Những vấn đề lý luận và thực tiễn về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

09:58 07/01/2022

Ngày 11-12-2021, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: "Những vấn đề lý luận và thực tiễn về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam".
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đế năm 2045, cùng các Phó trưởng Ban và thành viên Ban Chỉ đạo chủ trì hội thảo_Ảnh: TTXVN

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo, chủ trì hội thảo; Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, phát biểu khai mạc hội thảo.

Cùng dự hội thảo có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng và hơn 100 các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong trong lĩnh vực nhà nước, pháp luật.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, sáu tháng qua, Ban Chỉ đạo xây dựng đề án đã khẩn trương triển khai nhiều hoạt động, huy động các cơ quan, cả hệ thống chính trị tham gia nghiên cứu tổng kết, đề xuất các nội dung 27 chuyên đề của đề án. Chủ đề "Những vấn đề lý luận và thực tiễn về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam" của hội thảo là nội dung “cốt lõi” và cũng là vấn đề còn có “khoảng trống” cần được tập trung nghiên cứu, trao đổi trong đề án.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phát biểu khai mạc hội thảo_Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thẳng thắn chỉ rõ: “Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có mặt chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quản lý đất nước trong tình hình mới”. Biểu hiện cụ thể là: Hệ thống pháp luật còn một số quy định chưa thống nhất, đồng bộ, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn. Cơ chế kiểm soát quyền lực chưa hoàn thiện; vai trò giám sát của nhân dân chưa được phát huy mạnh mẽ... Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu dự hội thảo nêu ý kiến thẳng thắn, làm rõ các vấn đề lý luận và thực tiễn đối với nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay.

Tại hội thảo, các chuyên gia tán thành cao với Ban Chỉ đạo xây dựng đề án về việc cần một tư duy mới trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam nhằm khẳng định, phát huy, tôn vinh, lan tỏa, hiện thực hóa và gia tăng các giá trị của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.  

Các chuyên gia cũng cho rằng, cần quan tâm các yếu tố quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền: Thứ nhất là vấn đề dân chủ, được coi là linh hồn, sinh khí của nhà nước pháp quyền; thứ hai là vấn đề pháp luật, cụ thể là thể chế phát triển; thứ ba là chất lượng công chức trong bộ máy pháp quyền, gồm cả năng lực, đạo đức, phẩm chất, uy tín.

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, nhà nước pháp quyền là giá trị tiến bộ của nhân loại đã được đúc kết và khẳng định qua lịch sử hàng trăm năm. Chủ tịch nước đánh giá cao các nhà khoa học, chuyên gia đã có những đóng góp tâm huyết quan trọng đối với đề án và có sự thống nhất cao về những vấn đề cốt lõi của xây dựng Nhà nước nước pháp quyền ở nước ta. Chủ tịch nước nêu rõ: “Pháp quyền”, “nhà nước pháp quyền” là những giá trị có tính phổ quát trên thế giới, cả trong nghiên cứu lý luận và thực tiễn chính trị, thực tiễn lý luận pháp lý, tinh hoa nhân loại.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội thảo_Ảnh: TTXVN

