Thực trạng tham gia hoạt động bào chữa của trợ giúp viên pháp lý trong tố tụng hình sự và giải pháp trong thời gian tới

16:52 02/10/2023

Trợ giúp viên pháp lý là chức danh nghề nghiệp đặc thù có kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm để tham gia bào chữa cho người thuộc diện được TGPL, có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm quyền con người trong hoạt động tố tụng hình sự, góp phần thực hiện mục tiêu cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Trợ giúp viên pháp lý là viên chức của Trung tâm được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm và cấp thẻ. Vì vậy, khi tham gia bào chữa, trợ giúp viên pháp lý vừa chịu sự điều chỉnh của pháp luật về viên chức, vừa phải đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn về trợ giúp viên pháp lý và quy trình cử người tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật TGPL, vừa đáp ứng thủ tục, điều kiện về người bào chữa, theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, đất nước ta đang trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và hoà mình vào dòng chảy chung của xu thế toàn cầu hoá, vai trò của trợ giúp viên pháp lý trong các lĩnh vực pháp luật nói chung cũng như trong tố tụng hình sự nói riêng ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
1. Quy định của pháp luật về tham gia bào chữa của trợ giúp viên pháp lý trong tố tụng hình sự
Ngày 06/9/1997, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 734/TTg về việc thành lập tổ chức trợ giúp pháp lý (TGPL) cho người nghèo và đối tượng chính sách. Đây là văn bản pháp lý đầu tiên và có hiệu lực cao nhất về lĩnh vực TGPL, tạo cơ sở pháp lý cho việc hình thành và phát triển hệ thống TGPL ở nước ta. Đội ngũ người thực hiện TGPL chuyên trách được hình thành bao gồm chuyên viên TGPL và các cộng tác viên TGPL, khẳng định TGPL là trách nhiệm của Nhà nước. Thời điểm này, chuyên viên TGPL chỉ là chức danh dành cho cán bộ, công chức nhà nước làm công tác TGPL. Chuyên viên TGPL hầu như mới chỉ thực hiện tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng, tham gia tố tụng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại trong vụ án hình sự, đương sự trong vụ án dân sự, vụ án hành chính. Đối với hoạt động bào chữa trong tố tụng hình sự, hầu hết do người thực hiện TGPL là luật sư thực hiện, còn chuyên viên TGPL thì không được tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa do Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988 chỉ quy định người bào chữa bao gồm luật sư, người đại diện hợp pháp của bị can, bị cáo và bào chữa viên nhân dân.
Ngày 29/6/2006, Quốc hội thông qua Luật TGPL, theo đó chế định trợ giúp viên pháp lý đã được thể chế hóa chính thức trong Luật, quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn. Họ được thực hiện đầy đủ các hình thức TGPL, trong đó có tham gia tố tụng như luật sư để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL trong quá trình tố tụng (khoản 3 Điều 21 Luật TGPL năm 2006); tiêu chuẩn trợ giúp viên pháp lý được nâng lên nhiều so với điều kiện của các chuyên viên pháp lý trong giai đoạn trước. Đây là một bước tiến lớn từ việc người thực hiện TGPL chỉ thực hiện tư vấn pháp luật đến mở rộng sang cả tham gia tố tụng, cung cấp dịch vụ pháp lý tương đương như luật sư.
Trợ giúp viên pháp lý được tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được ghi nhận tại Luật Tố tụng hành chính năm 2010 (khoản 2 Điều 55) và Luật số 65/2011/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (khoản 16 Điều 1). Tuy nhiên, trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 chưa quy định trợ giúp viên pháp lý là người bào chữa. Vì vậy, khi tham gia bào chữa, trợ giúp viên pháp lý chỉ tham gia với tư cách là người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.
Triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 về quyền bào chữa của người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử (khoản 4 Điều 31) và nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm (khoản 5 Điều 103), Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Luật tố tụng hành chính năm 2015, tiếp tục ghi nhận vai trò của trợ giúp viên pháp lý và có một số cơ chế bảo đảm quyền được TGPL. Đặc biệt, lần đầu tiên tại Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (khoản 2 Điều 72 và khoản 2 Điều 83) đã ghi nhận vị trí pháp lý của trợ giúp viên pháp lý là người bào chữa; quy định trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có liên quan đến việc bảo đảm quyền được TGPL quy định tại Điều 71; trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc cử người bào chữa tại Điều 76 và các Điều có liên quan đến việc bảo đảm quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng; bổ sung quy định về nguyên tắc tiến hành tố tụng đối với người dưới 18 tuổi tại Điều 414, trong đó có bảo đảm quyền bào chữa, quyền được TGPL.   
Để hướng tới nguyên tắc tranh tụng trong xét xử theo Hiến pháp năm 2013, các luật, Bộ luật tố tụng yêu cầu cấp thiết đặt ra phải nâng cao chất lượng dịch vụ pháp lý của người bào chữa. Vì vậy, ngày 20/6/2017, Luật TGPL mới đã được Quốc hội khóa XIV ban hành và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018…Sự ra đời của Đạo luật này đã thể hiện sự nhất quán trong chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc cung cấp các dịch vụ pháp lý miễn phí cho công dân, đặc biệt là các đối tượng yếu thế trong xã hội[1], góp phần đảm bảo quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật.
Để đảm bảo trình độ chuyên môn, nghiệp vụ tương đương với luật sư, Điều 19 Luật TGPL[2], tiêu chuẩn trợ giúp viên pháp lý đã được chuẩn hóa. Trong đó, một trong những tiêu chuẩn của trợ giúp viên pháp lý là "đã được đào tạo nghề luật sư hoặc được miễn đào tạo nghề luật sư; đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư hoặc tập sự trợ giúp pháp lý" để đảm bảo thời gian thực hành, vận dụng kiến thức, giúp hoàn thiện những kỹ năng nghề nghiệp, đặc biệt là kỹ năng tham gia tố tụng để tự tin cung cấp dịch vụ pháp lý khi được bổ nhiệm trợ giúp viên pháp lý. Trợ giúp viên pháp lý có trình độ đào tạo, thực hành tương đương luật sư cũng tạo niềm tin cho người dân về cam kết chất lượng dịch vụ TGPL.
Ngày 16/5/2022, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã phê duyệt Quyết định số 1179/QĐ-BTP ban hành Tiêu chí xác định vụ việc TGPL tham gia tố tụng thành công. Việc ban hành các tiêu chí nhằm giúp các tổ chức thực hiện TGPL có công cụ, cơ sở để xác định vụ việc TGPL tham gia tố tụng thành công do tổ chức mình thực hiện; giúp Cục TGPL, Sở Tư pháp thực hiện quản lý và tổ chức đánh giá hiệu quả vụ việc TGPL tham gia tố tụng trong phạm vi quản lý. Qua đó, có giải pháp bảo đảm và nâng cao chất lượng, hiệu quả vụ việc TGPL, vinh danh, khích lệ người thực hiện TGPL, tổ chức thực hiện TGPL có nhiều vụ việc TGPL tham gia tố tụng thành công. Đồng thời, với việc đưa ra các tiêu chí để xác định vụ việc TGPL tham gia tố tụng thành công cũng góp phần giúp xã hội, cơ quan, tổ chức và người dân nhìn nhận rõ hơn về tác dụng của hoạt động TGPL trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL.
Ngày 05/09/2022, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 05/2022/TT-BTP về mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp trợ giúp viên pháp lý, có hiệu lực kể từ ngày 20/10/2022. Điểm mới nổi bật của Thông tư số 05/2022/TT-BTP là quy định mới chức danh trợ giúp viên pháp lý hạng I (trước đây chỉ có chức danh trợ giúp viên pháp lý hạng II và hạng III). Như vậy, lần đầu tiên trong các chức danh viên chức sự nghiệp thuộc Ngành Tư pháp quản lý có chức danh nghề nghiệp viên chức hạng I. Tiêu chuẩn chức danh trợ giúp viên pháp lý hạng I được xây dựng mới theo hướng đây là hạng cao nhất trong hệ thống chức danh nghề nghiệp viên chức trợ giúp viên pháp lý, đảm bảo sự tương quan khi trợ giúp viên pháp lý là một bên tham gia hoạt động bào chữa cùng kiểm sát viên, thẩm phán (trong đó vụ việc tham gia tố tụng tại Tòa án nhân dân cấp cao có sự tham gia của thẩm phán cấp cao, kiểm sát viên cấp cao). Một trong những tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của trợ giúp viên pháp lý hạng I đã thực hiện ít nhất 02 vụ việc tham gia tố tụng thành công tại Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án quân sự Trung ương trở lên.
