Tính thích ứng của pháp luật Việt Nam trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh

22:53 25/07/2021

Pháp luật là công cụ quan trọng để Nhà nước thực thi trách nhiệm quản lý xã hội nói chung, ứng phó với tình trạng khẩn cấp như thiên tai, dịch bệnh, thảm họa nói riêng. Bài viết phân tích tiêu chí về tính thích ứng của pháp luật trong bối cảnh phòng, chống đại dịch COVID-19 đang diễn ra hiện nay.

Pháp luật - công cụ thực hiện trách nhiệm của Nhà nước

Trách nhiệm, hiểu một cách chung nhất là việc phải làm, phải gánh vác và được tiếp cận qua phạm trù đạo đức, pháp lý. Đối với chủ thể là Nhà nước, trách nhiệm mang tính chính trị, pháp lý trước xã hội đặt ra như một sự ràng buộc được ghi nhận trong các văn bản pháp luật với nội dung có thể khái quát như: hình thành khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động của xã hội; cung cấp dịch vụ công; xây dựng và thực hiện chính sách xã hội, phân bổ các nguồn lực xã hội theo nguyên tắc công bằng; đại diện cho người dân trong các tổ chức, bảo đảm lợi ích quốc gia. Với tinh thần pháp quyền, bên cạnh phát huy các giá trị và biện pháp đa dạng, pháp luật được sử dụng như một công cụ chính thức, hiệu quả trong việc hoạch định cũng như điều chỉnh chính sách, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ quyền lợi của cá nhân.  

Vì vậy, mục đích của việc ban hành pháp luật là tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho hoạt động của xã hội trong mọi tình huống, kể cả tình huống bất thường. Trong tình trạng khẩn cấp, Nhà nước cần thể hiện trách nhiệm trên phương diện đối nội và đối ngoại để duy trì trật tự xã hội, khôi phục trạng thái bình thường, khắc phục tối đa những hậu quả bất lợi. Cùng với ý thức về bổn phận và sự sẵn sàng gánh vác trách nhiệm, cần một cơ chế pháp lý cho sự phản ứng của các định chế nhà nước cũng như các tổ chức, cá nhân trong những biến cố bất thường, ví dụ như thiên tai, thảm họa, dịch bệnh. Bởi vì, trong bối cảnh phức tạp với diễn biến khó lường, rất cần đến pháp luật để siết lại kỷ cương và gìn giữ trật tự các mối quan hệ xã hội khi có xáo trộn.

Ảnh minh họa

Dịch bệnh và sự tác động đến xã hội

Dịch bệnh(1) là sự lây lan nhanh chóng của một bệnh truyền nhiễm với số lượng lớn người bị nhiễm trong một cộng đồng hoặc một khu vực trong  thời gian ngắn. Ngày nay, khái niệm dịch bệnh không chỉ giới hạn trong các bệnh truyền nhiễm. Nếu dịch bệnh lây lan sang các quốc gia hoặc châu lục khác và ảnh hưởng đến số lượng lớn người dân có thể được gọi là một đại dịch.

COVID-19 là một đại dịch truyền nhiễm với tác nhân là virus SARS-CoV-2, diễn ra trên phạm vi toàn cầu từ cuối tháng 12/2019. Tại Việt Nam, trường hợp đầu tiên xác nhận nhiễm COVID-19 vào ngày 23/01/2020. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngày 01/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 447/QĐ-TTg về việc công bố dịch trên phạm vi cả nước và quyết định thắt chặt biên giới, kể cả đường bộ, đường không, hạn chế thị thực.

Đại dịch COVID-19 hiện nay đã tác động, ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt của đời sống xã hội ở nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, sản xuất kinh doanh bị đình trệ; nhiều hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tác động của dịch bệnh càng trầm trọng khi cùng lúc xảy ra những biến đổi về khí hậu, thời tiết cực đoan, thiên tai. Nhiều lao động nhập cư tại các thành phố bị thất nghiệp, thu nhập sụt giảm do giãn cách xã hội. Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, có đến 16.200 doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất, kinh doanh. Số doanh nghiệp thành lập mới giảm 13,3%, trong khi số doanh nghiệp dừng kinh doanh có thời hạn tăng 33,6%. Kết quả khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tháng 4/2020 cho thấy 86% trong tổng số gần 130.000 doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch bệnh(2).

Thích ứng nhanh với tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, Việt Nam đã áp dụng các biện pháp phát huy hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị để kiểm soát tình hình, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, đồng thời duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và rộng hơn, bảo đảm ổn định, an toàn xã hội để đối phó với dịch COVID-19.

