Tiếp tục tạo đột phá về thể chế phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, phục hồi và phát triển kinh tế

20:43 18/04/2022

Một trong những nội dung đột phá chiến lược được Đại hội XIII của Đảng xác định là phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Hiện nay, trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, cần tiếp tục đột phá về thể chế phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, phục hồi và phát triển kinh tế.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham quan các mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia TECHFEST 2021 và Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh WHISE 2021, với chủ đề: “Đổi mới sáng tạo, kiến tạo tương lai và phát triển các giải pháp công nghệ, ứng phó với đại dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế năm 2021” _Ảnh: TTXVN

1- Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế được khẳng định nhất quán trong đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Nghị quyết số 05-NQ/TW, ngày 1-11-2016, của Hội nghị Trung ương 4 khóa XII “Về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế” khẳng định quan điểm đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế, phát triển nhanh và bền vững toàn diện cả về kinh tế, xã hội và môi trường; không tăng trưởng bằng mọi giá, gây tác động xấu đến ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tiến bộ, công bằng xã hội, giữ gìn môi trường sinh thái; chú trọng và ngày càng dựa nhiều hơn vào các nhân tố thúc đẩy tăng năng suất lao động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đặc biệt là phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tinh thần sáng tạo của con người Việt Nam và thành tựu khoa học, công nghệ của nhân loại, tiềm năng, lợi thế của các ngành, lĩnh vực, các địa phương và cả nước. Tùy theo tình hình thực tế của từng ngành, lĩnh vực, địa phương, kết hợp hợp lý giữa tăng trưởng theo chiều rộng và chiều sâu, trong đó lấy tăng trưởng theo chiều sâu là hướng chủ đạo; chuyển dần từ tăng trưởng chủ yếu dựa vào đầu tư và xuất khẩu sang tăng trưởng dựa đồng thời vào cả đầu tư, xuất khẩu và thị trường trong nước; chuyển dần từ dựa vào gia tăng số lượng các yếu tố đầu vào của sản xuất sang dựa vào tăng năng suất, chất lượng lao động, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; khai thác và phát huy tối đa nội lực kết hợp với thu hút và sử dụng hiệu quả ngoại lực(1). Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định, đổi mới mô hình tăng trưởng là “chuyển mạnh nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng dựa trên tăng năng suất, tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”(2).

Như vậy, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có vai trò rất quan trọng trong dịch chuyển từ mô hình tăng trưởng theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, vừa mở rộng quy mô, vừa chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính bền vững kết hợp với dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực.

Quan điểm về đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã đặt ra một số yêu cầu trọng tâm đối với khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đó là, cần góp phần vào cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng chuyển dịch mạnh sang các lĩnh vực tiên tiến, hiện đại; thúc đẩy tăng nhanh giá trị nội địa, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và của cả nền kinh tế; gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh; thúc đẩy phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, tham gia có hiệu quả vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Chủ trương phục hồi và phát triển kinh tế ở nước ta trong bối cảnh thích ứng linh hoạt, an toàn và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 vừa mang tính cấp bách, vừa có tính lâu dài, thể hiện sự chủ động, ứng phó linh hoạt với những biến động trong nước và thế giới, đồng thời phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế trên toàn cầu. Thực chất phục hồi và phát triển kinh tế chính là thúc đẩy nhanh hơn, mạnh mẽ hơn đổi mới mô hình tăng trưởng trong giai đoạn hiện nay. Do đó, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cần tập trung nâng cao khả năng cạnh tranh của Việt Nam so với các nước khác trên thế giới trong bối cảnh khắc phục ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, chuyển đổi trạng thái hoạt động kinh tế phù hợp với yêu cầu sống chung với đại dịch... và tham gia tích cực vào thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, nâng cao chất lượng và năng lực y tế dự phòng, bảo đảm đủ vắc-xin, thuốc điều trị...