Trợ giúp viên pháp lý trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình khi thực hiện vụ việc tham gia tố tụng có trách nhiệm bảo đảm chất lượng vụ việc TGPL theo quy định của pháp luật về TGPL. Luật TGPL năm 2017 đặt ra yêu cầu đối với việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng vụ việc TGPL của trợ giúp viên pháp lý thông qua quy định hồ sơ điện tử của từng vụ việc TGPL được số hóa, cập nhật vào hệ thống quản lý vụ việc TGPL và lưu trữ tại cơ sở dữ liệu về TGPL (Điều 39); Luật giao Bộ Tư pháp có nhiệm vụ tổ chức việc thẩm định, đánh giá chất lượng vụ việc TGPL (khoản 2 Điều 42). Để thực hiện nhiệm vụ này, Bộ Tư pháp ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể đánh giá chất lượng dịch vụ TGPL. Quản lý chất lượng vụ việc TGPL là một khâu quan trọng để nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL theo mục tiêu của Luật TGPL năm 2017 đề ra. Ngày 28/8/2018, Thông tư số 12/2018/TT-BTP hướng dẫn một số hoạt động nghiệp vụ TGPL và quản lý chất lượng vụ việc TGPL, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 03/2021/TT-BTP.
Trợ giúp viên pháp lý tham gia bào chữa từ khi khởi tố bị can, có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bào chữa theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Trường hợp bắt, tạm giữ người thì người bào chữa tham gia tố tụng từ khi người bị bắt có mặt tại trụ sở của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc từ khi có quyết định tạm giữ. Trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền quyết định để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra. Trợ giúp viên pháp lý có thể bào chữa cho nhiều
Khi tham gia bào chữa, trợ giúp viên pháp lý phải đáp ứng được những điều kiện sau đây:
Thứ nhất, người được TGPL[3] có yêu cầu TGPL đề nghị Trung tâm TGPL nhà nước cử người bào chữa cho họ. Yêu cầu TGPL có thể thực hiện thông qua những phương thúc sau: (i) Tự mình hoặc thông qua người thân thích của mình yêu cầu TGPL[4]; (ii) Qua các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác yêu cầu TGPL; (iii) Trường hợp người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đề nghị Trung tâm, Chi nhánh cử ngay người thực hiện TGPL bào chữa cho họ. Người bị buộc tội gồm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Bên cạnh đó, “người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp” cũng được đảm bảo quyền bào chữa (Điều 58 BLTTHS 2015).
Thứ hai, được Trung tâm TGPL nhà nước cử tham gia tố tụng với tư cách người bào chữa. Thời hạn cử trợ giúp viên đối với từng trường hợp như sau: (i) Trường hợp người được TGPL là người bị bắt, người bị tạm giữ yêu cầu cử người thực hiện TGPL, trong thời hạn 12 giờ kể từ thời điểm thụ lý, Trung tâm TGPL nhà nước có trách nhiệm cử trợ giúp viên pháp lý thực hiện TGPL; (ii) Trường hợp người yêu cầu TGPL là bị can, bị cáo, trong thời hạn 24 giờ kể từ thời điểm nhận được yêu cầu TGPL, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo cho Trung tâm TGPL nhà nước tại địa phương. Ngay sau khi nhận được thông báo của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, Trung tâm TGPL nhà nước có trách nhiệm thụ lý, đồng thời hướng dẫn người yêu cầu TGPL bổ sung các giấy tờ, tài liệu cần thiết; (iii) Trường hợp chỉ định người bào chữa cho người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đề nghị Trung tâm, Chi nhánh cử ngay người thực hiện TGPL bào chữa cho họ.
Ngày 29/6/2018, Thông tư liên tịch số 10/20218/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định về phối hợp thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng đã tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng, quy định rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, tổ chức và người thực hiện TGPL; trong việc hướng dẫn, giải thích, thông báo, thông tin về quyền được TGPL; quy định trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc đăng ký, từ chối, hủy bỏ bào chữa; bảo đảm quyền của người bào chữa trong tố tụng.
