Quy định của luật về công chức, công vụ ở một số quốc gia châu Á và giá trị tham khảo đối với Việt Nam

21:57 30/12/2024

Bài viết trên cơ sở tìm hiểu, hệ thống hóa các quy định của Luật về công chức, công vụ một số quốc gia ở châu Á, như: Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, từ đó phân tích, đánh giá và rút ra một số vấn đề có giá trị tham khảo trong việc nghiên cứu hoàn thiện pháp luật về cán bộ, công chức ở Việt Nam hiện nay.

1. Nội dung cơ bản và phạm vi điều chỉnh của luật về công chức, công vụ 

Các quốc gia trên rất coi trọng việc ban hành và sửa đổi, bổ sung quy định của luật về công chức, công vụ. Theo các hình thức và tên gọi văn bản khác nhau, các quốc gia ban hành Luật Công chức hoặc Luật Công vụ để điều chỉnh đối tượng là công chức: những người hoạt động trong khu vực công theo quy định của pháp luật và được hưởng lương từ ngân sách nhà nước. 

Mặc dù có kết cấu các chương, điều, khoản khác nhau nhưng nội dung cơ bản của Luật Công chức hoặc Luật Công vụ của các nước thường gồm quy định về: (1) Phạm vi đối tượng và phân loại công chức; (2) Các cơ quan quản lý công chức; (3) Điều kiện, tiêu chuẩn công chức; (4) Nghĩa vụ và quyền của công chức (bao gồm cả những điều công chức không được làm); (5) Tuyển dụng, bổ nhiệm và thăng tiến của công chức; (6) Đánh giá công chức; (7) Đào tạo, bồi dưỡng công chức; (8) Khen thưởng và kỷ luật công chức; (9) Chế độ tiền lương và các chế độ phúc lợi; (10) Thôi việc, nghỉ hưu… Đồng thời, để cụ thể hóa và thuận lợi cho việc áp dụng, các quốc gia thường dẫn chiếu quy định của các luật có liên quan, như: Luật Lao động, Luật Dịch vụ dân sự… và ban hành các văn bản chi tiết, hướng dẫn về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức dưới dạng quy chế, hướng dẫn của cơ quan quản lý công chức. 

Quan niệm về phạm vi công chức ở mỗi quốc gia là khác nhau nhưng Luật Công chức hoặc Luật Công vụ tập trung điều chỉnh nhóm đối tượng công chức trong các cơ quan nhà nước, đồng thời, có sự phân định các nhóm công chức theo lĩnh vực công việc và vị trí việc làm để có cơ chế quản lý thích hợp. Các quốc gia không phân biệt công chức trung ương và công chức địa phương, chỉ có một số quốc gia thực hiện chế độ tự quản địa phương phân biệt công chức trung ương và công chức địa phương như Nhật Bản,… Điều này gợi ý đối với Việt Nam nghiên cứu điều chỉnh theo hướng thống nhất liên thông giữa công chức cấp xã với công chức từ cấp huyện trở lên.

Luật Công chức hoặc Luật Công vụ của các nước quy định chế độ công chức hợp đồng hoặc công chức có thời hạn để đảm nhận những nhiệm vụ không thường xuyên hoặc theo thời vụ. Chẳng hạn, Điều 100 Luật Công chức Trung Quốc quy định: “Căn cứ vào nhu cầu công việc và được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền đối với công chức từ cấp tỉnh trở lên, cơ quan nhà nước có thể thực hiện chế độ làm việc theo hợp đồng đối với các vị trí có tính chất chuyên môn cao và vị trí công việc có tính chất phụ trợ. Trường hợp các vị trí công việc nêu trên liên quan đến bí mật nhà nước thì không được thực hiện chế độ làm việc theo hợp đồng”1Luật Công vụ Thái Lan quy định: công chức hợp đồng là những nhân viên được tuyển dụng theo hợp đồng có thời hạn để thực hiện các nhiệm vụ cụ thể hoặc trong các tình huống đặc biệt2Luật Công vụ Singapore quy định: công chức hợp đồng có thể được tuyển dụng cho các dự án ngắn hạn, công việc có tính chất tạm thời hoặc các nhiệm vụ cần chuyên môn đặc biệt mà cơ quan công quyền không cần duy trì lâu dài. Công chức hợp đồng phải đáp ứng các tiêu chuẩn về trình độ, kinh nghiệm và kỹ năng tương tự như công chức chính thức”3Luật Công vụ Hàn Quốc quy định: công chức hợp đồng là những người được tuyển dụng theo hợp đồng có thời hạn cụ thể và có thể được gia hạn nếu cần thiết để thực hiện các nhiệm vụ tạm thời hoặc mang tính đặc thù4.

