Một số nội dung về xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công

08:43 14/09/2022

Vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công và xác định vụ việc tham gia tố tụng thành công là những vấn đề pháp lý mới, do đó bài viết đưa ra một số nội dung về vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công và việc xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công để cùng tìm hiểu, nghiên cứu.

1. Vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công
a. Khái niệm vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công
Thuật ngữ vụ việc trợ giúp pháp lý (TGPL) tham gia tố tụng thành công được sử dụng lần đầu tại một số công văn hành chính của Cục Trợ giúp pháp lý[1] và lần đầu tiên được quy định tại văn bản quy phạm là Thông tư số 03/2021/TT-BTP, có hiệu lực kể từ ngày 15/7/2021. Tuy nhiên, văn bản này chưa quy định cụ thể thế nào là vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công.
Qua nghiên cứu và từ thực tiễn, có thể tóm lược vụ việc trợ giúp pháp lý thành công trong tố tụng có các đặc điểm sau đây:
Trước mắt, vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công phải đáp ứng các đặc điểm của vụ việc trợ giúp pháp lý thông thường:
+ Về nội dung vụ việc: Vụ việc có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý.
+ Về người được trợ giúp pháp lý: Người được trợ giúp pháp lý phải thuộc một trong 14 diện người được trợ giúp pháp lý theo quy định tại Điều 7 của Luật Trợ giúp pháp lý 2017.
+ Về lĩnh vực trợ giúp pháp lý: Vụ việc có thể thuộc các lĩnh vực pháp luật dân sự, hình sự, hành chính... nhưng không thuộc lĩnh vực kinh doanh, thương mại.
+ Về tổ chức thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý: Vụ việc do Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý (bao gồm tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý và tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý) thực hiện.
+ Về người thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý: Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước, luật sư của tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý.
+ Về quy trình thủ tục thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý: được thụ lý và thực hiện bởi tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý theo đúng quy định của pháp luật trợ giúp pháp lý.
+ Hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý: Được lập và quản lý theo đúng quy định của pháp luật trợ giúp pháp lý.
+ Mục tiêu của thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý: là bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật.
Bên cạnh các đặc điểm của vụ việc trợ giúp pháp lý thông thường, các vụ việc TGPL tham gia tố tụng thành công còn có các đặc điểm riêng, cụ thể:
+ Vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công phải là vụ việc trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng.
+ Vụ việc TGPL tham gia tố tụng thành công phải là vụ việc trợ giúp pháp lý được xác định là kết thúc (vụ việc trợ giúp pháp lý được xác định kết thúc khi thuộc các trường hợp quy định tại Điều 10 Thông tư số 12/2018/TT-BTP).
+ Phải đáp ứng nguyên tắc chung và các tiêu chí xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công. Các tiêu chí này đánh giá kết quả cuối cùng của vụ việc trên cơ sở nguyên tắc chung là quan điểm của người thực hiện trợ giúp pháp lý được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chấp nhận một phần hoặc toàn bộ theo hướng có lợi cho người được trợ giúp pháp lý trên cơ sở quy định của pháp luật.
+ Được xác định bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công.
+ Kết quả xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công được thể hiện bằng văn bản và lưu hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý.
b) Vai trò của việc xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công
Một là, việc xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công nhằm có giải pháp bảo đảm và nâng cao chất lượng, hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý. Thông qua việc xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng có thành công hay không, người thực hiện trợ giúp pháp lý, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, Sở Tư pháp, Cục Trợ giúp pháp lý sẽ có các giải pháp để bảo đảm, nâng cao hiệu quả vụ việc trong phạm vi quản lý.
Hai là, việc đánh giá vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công nhằm vinh danh, khích lệ đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý thực hiện nhiều vụ việc trợ giúp pháp lý thành công. Đồng thời, tạo cơ hội trao đổi nghiên cứu, tham khảo nhằm tích lũy, trao đổi thêm kinh nghiệm thực hiện các vụ việc trợ giúp pháp lý trong tố tụng, qua đó góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý.
Ba là, việc đánh giá vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công nhằm giúp cơ quan có thẩm quyền đánh giá rà soát năng lực, kỹ năng của người thực hiện trợ giúp pháp lý, từ đó lên kế hoạch tăng cường đào tạo, tập huấn kỹ năng trợ giúp pháp lý cho phù hợp.
Bốn là, qua vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công có thể lựa chọn những vụ việc thành công mang tính điển hình, nổi trội để thực hiện truyền thông về hiệu quả của hoạt động trợ giúp pháp lý, qua đó nâng cao uy tín, vị trí, vai trò cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý trong dịch vụ pháp lý nói chung.