Thủ tục đăng ký bào chữa theo quy định của điểm d khoản 2 Điều 78 BLTTHS và được cụ thể hóa trong Thông tư liên tịch số 10 theo các bước sau: (i) Khi đăng ký bào chữa, trợ giúp viên pháp lý xuất trình Thẻ trợ giúp viên pháp lý kèm theo bản sao có chứng thực và văn bản cử người thực hiện TGPL của Trung tâm hoặc Chi nhánh; (ii) Trường hợp trợ giúp viên pháp lý không trực tiếp xuất trình các giấy tờ để đăng ký bào chữa thì họ phải gửi cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng bản sao có chứng thực Thẻ trợ giúp viên pháp lý và văn bản cử người thực hiện TGPL của Trung tâm hoặc Chi nhánh; (iii) Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận đủ giấy tờ do trợ giúp viên pháp lý xuất trình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm kiểm tra giấy tờ, nếu thấy không thuộc trường hợp từ chối việc đăng ký bào chữa thì vào sổ đăng ký bào chữa, gửi ngay văn bản thông báo người bào chữa cho Trung tâm hoặc Chi nhánh, trợ giúp viên pháp lý và lưu giấy tờ liên quan đến việc đăng ký bào chữa vào hồ sơ vụ án; nếu thấy không đủ điều kiện thì từ chối việc đăng ký bào chữa.
Điều 8 Thông tư liên tịch số 10 quy định:“Khuyến khích Cơ quan điều tra, Tòa án các cấp tạo điều kiện cho người thực hiện TGPL trực tại các cơ quan này phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để người được TGPL biết và sử dụng dịch vụ TGPL kịp thời” (khoản 9 Điều 8). Vì vậy, nhằm tăng cường hơn nữa khả năng tiếp cận TGPL cho người bị buộc tội tại Tòa án, ngày 19/5/2022, Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao đã ký ban hành Chương trình phối hợp số 1603/CTPH-BTP-TANDTC về người thực hiện TGPL trực tại Tòa án. Trong điều tra hình sự, để tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa Trung tâm TGPL nhà nước với cơ quan công an, giúp người bị buộc tội thuộc diện được TGPL tiếp cận sớm trong giai đoạn thụ lý vụ án từ giai đoạn điều tra, Cục TGPL đang phối hợp với Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) nghiên cứu xây dựng Chương trình người thực hiện TGPL trực trong điều tra hình sự. Mặc dù văn bản này chưa hoàn thiện (đang dự thảo) nhưng một số địa phương Sở Tư pháp đã chủ động ký kết Quy chế phối hợp với Công an tỉnh ban hành Chương trình/quy chế trực kết nối trong tố tụng hình sự (Quảng Trị, Bạc Liêu, Cần Thơ, Ninh Thuận, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Vĩnh Long...).
Thực hiện Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội khóa XV về tổ chức phiên tòa trực tuyến, ngày 15/12/2021, Tòa án nhân dân tối cao Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Viện kiểm sát nhân dân tối cao ký kết Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến. Với các quy định của Thông tư liên tịch này về đặt điểm cầu tại Trung tâm TGPL nhà nước sẽ giúp trợ giúp viên pháp lý thuận lợi hơn trong việc tham gia phiên toà trực tuyến, kịp thời bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người bị buộc tội.
Bên cạnh đó, cùng với việc TGPL được xác định là dịch vụ sự nghiệp công thiết yếu, vai trò của hoạt động TGPL cũng được thừa nhận trong việc đảm bảo an sinh xã hội, phát triển KT-XH, công cuộc cải cách tư pháp và xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Ngày 9/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thông qua Nghị quyết số 27-NQ/TW về “tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”. Tại mục 7 phần IV Nghị quyết số 27-NQ/TW đã đề cập đến nhiệm vụ, giải pháp về TGPL, cụ thể: “Nâng cao vai trò, tính chuyên nghiệp và chất lượng trợ giúp pháp lý, nhất là trong hoạt động tố tụng tư pháp; hiện đại hóa, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống trợ giúp pháp lý; mở rộng đối tượng được trợ giúp pháp lý phù hợp với điều kiện của đất nước”. Đây là lần đầu tiên nội dung về TGPL được ghi nhận trong một Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nâng cao vị thế của hoạt động bào chữa của trợ giúp viên pháp lý trong tố tụng tư pháp.
2. Thực trạng hoạt động tham gia bào chữa của trợ giúp viên pháp lý
2.1. Kết quả đạt được
Một là, về kết quả hoạt động tham gia bào chữa của người trợ giúp viên pháp lý trong tố tụng hình sự năm 2020, 2021 và 2022:
Từ năm 2020 đến năm 2022, toàn quốc thực hiện được 55.410 vụ việc tham gia tố tụng, trong đó có 35.599 vụ việc tham gia bào chữa (chiếm 60% tổng số vụ việc tham gia tố tụng). Trong số các vụ việc tham gia bào chữa, số vụ việc do các trợ giúp viên pháp lý thực hiện là 29.884 vụ việc (chiếm tỷ lệ 83% tổng số vụ việc bào chữa). Số vụ việc tham gia bào chữa tăng dần theo các năm (năm 2020: 9.827 vụ; năm 2021: 11.821 vụ; năm 2022: 13.951 vụ).       
