Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về việc kết hợp giữa đạo đức và pháp luật trong quản lý xã hội Việt Nam hiện nay

23:55 24/07/2021

TCCS - Đạo đức và pháp luật là hai hình thái ý thức xã hội tham gia vào việc điều chỉnh hành vi con người, là công cụ hữu hiệu để Nhà nước thực hiện quản lý xã hội. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc kết hợp pháp luật, chú trọng giáo dục đạo đức đi đôi với không ngừng tăng cường vai trò, sức mạnh của luật pháp trong quản lý xã hội. Những nét đặc sắc trong tư tưởng của Người về mối quan hệ biện chứng giữa đạo đức và pháp luật là cẩm nang quý để vận dụng vào công tác quản lý xã hội hiện nay.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hội nghị phổ biến nghị quyết của Bộ Chính trị về cuộc vận động "Nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí, quan liêu" (Cuộc vận động "Ba xây, ba chống"),  năm 1963_Nguồn: hochiminh.vn

Tư tưởng Hồ Chí Minh về kết hợp đạo đức và pháp luật trong quản lý xã hội

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chủ trương xây dựng nền chính trị đạo đức được bảo đảm bởi sức mạnh của luật pháp. Để thực hiện điều đó, bên cạnh việc chắt lọc những hạt nhân hợp lý trong học thuyết “Đức trị”, “Pháp trị” của văn hóa phương Đông, những kinh nghiệm trị quốc của các bậc minh quân, Người còn khéo léo vận dụng tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về mối quan hệ giữa đạo đức và pháp luật vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Trong hệ thống tư tưởng của Người, đạo đức và pháp luật là hai thành tố quan trọng, có mối quan hệ biện chứng với nhau: Pháp luật là “đạo đức tối thiểu”, đạo đức là “pháp luật tối đa”. Một hệ thống pháp luật hoàn thiện cần được xây dựng trên nền tảng đạo đức cụ thể, ngược lại, pháp luật chính là công cụ, biện pháp để xã hội thực hành các chuẩn mực đạo đức. Đạo đức là cơ sở ban đầu, phương tiện hữu hiệu để pháp luật được thi hành một cách tự giác, nghiêm minh; là “khuôn mẫu” điều chỉnh hành vi khi xã hội loài người phát triển đến trình độ nhất định.

Từ việc soạn thảo bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” gửi Hội nghị Véc-xay (Versailles) năm 1919, Người đã phê phán mạnh mẽ, toàn diện chế độ cai trị thuộc địa, chế độ nhà nước, pháp luật tư sản, qua đó yêu cầu “cải cách nền pháp lý Đông Dương,... thay thế chế độ ra sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật”(1) đến việc kiên trì giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, nhân dân, nỗ lực xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật pháp sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập… hay những trăn trở trong “Di chúc” của Người: “Đối với nạn nhân của chế độ xã hội cũ như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu,v.v... thì Nhà nước phải dùng vừa giáo dục, vừa phải dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện”(2)… đã cho thấy tư tưởng trọng đạo đức, đề cao luật pháp, được Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện nhất quán trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Sự kết hợp này không mang tính rập khuôn, máy móc mà hết sức linh hoạt, cụ thể.

Ngày 3-9-1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Trước chúng ta đã bị chế độ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do, dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ”(3). Như vậy, cấp thiết ngay lúc đó là hoàn thiện hệ thống lập pháp, với nhiệm vụ trọng yếu là ban hành hiến pháp. Trong 24 năm trên cương vị Chủ tịch nước, “Hồ Chí Minh vừa là nhà lập pháp, đồng thời là nhà hành pháp có công lớn nhất trong sự nghiệp lập hiến và lập pháp ở nước ta, đã hai lần đứng đầu Ủy ban soạn thảo Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959, đã ký công bố 16 đạo luật, 613 sắc lệnh và nhiều văn bản dưới luật, trong đó có 243 sắc lệnh quy định về tổ chức nhà nước, qua đó hình thành một thể chế bộ máy nhà nước có nhiều nhân tố cơ bản của một nhà nước pháp quyền”(4).

