Nhà nước kiến tạo phát triển – Từ lý luận đến thực tiễn ở Việt Nam

06:48 29/10/2021

Trước yêu cầu của công cuộc đổi mới và hội nhập toàn diện đất nước hiện nay, việc xây dựng “nhà nước kiến tạo phát triển” ngày càng trở nên bức thiết. Thực tế cho thấy, “nhà nước kiến tạo phát triển” đã từng bước định hình ở Việt Nam, đang tạo công cụ và động lực mới cho phát triển và quản lý đất nước nhanh và bền vững hơn.
Ảnh minh hoạ, nguồn: https://interactive.baodauthau.vn

Từ khóa: “Nhà nước kiến tạo phát triển”; xây dựng “nhà nước kiến tạo phát triển”; nhà nước kiến tạo phát triển Việt Nam

Summarization:

At the request of the country’s comprehensive renovation and interration, the construction of a “Tectonic and developmental State” has become increasingly urgent. The fact that “the tectonic and developmental State” has gradually shaped in Vietnam, is creating new tolls and driving force for faster and sustainable development and management of the country.

Terminology: Tectonic and developmental State; building the tectonic and developmental State; The tectonic and developmental State in Vietnam.

Theo nhà nghiên cứu Chalmers Ashby Johnson [1], nhà nước kiến tạo phát triển là một mô hình quản lý nhà nước, trong đó nhà nước đề ra các chính sách mang tính định hướng phát triển, tạo môi trường và điều kiện cho các thành phần kinh tế phát huy mọi tiềm năng trong môi trường cạnh tranh và hội nhập quốc tế; tăng cường sự phân công, giám sát, phát hiện sự mất cân đối có thể xảy ra, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.

Đồng quan điểm với khái niệm trên, nhiều nhà kinh tế học cho rằng nhà nước kiến tạo phát triển là mô hình phát triển kinh tế phù hợp nhất với các nước công nghiệp hóa muộn/hay có nền công nghiệp kém phát triển. Đây là một mô hình phát triển kinh tế hôn hợp và phức tạp, với các nội dung cơ bản sau:    

Nhà nước nắm vai trò trung tâm trong quá trình phát triển kinh tế

Một nhà nước kiến tạo phát triển phải đưa ra được các chính sách vĩ mô đúng đắn, nắm vai trò chủ đạo trong định hướng nền kinh tế trung và dài hạn. Tuy nhiên, dù nắm vai trò chủ đạo trong định hướng phát triển kinh tế, nhưng nhà nước không làm thay, không can thiệp hay làm hạn chế quyền tự chủ phát triển của các chủ thể khác trong nền kinh tế mà giữ nhiệm vụ kiến tạo phát triển cho các chủ thể đó. Khi đi theo hướng kiến tạo phát triển, nhà nước chi phối về chiến lược đầu tư phát triển. Nhà nước kiến tạo phát triển phải hoạch định được chiến lược phát triển trung và dài hạn, phải phát hiện ra sự mất cân đối của nền kinh tế và điều tiết hài hòa giữa các chính sách kinh tế vĩ mô với sự vẫn động tự nhiên của nền kinh tế, hay nói cách khác là để quy luật cung – cầu quyết định nền kinh tế, tức là nhà nước chỉ định hướng chứ không áp đặt lên nền kinh tế. Để làm được điều đó, nhà nước kiến tạo phát triển cần có những công cụ và chính sách phát triển đặc thù. Trong đó hai công cụ quan trọng, đó là:

Thứ nhất là công cụ tài chính: Nhà nước phải sở hữu và chi phối hệ thống ngân hàng, thông qua các ngân hàng thương mại nhà nước để điều tiết nguồn lực phát triển, tức là thực hiện chắc năng điều hòa tài chính một cách linh động. Mặt khác, chủ động quản lý ngân sách trung ương một cách tập trung, có trọng tâm, trọng điểm (bao gồm cả viện trợ phát triển ODA) để đem lại hiệu quả và hiệu lực trong chính sách và xã hội.

Thứ hai là công cụ doanh nghiệp: Nhà nước phải chi phối hoạt động của một số doanh nghiệp chủ lực trong các ngành kinh tế quan trọng; tập trung vào chính sách công nghiệp với định hướng tập trung mọi nguồn lực để ưu tiên phát triển bằng được các ngành công nghiệp then chốt có tầm quan trọng chiến lược, lâu dài và mang tính động lực phát triển đối với đất nước.

