yêu cầu để làm rõ sự thật khách quan của vụ án. Tuy nhiên, việc thực hiện quy định này còn gặp những khó khăn nhất định do sự mâu thuẫn, ràng buộc của một số quy định khác. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 còn có sự phân biệt rõ giữa quyền của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng trong việc kiểm tra, đánh giá chứng cứ, chưa bảo đảm sự công bằng, bình đẳng giữa người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng. Pháp luật tố tụng hình sự chưa có quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ đối đáp, tranh luận đến cùng, làm rõ sự thật khách quan của sự kiện pháp lý của kiểm sát viên trong phiên tòa. “Trong thực tiễn hoạt động xét xử vẫn tồn tại không ít những phiên tòa không bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử; thực hiện tranh tụng mang tính hình thức”(11).
Về nguyên tắc độc lập trong xét xử của tòa án
Tòa án độc lập trong xét xử là nguyên tắc cơ bản của nền tư pháp hiện đại, được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013. Nguyên tắc này đặt ra yêu cầu: phán quyết của tòa án phải được thực hiện trên cơ sở kết quả xét hỏi, tranh tụng và đánh giá những chứng cứ được công khai tại phiên tòa. Tuy nhiên, trong một số vụ án, nguyên tắc tòa án độc lập trong xét xử chưa được tôn trọng, bảo đảm thực hiện, ảnh hưởng đến sự cân bằng của cán cân công lý. Tại một số phiên tòa, thẩm phán còn có phần nghiêng theo quan điểm của bên công tố. “Theo xu thế mở rộng tranh tụng, tiếp nhận yếu tố tranh tụng vào mô hình tố tụng thẩm vấn truyền thống tại Việt Nam, với cách tiếp cận của nguyên tắc này, tòa án đang không đứng ở vị trí khách quan và trung lập giữa chủ thể buộc tội và chủ thể gỡ tội để bảo đảm tranh tụng trong xét xử”(12).
Về bảo đảm quyền tiếp cận công lý
Tiếp cận công lý là một quyền cơ bản của con người, được xem là thước đo của việc bảo đảm công bằng, bình đẳng trong xã hội. Với tư cách là chủ thể bảo vệ công lý, tòa án và các cơ quan tư pháp có nhiệm vụ bảo đảm thực hiện quyền này. Tuy nhiên, quy định đối với một số thủ tục hành chính tư pháp còn khá phức tạp, đòi hỏi nhiều loại giấy tờ, gây không ít khó khăn cho người dân khi nộp đơn khởi kiện và thực hiện những thủ tục pháp lý khác. Hơn nữa, “quy định về bảo đảm quyền bào chữa còn một số bất cập, vướng mắc và khó khăn làm hạn chế việc bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo, quyền hành nghề của luật sư và ảnh hưởng đến đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án, khả năng tiếp cận công lý”(13). Nếu vị thế độc lập trong xét xử của tòa án chưa được bảo đảm, quyền tiếp cận công lý sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Cùng với đó, quyền này chỉ được thực hiện với điều kiện quyền tiếp cận pháp luật và tòa án, nguyên tắc suy đoán vô tội, nguyên tắc tranh tụng,… được tôn trọng và bảo đảm thực hiện trên thực tế.
Yêu cầu, đặc điểm cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay và nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện
Một số yêu cầu về cải cải cách tư pháp hiện nay
Cải cách tư pháp có vai trò quan trọng đối với việc thực hiện mục tiêu công bằng xã hội, đồng thời đóng góp tích cực cho việc thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Trong gần 40 năm đổi mới, với quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước, sự nhất trí, đồng thuận trong toàn xã hội, chiến lược cải cách tư pháp đã đạt được một số kết quả, thành tựu nổi bật. Tuy nhiên, ở mỗi giai đoạn phát triển, bên cạnh mặt thuận lợi, kết quả, thành tựu đạt được, tiến trình cải cách tư pháp cũng phải đối mặt với những khó khăn, thách thức nhất định.