Từ năm 2020 đến năm 2022, hầu hết các vụ việc tham gia tố tụng do người thực hiện TGPL đều đạt chất lượng, trong đó có 17.637 vụ việc tham gia tố tụng thành công, có kết quả theo hướng có lợi cho người được TGPL (chiếm tỷ lệ 32% tổng số vụ việc tham gia tố tụng). Trong số những vụ việc thành công, trợ giúp viên pháp lý thực hiện 15.159 vụ thành công (chiếm tỷ lệ 86%). Kết quả này được ghi nhận thông qua tỷ lệ vụ việc thành công, hiệu quả ngày càng cao. Số vụ việc hình sự được Hội đồng xét xử chấp nhận các tình tiết có lợi cho bị cáo theo đề nghị của người thực hiện TGPL ngày càng tăng.
Chỉ tính riêng năm 2022, một số Trung tâm có trung bình số vụ việc tố tụng/trợ giúp viên pháp lý cao như: Lai Châu (86 vụ việc); Vĩnh Phúc (51 vụ vụ việc), Hải Phòng (55 vụ việc) Nghệ An (48 vụ việc), Đắc Nông (46 vụ việc), Bắc Ninh (40 vụ việc), trong đó Lai Châu, Nghệ An là các tỉnh có các năm liên tiếp đạt bình quân số vụ việc/Trợ giúp viên pháp lý cao.
Mặc dù trong những tháng đầu năm 2022, việc thực hiện TGPL vẫn chịu ảnh hưởng, tác động từ dịch bệnh Covid-19 nhưng theo thời hạn báo cáo chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng, trong năm 2022, các trợ giúp viên pháp lý đã thực hiện được 17.266/27.577 vụ việc tham gia tố tụng (tăng 2.486 vụ so với năm trước, tương đương tăng 16,8%), như vậy trung bình mỗi trợ giúp viên pháp lý thực hiện khoảng 28,6 vụ tố tụng, tăng 03 vụ/trợ giúp viên pháp lý so với năm 2021 (năm 2021, trung bình mỗi trợ giúp viên pháp lý thực hiện được 25,6 vụ).
Hiện nay, cả nước có 698 trợ giúp viên pháp lý, đây là lực lượng chuyên trách có kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm để tham gia tố tụng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người thuộc diện được TGPL. Từ những kết quả thực hiện vụ việc bào chữa của trợ giúp viên pháp lý khẳng định vai trò của TGPL nhà nước và vị trí nòng cốt của trợ giúp viên pháp lý trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL.
Hai là, các Bộ luật, luật tố tụng, Luật TGPL năm 2017, Thông tư liên tịch số 10, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam đã tạo cơ sở pháp lý cho việc bảo đảm quyền có người bào chữa của người được TGPL; quy định rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, tổ chức và người thực hiện TGPL; hệ thống các biểu mẫu, biên bản, thông tin được quy định cụ thể, rõ ràng tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan điều tra rong việc hướng dẫn, giải thích, thông báo, thông tin và thống kê vụ việc tham gia bào chữa của các trợ giúp viên pháp lý. Đặc biệt, việc quy định trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong giải thích, thông tin, thông báo về TGPL. Trường hợp người bị buộc tội tự nhận mình là người được TGPL, trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền tố tụng cũng được quy định rõ khi họ có hoặc chưa có yêu cầu bào chữa đã góp phần hạn chế tối đa việc bỏ sót nhu cầu TGPL.
Ba là, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, sự chủ động tham mưu của Cục TGPL, sự chỉ đạo của Hội đồng phối hợp trong hoạt động tố tụng ở Trung ương, sự phối hợp có hiệu quả Hội đồng phối hợp trong hoạt động tố tụng địa phương và quyết tâm cao của toàn hệ thống TGPL, các chính sách về hoạt động bào chữa của trợ giúp viên pháp lý được triển khai đồng bộ. Vì vậy, công tác TGPL nói chung, đặc biệt là việc thực hiện TGPL bằng hình thức bào chữa trong toàn quốc đã có những bước tiến đáng kể, người bị buộc tội, được tiếp cận sớm với TGPL. Các cơ quan, người tiến hành tố tụng tạo điều kiện thuận lợi để trợ giúp viên pháp lý thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của người bào chữa theo quy định của pháp luật tố tụng, pháp luật về TGPL.
Bốn là, năng lực chuyên môn, bản lĩnh nghề nghiệp của đội ngũ trợ giúp viên pháp lý dần khẳng định được vị trí, vai trò của mình và được các cơ quan tiến hành tố tụng ghi nhận và đánh giá tốt.