Theo Chủ tịch nước, những tư tưởng, giá trị phổ biến và tiến bộ của nhà nước pháp quyền đó là: Tư tưởng đề cao vai trò của pháp luật trong tương quan của nó với quyền lực của nhà nước, theo đó, nhà nước phải đặt mình dưới pháp luật, chịu sự ràng buộc của pháp luật. Thứ hai là tư tưởng về chủ quyền nhân dân với tính cách là nguồn gốc tính chính đáng, tính hợp pháp của nhà nước. Thứ ba là đề cao những giá trị công bằng, công lý, quyền con người. Để biến những ý tưởng, tư tưởng, giá trị phổ biến, được thừa nhận chung của nhà nước pháp quyền vào thực tiễn tổ chức và hoạt động của một nhà nước và xã hội, đòi hỏi phải có hiến pháp, có sự thượng tôn hiến pháp. Cùng với đó là tính minh bạch của pháp luật và của việc thực hiện pháp luật; pháp luật phải dễ tiếp cận và được thực hiện kịp thời, thống nhất; pháp luật phải bảo vệ quyền con người, bảo vệ con người... Phải có sự phân quyền, phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực nhà nước, trong đó phải bảo đảm sự độc lập của quyền tư pháp. Phải phân cấp, phân quyền đi liền với phân bổ nguồn lực, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để quản trị tốt, phục vụ nhân dân, đất nước phát triển. Cán bộ, công chức phải là công bộc của dân, lo cho dân, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Chủ tịch nước nêu rõ, ở Việt Nam, những giá trị cốt lõi của nhà nước pháp quyền về chủ quyền nhân dân, về tư tưởng đề cao giá trị công bằng, công lý, quyền con người đã được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh hướng tới từ những ngày đầu lập nước; trở thành tư tưởng xuyên suốt của cách mạng Việt Nam; thể hiện trong nhiều bài viết, bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong Cương lĩnh của Đảng và Hiến pháp của đất nước. Những tư tưởng đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt về xây dựng nhà nước pháp quyền, được thể hiện rõ trong Cương lĩnh 1991, sửa đổi, bổ sung 2011 và đường lối, chính sách sau hơn 30 năm đổi mới và Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Chủ tịch nước khẳng định, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà chúng ta đang nỗ lực xây dựng và hoàn thiện có đầy đủ cơ sở khoa học, lý luận và thực tiễn, là sự vận dụng sáng tạo, hợp lý tri thức về nhà nước pháp quyền của thế giới vào thực tiễn Việt Nam, vừa mang đầy đủ những giá trị phổ quát, chuẩn mực của một nhà nước pháp quyền, vừa mang những nét đặc thù chính trị, kinh tế, văn hóa của Việt Nam. Đó cũng là sự đổi mới tư duy lý luận về nhà nước của Đảng, từ tư duy lý luận về Nhà nước chuyên chính vô sản sang tư duy lý luận Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Theo đó, các đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là: Nhân dân là nguồn gốc, là chủ thể quyền lực của Nhà nước, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa. Nhà nước tôn trọng, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, tôn trọng các cam kết quốc tế với tư cách là một thành viên. Quyền lợi đi liền với nghĩa vụ; dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương...

Quang cảnh hội thảo_Ảnh: TTXVN

Chủ tịch nước nhấn mạnh, qua các văn kiện và tinh thần xây dựng nhà nước pháp quyền, có thể khẳng định, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quy luật phát triển tất yếu của Nhà nước Việt Nam, là nguyện vọng, sự lựa chọn của nhân dân, phù hợp với các xu hướng phát triển của thế giới, của đất nước ta, đã được Đảng ta cân nhắc kỹ để tiếp tục xây dựng, hoàn thiện mô hình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Các tham luận, nội dung thảo luận trong hội thảo đã tập trung vào những vấn đề còn đang chưa rõ, chưa sâu, chưa toàn diện, là nguyên nhân tạo nên những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thời gian qua. Những phân tích, luận giải của các đại biểu là rất thỏa đáng và có tính thuyết phục cao. Chủ tịch nước yêu cầu Tổ Biên tập đề án nghiên cứu, chọn lọc, tiếp thu trong xây dựng đề án./.

Trung Duy (tổng hợp)
Nguồn: https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/thong-tin-ly-luan/-/2018/824526/nhung-van-de-ly-luan-va-thuc-tien-ve-nha-nuoc-phap-quyen-xa-hoi-chu-nghia-viet-nam.aspx
Thong ke

Tiến sĩ Nguyễn Trung Thành

Phạm Trọng Đạt

Tiến sĩ Bùi Hải Thiêm

Tỉ giá hối đoái