Trình độ dân trí, sự hiểu biết, kiến thức pháp luật của người dân ngày càng được nâng cao tạo ra những áp lực ngày càng lớn đối với tiến trình cải cách tư pháp. Người dân có thể cảm nhận, tự kiểm chứng, nhờ luật sư hoặc chuyên gia pháp lý kiểm chứng, đánh giá về kết quả, quyết định tư pháp. Trong giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cải cách tư pháp có quan hệ chặt chẽ với những nhiệm vụ chiến lược của đất nước như: xây dựng nhà nước pháp quyền; cải cách nền hành chính nhà nước, đổi mới quản trị quốc gia… Do đó, trong bối cảnh phát triển đất nước hiện nay, cải cách tư pháp có một số yêu cầu, đặc điểm cơ bản như sau:
Một là, chiến lược cải cách tư pháp được tiến hành giữa thời điểm cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển nhanh, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ thông tin; các loại thông tin khác nhau, có tính đa chiều được lan truyền nhanh chóng, tức thì trên các loại phương tiện thông tin và truyền thông xã hội; hội nhập quốc tế đặt ra những yêu cầu, chuẩn mực ngày càng cao đối với việc xây dựng, hoàn thiện, thực thi pháp luật, bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân, như: quyền bình đẳng trước pháp luật và tòa án, quyền bào chữa, quyền tiếp cận công lý…
Hai là, nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đặt ra những yêu cầu cụ thể về cải cách tư pháp, như: Bảo đảm nguyên tắc độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử; xây dựng chế định tố tụng tư pháp lấy xét xử là trung tâm, tranh tụng là đột phá; khắc phục những tồn tại, hạn chế mang tính hành chính truyền thống trong mối quan hệ giữa các cấp tòa án; bảo đảm sự độc lập giữa các cấp xét xử; xây dựng nền tư pháp công bằng, dân chủ, văn minh, pháp quyền, hiện đại và dễ tiếp cận.
Ba là, chiến lược đổi mới quản trị quốc gia đặt ra những yêu cầu cụ thể về cải cách tư pháp như: xây dựng nền tư pháp hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, liêm chính, dân chủ, minh bạch; đổi mới, tăng cường, phát huy vai trò của giám sát xã hội đối với hoạt động của tòa án và các cơ quan tư pháp; phòng chống tham nhũng, đấu tranh có hiệu quả với những hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp; đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ chế nhân dân tham gia xét xử tại tòa án; hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển và xã hội hóa lĩnh vực bổ trợ tư pháp…
Một số nhiệm vụ, giải pháp cơ bản
Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao ý thức tuân thủ, tinh thần thượng tôn pháp luật của đội ngũ cán bộ, công chức, người tiến hành tố tụng, người giữ các chức danh tư pháp, đội ngũ luật sư; nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, ý nghĩa tầm quan trọng của việc bảo đảm thực hiện quyền tư pháp đối với chiến lược cải cách tư pháp của Đảng; bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp trong việc thực hiện quyền tư pháp.
Thứ hai, phổ biến, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, giá trị, ý nghĩa của nguyên tắc độc lập trong xét xử của tòa án nhân dân trong các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, trong hệ thống chính trị và toàn xã hội; bảo đảm thực hiện nguyên tắc tòa án độc lập theo thẩm quyền xét xử, độc lập giữa các cấp xét xử; bảo đảm sự độc lập của thẩm phán và hội thẩm với các chủ thể khác bên ngoài hội đồng xét xử, cũng như sự độc lập về nhiệm vụ, quyền hạn giữa các thành viên trong cùng một hội đồng xét xử.
Thứ ba, tôn trọng, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tranh tụng trong xét xử; bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật, quyền bào chữa của bị can, bị cáo trước hội đồng xét xử; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự; tôn trọng nguyên tắc, thực hiện đúng quy trình tranh tụng, bảo đảm mọi chứng cứ đều được trình bày, tranh luận, làm rõ tại phiên tòa; không hạn chế thời gian, cắt ngang phần tranh luận, trình bày của đương sự, bị can, bị cáo và luật sư bào chữa; thực hiện tranh luận đến cùng để làm rõ sự thật khách quan của vụ án.