2. Các nguyên tắc và các tiêu chí xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công

Trong thời gian qua, để xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công, Cục Trợ giúp pháp lý đã ban hành các Công văn hướngdẫn Công văn số 427/CTGPL-TC&QLCL ngày 16/10/2020, Công văn số 98/CTGPL-TC&QLCL ngày 16/3/2021). Qua thực hiện việc báo cáo vụ việc thành công, hiệu quả theo yêu cầu của Cục Trợ giúp pháp lý nêu trên, các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước đều thể hiện sự đồng tình, ủng hộ và phản ánh, đóng góp tích cực vào các tiêu chí này. Theo đó, tính từ ngày 01/01/2018 (thời điểm Luật TGPL năm 2017 có hiệu lực) đến ngày 31/12/2021, toàn quốc có 16.441 vụ việc thành công, hiệu quả, trong đó số vụ việc tham gia tố tụng thành công, hiệu quả do Trợ giúp viên pháp lý thực hiện là 13.751 vụ việc (chiếm 83,6%).
Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 03/2021/TT-BTP ngày 25/5/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2017/TT-BTP ngày 15/11/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý và hướng dẫn giấy tờ trong hoạt động trợ giúp pháp lý; Thông tư số 12/2018/TT-BTP ngày 28/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn một số hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và quản lý chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý (sau đây viết tắt là Thông tư số 03/2021/TT-BTP). Thông tư này quy định về vấn đề đánh giá vụ việc trợ giúp pháp lý thành công trong tố tụng và giao Bộ Tư pháp hướng dẫn về các tiêu chí xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công. Triển khai nội dung này, Bộ Tư pháp đã nghiên cứu xây dựng và ban hành các Tiêu chí xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công (Quyết định số 1179/QĐ-BTP ngày 16/5/2022) làm cơ sở để địa phương xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công. Quyết định đưa ra nguyên tắc chung và 30 tiêu chí xác định vụ việc trợ giúp pháp lý thành công trong hình sự, dân sự và hành chính, cụ thể:
Nguyên tắc chung xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công:
Quyết định đưa ra các nguyên tắc chung khi xác định vụ việc TGPL tham gia tố tụng thành công như sau:
- Vụ việc TGPL tham gia tố tụng thành công phải là vụ việc trợ giúp pháp lý kết thúc.
- Thực hiện trợ giúp pháp lý trong vụ việc mà quan điểm của người thực hiện trợ giúp pháp lý khác với quan điểm của một trong các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng và được chấp nhận một phần hoặc toàn bộ theo hướng có lợi cho người được trợ giúp pháp lý trên cơ sở quy định pháp luật.
Các tiêu chí xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công trong lĩnh vực hình sự:
Các tiêu chí xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công trong lĩnh vực hình sự gồm 19 tiêu chí, được phân loại theo tư cách của người được trợ giúp pháp lý khi tham gia tố tụng hình sự và các giai đoạn tố tụng như sau:
- Thực hiện trợ giúp pháp lý cho người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố hoặc bào chữa cho người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ (01 tiêu chí).
- Thực hiện trợ giúp pháp lý cho bị can, bị cáo (07 tiêu chí).
- Thực hiện trợ giúp pháp lý cho bị hại (07 tiêu chí).
- Thực hiện trợ giúp pháp lý cho nguyên đơn dân sự trong vụ án hình sự (01 tiêu chí)
- Thực hiện trợ giúp pháp lý cho bị đơn dân sự trong vụ án hình sự (01 tiêu chí).
- Thực hiện trợ giúp pháp lý cho người có quyền và nghĩa vụ liên quan (01 tiêu chí).
- Thực hiện trợ giúp pháp lý theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm (01 tiêu chí).
Các tiêu chí xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công trong lĩnh vực dân sự:
Các tiêu chí xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công trong lĩnh vực dân sự gồm 07 tiêu chí, được phân loại theo tư cách của người được trợ giúp pháp lý trong khi tham gia tố tụng dân sự và các giai đoạn tố tụng như sau:
- Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, giúp người được trợ giúp pháp lý được bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp khi hòa giải (01 tiêu chí).
- Vụ việc được Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo đề nghị của người thực hiện trợ giúp pháp lý mà có lợi cho người được trợ giúp pháp lý (01 tiêu chí).
- Thực hiện trợ giúp pháp lý cho nguyên đơn (01 tiêu chí).
- Thực hiện trợ giúp pháp lý cho bị đơn (01 tiêu chí).
- Thực hiện trợ giúp pháp lý cho người yêu cầu việc dân sự (01 tiêu chí)
- Thực hiện trợ giúp pháp lý cho người có quyền và nghĩa vụ liên quan (01 tiêu chí).
- Thực hiện trợ giúp pháp lý theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm (01 tiêu chí).