Các quy định trong Luật Công chức hay Luật Công vụ của các quốc gia nêu trên rất cần để Việt Nam bổ sung tham khảo quy định trong pháp luật về cán bộ, công chức, đặc biệt là quy định công chức hợp đồng trong một số ngành, lĩnh vực đặc thù hoặc để thực hiện các nhiệm vụ có tính chất thời vụ. 

2. Điều kiện và quyền, nghĩa vụ công chức

2.1. Về điều kiện trở thành công chức

Các quốc gia quy định tiêu chuẩn công chức là người đủ 18 tuổi, có quốc tịch và bằng cấp chuyên môn, khả năng làm việc và các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí dự tuyển, không vi phạm các điều cấm và mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự. Đối với yêu cầu về sức khỏe do cơ quan tuyển dụng chỉ định cơ sở khám. Các yêu cầu về phẩm chất chính trị, đạo đức thường được Luật về công chức quy định cụ thể, rõ ràng,…

Các quốc gia theo thể chế chính trị đa đảng quy định công chức phải trung lập về chính trị, khi trở thành công chức, người đó không được đồng thời giữ vị trí trong các cơ quan dân cử hay tổ chức chính trị. Trái lại, Luật Công chức của Trung Quốc quy định một trong những điều kiện để trở thành công chức là “Tuân thủ Hiến pháp của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc và hệ thống xã hội chủ nghĩa”5.

Luật Cán bộ, công chức của Việt Nam cần quy định về điều kiện, tiêu chuẩn tuyển dụng công chức rõ ràng và cụ thể hơn về phẩm chất chính trị, đạo đức và trình độ chuyên môn phù hợp, đồng thời coi trọng tính chuyên nghiệp của đội ngũ công chức, hạn chế tình trạng công chức trong các cơ quan hành chính kiêm nhiệm giữ các chức vụ trong cơ quan dân cử nhằm bảo đảm tính khách quan trong thực thi công việc.

2.2. Về nghĩa vụ và quyền công chức

Luật Công chức các quốc gia đều quy định khá cụ thể các nghĩa vụ của công chức, như: tôn trọng và bảo vệ Hiến pháp; trung thành và bảo vệ danh dự, lợi ích quốc gia; tuân thủ pháp luật và chấp hành mệnh lệnh hợp pháp của cấp trên; tận tụy thực hiện nhiệm vụ; không trốn tránh công việc; không tham gia các cuộc đình công chống lại Chính phủ; không đưa, nhận, gợi ý hối lộ để được tuyển dụng; trung thực, chính trực, cẩn trọng khi làm việc; tôn trọng và lịch sự, không gây khó khăn, đòi hỏi khi làm việc với người dân; giữ bí mật công tác; tránh xung đột lợi ích liên quan đến công việc được giao; sử dụng công sản đúng mục đích và định mức; không cung cấp thông tin sai lệch hoặc gây hiểu lầm; không được sử dụng thông tin nội bộ hoặc trách nhiệm, vị thế, quyền lực hoặc quyền hạn của mình để trục lợi; giữ gìn hình ảnh, uy tín của cơ quan, đồng nghiệp.