Thứ tư, đổi mới quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; sửa đổi, bổ sung, xây dựng, hoàn thiện pháp luật dân sự, hình sự, nguyên tắc tổ chức, hoạt động của tòa án,… đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của chiến lược cải cách tư pháp; bảo đảm tính đồng bộ, hợp hiến, thống nhất, dân chủ, minh bạch, ổn định, hiệu quả, khả thi của hệ thống pháp luật, trong đó trọng tâm là hoàn thiện pháp luật dân sự, hình sự, kinh tế, hành chính…
Thứ năm, đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính tư pháp; tôn trọng, bảo đảm thực hiện quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa của bị can, bị cáo; bảo đảm công bằng, khách quan, minh bạch trong việc thực hiện quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự, cũng như trình tự, thủ tục đặc xá; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng nền tư pháp liêm chính, dân chủ, công khai, minh bạch; tích cực phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với những hành vi xâm phạm quy định pháp luật về hoạt động tư pháp.
Thứ sáu, đổi mới quy trình, phương thức đào tạo, chuẩn hóa trình độ, nâng cao năng lực, phẩm chất, đạo đức công vụ của đội ngũ thẩm phán, điều tra viên, kiểm sát viên đáp ứng mục tiêu, yêu cầu cải cách tư pháp; nâng cao chất lượng, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ luật sư; đầu tư, phân bổ nguồn lực, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, đề xuất giải pháp hiệu quả, tối ưu đáp ứng yêu cầu, mục tiêu cải cách tư pháp; nghiên cứu, tham khảo, tiếp thu có chọn lọc thành tựu khoa học, mô hình, kinh nghiệm cải cách tư pháp của các quốc gia dân chủ, văn minh trên thế giới./.
(1) Xem: Tô Văn Hòa, Nguyễn Văn Thái: Nhiệm vụ của Tòa án nhân dân theo Hiến pháp 2013, Trang thông tin điện tử luatsu.com, ngày 14-5-2021
(2) Xem: Tô Văn Hòa, Nguyễn Văn Thái: Nhiệm vụ của Tòa án nhân dân theo Hiến pháp 2013, Tlđd, ngày 14-5-2021
(3) Xem: Nguyễn Hòa Bình: Tiếp tục xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 23-10-2023
(4) Xem: Đặng Văn Cường: Vai trò bào chữa của Luật sư trong tố tụng hình sự, Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam, ngày 14-03-2021
(5) Xem: Nguyễn Hòa Bình: Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong Chiến lược cải cách tư pháp, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 13-12-2019
(6) Nguyễn Hòa Bình: Xây dựng Tòa án nhân dân xứng đáng là biểu tượng của công lý, lẽ phải và niềm tin, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2020, tr. 19
(7) Nguyễn Hòa Bình: Xây dựng Tòa án nhân dân xứng đáng là biểu tượng của công lý, lẽ phải và niềm tin, Sđd, tr. 19
(8) Xem: Tân Nguyên: Tỷ lệ bản án bị hủy còn cao, có bản án áp dụng sai pháp luật, Báo Điện tử VTC News, ngày 14-1-2019
(9) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 89
(10) Xem: Võ Khánh Vinh: Thực trạng cải cách tư pháp ở nước ta thời gian qua và những vấn đề đặt ra, Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam, ngày 25-9-2021
(11) Xem: Đặng Văn Vương, Xuân Thoại: Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm quy định và thực tiễn thực hiện, Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam, ngày 22-4-2022
(12) Xem: Lê Lan Chi: Nguyên tắc trách nhiệm khởi tố và xử lý vụ án hình sự trong luật Tố tụng Hình sự Việt Nam, Tạp chí Kiểm sát điện tử, ngày 15-11-2022
(13) Xem: Trương Thị Hồng Hà: Thực trạng xây dựng nền tư pháp Việt Nam và những vấn đề đặt ra, Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam, ngày 23-9-2022