Sau khi hoạt động lập pháp đi vào nền nếp nhất định, để ngăn chặn sự lạm quyền của cán bộ trong bộ máy hành chính, tạo dựng môi trường thượng tôn pháp luật, trật tự, kỷ cương xã hội, một mặt, ngày 23-11-1945, Hồ Chí Minh thành lập Ban Thanh tra đặc biệt phụ trách giám sát, kiểm soát quyền lực; mặt khác, Người kiên trì giáo dục đạo đức cách mạng cho quần chúng nhân dân, mà trước hết là cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trong số gần 50 bài và tác phẩm bàn về vấn đề đạo đức, những tác phẩm tiêu biểu như: “Sửa đổi lối làm việc” (năm 1947), “Đời sống mới” (năm 1947), “Cần kiệm liêm chính” (năm 1949), “Dân vận” (năm 1949), “Đạo đức cách mạng” (năm 1958), “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” (năm 1969) và “Di chúc” (năm 1969) được xem là những quy tắc, chuẩn mực đạo đức căn bản, là kim chỉ nam cho việc gìn giữ, rèn luyện, phát huy đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Như vậy, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đạo đức và pháp luật không phải được ghép với nhau một cách cơ học mà là hai lĩnh vực, hai phương thức quản lý xã hội khăng khít, hòa quyện vào nhau, “giữa pháp luật và đạo đức có mối quan hệ biện chứng như mối quan hệ giữa hình thức và nội dung, nội dung là đạo đức, pháp luật là hình thức”(5). Hai lĩnh vực này tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến mọi mặt của đời sống xã hội, từ đó thúc đẩy hoặc kìm hãm sự phát triển của xã hội. Cụ thể:

Thứ nhất, đạo đức và pháp luật phản ánh bản chất nhà nước và nhu cầu xã hội. Pháp luật là công cụ của giai cấp thống trị sử dụng để quản lý xã hội thông qua bộ máy nhà nước. Vì thế, pháp luật và nhà nước luôn mang bản chất của giai cấp thống trị. Chế độ xã hội khác nhau sẽ quy định bản chất của hệ thống luật pháp khác nhau, qua đó trực tiếp hoặc gián tiếp phản ánh các chuẩn mực đạo đức của xã hội. Trong “Tuyên ngôn độc lập” năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do"(6). Trong bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 của nước ta khẳng định: “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân”. Như vậy, ngay từ khi mới lập nước, pháp luật của nước ta đã vừa mang những giá trị văn minh, đạo đức phổ quát của nhân loại về quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc, vừa mang những giá trị cao đẹp, nhân văn thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, đó là nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Tương ứng với từng giai đoạn lịch sử nhất định, Nhà nước sẽ ban hành các đạo luật ghi nhận đầy đủ đặc điểm phát triển, chứa đựng những quan điểm đạo đức tiến bộ, làm cơ sở pháp lý cho toàn bộ hoạt động của Nhà nước. Những công cụ pháp luật đó sẽ cho phép Nhà nước tiến hành hoạt động quản lý xã hội, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ nhân dân, đấu tranh chống lại các hành vi vi phạm pháp luật.

Thứ hai, “đạo đức là gốc, pháp luật là chuẩn”(7). Để thực hiện mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, chúng ta phải xây dựng, hoàn thiện hệ thống luật pháp với mục đích thể hiện quyền làm chủ của nhân dân và thể chế hóa thành các quy định mang tính pháp quyền, thành nguyên tắc tổ chức và vận hành của Nhà nước, cũng như các thiết chế chính trị khác, tạo nên chế độ dân chủ. Hệ thống pháp luật đó chỉ có thể xây dựng dựa trên nền tảng những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc. Đạo đức và pháp luật là những chuẩn mực giá trị định hướng cho hoạt động của con người. Những giá trị, chuẩn mực đạo đức nền tảng cần phải được pháp luật ghi nhận, bảo đảm cho các chuẩn mực đó được thực thi hiệu quả. “Pháp luật bao giờ cũng là một biện pháp để khẳng định một chuẩn mực đạo đức nào đó nhằm biến nó thành thói quen, nếp sống. Chuẩn mực càng khó bao nhiêu, càng rộng, thậm chí trừu tượng, khó định lượng bao nhiêu thì vai trò của pháp luật càng quan trọng bấy nhiêu”(8).