Tiêu chí đánh giá tính thích ứng của pháp luật trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh

Thực tiễn phản ứng chính sách thời gian vừa qua của Việt Nam đã khẳng định vai trò của pháp luật là công cụ quan trọng giúp hoàn thành “mục tiêu kép” là vừa phòng, chống dịch bệnh an toàn, vừa đảm bảo tăng trưởng và phát triển kinh tế. Các biện pháp trong tình huống khẩn cấp “Chống dịch như chống giặc”, quyết liệt phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống cho người dân được áp dụng dựa trên các nguyên tắc pháp lý, tuân thủ tính hợp pháp trong các hành vi hành chính. Pháp luật chính là cơ sở để thực hiện các biện pháp khẩn cấp tạm thời: cách ly y tế, hạn chế tập trung đông người; hạn chế người và phương tiện ra vào vùng có dịch (trường hợp cần thiết phải kiểm tra, giám sát và xử lý y tế); dừng hoạt động khu vui chơi, giải trí tại vùng có dịch; dừng hoạt động cơ sở ăn uống công cộng có nguy cơ làm dịch bệnh lây lan; cấm kinh doanh, sử dụng thực phẩm được xác định là trung gian truyền dịch bệnh; cấm vận chuyển động, thực vật, hàng hóa có khả năng lây bệnh từ vùng có dịch đến nơi khác.

Pháp luật là giá trị quan trọng được thừa nhận chung như là công cụ điều chỉnh hành vi, thiết lập chính sách và xử lý vi phạm để duy trì hay khôi phục trật tự xã hội, bảo vệ lợi ích hợp pháp của cá nhân. Xuất phát từ ý nghĩa và vai trò quan trọng của pháp luật, chất lượng và hiệu quả của pháp luật đã được đặt ra như một yêu cầu, trong đó có hệ tiêu chí về tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ, khả thi và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Các văn bản pháp luật phải được ban hành đúng thẩm quyền, đúng trình tự, thủ tục luật định, kết cấu chặt chẽ, lôgic, các thuật ngữ pháp lý được sử dụng chính xác, dễ hiểu, phù hợp với khả năng nhận thức của đông đảo các thành viên xã hội.

Ứng phó kịp thời trong hoàn cảnh chống dịch đặt hệ thống pháp luật trước thách thức về tính toàn diện và yêu cầu dự báo, tương thích với yêu cầu điều chỉnh quan hệ xã hội xảy ra một cách bất thường. Với tư cách là chủ thể ban hành, Nhà nước gánh vác trách nhiệm hoàn thiện pháp luật mà bên cạnh các tiêu chí về tính hợp hiến, hợp pháp, đồng bộ, cụ thể, khả thi, cần hướng tới sự tương thích với điều kiện phòng, chống dịch bệnh.

Tính thích ứng về nội hàm thể hiện sự phù hợp, thích hợp, tương ứng, khả năng đáp ứng của pháp luật với các tình huống xảy ra trong thời gian có dịch và vùng dịch bệnh. Căn cứ vào những tác động mà dịch bệnh mang đến cho xã hội và yêu cầu trong thực tiễn chống dịch, có thể nêu một số tiêu chí về tính tương thích của pháp luật với bối cảnh phòng, chống dịch bệnh như sau:

Một là, khả năng dự liệu: tiêu chí này liên quan tới tính toàn diện của hệ thống pháp luật, phản ánh mức độ đầy đủ của hệ thống quy phạm, nguyên tắc, định hướng và mục đích của pháp luật. Về vấn đề này, quan niệm tương đối thống nhất là sự đáp ứng được đầy đủ nhu cầu điều chỉnh pháp luật trên các lĩnh vực quan trọng; là việc ban hành đầy đủ các văn bản quy định chi tiết (nếu có). Về nguyên tắc, các quy định pháp luật phải bao quát toàn bộ đời sống xã hội. Tuy nhiên, vẫn có những vấn đề đặt ra về sự cần thiết cũng như khả năng “bao phủ” của pháp luật hoặc về giới hạn phạm vi tác động của pháp luật. Với tư duy về chừng mực can thiệp của pháp luật bên cạnh sự tồn tại các giá trị khác được cộng đồng thừa nhận, tính toàn diện của pháp luật được nhận diện theo hướng: “Để các quan hệ xã hội quan trọng có tính điển hình, phổ biến cần có sự điều chỉnh của pháp luật thì đều có pháp luật điều chỉnh”(3).

