Xây dựng Chính phủ tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với hoàn thiện mô hình tổ chức Bộ đa ngành, đa lĩnh vực

10:50 31/07/2021

Đó là một trong những đề xuất có tính chất gợi mở được TS Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ đưa ra khi chia sẻ với Tạp chí Tổ chức nhà nước, để các cơ quan có thẩm quyền, các chuyên gia, các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, tham mưu trong tiến trình xây dựng bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Tính từ đầu năm 2000 đến nay, tổ chức bộ máy Chính phủ đã tinh giản tương đối hợp lý, giảm từ số lượng thành viên Chính phủ với chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tới các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ khá rõ ràng, khắc phục từng bước sự chồng chéo và khoảng trống trong quản lý của các ngành, lĩnh vực, giảm bớt được các cơ cấu phụ như các ủy ban, ban phối hợp liên ngành, đề cao trách nhiệm của các Bộ, ngành trên nguyên tắc thống nhất của Bộ, ngành về từng lĩnh vực được phân công.

Tuy nhiên, trong thực tiễn chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vẫn còn biểu hiện bao cấp, đùn đẩy công việc của địa phương, của Bộ lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nên công việc xử lý còn chậm, tính chủ động và trách nhiệm của các cấp chưa cao, làm giảm hiệu lực, hiệu quả.

Tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026

Để tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, hoàn thiện tổ chức bộ máy của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, TS Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, đã đưa ra một số gợi mở, một số nội dung cần tiếp tục nghiên cứu:

Trước tiên, Chính phủ cần đề cao trách nhiệm thực thi công vụ, thực hiện kiểm tra, kiểm soát, thực hiện chức năng kiến tạo phát triển, hành động kịp thời nhằm ứng phó với sự thay đổi, quyết định thể chế, chính sách; kịp thời xử lý những điểm nghẽn và sự chậm trễ trong giải quyết các công việc của người dân, doanh nghiệp; kết nối và huy động có hiệu quả các nguồn lực phát triển ở trong nước và quốc tế. Đề cao tính minh bạch và trách nhiệm của bộ máy hành chính các cấp, chịu sự giám sát, tham gia của người dân và xã hội.

Thứ hai, Chính phủ có vai trò thực hiện mục tiêu hiện đại hóa đất nước, trong lĩnh vực thể chế phải tập trung giải quyết tốt các trụ cột của phát triển: 1) Xây dựng bộ máy hành chính đồng bộ, từng bước chuyên nghiệp, hiện đại, có thứ bậc chặt chẽ, thực hiện kỷ cương pháp luật, có sự phân công, phân cấp và phân quyền hợp lý. 2) Áp dụng nguyên tắc thị trường trong các quyết sách kinh tế, khuyến khích phát triển bình đẳng mọi thành phần kinh tế. Triệt để tuân thủ các quy luật khách quan của nền kinh tế thị trường. 3) Xác lập thể chế trách nhiệm giải trình của Chính phủ theo hướng công khai, minh bạch, thu hút có hiệu quả, nâng cao trách nhiệm tham gia của người dân trong quá trình xây dựng, ban hành và thực hiện chính sách, pháp luật.

Thứ ba, xây dựng cơ cấu tổ chức bộ máy Chính phủ tinh giản hơn nữa, thực hiện tốt các chức năng cơ bản đã được Hiến pháp năm 2013 quy định, theo hướng: 1) Làm rõ chức năng, xác định các nhiệm vụ của Chính phủ và chỉ có Chính phủ mới đủ cơ sở pháp lý thực hiện (Chính phủ ban hành chiến lược, chính sách, xây dựng trình các dự án luật, pháp lệnh, các quyết sách quan trọng của quốc gia ở tầm vĩ mô). 2) Chuyển giao những vấn đề thực hiện chính sách, pháp luật cho các cấp chính quyền, tổ chức xã hội và doanh nghiệp trên cơ sở phân cấp, phân quyền phù hợp và giữ quyền kiểm tra, giám sát để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống chính sách, pháp luật. 3) Phân công thực hiện chức năng, nhiệm vụ giữa các Bộ, cơ quan ngang bộ trong Chính phủ bảo đảm thống nhất, thông suốt, khắc phục chồng chéo, bỏ trống nhiệm vụ quản lý nhà nước và xử lý những vấn đề mới phát sinh trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế toàn diện. 4) Tiếp tục cơ cấu lại các Bộ, cơ quan ngang bộ, xác lập nhất quán mô hình tổ chức bộ đa ngành, đa lĩnh vực, có cơ cấu bên trong thống nhất, có cấu trúc khoa học, hợp lý, khắc phục những nhận thức còn lệch lạc, chưa đúng về mô hình tổ chức bộ đa ngành, đa lĩnh vực (như tính cơ học, bộ trong bộ, không rõ ràng trong tham mưu với thực hiện…).