Thứ ba, tính thống nhất và bổ trợ trong việc điều chỉnh hành vi con người, góp phần giữ gìn trật tự, ổn định xã hội. Đạo đức và pháp luật là những thành tố thuộc về kiến trúc thượng tầng, góp phần cấu thành hình thái kinh tế - xã hội. Giữa chúng có mối quan hệ tác động qua lại, biện chứng với nhau; đồng thời, tác động đến cơ sở hạ tầng của xã hội. Vì thế, đạo đức và pháp luật phải cùng tác động tích cực, bổ sung, tương hỗ cho nhau để tạo ra những động lực thúc đẩy xã hội ngày càng phát triển, hướng tới những giá trị văn minh, tiến bộ. Thực tế, nếu không giữ được mối quan hệ hài hòa giữa đạo đức và pháp luật thì không thể thúc đẩy, ngược lại còn kìm hãm sự phát triển của xã hội. Quan hệ giữa đạo đức và pháp luật là mối quan hệ bổ sung cho nhau, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình điều chỉnh hành vi của con người.

Tăng cường giáo dục đạo đức, nâng cao hiệu lực pháp luật trong quản lý xã hội theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Dưới tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế hiện nay, nhiều giá trị văn hóa, đạo đức bị xuống cấp nghiêm trọng. Một bộ phận cán bộ, đảng viên “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc”(9); nguy hại hơn, “tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, chưa bị đẩy lùi; có mặt, có bộ phận còn diễn biến phức tạp hơn”(10), “tham những lãng phí trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội”(11)… Trước thực trạng trên, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý xã hội, trên cơ sở vận dụng mối quan hệ biện chứng giữa đạo đức và pháp luật trong tư tưởng Hồ Chí Minh cần tập trung thực hiện một số giải pháp:

Một là, đổi mới và hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam có chất lượng, vừa theo tiêu chuẩn, nguyên tắc pháp quyền hiện đại, vừa mang trong mình những chuẩn mực giá trị đạo đức đương đại, tạo tiền đề pháp lý vững chắc cho mọi hoạt động của Nhà nước trong quản lý xã hội.

Hai là, phát huy dân chủ, kỷ luật, kỷ cương, tăng cường pháp chế và đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Cần thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở, trong đó chú trọng phát huy quyền làm chủ của nhân dân thông qua chế độ dân chủ đại diện và chế độ dân chủ trực tiếp, tạo điều kiện để nhân dân tham gia quản lý xã hội, thảo luận và quyết định những vấn đề liên quan trực tiếp đến cuộc sống hằng ngày của mình. Khắc phục mọi biểu hiện dân chủ hình thức. Việc phát huy dân chủ, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, tăng cường pháp chế chỉ đạt được hiệu quả thực sự khi chúng ta đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở mọi ngành, mọi cấp, trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, "phải kiên quyết loại trừ những kẻ quan liêu mệnh lệnh, “Miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc thì họ theo lối "quan chủ". Miệng thì nói “phụng sự quần chúng”, nhưng họ làm trái ngược với lợi ích của quần chúng"(12). Để việc phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả, chúng ta cần xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy chế, quy định của Đảng và Nhà nước về quản lý kinh tế - tài chính, quản lý tài sản công,... Đi đôi với ban hành thể chế mới, đồng bộ, khoa học, xóa bỏ các thủ tục hành chính phiền hà, nhất là ở những lĩnh vực, những khâu dễ xảy ra tham nhũng, sách nhiễu. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, bảo đảm tính minh bạch trong sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công, tài chính đảng, đoàn thể, tài chính doanh nghiệp nhà nước, các quỹ do nhân dân đóng góp và do Nhà nước hỗ trợ… Mặt khác, cần phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nhân dân, cơ quan báo chí trong việc đấu tranh chống tham nhũng. Xử lý nghiêm minh theo pháp luật và Điều lệ Đảng đối với những cán bộ, công chức, đảng viên tham nhũng, dù ở cấp nào, lĩnh vực nào. Có chính sách, biện pháp bảo vệ, khen thưởng những người kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng.