Kinh nghiệm thế giới cũng cho thấy vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đối với phục hồi, phát triển kinh tế và bảo đảm công bằng trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Điển hình là các nước tiểu vùng sông Mê-kông đã phối hợp xây dựng “Kế hoạch ứng phó đại dịch COVID-19 và phục hồi của các nước tiểu vùng sông Mê-kông giai đoạn 2021 - 2023”, trong đó, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được nhấn mạnh nhằm tận dụng thời cơ từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để nâng cao hiệu quả và tính bao trùm của nền kinh tế, bảo đảm các nước tiếp cận được vắc-xin COVID-19 an toàn, giá cả phải chăng, công bằng và hiệu quả.

Doanh nghiệp Việt Nam chế tạo thành công máy trợ thở trong ngành y tế _Ảnh: TTXVN

2- Từ những yêu cầu đặt ra của đổi mới mô hình tăng trưởng, phục hồi phát triển kinh tế, có thể định hình những nội dung cơ bản, trọng tâm trong phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở nước ta thời gian tới, đó là:

Thứ nhất, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tập trung phục vụ một số định hướng ưu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội, như giữ vai trò quyết định việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và của nền kinh tế, đặc biệt là phát triển sản phẩm, dịch vụ mới, sản phẩm chủ lực và thương hiệu quốc gia; làm chủ, tiếp thu, hấp thụ, ứng dụng nhanh chóng thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến của thế giới; thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, các ngành có năng suất và giá trị gia tăng cao nhờ ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại; thúc đẩy phát triển công nghiệp mũi nhọn, trọng tâm là công nghiệp chế biến, chế tạo dựa trên nền tảng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; từng bước giảm tỷ trọng các ngành có năng suất lao động, giá trị gia tăng thấp, sử dụng công nghệ lạc hậu; góp phần giải quyết các vấn đề xã hội nảy sinh từ tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, bối cảnh hội nhập quốc tế và các thách thức của an ninh phi truyền thống; đề xuất giải pháp đổi mới phương thức quản lý xã hội trong điều kiện chuyển đổi số...; góp phần tích cực vào bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn...

Thứ hai, hình thành một số dự án, chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia lớn trong một số lĩnh vực trọng điểm, có thế mạnh và có tiềm năng nhằm giải quyết những vấn đề đặc biệt quan trọng trong dài hạn để phát triển đất nước. Cơ cấu lại các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ gắn với nhu cầu xã hội, chuỗi giá trị của sản phẩm, tạo giá trị gia tăng.

Thứ ba, phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đẩy nhanh thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển phong trào đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trên phạm vi toàn quốc, lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Tăng cường liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước.

Thứ tư, thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp. Tập trung chuyển giao, ứng dụng các công nghệ tiên tiến cùng với nâng cao năng lực hấp thụ, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản trị, trình độ, kỹ năng nguồn nhân lực, đổi mới quy trình sản xuất và kinh doanh, triển khai chuyển đổi số, áp dụng mô hình kinh doanh mới phù hợp với quá trình đổi mới công nghệ,... trong doanh nghiệp.

Thứ năm, đổi mới cơ cấu hệ thống tổ chức khoa học và công nghệ gắn với định hướng ưu tiên phát triển quốc gia, ngành và lĩnh vực theo hướng tự chủ, liên kết, tiếp cận chuẩn mực quốc tế. Phát triển mạnh mẽ hệ thống khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vùng và địa phương. Thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo tại các vùng trọng điểm gắn với lợi thế kinh tế của vùng, địa phương. Hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và tăng cường đầu tư về nhân lực, tài chính, kết cấu hạ tầng cho các trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trực thuộc các sở khoa học và công nghệ trở thành đầu mối hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo tại các địa phương. Từng bước nâng cao tiêu chuẩn đối với các sản phẩm ngành, nghề truyền thống, sản phẩm OCOP để thúc đẩy đổi mới công nghệ trong sản xuất.