Ngoài hai công cụ cơ bản trên, cần xây dựng một nền hành chính/bộ máy tổ chức hành chính nhà nước kiến tạo phát triển phải tinh gọn, hiệu quả và hiệu lực, đông thời phải mang tính khoa học, linh hoạt. Đội ngũ công chức phải chuyên nghiệp, có tâm – tầm và năng lực thực thi công vụ. Chế độ tuyển dụng công chức phải rõ ràng, minh bạch trển cơ sở rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm. Sự thành bại của chế độ, chính sách phụ thuộc vào nhân tố con người, phụ thuộc và tinh thần trách nhiệm, lòng tự trọng và lương tâm người làm công chức. Muốn xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển, trước tiên lãnh đạo và công chức phải gần dân, lắng nghe dân, phải coi dân là gốc, lấy dân làm trung tâm trong các mối quan hệ biện chứng của sự phát triển xã hội. Tránh tình trạng lãnh đạm trước việc nước, việc dân, hạn chế tối đa tình trạng nhũng nhiễu, cửa quyền và bè phái, lợi ích nhóm. Xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển là do nhân dân, vì nhân dân và đặt lợi ích dân tộc lên làm trọng.

Cần có sự gắn kết chặt chẽ giữa Nhà nước và doanh nghiệp, sự phối hợp nhịp nhành và hài hòa để thực hiện những chương trình phát triển chung trong chính sách công nghiệp, quá trình kiến tạo phát triển phải đặt trọng tâm vào phát triển kinh tế, trong đó mũi nhọn là phát triển công nghiệp làm nền tảng cho sự phát triển của con người.

Nội dung quan trọng của một nhà nước kiến tạo phát triển là tạo mối liên hệ chặt chẽ giữa doanh nghiệp, nhà nước và người lao động nhằm đạt được các mục tiêu phát triển vĩ mô, bảo đảm lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp và an sinh xã hội cho người lao động đồng thời tối đa hóa phúc lợi xã hội. Muốn thực hiện được các mục tiêu ấy, nhà nước kiến tạo phát triển vừa làm công tác hoạch định các chính sách kinh tế vĩ mô, vừa làm công tác định hướng, hỗ trợ và tạo động lực để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư cho sản xuất kinh doanh. Phải xây dựng và giữ vững được lòng tin của nhân dân, của doanh nghiệp để từ đó huy động được mọi nguồn lực dư nhàn tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh, xây dựng đất nước, xây dựng mối liên hệ bền vững giữa các chủ thể trong nền kinh tế.

Hệ thống chính sách và pháp luật hoàn chỉnh

Với bất kỳ một nhà nước nào, hệ thống chính sách và luật pháp cũng rất quan trọng. Đặc biệt với nhà nước kiến tạo phát triển, quá trình hoàn thiện thể chế và luật pháp rất cần thiết cho sự phát triển bền vững của một quốc gia, nhất là khi nhà nước có sự can thiệp trong quá trình phát triển của nền kinh tế. Nhà nước kiến tạo phát triển cần xây dựng một hệ thống chính sách sắc bén, hiệu quả và luật pháp cụ thể, rõ ràng và ổn định, thông qua các văn bản pháp luật, các quy định, nghị định… Hệ thống chính sách và luật pháp của nhà nước kiến tạo phải thường xuyên được hoàn thiện, sửa đổi bổ sung cho phù hợp với những yêu cầu mới của xã hội đặt ra, nhưng không làm hạn chế sự phát triển của các chủ thể trong xã hội. Hệ thống pháp luật của nhà nước kiến tạo phát triển không chỉ là công cụ bảo đảm sự tuân thủ luật pháp, mà còn là sự định hướng, hướng dẫn thực hiện đúng và tốt các vấn đề phức tạp của xã hội.

Ngoài hệ thống công cụ, tổ chức bộ máy và con người, trong xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển còn có những nội dung quan trọng khác, như: Sự quyết tâm và kiên định của các cấp lãnh đạo nhà nước, của cả hệ thống chính trị; năng lực của quản lý, lãnh đạo, điều tiết các linh vực kinh tế, xã hội, môi trường cũng như cân bằng tốc độ phát triển giữa thành thị và nông thông, giữa các vùng miền.