Đáng chú ý là Luật Công chức của các nước thường quy định khá đầy đủ và cụ thể về các điều cấm công chức không được làm. Ví dụ:  Điều 59 Luật Công chức Trung Quốc quy định công chức không được thực hiện các hành vi sau: (1) Phát ngôn làm tổn hại đến Hiến pháp, uy tín của Đảng Cộng sản Trung Quốc và quốc gia, tổ chức hoặc tham gia các hoạt động như hội họp, diễu hành, biểu tình nhằm mục đích chống lại Hiến pháp, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc và Nhà nước; (2) Tổ chức, tham gia các tổ chức trái pháp luật hoặc tổ chức, tham gia đình công; (3) Kích động, phá hoại quan hệ dân tộc, tham gia các hoạt động ly khai dân tộc hoặc tổ chức, lợi dụng hoạt động tôn giáo để gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, tổn hại đến ổn định, trật tự xã hội; (4) Không chịu trách nhiệm, không hoàn thành, lơ là nhiệm vụ hoặc chậm trễ trong công việc; (5) Từ chối thi hành quyết định, mệnh lệnh của cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; (6) Trả thù người phê bình, khiếu nại, tố cáo, tố giác tội phạm; (7) Gây hiểu lầm hoặc lừa dối lãnh đạo hoặc công chúng bằng các hình thức gian lận, lừa dối; (8) Tham nhũng, hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi cá nhân cho bản thân hoặc người khác; (9) Vi phạm quy định về tài chính, lãng phí tài nguyên, ngân sách của Nhà nước; (10) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, pháp nhân, tổ chức khác; (11) Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật công tác; (12) Làm phương hại đến danh dự, lợi ích của nhà nước trong giao lưu quốc tế; (13) Tham gia hoặc hỗ trợ các hoạt động như khiêu dâm, lạm dụng ma túy, cờ bạc, mê tín dị đoan; (14) Vi phạm đạo đức nghề nghiệp, đạo đức gia đình, xã hội; (15) Tham gia phát tán thông tin bị cấm trên mạng hoặc các hoạt động trực tuyến bị cấm theo quy định của pháp luật; (16) Tham gia các hoạt động vì lợi nhuận, đồng thời đảm nhiệm chức vụ trong doanh nghiệp, tổ chức vì lợi nhuận khác trái quy định của pháp luật; (17) Vắng mặt không xin phép hoặc không trở lại làm việc mà không có lý do chính đáng sau khi hoàn thành công việc hoặc hết thời gian nghỉ phép; (18) Các hành vi khác vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính hoặc quy định của pháp luật6.

Luật Công chức Thái Lan quy định công chức: (1) Không báo cáo sai sự thật hoặc che giấu sự thật cần được tiết lộ; (2) Không thực hiện mệnh lệnh; (3) Không sử dụng hoặc đồng ý cho người khác sử dụng chức vụ chính thức của mình để trục lợi cho bản thân hoặc người khác; (4) Không được lơ là trong việc thực hiện nhiệm vụ; (5) Không thực hiện các hành vi hoặc đồng ý cho người khác thực hiện các hành vi nhằm tìm kiếm lợi ích có thể gây phương hại đến sự công bằng hoặc phương hại đến danh dự chức vụ chính thức của một người; (6) Không được làm giám đốc điều hành hoặc người quản lý hay nắm giữ bất kỳ chức vụ nào khác vị trí đòi hỏi tính chất công việc tương tự trong một công ty kinh doanh; (7) Không thực hiện bất kỳ hành vi nào dẫn đến lạm dụng, đàn áp hoặc đe dọa người khác khi thực hiện chức năng chính thức; (8) Không thực hiện các hành vi vi phạm hoặc quấy rối tình dục; (9) không xúc phạm, chê bai, đàn áp hoặc đe dọa công chúng7.

Luật Công chức Nhật Bản quy định các điều công chức không được làm, gồm: làm mất uy tín, hình ảnh của cơ quan; gạ gẫm hoặc nhận tiền đóng góp hay các lợi ích vì một đảng chính trị hoặc vì mục đích chính trị hay tham gia vào bất kỳ hoạt động chính trị nào; ứng cử vào các vị trí công quyền do dân cử; đảm nhiệm vị trí quản lý, cố vấn chính trị hoặc thành viên khác với vai trò tương tự trong một đảng chính trị; quản lý, cố vấn trong công ty hay tổ chức được thành lập nhằm mục tiêu lợi nhuận trong thời gian công tác hoặc trong 2 năm sau khi khi nghỉ hưu, chuyển công tác8. Tương tự, Luật Công vụ Singapore quy định rất cụ thể về những hành vi và hoạt động mà công chức không được thực hiện nhằm duy trì sự liêm chính, trung thực và trách nhiệm trong công vụ9

Theo đó, pháp luật về cán bộ, công chức của Việt Nam cần quy định rõ các điều cán bộ, công chức không được làm, hoặc phải kèm theo các điều kiện (chẳng hạn, như việc làm thêm); đồng thời bổ sung nghĩa vụ của cán bộ, công chức trong việc chấp hành các quy định về đạo đức và quy tắc ứng xử khi thi hành công vụ cũng như trên môi trường mạng để làm căn cứ xử lý kỷ luật cán bộ, công chức vi phạm vấn đề này.

