Tọa đàm “Thực trạng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đô thị hóa và phát triển đô thị Việt Nam giai đoạn 2011-2020”

13:27 16/07/2021

Sáng ngày 04-8-2020, tại Ban Kinh tế Trung ương diễn ra Tọa đàm với chủ đề "Thực trạng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đô thị hóa và phát triển đô thị Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và kiến nghị, đề xuất cho giai đoạn 2021-2030". Đây là tọa đàm đầu tiên trong chuỗi các tọa đàm chuyên gia phục vụ xây dựng Đề án "Đô thị hóa và phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì trình Bộ Chính trị vào cuối Quý IV năm 2020.
Đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu chỉ đạo

Đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Tổ trưởng Tổ Biên tập Đề án và đồng chí Trần Quốc Thái, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng, Tổ phó Tổ Biên tập đồng chủ trì buổi tọa đàm. Trình bày báo cáo tại toạ đàm là các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng pháp luật thuộc Văn phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; cùng tham dự và trao đổi tại toạ đàm có các đồng chí thường trực Tổ Biên tập Đề án, cán bộ vụ Công nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương.

Đồng chí Phạm Thúy Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ phát biểu ý kiến

Phát biểu khai mạc và đề dẫn tọa đàm, đồng chí Phó Trưởng Ban Nguyễn Đức Hiển đã nêu lý do, mục đích của buổi tọa đàm là tham vấn sâu chuyên gia để phục vụ xây dựng Đề ánĐồng chí đề nghị các đại biểu tập trung làm rõ mấy nhóm vấn đề:

Thứ nhất, tập trung làm rõ chủ trương của Đảng về đô thị hóa và phát triển đô thị; kết quả thể chế hóa các chủ trương của Đảng vào thực tiễn? Sự cần thiết của việc ban hành một Nghị quyết chuyên đề riêng của Đảng về đô thị hóa và phát triển đô thị;

Thứ hai, chính sách pháp luật của Nhà nước cho đô thị hóa và phát triển đô thị: đánh giá những kết quả đạt được; những tồn tại, hạn chế; tính đầy đủ, đồng bộ của hệ thống pháp luật? Trong đó tập trung phân tích kỹ văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đô thị hóa và phát triển đô thị như: Các chính sách chung: chính sách về phát triển kinh tế - xã hội; chính sách cơ cấu lại nền kinh tế; chính sách về đầu tư (phân tích các nội dung liên quan đến Luật Đầu tư công; Luật Đầu tư liên quan đến lĩnh vực đầu tư phát triển đô thị/ kết cấu hạ tầng đô thị); chính sách về tài chính (phân tích Luật Ngân sách Nhà nước; Luật Quản lý vốn và tài sản Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp…), chính sách tiền tệ (phân tích Luật các tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn liên quan đến việc cho vay vốn đối với lĩnh vực phát triển đô thị; bất động sản…), chính sách về đất đai (phân tích Luật Đất đai đối với các nội dung liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho phát triển đô thị….), các chính sách khác như Luật Bảo vệ môi trường….; Chính sách liên quan trực tiếp đến quá trình đô thị hóa như: Chính sách về quy hoạch không gian, vùng lãnh thổ (phân tích Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng); chính sách liên quan đến tổ chức chính quyền địa phương (phân tích Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các văn bản liên quan); Chính sách phát triển liên kết vùng; Chính sách về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển công nghiệp quốc gia; Chính sách phát triển hệ thống đô thị, đầu tư cho cực tăng trưởng; Chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Chính sách về xã hội, di dân, lao động; Chính sách phúc lợi xã hội liên quan đến đô thị hoá; Chính sách về phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng,… liên quan đến quá trình đô thị hóa; Chính sách chuyên ngành về phát triển đô thị như: Chính sách về kinh tế đô thị; Chính sách về nhà ở và bất động sản (phân tích Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản…); Chính sách về hạ tầng đô thị (Luật Giao thông đường bộ; Luật Điện lực… các chính sách về giao thông đô thị…, cấp điện, cấp thoát nước…); Chính sách về hạ tầng xã hội (giáo dục, y tế, văn hóa)…;

Thứ ba, những vấn đề đặt ra về cơ chế, chính sách pháp luật trong quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị ở nước ta và kiến nghị, đề xuất cho giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng chí Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, VCCI phát biểu ý kiến

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia đã trình bày ý kiến chuyên sâu về đô thị hóa và phát triển đô thị Việt Nam. Các ý kiến tập trung vào một số vấn đề như: tầm quan trọng của Đề án và tính cần thiết phải ban hành Nghị quyết của Bộ Chính trị về vấn đề này; việc thể chế hoá chủ trương của Đảng về đô thị hóa và phát triển đô thị qua các chính sách pháp luật của Nhà nước; mối tương quan giữa phát triển kinh tế thúc đẩy đô thị hoá và ngược lại. Về thực trạng chính sách, các chuyên gia cho rằng hệ thống pháp luật còn chồng chéo và chưa được giải quyết triệt để, do đó cần có chủ trương lớn, xuyên suốt của Đảng định hướng cho việc xây dựng khung khổ pháp luật để đảm bảo tính thống nhất luật pháp về đô thị. Các đại biểu tham gia đã trao đổi về một số vấn đề về đất đai, dân cư và lao động; chất lượng đô thị và cuộc sống, giải quyết ô nhiễm, môi trường; thảo luận về một số giải pháp tạo vốn để phát triển đô thị cũng như đề cập đến các yếu tố cạnh tranh trong phát triển đô thị…

Quang cảnh buổi tọa đàm

Kết luận tọa đàm, đồng chí Phó Trưởng Ban Nguyễn Đức Hiển cảm ơn các chuyên gia, thành viên Tổ Biên tập đã đóng góp những ý kiến có giá trị. Ban Kinh tế Trung ương sẽ tổng hợp, chắt lọc và tiếp thu trong quá trình xây dựng dự thảo Đề án. Đồng chí đề nghị các chuyên gia tiếp tục nghiên cứu và tham gia thêm ý kiến trong quá trình xây dựng Đề án./.

Nguồn: https://kinhtetrunguong.vn/

Thong ke

Tiến sĩ Nguyễn Trung Thành

Phạm Trọng Đạt

Tiến sĩ Bùi Hải Thiêm

Tỉ giá hối đoái