Chất lượng dịch vụ TGPL đã có nhiều cải thiện. Nhiều vụ việc tham gia tố tụng do người thực hiện TGPL thực hiện đạt hiệu quả, có nhiều vụ án được tuyên mức án nhẹ hơn hoặc chuyển tội danh hay thay đổi khung hình phạt thấp hơn so với mức đề nghị của Viện kiểm sát nhân dân, thậm chí có những vụ việc được tuyên, quyết định vô tội, qua đó bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL. Trợ giúp viên pháp lý khi bào chữa đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, thực hiện đúng các quy định về tố tụng và các quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Đến nay, tổ chức thực hiện TGPL, cơ quan quản lý TGPL chưa nhận được khiếu nại nào về kết quả thực hiện bào chữa. Sự tham gia bào chữa của trợ giúp viên pháp lý tại các cơ quan tiến hành tố tụng góp phần giúp các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng điều tra, truy tố, xét xử khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Đối với người được TGPL là bị can, bị cáo thì vụ việc có người thực hiện TGPL tham gia giúp họ giữ được tâm lý an tâm, tự tin hơn vì có chỗ dựa về mặt tinh thần và sự giúp đỡ về pháp luật.
Năm là, tính đến nay, 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ký kết chương trình/kế hoạch phối hợp giữa Sở Tư pháp và Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Một số địa phương triển khai người thực hiện TGPL trực tại trụ sở Tòa án: tại Ninh Bình, Tòa án đã thống nhất hỗ trợ Trung tâm TGPL nhà nước bố trí bàn trực TGPL đặt bên cạnh bàn tiếp nhận khởi kiện, yêu cầu tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh. Tại Ninh Thuận, Trung tâm TGPL nhà nước đã cử viên chức trực tại Tòa án 02 huyện. Tại Hưng Yên, Quảng Bình, Trung tâm TGPL nhà nước cử viên chức trực tại trụ sở tất cả các Tòa án trên địa bàn tỉnh. Tại Kiên Giang, Trung tâm TGPL nhà nước đã cử người thực hiện TGPL trực tại Tòa án nhân dân tỉnh...
Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã dự thảo kế hoạch/chương để triển khai ký kết trong thời gian tới. Ở một số địa phương, trụ sở Tòa án nhân dân chưa bảo đảm về cơ sở vật chất để bố trí người thực hiện TGPL trực tại Tòa thì Tòa án thông báo cho Trung tâm TGPL nhà nước các thông tin về người thuộc diện TGPL qua điện thoại.
Sáu là, Bộ Tư pháp đã có 02 văn bản[5] gửi Ủy ban nhân dân, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Trung tâm TGPL nhà nước tham gia tổ chức phiên tòa trực tuyến. Để chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc tham gia phiên tòa trực tuyến, tính đến ngày 30/11/2022, có 01 tỉnh (Hà Nam) được bố trí trang thiết bị, có 19 tỉnh đã bố trí được phòng họp riêng, có 41 tỉnh đã lập dự toán kinh gửi Sở Tài chính (Hà Tĩnh và Hà Nam đã được cấp kinh phí); có 22 Trung tâm TGPL đã tham gia thí điểm phiên tòa xét xử trực tuyến do Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức.
2.2. Những hạn chế, khó khăn
Một là, việc gửi lịch xét xử, kết luận điều tra và bản sao bản án cho Trung tâm TGPL vẫn còn trường hợp chưa thực hiện kịp thời[6] gây khó khăn trong quá trình tham gia giải quyết vụ án cũng như việc thẩm định, đánh giá chất lượng vụ việc TGPL[7]. Một số vụ việc tham gia tố tụng, người thực hiện TGPL chưa được thông báo lịch xét xử đúng thời hạn và không được cung cấp bản sao bản án[8]. Một số bản án, quyết định tố tụng chưa ghi nhận về ý kiến của người thực hiện TGPL[9].
Hai là, còn một số trường hợp người tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng ở một số địa phương[10] chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định tại Thông tư liên tịch số 10 như: chưa bàn giao đầy đủ các văn bản tố tụng; bỏ sót đối tượng TGPL trong giai đoạn điều tra, truy tố, đến giai đoạn xét xử Tòa án mới thực hiện thông tin, thông báo, yêu cầu phân công bào chữa, bảo vệ cho đối tượng được TGPL đến Trung tâm TGPL[11]
Ba là, chất lượng nguồn nhân lực làm công tác TGPL ở một số địa phương phát triển chưa tương xứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tìm kiếm nguồn lực cán bộ trẻ để bổ sung cho đội ngũ trợ giúp viên còn bị động. Một số trợ giúp viên pháp lý có kỹ năng và kinh nghiệm tham gia bào chữa còn ở mức độ nhất định.
Bốn là, trình độ nhận thức của người thuộc diện TGPL còn hạn chế, đặc biệt là người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, không biết tiếng phổ thông nên người dân rất khó để tiếp cận và hiểu quyền được TGPL của mình theo quy định của pháp luật. Vì vậy, cơ quan, người tiến hành tố tụng gặp khó khăn trong việc giải thích, hướng dẫn về quyền được TGPL cho họ.