Các quốc gia quan tâm đến quyền nghỉ ngơi của công chức với số ngày nghỉ khá nhiều. Một số quốc gia quy định: nếu công chức không nghỉ hết các ngày nghỉ quy định trong năm sẽ được cộng dồn và được sử dụng trong suốt cuộc đời công chức. Đặc biệt nghỉ thai sản chăm con đến 3 năm hoặc nghỉ nhận con nuôi. Việt Nam có thể cân nhắc bổ sung quy định về các ngày nghỉ của cán bộ, công chức, như: (1) Nghỉ giải quyết việc riêng (làm thủ tục hành chính nhà đất, giấy phép lái xe, đi khám bệnh…); (2) Kéo dài thời gian nghỉ thai sản; (3) Nghỉ nhận con nuôi; (4) Nghỉ chăm sóc con cái, bố mẹ, anh chị em ruột ốm; (5) Nghỉ tham gia các hoạt động xã hội.

3. Các quy định về quản lý công chức

3.1. Về tuyển dụng công chức

Việc tuyển dụng công chức chủ yếu bằng hình thức thi tuyển, trong đó chú trọng tổ chức phỏng vấn về chuyên môn theo yêu cầu của vị trí việc làm. Đối với các vị trí cần ngoại ngữ, trong quá trình làm việc, công chức phải cam kết sử dụng được ngoại ngữ trong công việc, nếu không đáp ứng sẽ ảnh hưởng đến kết quả đánh giá công việc của công chức. Trong quá trình tập sự, công chức được người hướng dẫn truyền đạt và tìm hiểu về kiến thức hệ thống chính trị, hành chính và pháp luật. 

Đáng chú ý là với cách tiếp cận “hệ thống công vụ mở”, các quốc gia quy định chế độ tuyển dụng đối với công chức bậc trung và bậc cao từ khu vực tư, ví dụ: Thái Lan quy định hình thức tuyển chuyên gia; Hàn Quốc, Nhật Bản quy định mỗi cơ quan hàng năm phải dành ít nhất khoảng 20% vị trí để tuyển dụng nhóm công chức này10. Đây là có thể là gợi mở đối với Việt Nam trong việc thực hiện “cơ chế liên thông giữa nguồn nhân lực ở khu vực công và khu vực tư”; thu hút những người có trình độ chuyên môn cao và kinh nghiệm quản lý, thực hiện cơ chế cạnh tranh vị trí việc làm để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.

3.2. Về vị trí việc làm và ngạch, bậc công chức

Mặc dù định hướng theo những mô hình công vụ khác nhau song nhìn chung các quốc gia quy định khá cụ thể về nguyên tắc và hệ thống vị trí việc làm của công chức tương ứng với tính chất, đặc điểm của công việc hoặc theo các ngạch (đặc biệt và thông thường) hay chức vụ (lãnh đạo và không lãnh đạo). Điều này có thể gợi mở đối với Việt Nam trong quy định về vị trí việc làm một cách hợp lý hơn, theo đó, vị trí việc làm là công việc tại một vị trí nhất định trong cơ quan, tổ chức thuộc một ngạch công chức theo quy định.

Các quốc gia có những cách tiếp cận khác nhau về ngạch, bậc công chức theo yêu cầu vị trí việc làm và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Công chức được xếp theo nhiều ngạch, bậc khác nhau dựa trên trình độ học vấn, kỹ năng, kinh nghiệm và trách nhiệm công việc, trong đó ngạch thể hiện lĩnh vực chuyên môn hoặc chức năng, trong khi bậc thể hiện mức độ thâm niên và trách nhiệm. Quy định về nâng ngạch công chức ở các nước được thiết kế nhằm thúc đẩy hiệu suất làm việc, khuyến khích phát triển nghề nghiệp và tạo động lực và cơ hội thăng tiến của công chức; đồng thời thực hiện chế độ tiền lương phù hợp. Đối với Việt Nam khi xây dựng các quy định về ngạch, bậc cần thể hiện đầy đủ hơn tính chất chuyên môn, tính chất công việc, độ phức tạp của nhiệm vụ để làm cơ sở cho việc bố trí, sử dụng và nâng ngạch công chức chứ không chỉ đơn thuần là để nâng lương.