Các tiêu chí xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công trong lĩnh vực hành chính:
Các tiêu chí xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công trong lĩnh vực hành chính: có 04 tiêu chí, được phân loại theo tư cách của người được trợ giúp pháp lý trong khi tham gia tố tụng hành chính và các giai đoạn tố tụng như sau:
- Trước khi mở phiên tòa, giúp người được trợ giúp pháp lý được bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp khi đối thoại thành và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án (01 tiêu chí).
- Thực hiện trợ giúp pháp lý cho người khởi kiện (01 tiêu chí).
- Thực hiện trợ giúp pháp lý cho người có quyền và nghĩa vụ liên quan (01 tiêu chí).
- Thực hiện trợ giúp pháp lý theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm (01 tiêu chí).
3. Chủ thể, phạm vi, đối tượng thực hiện xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công
Chủ thể thực hiện xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công:
Tổ chức thực hiện việc xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công bao gồm:
Theo quy định tại Thông tư số 03/2021/TT-BTP thì cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công bao gồm:
+ Cục Trợ giúp pháp lý – Bộ Tư pháp.
+ Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
+ Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý (Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý bao gồm tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý và tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý).
- Người thực hiện việc xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công:
Hiện nay, không có quy định về người thực hiện việc xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công. Tuy nhiên, người thực hiện trợ giúp pháp lý trong các vụ việc tham gia tố tụng hiện nay được quy định tại Luật Trợ giúp pháp lý và các Bộ luật, luật về tố tụng, bao gồm:
+ Trợ giúp viên pháp lý;
+ Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo hợp đồng với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước;
+ Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo phân công của tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý.
Để vụ việc tham gia tố tụng được đánh giá bảo đảm khách quan, đúng tiêu chí và phù hợp quy định của pháp luật, người thực hiện xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công phải là người có trình độ kiến thức, kinh nghiệm nghiệp vụ từ ngang bằng trở lên với người thực hiện trợ giúp pháp lý trong các vụ việc tố tụng. Do đó, người thực hiện việc đánh giá vụ việc trợ giúp pháp lý thành công cũng có thể là người thực hiện trợ giúp pháp lý của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý nơi mình công tác (bao gồm Trợ giúp viên pháp lý; luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý) hoặc người có trình độ tương đương được tổ chức, cơ quan có thẩm quyền xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công mời. Ngoài ra, khi cần thiết, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công cũng có thể mời thêm những người có liên quan khác tham gia như điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, người được trợ giúp pháp lý... trong vụ việc.
Phạm vi xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công
Tùy từng chủ thể thực hiện sẽ có phạm vi khác nhau, cụ thể:
+ Cục Trợ giúp pháp lý - Bộ Tư pháp có trách nhiệm thực hiện quản lý và tổ chức đánh giá hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng của các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý trong phạm vi toàn quốc.
+ Sở Tư pháp có trách nhiệm quản lý và tổ chức đánh giá hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng của các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý trong phạm vi địa phương.
+ Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm tổ chức đánh giá hiệu quả vụ việc TGPL tham gia tố tụng của tổ chức mình.
Căn cứ vào yêu cầu thực tiễn của công tác quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý, tham gia tố tụng để xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công, trong đó xác định phạm vi; tỷ lệ vụ việc; cách thức tiến hành đánh giá và các điều kiện cần thiết khác (nếu có).
- Đối tượng xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công
Vụ việc trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng và được xác định là đã kết thúc. Theo Điều 10 Thông tư số 12/2018/TT-BTP ngày 26/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn về một số hoạt động nghiệp vụ TGPL và quản lý chất lượng vụ việc TGPL quy định vụ việc trợ giúp pháp lý kết thúc khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