Xét trên phương diện lý luận cũng như thực tiễn chủ trương, chính sách và sự vận hành của nền kinh tế, Việt Nam đang phát triển kinh tế theo lý thuyết của nền kinh tế tổ hợp [3], trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo [4], kinh tế tư nhân là động lực phát triển của nền kinh tế [5]. Tuy nhiên, để xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển ở Việt Nam, cần tập trung vào những nội dung sau:

Thứ nhất, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 thành các đạo luật, chính sách trên tinh thần bảo vệ lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia và phù hợp với thông lệ quốc tế, hiệp định song phương, đa phương đã cam kết. Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của dân, do dân và vì dân, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, đồng thời thực hiện nguyên tắc mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội đều bình đẳng trước pháp luật. Chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa và độc lập trong công tác xây dựng pháp luật cũng như giám sát việc thực thi pháp luật trên thực tế, qua đó phát hiện những mất cân đối trong thực thu chính sách, nền kinh tế đề điều tiết cho hiệu quả, linh hoạt, bảo vệ các thành phần xã hội trong xây dựng và thực thi chính sách. 

Thứ hai, tinh gọn bộ máy hành chính nhà nước trên cơ sở phân công, phân cấp, phân quyền có sự kiểm soát, tăng cường và phát huy vài trò người đúng đầu, tạp sự chủ động cũng như tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình và tính hiệu quả, hiệu lực của bộ máy nhà nước.

Thứ ba, xây dựng đội ngũ công chức phải chuyên nghiệp, có tinh thần trách nhiệm, có lòng tự trọng, lương tâm và năng lực thực thi công vụ. Cán bộ phải gần dân, lắng nghe dân, phải coi trọng dân. Thực hiện chế độ tuyển dụng công chức phải rõ ràng, minh bạch trên cơ sở rõ người, rõ việc và rõ trách nhiệm, đúng chuyên môn.

Thứ tư, nhà nước thực hiện quản trị ngân sách trung ương một cách tập trung, có trọng tâm, trọng điểm (bao gồm cả viện trợ phát triển ODA) để đem lại hiệu quả và hiệu lực trong phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng lòng tin và chính sách nhất quán để huy động mọi nguồn lực trong dân, trong xã hội tham gia vào quá trình phát triển đất nước. Mặt khác, nhà nước phải sở hữu và chi phối hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước để điều tiết nguồn lực tài chính một cách linh hoạt, hiệu quả.

Thứ năm, rà soát và tập trung xây dựng các ngành kinh tế chủ đạo và công nghiệp mũi nhọn, qua đó tạo động lực lan tỏa cho nền kinh tế phát triển minh bạch, bền vững; không ngừng nâng cao tính cạnh tranh, sự bình đẳng của các thành phần kinh tế trông xã hội. Phát triển kinh tế đi đôi với đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội, cũng như bảo tồn và phát triển hệ sinh thái tự nhiên.

Thứ sáu, để xây dựng và phát triển rất cần sự nhất quán của cả hệ thống chính trị, nhất là những nhà lãnh đạo và sự đồng hành của doanh nghiệp trong việc kiên định bằng được mục tiêu đã đặt ra. Xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển trên cơ sở nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tất cả vì nhân dân và vì xã hội , bình đẳng trước pháp luật.

-------------------------------

Tài liệu tham khảo

[1] Chalmers Ashby Johnson đưa ra khái niệm về Nhà nước kiến tạo và phát triển từ năm 1982, khi ông nghiên cứu về sự phát triển thần kỳ của Nhật Bản.

[2] Lý thuyết về nền kinh tế hỗn hợp của P.A.Samuelson    

[3] Điều 51 Hiến pháp năm 2013

[4] Văn kiện Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam

Nguyễn Trung Thành 

Tạp chí Nội chính – Ban Nội chính Trung ương, số 48 - tháng 9/2017

Thong ke

Tiến sĩ Nguyễn Trung Thành

Phạm Trọng Đạt

Tiến sĩ Bùi Hải Thiêm

Tỉ giá hối đoái