3.3. Về đánh giá kết quả thực hiện công việc của công chức

Pháp luật về công chức của các quốc gia quy định việc đánh giá công chức chủ yếu dựa trên hiệu suất làm việc và kết quả đánh giá là căn cứ để nâng ngạch và thưởng cũng như đưa ra những biện pháp cải tiến, nâng cao hiệu quả làm việc của công chức. Ví dụ, Luật Công vụ Singapore quy định mục đích đánh giá kết quả thực thi công vụ của công chức là nhằm thúc đẩy hiệu quả làm việc, phát triển năng lực cá nhân và bảo đảm cho công chức có thể đóng góp tốt nhất cho tổ chức và cộng đồng. Hệ thống đánh giá công chức dựa trên các tiêu chí rõ ràng và minh bạch, bao gồm các yếu tố như hiệu suất làm việc, kỹ năng, thái độ, và đóng góp cho tổ chức11.

Trong hoạt động đánh giá kết quả công việc của công chức, trách nhiệm của người có thẩm quyền đánh giá đối với công chức được đề cao. Người có thẩm quyền và công chức được đánh giá có trao đổi trực tiếp, công chức trình bày kết quả làm việc và tự nhận mức độ hoàn thành công việc, người có thẩm quyền đánh giá sẽ đánh giá và đưa ra nhận xét và tìm hiểu lý do tại sao công chức không làm việc hiệu quả, như: sức khỏe, hoàn cảnh gia đình hay thiếu hụt về đào tạo chuyên môn, từ đó, đề ra biện pháp hỗ trợ công chức giải quyết vấn đề của họ. 

Đối với Việt Nam, để khắc phục tình trạng hình thức, nể nang, né tránh dẫn đến không thực chất trong đánh giá và không gắn với chế độ đãi ngộ lương, thưởng, có thể nghiên cứu sửa đổi quy định đánh giá, xếp loại kết quả làm việc của cán bộ, công chức theo hướng xây dựng quy trình đánh giá khách quan, minh bạch, thực chất, bảo đảm lượng hóa kết quả thực hiện công việc, tăng quyền hạn cho người đứng đầu cơ quan sử dụng cán bộ, công chức trong việc đánh giá kết quả công việc. Kết quả đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành công việc của cán bộ, công chức phải là căn cứ chủ yếu để thực hiện việc bổ nhiệm, tăng lương và thưởng cho cán bộ, công chức.

3.4. Về đào tạo, bồi dưỡng công chức

Nhìn chung, các quốc gia quy định về hoạt động đào tạo, bồi dưỡng công chức theo hướng gắn vớiyêu cầu công việc và khuyến khích công chức tự đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao hiệu suất công việc; theo đó, công chức nhận thấy mình thiếu kỹ năng nào thì đăng ký với cơ quan để được tham gia bồi dưỡng các kỹ năng cần thiết phục vụ công việc. Công chức có quyền lựa chọn cơ sở bồi dưỡng không nhất thiết phải lựachọn cơ sở công lập. Chú trọng các thông tin phản hồi về kết quả đào tạo, bồi dưỡng. 

Từ đó cho thấy, Việt Nam cần chú ý tăng cường hoạt động bồi dưỡng theo yêu cầu công việc, đồng thời quy định về đa dạng hóa cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức để có thể tạo sự cạnh tranh nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng; đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng theo hướngtập trung vào giải quyết tình huống trên thực tế thay vì học lý thuyết ở lớp học; chú trọng bồi dưỡng công chức trẻ có tài năng.