Đại biểu tham quan khu trải nghiệm các thiết bị công nghệ sử dụng mạng 5G của VNPT tại Lễ công bố vùng phủ sóng VinaPhone 5G tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh _Ảnh: TTXVN

Thứ sáu, tăng cường hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm thu hút nguồn lực bên ngoài phục vụ đổi mới mô hình tăng trưởng, phục hồi và phát triển kinh tế. Nâng cao trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong nước bám sát các xu hướng của thế giới, tiến tới đạt trình độ tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng, thuộc nhóm dẫn đầu trong các nước có thu nhập trung bình cao.

Như vậy, có thể thấy, để đáp ứng được yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, phục hồi và phát triển kinh tế, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cần phát triển nhanh, mạnh một số hướng mới và đột phá về thể chế phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

3- Thời gian qua, thể chế khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở nước ta đã đạt được một số kết quả nhất định, góp phần phục vụ đổi mới mô hình tăng trưởng, phục hồi và phát triển kinh tế. Các cơ chế, chính sách được ban hành thể hiện sự nhất quán trong thực hiện chủ trương phát triển khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu. Hiện có 8 đạo luật chuyên ngành được ban hành liên quan đến phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, phát triển doanh nghiệp,... cũng từng bước được hoàn thiện, ngày càng đồng bộ hơn.

Tư duy quản lý nhà nước được đổi mới, pháp luật về khoa học, công nghệ ngày càng được hoàn thiện, phù hợp với xu thế phát triển trên thế giới, dần đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở nước ta. Hành lang pháp lý trong lĩnh vực khoa học, công nghệ đồng bộ hơn đã tạo môi trường thuận lợi và cạnh tranh lành mạnh trong nghiên cứu sáng tạo, dần xóa bỏ cơ chế quản lý hành chính quan liêu. Đổi mới sáng tạo dần trở thành tư duy mới trong quản lý, điều hành; vai trò trung tâm của doanh nghiệp trong hệ thống sáng tạo quốc gia ngày càng được thể hiện rõ hơn. Việc thực hiện trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các tổ chức khoa học, công nghệ công lập được đẩy mạnh. Thị trường công nghệ, đổi mới sáng tạo và hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ngày càng phát triển; hình thành doanh nghiệp khoa học, công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; các doanh nghiệp được khuyến khích thành lập viện nghiên cứu và đầu tư ngày càng nhiều cho các hoạt động khoa học, công nghệ; thí điểm mô hình thu hút, trọng dụng cán bộ khoa học tài năng trong nước và trí thức Việt Nam ở nước ngoài.

Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đang tích cực sửa đổi, bổ sung một số nội dung về đổi mới thể chế trong một số đạo luật và văn bản để trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành, như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Khoa học và công nghệ; Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Năng lượng nguyên tử; Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030;... và nhiều văn bản dưới luật khác nhằm đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.

Bên cạnh những kết quả đạt được, có thể thấy, thời gian qua, thể chế khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế. Pháp luật về đầu tư, tài chính và doanh nghiệp chưa thực sự đồng bộ với một số quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ. Các chính sách về vốn, thuế, hỗ trợ phát triển chưa thực sự tạo điều kiện để các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế có thể tiếp cận để đầu tư đổi mới công nghệ và thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo; chưa tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các sản phẩm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong nước và nước ngoài được trao đổi, mua bán trên thị trường. Tiếp tục xác lập cơ chế, chính sách thực sự khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu công nghệ, nhất là đối với những ngành, lĩnh vực chủ lực, mũi nhọn để nhanh chóng ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh tạo ra sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao.

Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, tạo đà phát triển từ chuyển đổi số _Ảnh: TTXVN

Chính vì vậy, trong bối cảnh nhiều thách thức hiện nay, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là yêu cầu cấp thiết được đặt ra nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, phục hồi và phát triển kinh tế, thích ứng linh hoạt, an toàn và kiểm soát hiệu quả đại dịch COVID-19. Yêu cầu này đòi hỏi các đột phá về thể chế như sau:

Một là, cho phép triển khai các cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong một số dự án khoa học, công nghệ cụ thể hoặc một số nhóm đối tượng đặc thù (doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong một số lĩnh vực; viện nghiên cứu; trường đại học,...).