Tình huống khẩn cấp là bối cảnh làm phát sinh quan hệ xã hội ngoài phạm vi “điển hình, phổ biến”. Vì vậy, để chống dịch bệnh với phương châm “như chống giặc” thời gian qua, hoặc những trường hợp khác như thiên tai, thảm họa thì các văn bản quy phạm pháp luật cần có tính dự báo. Trong hoàn cảnh thiên tai, dịch bệnh, hành vi của các cơ quan công quyền phải dựa trên quy định của pháp luật cùng với giới hạn cho phép hành động theo nguyên tắc pháp quyền. Cụ thể, tầm nhìn dự báo có thể dựa vào các căn cứ khoa học, tổng kết thực tiễn hay kinh nghiệm quản lý nhà nước. Từ đó, cho phép lường trước mối đe doạ, mức chi ngân sách nhà nước, chuẩn bị lực lượng, trang, thiết bị và cả tinh thần cho công tác phòng, chống thiên tai, dịch bệnh. Với khả năng dự báo tình huống phát sinh, chủ thể thực hiện, cơ chế khắc phục hậu quả, chế tài và cơ chế pháp lý bảo đảm tính hợp pháp cho việc áp dụng các biện pháp tác động đến quan hệ xã hội, tính dự liệu của pháp luật là yếu tố bảo đảm sự tương thích của cơ chế điều chỉnh pháp luật trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh.

Hai là, bảo đảm tính kịp thời: phòng, chống dịch bệnh bên cạnh các chỉ đạo cấp tốc mang tính điều hành, đòi hỏi sự phản ứng chính sách kịp thời để xử lý triệt để các ổ dịch đang xảy ra, giám sát chặt chẽ bệnh nhân, người tiếp xúc; hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong. Các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp, điều động lực lượng, hạn chế một số hoạt động cộng đồng, kiểm soát việc đi lại của mọi người, phương tiện, hàng hóa đều cần kịp thời, đúng lúc để có thể khống chế thiệt hại ở mức thấp nhất, bảo đảm và khôi phục đời sống sinh hoạt bình thường của người dân. Thực tế, trong số các biện pháp chống dịch có những biện pháp liên quan đến quyền và thậm chí hạn chế quyền. Vì vậy, cần có các quy phạm pháp luật như những bảo đảm vững chắc cho trật tự xã hội ngay cả khi gánh chịu hậu quả từ dịch bệnh.

Mối quan hệ giữa trật tự công cộng và quyền, tự do cơ bản và giới hạn quyền con người bị chi phối bởi trật tự công cộng. Bởi vì, trật tự công cộng là: “Trạng thái xã hội của một quốc gia cụ thể, tại một thời điểm cụ thể có được hoà bình, yên tĩnh và an ninh công cộng không bị xáo trộn”(4), đồng thời trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì mối quan hệ giữa yêu cầu về trật tự công cộng và các quyền cơ bản thường được xem như là mối quan hệ giữa “uy quyền” và “tự do”, trong đó uy quyền là ngoại lệ và tự do là nguyên tắc(5).

Tính kịp thời thể hiện ở việc ban hành ngay hoặc điều chỉnh pháp luật một cách nhanh nhất. Điều này liên quan đến quy trình xây dựng pháp luật. Yêu cầu chung là các văn bản quy phạm pháp luật phải được ban hành đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục luật định, kể cả trong trường hợp ban hành khẩn cấp. Như vậy, pháp luật về thủ tục ban hành văn bản pháp luật cũng cần dự liệu quy trình ban hành, sửa đổi, bổ sung hướng tới tính kịp thời và quy định đặc thù về tính hiệu lực về thời gian.

Bên cạnh các chỉ đạo cấp tốc của Nhà nước về phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, đòi hỏi phải có sự phản ứng chính sách kịp thời. Mặc dù pháp luật cũng như công tác quản lý nhà nước xác định lấy tính chủ động làm phương châm, song biến đổi khí hậu dẫn đến thiên tai ngày càng gia tăng, bất thường như mưa cường suất lớn, bão đổ bộ… làm thay đổi các quy luật tự nhiên, gia tăng rủi ro thiên tai. Sự kịp thời của các biện pháp ứng phó mang tính pháp lý với phạm vi ảnh hưởng rộng sẽ làm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch vừa qua cho thấy, ngoài nắm chắc tình hình lao động, việc làm trong các doanh nghiệp; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền và các giải pháp để động viên tinh thần của người lao động nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm của dịch COVID-19; thống kê và quản lý người lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam theo từng địa phương, nhất là lao động đến từ vùng dịch hoặc di chuyển qua vùng có dịch… cần có sự chủ động trong việc xây dựng chính sách phù hợp về hỗ trợ đào tạo người lao động bị thôi việc, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch; có phương án hỗ trợ doanh nghiệp tìm nguồn lao động thay thế trong trường hợp thiếu hụt lao động, chuyên gia nước ngoài.