3.5. Về tiền lương và chế độ đãi ngộ

Các quốc gia xây dựng cơ cấu tiền lương cho công chức gồm: tiền lương, thưởng, phụ cấp đi lại, cư trú, khu vực… không có phụ cấp chức vụ do trả lương theo vị trí việc làm. Chế độ tiền lương công chức được thiết kế nhằm tạo động lực và khuyến khích công chức làm việc hiệu quả, đồng thời bảo đảm bảo hệ thống công vụ luôn thu hút được những nhân tài xuất sắc từ cả khu vực công và tư nhân. Theo đó, lương cơ bản của công chức được xác định dựa trên mức lương của khu vực tư nhân nhằm thu hút các ứng viên có năng lực từ khu vực tư. Vì vậy, đời sống cho công chức được bảo đảm, giúp họ yên tâm làm việc, hạn chế việc làm thêm cũng như các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời các nước quy định chế độ thưởng thành tích cho công chức có thành tích xuất sắc trong công việc; hoặc thưởng đặc biệt cho những đóng góp nổi bật hoặc các sáng kiến cải tiến có giá trị cho tổ chức và xã hội.

Việt Nam cần nghiên cứu sớm thực hiện chế độ trả lương theo vị trí việc làm. Cơ sở để trả lương cho cán bộ, công chức phải được tính bình quân theo khu vực tư nhân trả cho người lao động, có như vậy mới giúp cán bộ, công chức yên tâm công tác và góp phần hạn chế tình trạng tiêu cực, phòng chống tham nhũng và “chảy máu chất xám”.

3.6. Về khen, thưởng và kỷ luật

Các quốc gia xây dựng quy trình xử lý kỷ luật và áp dụng các hình thức kỷ luật khi công chức vi phạm, như: cảnh cáo, khiển trách, khấu trừ lương, giảm lương, hạ bậc lương, hạ ngạch, đình chỉ, sa thải và trục xuất. Khi phát hiện hành vi sai phạm hoặc có tố cáo, người đứng đầu cơ quan sẽ thành lập một Ủy ban điều tra, đối với vụ việc có sự tham gia của công chức của nhiều cơ quan, Ủy ban Công vụ sẽ thành lập một Ủy ban điều tra để điều tra hành vi vi phạm của công chức.

Việt Nam có thể nghiên cứu cơ chế thành lập Ủy ban điều tra vì hiện nay, khi nhận được tố cáo thì cấpủy và thanh tra, bộ phận tổ chức cán bộ của các cơ quan, đơn vị không đủ chuyên môn để điều tra về cáchành vi sai phạm của công chức. Bổ sung các hình thức kỷ luật như: khấu trừ lương, giảm lương, hạ ngạch khi công chức vi phạm kỷ luật, hoặc đình chỉ khi công chức do rối loạn về tâm thần hoặc thể chất hoặc bị khởi tố liên quan tới một vụ việc hình sự.

4. Kết luận

Việc hoàn thiện pháp luật về cán bộ, công chức ở Việt Nam sẽ tạo cơ sở vững chắc thúc đẩy việc tiếp tục cải cách, hiện đại hóa nền công vụ; đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ Tổ quốc. 

Để tiếp tục hoàn thiện pháp luật về cán bộ, công chức, cần quán triệt sâu sắc và thể chế hóa đầy đủ các quan điểm của Đảng về công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức; kế thừa những ưu điểm, hợp lý của pháp luật hiện hành về công vụ, công chức; đồng thời tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm xây dựng, hoàn thiện pháp luật về công chức, công vụ của các nước trên thế giới phù hợp với điều kiện Việt Nam

Chú thích:
1, 5, 6. Luật Công chức Trung Quốc năm 2005 (sửa đổi năm 2018).
2, 4, 7, 10. Luật Công vụ Thái Lan năm 2008.
3, 9 , 11. Luật Công vụ của Singapore năm 1959 (sửa đổi năm 2018).
4. Luật Công vụ quốc gia Hàn Quốc năm 1949; Luật Dịch vụ Dân sự sửa đổi năm 2023.
8. Luật Công chức quốc gia Nhật Bản năm 1947 (sửa đổi các năm 2005, 2012, 2014, 2021).

Nguồn: https://www.quanlynhanuoc.vn/

Thong ke

Tiến sĩ Nguyễn Trung Thành

Phạm Trọng Đạt

Tiến sĩ Bùi Hải Thiêm

Tỉ giá hối đoái