Hai là, đổi mới cơ chế, chính sách pháp luật về đầu tư, đầu tư công, mua sắm công, sử dụng ngân sách nhà nước, sử dụng tài sản công, thuế và pháp luật khác có liên quan để khuyến khích, phát triển hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Hoàn thiện cơ chế hợp tác công tư, hành lang pháp lý cho “đầu tư thiên thần”, các quỹ đầu tư mạo hiểm, các quỹ đầu tư cộng đồng, các nền tảng công nghệ số huy động vốn đầu tư, cùng với đa dạng hóa các loại hình truyền thống nhằm huy động thêm các nguồn lực đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Xây dựng các cơ chế, chính sách để tạo thuận lợi thúc đẩy liên kết có hiệu quả giữa viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp.

Ba là, rà soát, sửa đổi, hoàn thiện quy định pháp luật về cơ chế tự chủ của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập theo hướng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong xây dựng cơ cấu tổ chức, tuyển dụng, sử dụng nhân lực, sử dụng kinh phí, thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Xây dựng tiêu chí đo lường và đánh giá hiệu quả hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp theo các chuẩn mực quốc tế.

Bốn là, đổi mới chế độ quản lý tài chính, thanh quyết toán, chấp nhận nguyên tắc rủi ro trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc chuyển giao tài sản hình thành trong nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước.

Năm là, rà soát, sửa đổi đồng bộ giữa các quy định của pháp luật về thuế, tài chính, tín dụng với quy định pháp luật về khoa học và công nghệ để triển khai có hiệu quả các cơ chế ưu đãi đối với doanh nghiệp cho đầu tư nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ theo hướng: rút ngắn thời gian khấu hao máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; xây dựng và thực hiện cơ chế ưu đãi thuế hằng năm cho doanh nghiệp theo doanh thu phát sinh thực tế từ các hoạt động trong danh mục hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, cơ chế ưu đãi thuế thu nhập cho cá nhân, doanh nghiệp đối với khoản tài trợ cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của viện nghiên cứu, trường đại học. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, triển khai các chính sách, giải pháp để phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, đưa khởi nghiệp sáng tạo là một trong những động lực đột phá cho đổi mới mô hình tăng trưởng.

Sáu là, rà soát, đánh giá, hoàn thiện chính sách về nhập khẩu công nghệ (ưu đãi về thuế, tín dụng, hỗ trợ,...) để đẩy mạnh chuyển giao công nghệ tiên tiến từ nước ngoài. Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các chính sách về mua sắm công để tạo động lực khuyến khích cho việc sử dụng sản phẩm, dịch vụ là kết quả của hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong nước.

Bảy là, đổi mới toàn diện hoạt động quản lý, triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp theo hướng: công khai, minh bạch, khách quan, đơn giản hóa thủ tục hành chính; chuyển đổi số toàn bộ quy trình quản lý, cơ sở dữ liệu các nguồn lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Tám là, thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo gắn với khoa học và công nghệ, làm cơ sở cho việc phối hợp hiệu quả trong xây dựng và thực thi các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đổi mới hệ thống quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo theo hướng tinh gọn, tập trung vào việc hoạch định cơ chế, chính sách và định hướng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch./.

PGS, TS. HUỲNH THÀNH ĐẠT
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ
-----------------
(1) Xem: Nghị quyết số 05-NQ/TW, ngày 1-11-2016, Hội nghị Trung ương 4 khóa XII “Về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế”
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 120 - 121

Nguồn: https://tapchicongsan.org.vn/ 

 
Thong ke

Tiến sĩ Nguyễn Trung Thành

Phạm Trọng Đạt

Tiến sĩ Bùi Hải Thiêm

Tỉ giá hối đoái