3. Giải pháp hoàn thiện hoặc hướng dẫn pháp luật và tổ chức thực hiện
Thứ nhất, rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện những quy định của pháp luật về sự hoạt động bào chữa của trợ giúp viên pháp lý trong tố tụng hình sự; tiếp tục tổ chức tập huấn, quán triệt cho người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tại Trại giam, Trại tạm giam, Nhà tạm giữ các quy định pháp luật liên quan đến TGPL để thống nhất nhận thức về vai trò, vị trí của trợ giúp viên pháp lý khi tham gia bào chữa trong tố tụng hình sự; hoàn thiện chế độ chính sách để thu hút trợ giúp viên pháp lý yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với ngành.
Thứ hai, trợ giúp viên pháp lý cần nắm rõ quy trình thủ tục tố tụng của BLTTHS 2015; tham gia đầy đủ các hoạt động điều tra như thực nghiệm điều tra, khám nghiệm hiện trường, khai quật tử thi, kê biên tài sản, đối chất, nhận dạng…
Thứ ba, xây dựng đội ngũ trợ giúp viên pháp lý chuyên sâu về kỹ năng tham gia tố tụng hình sự nói chung và hoạt động bào chữa nói riêng; thường xuyên tổ chức tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng và kinh nghiệm cho đội ngũ người thực hiện TGPL (nâng cao kỹ năng nghiên cứu hồ sơ vụ án, nâng cao kỹ năng đặt câu hỏi để làm rõ nội dung vụ án, tư cách của những người có liên quan trong vụ án; có kinh nghiệm sử dụng các thiết bị để lưu trữ các thông tin được cung cấp; kỹ năng thu thập được các tài liệu chứng cứ liên quan tới vụ án; tìm hiểu sâu về những điểm còn chưa rõ hoặc mâu thuẫn về chứng cứ, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, động cơ, mục đích, nguyên nhân và điều kiện phạm tội, nhân thân của người được trợ giúp pháp lý; chuẩn bị cho việc tham gia phiên tòa kỹ lưỡng…); xây dựng kho vụ việc tranh tụng mẫu trong TGPL. Đặc biệt nâng cao trình độ kỹ năng tranh tụng tại phiên tòa, chú trọng vào bản chất của hoạt động bào chữa của trợ giúp viên pháp lý trong tố tụng hình sự là vụ việc hỗ trợ miễn phí theo tinh thần thượng tôn pháp luật, bảo vệ lẽ phải và những đối tượng yếu thế trong xã hội để từ đó có thể bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người được bào chữa.
Thứ tư, tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức của các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong công tác phối hợp về TGPL, trong đó có bảo đảm đúng quy định để trợ giúp viên pháp lý thực hiện hoạt động bào chữa; tăng cường tập huấn, kiểm tra liên ngành về công tác phối hợp TGPL, nhất là các cơ quan, các địa bàn chưa thực hiện tốt, trong đó tập trung kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về tham gia bào chữa của trợ giúp viên pháp lý; xem xét trách nhiệm của từng cơ quan đối với những trường hợp nếu phát hiện vi phạm như vi phạm về quyền có người bào chữa của bị can, bị cáo, vi phạm về thủ tục đăng ký bào chữa, hủy bỏ, từ chối đăng ký bào chữa sai quy định…; xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi vi phạm.
Thứ năm, thường xuyên, tổng hợp, trao đổi những vướng mắc về sự tham gia bào chữa của trợ giúp viên pháp lý để chia sẻ kinh nghiệm giữa các trợ giúp viên pháp lý của các Trung tâm.
Thứ sáu, cần nâng cao hoạt động tuyển dụng, bổ nhiệm chức danh trợ giúp viên pháp lý đảm bảo yêu về số lượng, chất lượng, nhất là đối với các địa phương đang thiếu, đảm bảo hiệu quả hoạt động của các Chi nhánh TGPL phù hợp với thực tiễn hoạt động này, đáp ứng yêu cầu mở rộng diện người được TGPL cũng như yêu cầu nâng cao chất lượng tranh tụng, bảo đảm thực thi quyền bào chữa, quyền bình đẳng trước pháp luật, đáp ứng nhu cầu giúp đỡ pháp luật của người được TGPL.
Thứ bảy, kiện toàn tổ chức bồi dưỡng kỹ năng quản lý, điều hành, đánh giá, giám sát hoạt động TGPL; hướng dẫn sử dụng và vận hành hệ thống các cơ sở dữ liệu, Hệ thống quản lý TGPL, các ứng dụng công nghệ thông tin khác có liên quan đến TGPL; kết nối với cơ quan tiến hành tố tụng về việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số đối với việc thực hiện TGPL trong tố tụng (bao gồm cả việc trực TGPL tại trụ sở cơ quan tiến hành tố tụng kết hợp với trực thông qua điện thoại).