Kịp thời tác động để hỗ trợ khẩn cấp, khống chế thiệt hại ở mức thấp nhất, bảo đảm và khôi phục đời sống sinh hoạt bình thường của người dân là yêu cầu mang tính nổi trội đối với pháp luật nói chung và đặc biệt là trong phòng, chống dịch bệnh. Chính sách được ban hành kịp thời không chỉ là đúng lúc, không chậm trễ mà còn ở mức cao hơn là tốc độ nhanh. Trong trường hợp này, việc đánh giá tác động chính sách sẽ không thể tiến hành lần lượt các bước hay nhìn nhận tính hiệu quả toàn diện một cách lý tưởng. Vì vậy, các văn bản được ban hành khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra phải xác định rõ đối tượng hỗ trợ, phạm vi (lĩnh vực, chuyên ngành, địa điểm) và đồng thời, phải xác định hiệu lực về thời gian, thời điểm chấm dứt biện pháp hỗ trợ.

Ba là, bảo đảm quyền, lợi ích của cá nhân và bình đẳng, công bằng xã hội: bình đẳng được hiểu là việc được đối xử như nhau về các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, không phân biệt thành phần và địa vị xã hội; công bằng xã hội với biểu hiện đặc trưng là xử lý mối quan hệ về quyền lợi, nghĩa vụ trong hoàn cảnh cụ thể để tạo cơ hội ngang nhau cho các cá nhân, không thiên lệch hay kỳ thị. Trong bối cảnh dịch bệnh, bên cạnh bảo đảm về quyền lợi và bảo đảm về cơ hội, điều cần đặc biệt quan tâm là ưu tiên một số nhóm yếu thế.

Khác với bình đẳng trong hoàn cảnh thông thường, khi gặp thiên tai, dịch bệnh, các cá nhân phải được trợ giúp theo đúng đối tượng, đặc biệt quan tâm những người bị tác động trực tiếp và nặng nề. Trong đó, cần chú trọng trước hết đến các đối tượng là lao động ở nông thôn, người bị mất việc làm, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... Nhằm chia sẻ khó khăn, bảo đảm cuộc sống của người dân, góp phần ổn định xã hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn trong đại dịch COVID-19. Chính sách này đã nhận được sự đồng thuận và đánh giá cao trong việc giải quyết kịp thời những khó khăn của người dân đang gặp phải.

Như vậy, trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh, thảm họa, bình đẳng và công bằng xã hội theo chiều dọc (đối xử khác nhau với những người có khác biệt bẩm sinh, trình độ, năng lực hoặc có các điều kiện sống khác nhau) không những được chấp nhận mà còn có thể sử dụng như là phương thức phân bổ lợi nhuận. Tư duy này cần được ghi nhận bằng cơ chế pháp lý và trở thành tiêu chí đánh giá tính thích ứng của pháp luật trong những hoàn cảnh đặc thù.

Điều đó cho thấy, chất lượng của pháp luật còn thể hiện ở khả năng chứa đựng trong đó các giá trị xã hội, đạo đức được cộng đồng dân cư ghi nhận, cũng như sự phù hợp với phong tục, tập quán tốt đẹp, các quy phạm xã hội khác. Dịch bệnh là khoảng thời gian mà  tính mạng, sức khỏe, an toàn và cuộc sống của các cá nhân có thể bị đe dọa, tuy nhiên cũng là lúc lòng nhân ái, nghĩa cử cao đẹp và sự hy sinh được bày tỏ qua các hoạt động từ thiện, cứu trợ, giúp đỡ, chia sẻ. Với ý nghĩa đó, thúc đẩy các giá trị đạo đức, phong tục, tập quán tốt đẹp có thể được xem là yếu tố đánh giá sự phù hợp của pháp luật trong hoàn cảnh thiên tai, dịch bệnh… thực tế thể hiện trong phong trào chống đại dịch COVID-19 đang diễn ra.