> Thực hiện xong yêu cầu hợp pháp của người được TGPL theo hình thức TGPL thể hiện trong đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý.

> Thuộc một trong các trường hợp không tiếp tục thực hiện vụ việc TGPL quy định tại khoản 1 Điều 37 của Luật Trợ giúp pháp lý.

> Bị đình chỉ theo quy định của pháp luật.

Tùy thuộc vào thẩm quyền của cơ quan, tổ chức đánh giá mà phạm vi vụ việc trợ giúp pháp lý được đánh giá, xác định sẽ khác nhau, cụ thể theo quy định tại Thông tư số 03/2021/TT-BTP thì:
* Đối với Cục Trợ giúp pháp lý:
Cục Trợ giúp pháp lý thực hiện việc đánh giá hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý để xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công dựa trên một trong các căn cứ sau đây[2]:

> Vụ việc theo chương trình, kế hoạch đánh giá hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý.

> Vụ việc do Cục Trợ giúp pháp lý nắm bắt được qua hoạt động theo dõi, kiểm tra hoạt động đánh giá hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý của địa phương.

> Vụ việc khác để phục vụ công tác quản lý nhà nước và quản lý chuyên ngành về trợ giúp pháp lý.

* Đối với Sở Tư pháp:
Sở Tư pháp thực hiện việc đánh giá hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý để xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công dựa trên một trong các căn cứ sau đây[3]:

> Vụ việc theo chương trình, kế hoạch đánh giá hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý.

Các vụ việc này có thể là tất cả cũng có thể là lựa chọn theo người thực hiện, theo lĩnh vực hay theo nhóm đối tượng được trợ giúp pháp lý.v.v.

> Vụ việc đã được tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý đánh giá hiệu quả bị phản ánh, kiến nghị với Sở Tư pháp vì cho rằng vụ việc trợ giúp pháp lý chưa bảo đảm hiệu quả.

> Vụ việc khác để phục vụ công tác quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý tại địa phương.

* Đối với các Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý:
Các vụ việc mà tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý đánh giá hiệu quả để xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công là tất cả (100%) các vụ việc tham gia tố tụng do tổ chức thực hiện đã kết thúc./.

Trịnh Thị Thanh - Cục Trợ giúp pháp lý

[1] Công văn số 427/CTGPL-TC&QLCL ngày 16/10/2020, Công văn số 98/CTGPL-TC&QLCL ngày 16/3/2021
[2] Khoản 9 Điều 2 Thông tư số 03/2021/TT-BTP
[3] Khoản 9 Điều 2 Thông tư số 03/2021/TT-BTP
Nguồn: https://tgpl.moj.gov.vn/
Thong ke

Tiến sĩ Nguyễn Trung Thành

Phạm Trọng Đạt

Tiến sĩ Bùi Hải Thiêm

Tỉ giá hối đoái