Tuyết Minh - Phòng Chính sách và quản lý nghiệp vụ TGPL


[1] Luật TGPL năm 2017 quy định có 14 nhóm đối tượng được TGPL.

[2] Điều 19. Tiêu chuẩn trợ giúp viên pháp lý;
Công dân Việt Nam là viên chức của Trung tâm TGPL nhà nước có đủ tiêu chuẩn sau đây có thể trở thành trợ giúp viên pháp lý:
1. Có phẩm chất đạo đức tốt;
2. Có trình độ cử nhân luật trở lên;
3. Đã được đào tạo nghề luật sư hoặc được miễn đào tạo nghề luật sư; đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư hoặc tập sự TGPL;
4. Có sức khỏe bảo đảm thực hiện TGPL;
5. Không đang trong thời gian bị xử lý kỷ luật.

[3] Luật TGPL năm 2017 quy định có 14 nhóm đối tượng được TGPL miễn phí gồm: Người có công với cách mạng; Người thuộc hộ nghèo; Trẻ em; Người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; Người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo; Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ có khó khăn về tài chính; b) Người nhiễm chất độc da cam có khó khăn về tài chính; c) Người cao tuổi có khó khăn về tài chính; d) Người khuyết tật có khó khăn về tài chính; đ) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự có khó khăn về tài chính; e) Nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình có khó khăn về tài chính; g) Nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người có khó khăn về tài chính; h) Người nhiễm HIV có khó khăn về tài chính. Điều kiện khó khăn về tài chính của người được trợ giúp pháp lý theo quy định của Nghị định 144/2017/NĐ-CP là người thuộc hộ cận nghèo hoặc là người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật.

[4] Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 quy định: Người thân thích là người có quan hệ hôn nhân, nuôi dưỡng, người có cùng dòng máu về trực hệ và người có họ trong phạm vi ba đời.

[5] Công văn số 503/BTP-TGPL ngày 23/02/2022 và Công văn số 546/BTP-TGPL ngày 25/02/2022.

[6] An Giang, Bắc Giang, Quảng Nam, Bình Định, Đắk Lắk, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Sóc Trăng.

[7] Báo cáo số 350/BC-HĐPHLN ngày 30/12/2022 của Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng ở Trung ương về việc sơ kết thực hiện Thông tư liên tịch số 10.

[8] Hà Giang, Sóc Trăng.

[9] Gia Lai, Tuyên Quang, Vĩnh Long.

[10] Bình Dương, Phú Yên, Quảng Nam, Tuyên Quang, Bạc Liêu, Hà Tĩnh, Long An. 

[11] Báo cáo số 350/BC-HĐPHLN ngày 30/12/2022 của Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng ở Trung ương về việc sơ kết thực hiện Thông tư liên tịch số 10.

Nguồn: https://tgpl.moj.gov.vn/
Thong ke

Tiến sĩ Nguyễn Trung Thành

Phạm Trọng Đạt

Tiến sĩ Bùi Hải Thiêm

Tỉ giá hối đoái