Chiến sĩ Đồn Biên phòng Nậm Kè, Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên trao đổi nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các trưởng bản_Ảnh: TTXVN

Ba là, tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về công tác giáo dục đạo đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đặc biệt là đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị, "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, khẳng định vai trò lãnh đạo, tính tiên phong, gương mẫu, "trên trước, dưới sau", "đảng viên đi trước, làng nước theo sau". Không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng, mẫu mực về nhân cách, lối sống; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nghiêm túc tự phê bình và phê bình…

Bốn là, phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với hoạt động của cán bộ, đảng viên và bộ máy nhà nước. Quyền làm chủ của nhân dân, quyền kiểm tra, giám sát của nhân dân phải được thực hiện trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, nhưng trước hết và quan trọng nhất là kiểm tra về hoạt động quản lý kinh tế của Nhà nước. Quyền làm chủ, quyền kiểm tra, giám sát của nhân dân phải được thể chế hóa, bảo đảm bằng pháp luật, nâng cao năng lực làm chủ của nhân dân. Cần xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, cán bộ, công chức trong việc giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo của công dân, xử lý nghiêm minh những trường hợp không thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho nhân dân, phát huy dân chủ gắn liền với tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội như căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Nước ta là nước dân chủ, nghĩa là nhà nước do nhân dân làm chủ. Nhân dân có quyền lợi làm chủ thì phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân, giữ đúng đạo đức công dân"(13)./.

NGUYỄN CAO SIÊNG
Tạp chí Cộng sản

-------------------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.1, tr. 469
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr. 617
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr. 7
(4) Ngô Ngọc Thắng: “Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền”; https://noichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/201402/tu-tuong-ho-chi-minh-ve-nha-nuoc-phap-quyen-293760/, ngày 1-2-2014
(5) Thành Duy: “Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh và mối quan hệ giữa pháp luật và đạo đức, đạo đức và lợi ích công dân”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 3, 1995, tr. 4
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr. 1
(7) Vũ Đình Hòe: “Đạo đức và pháp luật trong tư tưởng Hồ Chí Minh - Đức trị hay pháp trị”; https://www.bqllang.gov.vn/tin-tuc/tin-tong-hop/5574-dao-duc-va-phap-luat-trong-tu-tuong-ho-chi-minh-duc-tri-hay-phap-tri.html
(8) Hoàng Văn Tuệ: “Tư tưởng Hồ Chí Minh về kết hợp đạo đức và pháp luật trong quản lý xã hội”; https://www.tapchicongsan.org.vn/en/the-gioi-van-de-su-kien/-/2018/6790/view_content?_contentpublisher_WAR_viettelcmsportlet_urlTitle=tu-tuong-ho-chi-minh-ve-ket-hop-dao-duc-va-phap-luat-trong-quan-ly-xa-hoi.#
(9) Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI. Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2012, tr. 22
(10) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIINxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 44
(11) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.2, tr. 93
(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr. 176
(13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd t.6, tr. 232

Nguồn: https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/nghien-cu/-/2018/823346/van-dung-tu-tuong-ho-chi-minh-ve-viec-ket-hop-giua-dao-duc-va-phap-luat-trong-quan-ly-xa-hoi-viet-nam-hien-nay.aspx

Thong ke

Tiến sĩ Nguyễn Trung Thành

Phạm Trọng Đạt

Tiến sĩ Bùi Hải Thiêm

Tỉ giá hối đoái