Bốn là, phù hợp với các quy định của pháp luật quốc tế và cơ chế liên quốc gia, khu vực.

Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (được thông qua và để ngỏ cho các quốc gia ký, phê chuẩn và gia nhập theo Nghị quyết số 2200 (XXI) ngày 16/12/1966 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, có hiệu lực ngày 23/3/1976, căn cứ theo Điều 49) yêu cầu các quốc gia thành viên cam kết: “Trong thời gian có tình trạng khẩn cấp xảy ra đe dọa sự sống còn của quốc gia và đã được chính thức công bố, các quốc gia thành viên có thể áp dụng những biện pháp hạn chế các quyền nêu ra trong Công ước này, trong chừng mực do nhu cầu khẩn cấp của tình hình, với điều kiện những biện pháp này không trái với những nghĩa vụ khác của quốc gia đó xuất phát từ luật pháp quốc tế và không chứa đựng bất kỳ sự phân biệt đối xử nào về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo hoặc nguồn gốc xã hội”(6) với điều kiện không được áp dụng điều khoản này để hạn chế các quyền quy định trong một số điều khoản của Công ước.

Trong bối cảnh xảy ra thảm họa, đại dịch, Nhà nước không chỉ điều hành quốc gia mà còn phải tham gia vào hoạt động quản trị có tính toàn cầu, trong đó có các hoạt động đa dạng như cung cấp thông tin chính xác về tình trạng dịch bệnh, thiệt hại, tham gia hoạt động nhân đạo, xử lý khủng hoảng thông tin, bảo vệ công dân, hỗ trợ y tế, chia sẻ kinh nghiệm ứng phó và tiến bộ khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin, phối hợp dự liệu kịch bản hậu đại dịch COVID-19 để phát triển kinh tế - xã hội.

Sự phối hợp với các nước và tổ chức quốc tế là cần thiết để có phương án tiếp cận vắc-xin kịp thời, hiệu quả. Đối với thiên tai, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã đàm phán với cơ quan ngoại giao các nước cho phép ngư dân, tàu thuyền vào tránh trú bão tại khu vực đảo hoặc tình huống ngược lại, tiếp nhận người nước ngoài bị nạn trên biển được cứu vớt, bàn giao cho Đại sứ quán của người mang quốc tịch đó. Ngoài ra, sự bùng phát mạnh của dịch bệnh ở quy mô toàn cầu dẫn đến việc phải tạm dừng tuyển chọn, đào tạo và tổ chức xuất cảnh cho người lao động trong thời điểm nhất định. Hoàn cảnh này đòi hỏi điều chỉnh chính sách kịp thời trên cơ sở thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh tại các nước tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc, kiểm soát chặt chẽ số lao động xuất cảnh.

Như vậy, trong bối cảnh có dịch bệnh, thảm họa, Nhà nước cần thể hiện vai trò, trách nhiệm, đặc biệt là ban hành các văn bản quy phạm pháp luật mang tính thích ứng cao, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh trong mỗi giai đoạn để bảo đảm kịp thời trong ứng phó, tạo sự đồng thuận trong xã hội, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, khắc phục thiên tai, thảm họa một cách hiệu quả./.

------------------------------------

Ghi chú:

(1) Xem: https://vi.wikipedia.org/wiki/D%E1% BB%8Bch_b%E1%BB%87nh.

(2) Trích theo https://vi.wikipedia.org/wiki/% C4%90%E1%BA%A1i_d%E1%BB%8Bch_COVID-19_t%E1%BA%A1i_Vi%E1%BB%87t_Nam# cite_note-335.

(3) Trích theo: http://www.sotuphapqnam.gov. vn/index.php/2017-03-13-06-49-51/781-tieu-chi-xac-nh-cht-lng-ca-h-thng-phap-lut.

(4),(5) TS Nguyễn Văn Quân, Tiêu chí hạn chế quyền con người vì lý do trật tự công cộng trong pháp luật một số nước, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 14 (390), tháng 7/2019.

(6) Xem https://thuvienphapluat.vn/van-ban/ Linh-vuc-khac/Cong-uoc-quoc-te-ve-quyen-dan-su-va-chinh-tri-270274.aspx.

TS Hoàng Thị Ngân, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức hành chính nhà nước và công vụ, Văn phòng Chính phủ

tcnn.vn

Thong ke

Tiến sĩ Nguyễn Trung Thành

Phạm Trọng Đạt

Tiến sĩ Bùi Hải Thiêm

Tỉ giá hối đoái