Đề xuất phương án tổ chức bộ máy Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026

Một chủ trương nhất quán được xác định trong các Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, X, XI, XII là nguyên tắc tổ chức bộ đa ngành, đa lĩnh vực, là cơ sở cho phép cơ cấu Chính phủ tinh gọn hơn, không chỉ giảm số lượng Bộ, cơ quan ngang bộ mà cả số lượng thành viên Chính phủ cũng giảm khá lớn.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cho biết: hiện nay, nhiều nghiên cứu đã đưa ra các tiêu chí để nhận thức khi tổ chức bộ đa ngành, đa lĩnh vực theo các hướng cơ bản như: 1) Bộ được giao quản lý nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội nhưng phải có cùng tính chất hoặc có mối quan hệ gần gũi, gắn với nhau; 2) Thực tiễn hoạt động giữa các bộ có chức năng, nhiệm vụ giống nhau, chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn với nhau gây khó khăn khi thực hiện chính sách, pháp luật; 3) Tránh áp đặt, cơ học hay gượng ép khi nghiên cứu chia tách, sáp nhập các Bộ; 4) Bộ mới sau khi sáp nhập phải đạt mục tiêu tinh giản các đầu mối, quản lý thông suốt, hiệu lực, hiệu quả. 

Lấy ví dụ so sánh với các quốc gia phát triển trên thế giới, nhất là nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), đều có cơ cấu Chính phủ với số lượng các bộ rất ít (từ 12 đến 16 bộ), thậm chí Chính phủ Thụy Sĩ chỉ có 07 bộ. Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cho rằng, đây là những kinh nghiệm tốt cho việc cải cách bộ máy Nhà nước nói chung và Chính phủ nói riêng ở Việt Nam. 

Trong Thông báo số 90/TB-VPCP ngày 03/5/2021 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp về tình hình, kết quả công việc của Bộ Nội vụ, những vấn đề, nội dung cấp bách cần giải quyết và kiến nghị, đề xuất, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ Nội vụ khẩn trương chuẩn bị tốt Đề án cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026; tập trung phân cấp, phân quyền theo nguyên tắc cái gì biết mới quản, cái gì không biết thì phân cấp, ủy quyền, không quản trực tiếp, nếu không dễ bị lợi dụng để hợp thức hóa. 

Cũng trên quan điểm, nhà nước làm đúng việc của mình, còn lại giao cho chính quyền địa phương, người dân và xã hội thực hiện theo hướng “nhà nước nhỏ, xã hội lớn”, TS Thang Văn Phúc đề xuất hai phương án tổ chức bộ máy Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026.

Phương án 1: bộ máy của Chính phủ chỉ còn khoảng 19 Bộ, cơ quan ngang bộ. Theo phương án này, có thể nghiên cứu sáp nhập Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính, hiện có nhiều việc chồng lấn nhau. Tên mới có thể đặt là Bộ Kinh tế - Tài chính hoặc Bộ Kế hoạch - Tài chính. Sáp nhập Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải, vì hai bộ này có vai trò cùng xây dựng cơ sở hạ tầng thực hiện quản lý các quy hoạch phát triển giao thông, đô thị, cầu đường; cơ cấu lại Ngân hàng Nhà nước theo mô hình độc lập trong nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, là ngân hàng trung ương của các ngân hàng, không nằm trong cơ cấu Chính phủ và Thống đốc ngân hàng không là thành viên Chính phủ.

Cụ thể, Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 bao gồm các thành viên: Thủ tướng Chính phủ và khoảng từ 04 đến 05 Phó Thủ tướng, các Bộ và cơ quan ngang bộ gồm Bộ Quốc phòng; Bộ Công an; Bộ Ngoại giao; Bộ Nội vụ; Bộ Tài chính - Kinh tế (hoặc Bộ Kế hoạch - Tài chính); Bộ Tư pháp; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Giáo dục (chuyển giáo dục đại học sang Bộ Khoa học và Công nghệ); Bộ Đào tạo đại học và Khoa học công nghệ; Bộ Các vấn đề xã hội (đổi tên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội); Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Công Thương; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Y tế; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Xây dựng và Giao thông; Ủy ban Dân tộc; Thanh tra Chính phủ; Văn phòng Chính phủ. 

Phương án 2: bộ máy Chính phủ có khoảng 25 thành viên Chính phủ, bao gồm: Thủ tướng và 04 đến 05 Phó Thủ tướng. Số lượng các Bộ và cơ quan ngang bộ là 20 (trong đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa nhập với Bộ Tài chính mà đổi tên là Bộ Kinh tế phát triển)./.

Trí Đức

Nguồn: https://tcnn.vn/news/detail/50810/Xay-dung-Chinh-phu-tinh-gon-hoat-dong-hieu-luc-hieu-qua-gan-voi-hoan-thien-mo-hinh-to-chuc-Bo-da-nganh-da-linh-vuc.html

Thong ke

Tiến sĩ Nguyễn Trung Thành

Phạm Trọng Đạt

Tiến sĩ Bùi Hải Thiêm

Tỉ giá hối đoái